Vinamon: Cùng đoàn với nhà văn Trần Nhương mà Vinamon giới thiệu trước đây, nhà văn Tô Đức Chiêu có bài viết theo góc nhìn riêng về đất nước, con người thảo nguyên rất tình nghĩa sau đây. Xin giới thiệu cùng các bạn.
Những ngày cuối trên đất bạn
Ông bố nhà ngoại giao tiếng Pháp này nghe tin liền quyết định về thủ đô thăm, nhân thể biết chuyện phố phường. Đường ôtô đã mở. Người con đề nghị thuê xe ôtô về đón nhưng ông không chịu. Từ miền đông bắc xa xôi giáp với Mãn Châu Lí, người cha ngồi trên mình lạc đà, lùa theo một đàn cừu mươi con.
A! Người Mongolia không đi ôtô, không ham chặng đường nhựa, trẻ thì cưỡi ngựa phi nước kiệu trên thảo nguyên, già thì cưỡi lạc đà dong duổi trên đồng cỏ. Ông già cứ vậy, ngày qua ngày đủng đỉnh trên lưng lạc đà, qua cả đồng cỏ xanh rờn, qua cả sa mạc đầy cát, tròn ba tháng tới thủ đô thăm con chỉ còn mình và lạc đà, cừu lần lượt dùng làm thức ăn và khoản đãi bè bạn trên đường.
Trong chương trình chúng tôi có kế hoạch đến thăm cụ Damian nhưng rất tiếc cụ vừa mất cuối năm qua. Nguyên là ủy viên Trung ương Đảng nhân dân cách mạng Mongolia, một vị tướng, suốt thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước của nhân dân Việt Nam, cụ đã hoạt động không kể sức mình góp phần cho Việt Nam chiến đấu. Cụ đã trực tiếp áp tải nhiều chuyến hàng sang Việt Nam , đặc biệt đã áp tải những đàn lạc đà đến miền Bắc Việt Nam .
Chúng tôi muốn đến những điểm làm ăn của người Việt Nam ở Ulanbato như sửa chữa ôtô, trang trại chăn nuôi, mà không sao có thời gian. Được biết Thủ đô Mongolia có chừng mươi điểm sửa chữa xe do người Việt Nam thực hiện. Các bạn Mongolia nhiều xe nhưng lại ít tay nghề bảo dưỡng, tu bổ.
Bữa cơm chiều chia tay ở nhà Bí thư thứ nhất sứ quán Việt Nam tại Mongolia Phạm Ngọc Khuê, có một chị người Việt Nam, nghe đâu nhà ở phố Tôn Đức Thắng – Hà Nội, bế đứa con đầu lòng một tuổi đến chơi. Chị theo chồng sang đây làm ăn. Anh chồng ấy vừa có cửa hàng sửa chữa ôtô vừa lập một trang trại nuôi lợn. Đàn lợn hàng trăm con của vợ chồng chị không đủ cung cấp cho nhu cầu hàng ngày đối với khách Hàn Quốc, khách Trung Quốc, khách Nhật và khách Việt Nam .
Nhưng nỗi nhớ nhung trên hết đối với chúng tôi vẫn là con người Mongolia và thảo nguyên Mongolia . Vào sâu trong đồng cỏ huyện Barun Buren, bạn sẽ gặp một ngôi chùa lớn nằm trong cụm chùa được xây dựng cách nay 300 năm.
Chùa có tên Atharabay - Salem . Đạo phật từ Tây Tạng tràn vào Mongolia từ thế kỷ 16 và cùng với ngôi chùa nổi tiếng ở thủ đô có tên Monnastery, ngôi chùa này được xây dựng. Trên đường tới viếng chùa, ôtô rẽ ngang theo bờ con suối nhỏ và chúng tôi gặp ở đây ôtô của những gia đình Mongolia, ôtô của những cánh trẻ dắt díu nhau từ Ulanbato hay đâu đó xa vời tìm đến, những con người từ trong xe bước ra, dựng lều, dựng trại.
Suối chạy ngoằn ngoèo. Cỏ đồng bát ngát. Đất đai chạy tít chân trời. Ai muốn cắm lều của mình ở đâu thì cắm. Ngày mai không thích lại muốn di chuyển đến đâu thì di chuyển. Ngày mai, bắt đầu hội Nađôm nhỏ, người ta đọc kinh ba ngày liền, tổ chức thi vật, thi phi ngựa và thi bắn cung. Ôtô cắt đồi thành đường.
Qua một dải rừng bạch dương lại bắt gặp hai ôtô khác đến từ lúc nào và các chàng trai, cô gái Mongolia đang xúm xít nhau dựng trại. Ở đây những gì súc vật thải ra là tự nhiên, nhưng những gì con người thải ra phải được thu dọn.
Chùa Atharabay-Salem có tuổi đời cổ vào loại nhất trong các Trung tâm Phật giáo ở Mongolia và thời kỳ thịnh trị trước năm 1937 có tới 5.000 sư sãi. Mỗi ngày hàng ngàn tín đồ khắp Mongolia kéo tới đọc kinh ở đây. Nhưng từ 1937 trở đi là thời kỳ tu hành bị khống chế gắt gao.
Nhà sư bị bắt đi lính, bắt đi sản xuất đâu đó và tan tác mỗi người một ngả. Các đồ thờ cúng bị mất. Toàn bộ khu vực chùa gần như trở thành hoang phế. Tới những năm đổi mới và cải tổ ở Liên Xô cũ, đạo Phật ở Mongolia dần dần lấy lại hơi sức. Chuyên gia nhiều nước trong đó có hơn chục chuyên gia Việt Nam đã tới đây giúp đỡ Mongolia hoàn thiện lại khu vực chùa.
Những tay thợ Việt Nam cần cù tài hoa đã cùng bao chuyên gia khác và thợ Mongolia làm cho ngôi chùa trở lại uy nghi dưới chân núi Barun Buren như ngày nay.
Người dân Mongolia hiểu rõ ràng đế chế của mình thế kỷ thứ mười ba là như thế nào. Thành Cát Tư Hãn đã từng chuyển cả kinh đô tới vùng Trung Á cho tiện việc cai quản vùng đất đai không bờ bến.
Nhưng rồi ông phải lần lượt rời bỏ. Con cháu ông từng chiếm toàn bộ đất đai Trung Hoa để rồi lại bị chính người Hán bản địa đồng hóa và cuối cùng người dân Mongolia vẫn cứ với hai bàn tay, với đàn cừu, đàn ngựa và truyền thống dũng mãnh của mình. Thì ra người dân bao giờ cũng là người dân và tầng lớp quý tộc Mongolia vẫn trên đầu họ, để chinh phạt các nơi và thành người của các nơi.
Tuy đất đai mênh mông Thành Cát Tư Hãn chiếm được chẳng còn nhưng tiếng vó ngựa của ông và binh lính dưới quyền vẫn vang vọng đến hôm nay. Bản sắc dũng mãnh của con người Mongolia cho dù giờ đây họ tập trung ở vùng Nội Mông và là công dân Trung Quốc, cho dù họ sống ở Siberia hay vùng Trung Á, hay là công dân nước Cộng hòa Mongolia hôm nay là mãi mãi trường tồn.
Người dân Mongolia tôn thờ Thành Cát Tư Hãn chính vì ông đã khắc họa và làm tôn vinh tính cách dũng mãnh Mongolia từ xa xưa theo dòng lịch sử.
Đất nước kỳ lạ chỉ với 2,6 triệu dân đã sản sinh ra hai nhà văn lỗi lạc làm nghiêng ngả bạn đọc bên ngoài biên giới mênh mông. Đó là Lôiđôđamba với tiểu thuyết “Sông Thami trong xanh” và Rin Tssen với tiểu thuyết “Cánh tay nữ thần”.
Từ cách đây mấy chục năm đọc hai tác phẩm này chúng tôi đã mong có dịp tới Mongolia để tỏ lòng tôn kính và bái phục hai ông. Thế là chúng tôi sang muộn. Cả hai vị đã về thiên cổ.
Và con sông Thami, cũng như sông Selinh, hay sông Thula dưới chân dãy núi Baodikhan phía đông Ulanbato, dù nguồn của nó có đổ vào hồ Baican hay không, tôi thấy nước vẫn cứ trong xanh như màu xanh đồng cỏ và lòng người Mongolia .
Chị Chủ tịch huyện Barun Buren nói trong bữa tiệc chiêu đãi khách Việt Nam rằng, người Mongolia yêu quí thiên nhiên tới mức, đốn gỗ thì tự nguyện thờ núi, khấn rừng rồi mới hạ cây. Xuống suối lấy nước không bao giờ để vương rác rưởi, khăn bẩn ở lại...
Tôi đã thấy điều này khi ban chiều vào thăm đền Thiêng và chùa Atharabay- Salem. Lều trại mọc lên lác đác khắp các cánh rừng nhưng chủ yếu theo ven suối, vậy mà không thấy vỏ hộp, chai lọ, giấy vụn, hay bất cứ thứ gì bỏ đi vứt bừa bãi. Huyện Barun Buren của chị có 62.000ha đất đai trồng trọt và 490 hộ gia đình với 2.000 nhân khẩu.
Một biểu tượng tâm linh rất phổ biến của người Mongolia là cây Ôbôn và tấm khăn khađắc. Cây có thể là cây cối thật, có thể là đống đá được cắm cây vào, có thể là cột cây số hay trụ cầu bên đường... Còn khăn bảy màu theo sắc cầu vồng nhưng chủ yếu là màu xanh.
Người ta tặng khăn khađắc là cầu may cho nhau và mang theo khăn bên mình hay quàng vào cây Ôbôn là mong mỏi yên hàn. Chủ tịch Hội nhà văn Mongolia tặng đoàn tám khăn khađắc và lái xe Amara có tấm khăn khađắc quàng chạy dài phía trên cửa kính ôtô khi chờ đoàn phóng như bay vào thảo nguyên mênh mông.
Tô Đức Chiêu
0 nhận xét:
Đăng nhận xét