Định chả viết, ngại người ta bảo mình lạc đường sang bàn chuyện chính chị chính em. Nhưng ai bảo đây không phải là vấn đề xã hội, chứng minh xem nào. Mà đã xã hội thì tôi chả tránh, có quyền có ý kiến như mọi công dân bình thường.
Thì cái chuyện đảng cầm quyền đang họp hội đó mà. Chuyện riêng của họ, thực ra đối với tôi chả có ý nghĩa gì, không muốn quan tâm. Họp kín như bưng, dân chẳng ai biết họ bàn luận cái chi, ra sao, mặc dù người họp lúc nào cũng bảo vì dân do dân. Thì dân không biết đã đành một nhẽ, nhưng khổ nỗi thông tin cứ kín kín hở hở xì ra. Đến khổ.
Chẳng hiểu những điều mà dư luận xì xầm mấy bữa qua có đúng không, đúng bao nhiêu phần trăm, hệ thông tin chính thống nhà nước chưa công bố nên càng nhiều mù mờ, đồn đoán. Giả dụ đó là sự thật thì tôi nghĩ như thế này:
1.Hội nghị của đảng, họp công khai nhưng rất bí mật, khai mạc ngày 2.5, đến hôm sau cứ họp tới đâu thông tin xì ra tới đó, nhất là buổi tối. Dân đen đếch có anh nào bén mảng được, nhà báo cũng không, vậy chắc phải có kênh có nguồn. Cứ đặt trường hợp "bị lộ tin" thì cái gọi là ban Bảo vệ chính trị nội bộ quá kém, bất lực. Tuy nhiên tôi lại cho rằng chuyện "xì-tin" phải được sự điều khiển, cho phép, tạo điều kiện của ai đó thì mới tòi ra dễ thế. Dân gian thường gọi nôm na dạng này là phe phái chơi nhau.
2.Nếu đúng như những thông tin đã phát lộ thì điều mà xưa nay đảng vẫn tự hào "sự đoàn kết trong đảng" đã có vấn đề. Nhớ lại khi xưa, chủ trương của cấp cao, của cá nhân lãnh đạo cao nhất thường được quán triệt nhất trí gần như trăm phần trăm, nay thì các ủy viên trung ương không lừ khừ như ông từ giữ đền, chuyên gật đầu nữa. Họ sử dụng quyền tư duy của mình để khẳng định mình không phải rô bốt. Thực tế đảng đã không thể kiểm soát được những thành viên của mình theo mệnh lệnh, theo khuôn khổ áp đặt. Đối với đảng, đó là bước lùi; nhưng với dân chủ trong đảng, đó là bước tiến.
3.Uy quyền của người đứng đầu đảng (bí thư thứ nhất, sau này là tổng bí thư) từ trước đến nay luôn là tối thượng. Mặc dù đảng đề ra nguyên tắc lãnh đạo tập thể nhưng quyền quyết định thường dành cho Bộ chính trị, tổng bí thư. Đã có luật bất thành văn, tổng bí thư làm gì cũng ít khi sai, cứ thế mà theo đã, sai đâu tính sau. Nhưng giờ đây vai trò vị trí uy quyền của tổng bí thư bị xuống dốc thê thảm. Bằng chứng là những điều ông ấy muốn nhưng người ta không làm theo mà ông ta không làm gì được.
4. Hồi thăm Phú Thọ, ông tổng bí thư có nhắc đến sự suy thoái. Nhiều ý kiến cho rằng ông ấy dùng chữ suy thoái không đúng đối tượng, hoàn cảnh, vụ việc. Có nhẽ lần hội nghị này, chữ suy thoái ấy mới được thể hiện rõ chăng, đúng đối tượng chăng?
6.5.2013
Nguyễn Thông
- Blogger Comment
- Facebook Comment
Đăng ký:
Đăng Nhận xét
(
Atom
)
0 nhận xét:
Đăng nhận xét