Hôm trước dự một bữa tiệc khá hoành tráng, bỗng dưng nghe mấy người không quen biết oang oang với nhau về câu chuyện mà trước đó tôi đã nghe ở những nơi khác. Đó là chuyện đang theo dõi vô tuyến (ti vi) lại ấn nút tắt.
Không xem thì tắt. Chẳng ai bắt buộc. Việc đó có gì lạ. Thế nhưng chuyện tôi nghe được lại rất là lạ. Động thái tắt vô tuyến thể hiện lòng dân và uy tín của một số cán bộ.
Không muốn nhìn, không muốn nghe người nào đó huyên thuyên trên vô tuyến. Thế là ấn nút tắt. Nói và làm trái ngược nhau thế mà vẫn tìm mọi diễn đàn thuyết giảng. Ép buộc "học thêm" bằng mọi giá là kẻ thù của sự giáo dục. Bắt người khác nghe những điều nói một đằng làm một nẻo là đỉnh cao của dối trá, là kẻ thù của sự tiến bộ.
Có những người đang lâm bệnh ngộ nhận. Tưởng rằng biến sân chơi vô tuyến sẽ đánh bóng cho cá nhân. Ai ngờ, ý đồ họ gây ra phản tác dụng, càng xuất hiện càng mất uy tín. Đừng coi thường dân trí. Tai mắt dân chúng thấy hết mọi rác rưởi ở tận bùn đen.
Khổ nhất là khi dự họp gặp phải tình huống như trên vô tuyến, vẫn ngồi lại làm ra vẻ lắng nghe. Đó là động tác giả, vì phép lịch sự. Hoặc là cùng lợi ích nhóm cho nên phải tung hứng cho nhau. Trên vô tuyến thì khác hẳn. Chẳng bị ràng buộc gì hết. Không thích thì tắt hoặc chuyển kênh. Không ai có quyền bắt mọi người xem vô tuyến theo chỉ định.
Xem vô tuyến để có thêm thông tin hoặc để giải trí. Gặp phải đối tượng gây ra sự khó chịu bực bội thì xem làm gì. Vô tuyến có nhiều kênh. Cuộc đời còn nhiều sân chơi. Ai dại gì mà dây vào những chỗ chướng tai gai mắt.
Chả trách được những người tắt vô tuyến. Công dân có quyền. Vả lại đó cũng là một cách tỏ thái độ.
Bá Tân
0 nhận xét:
Đăng nhận xét