Đó là tựa đề của một bài báo (1) trên Vietnamnet. Nhưng tôi hơi nghi ngờ về tựa đề đó, vì trước đây tôi từng tiêu ra thì giờ để tìm hiểu tình hình công bố ngành toán học ở VN thì thấy VN đứng sau Singapore, Mã Lai Á, và Thái Lan trong các nước thuộc khối ASEAN. Mới thấy trên trang fb của Hien Huynh (2) cũng có trình bày dữ liệu cho thấy toán học VN hiện đang đứng sau Thái Lan, Mã Lai, và Singapore. Hôm nay, tôi quay lại câu hỏi, nhưng lần này tôi dùng dữ liệu ISI thì thấy quả thật cái tựa đề trên không đúng.
Phải nói là rất khó xếp hạng hoạt động khoa học của bất cứ một chuyên ngành nào. Vấn đề là dựa vào tiêu chí gì, và phương pháp ra sao. Cách mà nhiều cơ quan khoa học trên thế giới lâu nay vẫn hay làm là xem số lượng bài báo khoa học (xem như là đầu ra) của mỗi quốc gia, và kèm theo các chỉ số như trích dẫn. Cách làm này là đơn giản nhất và dễ hiểu nhất, do đó tôi cũng làm như các cơ quan đó cho khoa học Việt Nam.
Biểu đồ 1 dưới đây trình bày số bài báo khoa học (tất cả các lĩnh vực và riêng cho ngành toán) của một số nước trong vùng Đông Á và Đông Nam Á trong thời gian 2010 đến 2014. Trong thời gian đó, Việt Nam công bố được 1201 bài báo về toán học trên các tập san trong danh mục ISI, và con số này chiếm tỉ trọng 13% tổng số bài báo khoa học có địa chỉ từ Việt Nam. Con số bài báo về toán học của Việt Nam thấp hơn Mã Lai Á (1311 bài) và Singapore (2534 bài), tương đương với Thái Lan (1137 bài), và cao hơn Nam Dương (142) và Phi Luật Tân (83). Con số bài báo về toán học của Việt Nam tương đương với ~1/5 con số của Đài Loan và 16% con số của Hàn Quốc.
Biểu đồ 1: Tổng số bài báo trong lĩnh vực toán học được công bố trong thời gian 2010-2014 trên các tập san trong danh mục ISI
Xét trên tần số trích dẫn (citation) thì Việt Nam cũng không phải đứng hạng 2 ở Đông Nam Á (Biểu đồ 2). Tổng số lần trích dẫn các bài báo toán học của Việt Nam trong thời gian 2010-2014 là 2532, gần tương đương với Thái Lan (2887), nhưng thấp hơn Singapore (7946) và Mã Lai Á (3263). Sau khi loại bỏ tự trích dẫn, tỉ suất trích dẫn trung bình của các công trình toán học Việt Nam là 1.51, thấp hơn Thái Lan (1.62), Mã Lai Á (1.97), Singapore (2.80), Đài Loan (1.79), và Hàn Quốc (1.81).
Biểu đồ 2: Tổng số trích dẫn những bài báo trong lĩnh vực toán học được công bố trong thời gian 2010-2014 trên các tập san trong danh mục ISI.
Nói chuyện bên lề: nhìn vào tỉ trọng bài báo về toán học trên tổng số bài báo khoa học tôi thấy nền khoa học VN có vẻ … bất bình thường. Trong thời gian 2010-2014, VN công bố được 9252 bài báo khoa học; trong số này, 13% là những công trình về toán học. Đó là một tỉ trọng cao, cao một cách bất bình thường. Nhìn sang các nước chung quanh thì thấy họ có số bài báo khoa học [nói chung] cao hơn VN nhiều, nhưng tỉ trọng bài báo về toán học chỉ dao động trong khoảng 3.1% (Mã Lai), 3.7% (Thái Lan), 4.7% (Singapore), 4.8% (Đài Loan), và 3.2% (Hàn Quốc). Nói cách khác, ở các nước có nền kinh tế phát triển cao hơn VN thì nghiên cứu khoa học có vẻ phong phú hơn chứ không tập trung vào một ngành như toán học ở VN. Ngay cả nghiên cứu về toán học, các nước trên cũng rất phong phú hơn VN. Ngoài toán học thuần tuý (pure math), các nước trên còn nghiên cứu về phương pháp toán trong xã hội học, kinh tế học, sinh học và di truyền học, chứng tỏ ngành toán của họ ở một khía cạnh nào đó đã song hành cùng các lĩnh vực nghiên cứu khoa học.
Dĩ nhiên, việc tập trung vào toán học của VN có một lịch sử đằng sau, và ngành toán cũng làm tốt hơn nhiều ngành khác, nên Nhà nước đầu tư vào toán cũng có lí do của họ. Nhưng so sánh với các nước chung quanh thì toán học VN có lẽ xếp hạng trung bình thì đúng hơn.
Tôi nghĩ toán học VN sẽ đối diện với sự cạnh tranh rất lớn từ hai nước mới nổi là Mã Lai và Thái Lan. Trong biểu đồ 3 dưới đây tôi trình bày số công bố quốc tế liên quan đến toán học trong hai thời kì 1991-1995 và 2010-2014. Như có thể thấy, trong đầu thập niên 1990, Thái Lan và Mã Lai rất khiêm tốn trong toán học, nhưng 20 năm sau thì họ vượt qua VN. Chẳng hạn như Mã Lai trong thời gian 1991-1995 công bố được 70 bài, nhưng trong thời gian 2010-2014 thì họ công bố hơn 1300 bài, tăng gần 19 lần! Tương tự, Thái Lan trong thập niên đầu 1990 chỉ công bố được 14 bài, nhưng 20 năm sau thì con số là gần 1200 bài, tăng hơn 80 lần! Đáng nể hơn là Hàn Quốc. Trong thời gian 1991-1995 họ công bố được 635 bài về toán, thua xa Đài Loan (1041 bài); nhưng 20 năm sau Hàn Quốc công bố 7481 bài (tăng 12 lần) và "qua mặt" Đài Loan (6422 bài).
Biểu đồ 3: Tổng số bài báo trong lĩnh vực toán học được công bố trong thời gian 1991-1995 và 2010-2014 trên các tập san trong danh mục ISI của các nước ASEAN, Đài Loan, và Hàn Quốc. Chú ý sự tăng trưởng của Thái Lan, Mã Lai, và Hàn Quốc.
Thế giới chung quanh không có dừng một chỗ, và Việt Nam không nên tự phụ quá hay tự vỗ ngực nói [sai] rằng mình là số 1, số 2, hay số n vì tất cả những vị trí đó đều có thể thay đổi nhanh chóng. Thật ra, nếu xét trích dẫn cho TỪNG công trình thì Việt Nam còn thấp thê thảm hơn nữa so với Singapore, Hàn Quốc, và đặc biệt là Đài Loan (tôi có dữ liệu này nhưng chưa muốn trình bày).
Nói tóm lại, dù xét trên cơ sở đầu ra (số bài báo khoa học) hay tầm ảnh hưởng (tần số trích dẫn) thì ngành toán học Việt Nam có những thành tựu tương đối tốt, nhưng không phải đứng vị trí thứ hai ở Đông Nam Á. Tính trên số công trình được công bố trong 5 năm qua (chỉ trên tập san ISI), ngành toán học Việt Nam tương đương với Thái Lan, thấp hơn Mã Lai Á, và càng thấp hơn khi so với Singapore. Nếu dựa vào dữ liệu của Scopus thì Hien Huynh đã chỉ ra là Việt Nam còn thấp hơn Thái Lan, Mã Lai và Singapore. Tổng số công trình nghiên cứu toán học của Việt Nam trong 30 năm qua chỉ bằng trong vòng 5 năm qua của Singapore! Nếu so với Đài Loan và Hàn Quốc thì toán học Việt Nam còn rất khiêm tốn cả về số lượng lẫn chất lượng.
Ghi chú:
(1) http://vietnamnet.vn/vn/giao-duc/233320/viet-nam-xep-thu-hai-trong-khu-vuc-ve-toan-hoc.html
Tất cả các dữ liệu của biểu đồ được trích từ cơ sở dữ liệu của ISI tính đến ngày 17/4/2015.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét