Nội lực nằm ở cơ chế
Vân Cầm
Cụm từ “phát huy nội lực” lại được sử dụng nhiều trong thời gian qua khi khủng hoảng kinh tế toàn cầu làm mọi biến số dựa vào các quan hệ đầu tư, ngoại thương với bên ngoài đang thay đổi khó lường. Tuy nhiên, thế nào là “phát huy nội lực” và làm thế nào để “phát huy nội lực” vẫn chưa được làm rõ.
Bấy lâu nay khi nói “phát huy nội lực” người ta thường nghĩ đến chuyện tận dụng các nguồn lực trong nước để so sánh với “ngoại lực” như vốn đầu tư, công nghệ, nhân lực từ bên ngoài. Trong buổi nói chuyện với Trung tâm Kinh tế Việt Nam-châu Á Thái Bình Dương (VAPEC) và TBKTSG vào tuần trước, GS Trần Văn Thọ (Đại học Waseda, Nhật Bản) đã ngẫu nhiên đề cập đến nội lực mà theo ông chính là năng lực xã hội của một quốc gia. Theo ông, ngoại lực là công nghệ, tư bản và tri thức.
Nên chăng có thể đẩy cách hiểu này thêm một bước nữa, rằng với tư bản chẳng hạn, dù đó là nguồn vốn của người dân trong nước hay từ đầu tư nước ngoài, đều được xem là ngoại lực. Dòng vốn này, nếu được sử dụng đúng đắn thì dù từ trong hay ngoài nước, đều có lợi cho nền kinh tế và, ngược lại, nếu đầu tư không đúng chỗ như dòng vốn chảy vào thị trường địa ốc hay chứng khoán như năm ngoái, đều gây tác hại như nhau. Nói cách khác, với công nghệ như một ví dụ khác, dù là công nghệ trong nước hay nước ngoài, nếu có môi trường thuận lợi chúng tự khắc đều sẽ được phát huy tác dụng như nhau (dĩ nhiên là với chi phí khác nhau và hiệu quả cũng khác nhau).
Trở lại khái niệm “năng lực xã hội” với nghĩa “nội lực”, GS Trần Văn Thọ cho rằng chúng gồm các yếu tố cấu thành là lãnh đạo chính trị, quan chức, doanh nhân, lao động, và trí thức. Phát huy nội lực hiểu theo nghĩa tăng cường năng lực xã hội là làm sao tạo ra cơ chế để các yếu tố này kết thành một khối mạnh với mỗi thành tố làm đúng vai trò của mình.
Vai trò và phẩm chất cần thiết cho mỗi thành tố thì ai cũng rõ như trí thức chẳng hạn phải biết phản biện xã hội và đóng vai trò dẫn dắt xã hội; vấn đề là làm sao đạt được mục tiêu này. Đây chính là mấu chốt của vấn đề “phát huy nội lực” ở nước ta.
Lâu nay, nói “phát huy nội lực”, người ta chỉ dừng lại ở góc cạnh kinh tế như tạo môi trường kinh doanh sao cho người dân bỏ vốn ra làm ăn, thu hút người tài để tạo nguồn nhân lực mạnh từ trong nước… Nếu trước đây Việt Nam chú trọng đến xuất khẩu, coi đó là động lực chính để phát triển kinh tế thì “phát huy nội lực” chỉ nhắm đến chuyện trở về thị trường nội địa để tránh rủi ro. Khi thấy dòng vốn đầu tư gián tiếp từ bên ngoài chảy vào gây biến động trên thị trường tài chính, người ta nghĩ ngay đến “phát huy nội lực” theo nghĩa huy động vốn từ trong nước, thay chỗ cho dòng vốn này.
Nhưng nếu nhìn nội lực như yếu tố tổng hợp làm nên năng lực xã hội, rõ ràng không thể chỉ giới hạn trong các biện pháp kinh tế để phát huy chúng. Cần có một cuộc cải cách toàn diện, tạo một cơ chế trong đó doanh nhân không thể đi đêm với quan chức để hưởng lợi từ quan hệ mà phải bươn chải tìm cách cạnh tranh lành mạnh để làm ra lợi nhuận. Với giới quan chức, không thể trông đợi có một tầng lớp cán bộ ưu tú, có ý thức phục vụ cao nếu không thay đổi cơ chế tuyển chọn, chế độ lương bổng, thăng tiến. Lãnh đạo cũng khó lòng sử dụng người tài cho bộ máy hành chính nếu vẫn bị trói tay bằng các cơ chế lỗi thời, trùng lắp.
Từng thành tố này riêng rẽ cũng khó lòng tạo ra một năng lực xã hội mạnh nhưng để kết nối chúng, lại cần đặt ra những giá trị phổ quát, được chấp nhận rộng rãi để tạo ra sự đồng thuận xã hội. Ngày xưa, đó có thể là những tấm gương lãnh đạo đủ sức thu hút mọi tầng lớp dưới một mục tiêu chung. Ngày nay, đó phải là một xã hội thượng tôn pháp luật – một hệ thống pháp luật mà người dân cùng góp công xây dựng, một khế ước xã hội mà người dân trao cho nhà nước để thực hiện mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh”.
- Blogger Comment
- Facebook Comment
Đăng ký:
Đăng Nhận xét
(
Atom
)
0 nhận xét:
Đăng nhận xét