Vinamon: Cùng đoàn với nhà văn Trần Nhương mà Vinamon giới thiệu trước đây, nhà văn Tô Đức Chiêu có bài viết theo góc nhìn riêng về đất nước, con người thảo nguyên rất tình nghĩa sau đây. Xin giới thiệu cùng các bạn.
Miền đất “cực lạc”
Anh Amara vẫn hát. Là sinh viên tốt nghiệp Đại học Sư phạm những năm thập kỷ tám mươi ở Liên Xô, giờ đây lái xe cho đoàn Việt Nam anh tỏ ra rất vui. Thỉnh thoảng chúng tôi nói chuyện với nhau bằng tiếng Nga. Con “tuấn mã” mới coong của anh sản xuất ở Nhật Bản và anh mua ở Ulanbato hết mười lăm ngàn đô la Mỹ. Xe này ở Hà Nội chắc chắn phải năm mươi ngàn đô.
Con đường độc đạo vắt vẻo tít tắp chân trời. Đồng cỏ nối tiếp nhau trùng trùng bất tận. Tới Mongon, chúng tôi bàng hoàng trước cảnh thiên nhiên khi ánh nắng mặt trời vàng rực như là mật ong pha loãng. Phía trước là những dải đồi cao dần lên chấm sát những vầng mây đang bay. Ngọn cỏ về già tự nhiên có màu sáng bạc lơ phơ óng ánh như đang gắng sức phát sáng thi thố với chiều về bảng lảng. Hai bên những vạt lúa mì lượn sóng qua những mỏm cao mất hút vào chốn xa xăm rã rời tầm mắt.
Anh Dashtsevel giới thiệu:
- Nơi này trước đây là nông trường quốc doanh. Cơ sở kinh tế ấy giờ đây đã được tư nhân hóa và đang phát huy vai trò cung cấp lương thực thực phẩm cho cả vùng.
Chẳng biết có phải do được sinh ra trên miền đất cực lạc như thế này hay không mà người Mongolia xưa luôn có khái niệm hội nhập toàn thế giới. Tấm bản đồ đế chế Mongolia thế kỉ thứ 13 treo ở Bảo tàng Cách mạng cho thấy biên giới đất nước gồm toàn bộ Mongolia và Trung Quốc hôm nay, toàn bộ vùng Trung Á và Cận Đông, toàn bộ vùng nam Nga từ Siberia tới Ukraine, Belarus, Ba Lan, Hungary... Vó ngựa các chiến binh Mongolia rõ ràng luôn phi nước đại và không biết đâu là bến là bờ. Năm trước tôi có dịp tới thăm thành phố Xuzơdan ở miền Trung nước Nga. Nhà bảo tàng thành phố vẫn treo những bức tranh miêu tả những cơn bão táp khi võ ngựa Mongolia tràn qua để phi mãi về hướng đông. Đại Việt không nằm trong bản đồ này. Người Mongolia cho rằng những chiến binh kì vĩ của họ có tràn vào Đại Việt nhưng cả ba lần đều phải rút về vì khí hậu ẩm ướt và sông ngòi trùng điệp.
Xe bon hàng trăm cây số vẫn tỉnh Sêlinh. Vẫn đồng cỏ nối tiếp đồng cỏ. Hết vùng đất đai trồng lúa mì là những đàn cừu, đàn dê, đàn ngựa và có một lần chúng tôi thấy đàn bò tót, không đông lắm, lông rất dài, được những người chăn nuôi thuần hóa nên chúng cũng đủng đỉnh trên những dẻo sườn đồi. Ánh nắng bỗng chói sáng và con đường độc đạo rải nhựa như treo ngược lên trời thì đoàn khách gặp chủ nhân ra đón. Đó là chủ tịch một huyện của Sêlinh. Dashtsevel giới thiệu. Chủ và khách bắt tay nhau. Chúng tôi rời đường trục chạy theo các dải đồi. Đường giờ đây hoàn toàn là vết mòn trên cỏ.
Người ta đi lắm thì thành đường thôi! – Chính Lỗ Tấn đã nói vậy. Hết cánh đồng cỏ này sang cánh đồng cỏ khác, hết dải đồi này sang dải đồi khác, ba mươi nhăm hay năm mươi cây số chẳng rõ nữa, qua một con suối nhỏ, hơn một giờ đồng hồ sau mới thấy xa xa, chìm trong màu xanh của cỏ và của rừng, những mái lều màu trắng bạc. Xe chạy về phía đó và dừng ngay trước cổng ra vào. Một số người ở trong đi ra. Lúc này chúng tôi mới hiểu đây là khu nghỉ dưỡng Barun Buren vì nằm trên huyện Barun Buren. Các chủ tịch huyện đang kì nghỉ dưỡng và tập trung tại đây đón đoàn nhà văn Việt Nam . Họ đều đã sang thăm Việt Nam và đều có nhiều ấn tượng sâu sắc về đất nước, con người Việt Nam .
Xôn xao đồng cỏ
Chúng tôi được giao chìa khóa hai người một lều. Sàn lều bằng gỗ thông có đường kính chừng 6 mét. Thành chung quanh đầu tiên là lớp nan gỗ đan chéo nhau khá chắc rồi bọc bằng lông cừu được nén thật chặt như kiểu cốt bông cho những tấm áo rét của phụ nữ nông thôn Việt Nam ngày xưa. Dịch giả Thúy Toàn năm ngoái sang Mongolia đã được chứng kiến cách làm cột bọc lều của họ.
Lông cừu trải ra thành lớp rất dày rồi dùng trục đá do ngựa kéo lăn đi lăn lại cho dính ép vào nhau còn chừng độ 5cm không thể nào ép thêm được nữa mới dùng vải bọc ra ngoài. Mái dốc cũng được lợp bằng chất liệu như thế. Ba lớp dây buộc thành đai ngoài lều cũng dệt bện bằng lông cừu, lông dê và lông ngựa.
Mỗi lều có hai giường cá nhân, hai tủ nhỏ, một bàn nhỏ như kiểu để uống nước và đặc biệt không thể thiếu là một lò sưởi có ống thông khói vượt khỏi chóp lều. Trời đã tối. Lại lác đác mưa. Anh em rửa ráy ở nhà công cộng phía cuối khu nghỉ dưỡng về ai cũng bị lạnh. Giám đốc khu nghỉ là ông Amabayaganlan cho người phục vụ nhóm các lò sưởi. Hơi ấm lan ra thật dễ chịu.
Bữa ăn với những ai không quen luôn luôn là thử thách. Chủ nhà quý khách luôn thết những món dân tộc quý giá có xuất xứ lâu đời của Mongolia . Ở Hội Hữu nghị với các dân tộc hôm trước người ta mời chúng tôi món Potức khá độc đáo. Những viên đá cuội nhẵn nhụi được lựa chọn từ trước đốt vào lửa cho thật nóng rồi trộn vào với thịt cừu cùng vài ba thứ gia vị gì đó. Tất cả được nhét chặt căng trong cái dạ dày dê rồi mới hấp cách thủy. Thịt được độ nóng từ bên ngoài truyền vào cùng với độ nóng từ đá tỏa ra ở bên trong. Người ta đặt những dạ dày dê ấy vào mâm hay khay lớn đem tới bàn trước mặt khách. Mũi dao nhọn sắc rạch cái dạ dày ấy và thịt được mở ra múc vào từng đĩa. Đĩa thịt nào cũng nhất thiết phải có viên đá, hai hay ba viên càng tốt và khách hãy vỗ lấy viên đá ấy, xoa xoa vào lòng bàn tay, nóng bỏng, sạch bong, để tan đi những vết bẩn hay ám bụi trước khi đụng vào thịt.
Người Mongolia xưa phi ngựa trên thảo nguyên, cầm nắm tới bất cứ vật gì, trước khi ăn đều gột rửa sự trần tục bằng hòn đá ấy và dù có rét cứng thì đá cũng sưởi cho những ngón tay mềm lại trước khi đón từng tảng thịt.
Khách đến Mongolia chủ yếu là tìm hiểu về sa mạc và thảo nguyên. Chúng tôi chưa có điều kiện tới sa mạc Gôbi ở phía nam thì lên phía bắc với đồng cỏ. Chị Chủ tịch huyện Nara còn trẻ giới thiệu say sưa về huyện của mình và thông báo ngày mai có những buổi tập rượt cho ngày hội Nađôm sẽ diễn ra vào 3 ngày tiếp theo.
Chúng tôi ăn uống và bảo nhau cố nghỉ ngơi cho tốt để ngày mai theo các đoàn ngựa phi trên đồng cỏ. Nhưng hôm sau ngựa chưa vào cuộc tỉ thí mà mới chỉ tập dượt. Tuy vậy, với đoàn khách Việt Nam , đã là dấu ấn có một không hai trong đời về thảo nguyên nước bạn. Xa tít kia là rặng núi thấp có tên Barun Buren nên huyện cũng lấy tên như vậy.
Những cánh rừng hàn đới xen kẽ. Những bãi cỏ nối tiếp nhau chạy dài. Bất ngờ, từ chân trời xuất hiện một đoàn ngựa do những tay kỵ mã dũng mãnh điều khiển như những chấm đen lao vút tới. Rõ dần. Rồi tiếng vó dồn dập. Tiếng ngựa hí vang vang. Tiếng kỵ sĩ hò reo thúc giục. Lại tốp khác. Có khi chỉ hai ngựa hay ba ngựa hoặc một ngựa. Họ chỉ làm nhiệm vụ tập luyện. Ôtô đuổi theo. Để đón đường chụp ảnh. Nhưng không thể kịp và còn do thảo nguyên mênh mông, ngựa đặt vó nơi nào là đường ở đó. Tôi phát hiện ra một vệt mòn chạy dài từ cánh đồng cỏ bên kia đưa lại liền mang máy ảnh ra đón.
Một chấm đen tít tắp hiện ra. Rồi ngựa phi tới. Tôi kinh ngạc thấy chàng kỵ sĩ chỉ là cháu bé chừng mười một, mười hai tuổi. Người ta bảo khi thi ngựa có lứa một tuổi, lứa hai tuổi, cho tới sáu và tám tuổi. Nhưng đây là tính theo tuổi ngựa. Còn tuổi người thì năm hay sáu tuổi cho tới khi không ngồi trên lưng ngựa được nữa đều có thể dự thi. Và bình đẳng. Và tranh giành nhau khốc liệt. ở đây trẻ em bốn tuổi đã có thể một mình cưỡi trên lưng ngựa!
Buổi sáng hôm ấy trên đồng cỏ huyện Barun Buren xôn xao. Các chủ tịch huyện cùng với đoàn Việt Nam lượn đi lượn lại đuổi theo những đoàn ngựa. Cuộc tỉ thí bắt đầu vào ngày mai trong khi theo chương trình chúng tôi chẳng còn ở đây nữa. Chia tay sao mà lưu luyến. Các chủ tịch huyện cùng giám đốc khu nghỉ dưỡng có tên Barun Buren Camp đứng bên xe ôtô chia tay khách Việt Nam . Tôi phỏng vấn rất nhanh và được biết khu Barun Buren Camp thành lập từ năm 1995. Trước đó ông giám đốc 62 tuổi này đã có nhiều năm làm ở công ty du lịch Ulanbato. Với 29 lều ở và hai lều ăn, khách tới đây chủ yếu từ Pháp, ý, Đức, Tây Ban Nha, Nhật, Hàn, Mỹ... Chúng tôi là đoàn khách Việt Nam đầu tiên.
Gần 2 giờ sau xe ra tới đường trục trải nhựa, hình bóng các đoàn kỵ mã trên thảo nguyên vẫn bám riết theo chúng tôi.
Tô Đức Chiêu
(Còn nữa)
0 nhận xét:
Đăng nhận xét