Đăng kí "bản quyền" phát biểu của cụ Hồ


Các quan chức giáo dục và ngoại giao Việt Nam đang xúc tiến "đăng ký bản quyền" một câu nói của Chủ tịch Hồ Chí Minh về giáo dục (1). Thoạt đầu mới đọc qua cái tựa đề thì tôi thấy hay. Tại sao không đăng kí bản quyền nếu câu nói là một đóng góp vào trí khôn của nhân loại? Nhưng đọc kĩ bài báo và tìm hiểu thì tôi bắt đầu phân vân và tự hỏi không biết đăng kí như thế có phải là một ý tưởng hay …


Năm 1949, ông đến thăm và phát biểu ở Trường đảng Nguyễn Ái Quốc rằng "Học để làm việc, làm người, làm cán bộ. Học để phụng sự đoàn thể, giai cấp và nhân dân, Tổ quốc và nhân loại. Muốn đạt mục đích, thì phải cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư". Theo phát hiện của GS Trần Văn Nhung thì mãi đến năm 1996, UNESCO mới đề ra cái ý này. Do đó, ông và các quan chức văn hoá, ngoại giao VN gửi lời phát biểu đến UNESCO để thấy cụ Hồ đã đóng góp cho nền giáo dục thế giới và đi trước UNESCO như thế nào.

Lần dò theo bài báo tôi phát hiện rằng năm 1996, UNESCO có công bố một báo cáo do nhà kinh tế học và chính trị gia Jacques Delors chủ trì (2). Bản báo cáo là thành quả của một thời gian điều nghiên của một nhóm chuyên gia. Trong báo cáo, ở chương IV có viết về "giáo dục trọn đời" và đề nghị 4 trụ cột:

• học để biết (learning to know); 
• học để làm (learning to do); 
• học để chung sống với nhau (learn to live together , learning to live with others); và 
• học để phát triển nhân cách (learning to be).

Không chỉ đề ra 4 trụ cột như là một phát ngôn kiểu "powerpoint", bản báo cáo lí giải chi tiết về 4 trụ cột đó. Ví dụ như khi nói về học để rèn luyện nhân cách, các tác giả viết rõ rằng theo trụ cột này, học là để phát triển nhân cách và khả năng trở nên tự chủ hơn, khả năng phán xét và trách nhiệm cá nhân. Theo triết lí này, giáo dục không được bỏ qua các khía cạnh về tiềm năng của một cá nhân như trí thức, lí giải, cảm nhận thẩm mĩ, khả năng thể lực, và kĩ năng truyền đạt thông tin.

Quan điểm về sự học (tức là learning, chứ không phải education) của uỷ ban Jacques Delors (UNESCO) có điểm gần với suy nghĩ của Chủ tịch HCM. Chỉ tương đối gần thôi. Chủ tịch HCM nói học để học để làm việc là gần với "learn to do" của UNESCO, học để làm người có thể hiểu như là "learn to be" của UNESCO. Và, sự tương đồng chỉ dừng ở đó.

Chủ tịch HCM quan niệm rằng học để "làm cán bộ, […] để phụng sự đoàn thể, giai cấp và nhân dân, Tổ quốc và nhân loại" thì không được UNESCO đề cập đến. UNESCO nhắc đến sự học để tìm hiểu người khác và để chung sống chung với những người có thể khác chính kiến với mình. Rất khó biết khi ông nói học để phục vụ giai cấp là giai cấp nào. Rất có thể ông nghĩ đến đấu tranh giai cấp chăng? Riêng câu "Muốn đạt mục đích, thì phải cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư" của ông cụ Hồ thì tôi thấy hoàn toàn chẳng ăn nhập gì với triết lí về sự học cả. Đó là một câu lạc đề.

Nhưng công bằng mà nói, câu phát ngôn của cụ Hồ rất khó có thể nâng lên thành triết lí giáo dục được. Lí do là ông chỉ nói thế thôi, nói trong một dịp ghé thăm trường mang tên ông. Ông không triển khai thêm những gì ông nói. Không như tài liệu của UNESCO giải thích rõ ràng ý nghĩa của 4 trụ cột giáo dục, Chủ tịch HCM cũng chẳng giải thích thêm ý của ông là gì. Có lẽ đó không phải là dịp để giải thích, nhưng sau này ngay cả hậu duệ của ông cũng chẳng phát triển thêm các ý tưởng của ông. Vậy thì làm sao có thể nói những phát ngôn đó là "triết lí giáo dục" được.

Những ai làm trong thế giới học thuật thừa hiểu rằng từ một ý tưởng được phác thảo sơ sài thành một "triết lí" hay một "ý thức hệ" là một con đường dài. Theo tôi hiểu ý thức hệ là một hệ thống viễn kiến, một cách nhìn về sự vật được lí giải một cách triết học. Chủ nghĩa cộng sản là một ý thức hệ vì nó được Marx lí giải dựa trên logic và phương pháp triết học, được ông ta diễn giải rất nhiều lần và ông thuyết phục được nhiều người. Hiểu như thế thì mới thấy những phát biểu của ông cụ Hồ về học hành chỉ là "vision" chung (viễn kiến), chứ chưa thành một triết lí hay hệ tư tưởng được. Thật ra, trong suốt sự nghiệp chính trị lâu năm của ông, rất ít khi nào ông nói và viết về giáo dục. Chắc chắn là ông có quan tâm đến giáo dục, nhưng để có những ý tưởng được lí giải như trong tài liệu UNESCO thì ông chưa bao giờ làm được.

Do đó, nâng một câu phát ngôn chung chung của ông thành một triết lí giáo dục tôi e rằng không công bằng cho ông. Còn viết thư đến UNESCO để yêu cầu được công nhận thì tôi sợ là phía VN xem thường tri thức của các học giả trong UNESCO. Sẽ rất thú vị nếu chúng ta có dịp đọc lá thư mà phía Chính phủ Việt Nam gửi cho UNESCO, vì xem họ giải thích như thế nào về câu nói của ông cụ Hồ.

Còn cho rằng "Hồ Chí Minh hơn nửa thế kỷ trước đã góp phần xây dựng nên bốn trụ cột giáo dục của toàn thế giới trong thế kỷ XXI do UNESCO khuyến nghị năm 1996" thì tôi e rằng là … nói quá. Chỉ khi nào tài liệu của UNESCO, mà cụ thể là báo cáo của Jacques Delors, có trích dẫn câu nói của ông cụ Hồ thì câu đó mới hợp lí. Tôi không thấy ông Delors và UNESCO có trích dẫn bất cứ một câu nói nào của ông cụ Hồ.

Nhưng đây không phải là lần đầu người ta cố gán ghép cho ông cụ. Cách đây vài tuần, có người cũng nói rằng ông cụ và ông Lý Quang Diệu gặp nhau về tư tưởng lớn về giáo dục (3), nhưng tôi có chỉ ra rằng hai người có suy nghĩ rất khác nhau về giáo dục (4), chứ không tương đồng nhau. 

Nâng tầm những câu phát biểu chung chung thành tư tưởng có khi rất phản cảm với ông cụ, vì chính ông từng nói "Không, tôi chẳng có tư tưởng gì, ngoài tư tưởng chủ nghĩa Mác-Lê." Chẳng có gì sai nếu UNESCO đang có chương trình làm giàu lí luận về giáo dục thì phía VN tham gia đóng góp dựa trên "vision" của ông cụ Hồ. Nhưng phải là một bài viết triển khai mang tính học thuật nghiêm chỉnh, chứ không nên nói theo cách "ông cụ nhà tôi đã nói thế lâu rồi" vì làm như thế là một cách xem thường học thuật và các học giả của UNESCO.

Tôi nghĩ những quan điểm về sự học của UNESCO chẳng phải là cái gì mới mẻ hay quá cao siêu, vì trong thực tế đã có nhiều nhà giáo dục và triết học trước đó đề cập đến và họ lí giải rất có hệ thống. Chỉ cần đọc lại những tác phẩm của Jean-Jacques Rousseau, Immanuel Kant, John Locke, và đặc biệt là John Dewey, hay xưa hơn như Plato và Aristotle, tất cả đều đã có đề cập đến những quan điểm mà UNESCO đề cập đến. Chỉ cần đọc vài bài của John Dewey chúng ta sẽ thấy quan điểm của UNESCO được phát triển trên nền tảng của Dewey, người quan niệm rằng giáo dục phải rèn luyện tính tự chủ của một cá nhân và kĩ năng tương tác với xã hội. Dewey còn quan niệm rằng trường học là một thiết chế xã hội (social institution) và giảng dạy là một dịch vụ xã hội. Nhưng cái đóng góp quan trọng của Delors và UNESCO là họ tổng quan những quan điểm trước đây và đặt trong bối cảnh hiện tại (thế kỉ 20) để đề ra viễn kiến cho thế kỉ 21. Ông cụ Hồ cũng có một vài suy nghĩ như thế, nhưng ông không phải là người đầu tiên đề xướng những quan điểm được lí giải trong Báo cáo của Delors.

====





Share on Google Plus

About Unknown

Bài viết này được chia sẻ bởi Unknown.
    Blogger Comment
    Facebook Comment

0 nhận xét:

Đăng nhận xét