Một ngày được nói được nghe

Thuần túy chuyên môn, không có tí ti chút chính chị chính em gì.

Chả là Tổng biên tập giao cho viết bài "tham luận" nho nhỏ để dự hội thảo quốc gia "Xây dựng chuẩn mực chính tả thống nhất trong nhà trường và trên các phương tiện truyền thông đại chúng" do 3 đơn vị: báo Thanh Niên, trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn, trường Đại học Sài Gòn đồng tổ chức. Thú thực mình chả ham ra chỗ đông người, nhưng sếp giao thì phải chấp hành, vả lại cô giáo tiến sĩ Huỳnh Hạnh bên Ban tổ chức thúc quá, mà thúc bằng giọng ngọt ngào mới chết, vậy là đánh liều, cũng vẽ vời mấy chữ để đỡ phụ lòng mọi người.

Mà cô Hạnh này cũng ghê, chọn đúng hôm 21.12 tận thế theo lịch Maya để ra quân, lại còn an ủi nếu hôm nay tận thế thật thì những người dự hội thảo có chết lăn đùng ra cũng là chết cho khoa học, quá vinh dự. Báo cáo với tiến sĩ Hạnh, vậy thì em chết.

Được gặp lại các thầy Nguyễn Minh Thuyết, Trần Chút, mặc dù lúc mình ra trường thì các thầy mới về khoa Văn nhưng mình coi kính trọng như thầy. Gặp bạn cũ K18 Trần Trí Dõi, đã là giáo sư tiến sĩ, một tay chuyên gia sừng sỏ về ngôn ngữ. Vào đến sân trong gặp bác Nguyên Ngọc đang đứng đợi ai, mình lại chào và bảo bác "anh ơi, anh là nhà văn của thế hệ chúng em, giờ lại là niềm tin yêu của chúng em. Cám ơn anh", bác Ngọc anh hùng thời đại cười tủm tỉm dễ mến vô cùng.

Báo cáo của mình ngắn nhưng cụ thể, sai đúng thế nào chả biết, chỉ rõ sau khi trình bày xong mình thấy hầu hết hài lòng, tán thưởng. Tự dưng nhớ câu thơ Tố Hữu "Bác khen thế là tốt/Hãy xứng đáng hỡi năm 71".

Cuối giờ, Hạnh phát cho mình một cái giấy chứng nhận giống như chiếc bằng tốt nghiệp có chữ ký của hai thầy hiệu trưởng giáo sư đồng chủ tịch hội thảo. Oách xà lách. (chút nữa mình chụp lại post lên sau).

Hạnh bảo ở lại dự tiệc tối nhưng mình xin phép về, đi suốt ngày rồi, vả lại còn phải về làm cái bản tự kiểm cuối năm để ngày mai họp cạo nhau.

Ngày tận thế chưa tới, thêm một ngày được nói được nghe, và...


Báo cáo:


NHỮNG LỖI TIẾNG VIỆT PHÓNG VIÊN THƯỜNG MẮC VÀ THƯỜNG THẤY TRÊN MẶT BÁO

Thưa các quý vị
Trong bản liệt kê ngắn này, chúng tôi chỉ nêu ra những trường hợp sai cụ thể của phóng viên mà chúng tôi nhặt được hằng ngày, ngoài ra là những sai phạm, những bất hợp lý về tiếng Việt mà chúng ta thường thấy trên mặt báo cũng như nhiều văn bản của nhà nước.

1. Cách viết không thống nhất những từ nước ngoài đã được Việt hóa, tức là đã được phiên âm, dùng phổ biến trong tiếng Việt. Ví dụ: càphê, ximăng, xíchlô, bêtông, axít, vắcxin, kiốt (trên báo Lao Động) hay là cà phê, xi măng, xích lô, bê tông, a xít, vắc xin, ki ốt? Theo chúng tôi, những từ như thế đã thoát khỏi nguyên gốc, được sử dụng như mọi từ tiếng Việt khác, có dấu tiếng Việt thì cần viết tách ra.

2. Nhiều từ có nghĩa rất rõ ràng nhưng thường bị viết sai: Tham quan – Thăm quan, chấp bút – chắp bút, lặp lại – lập lại, trùng lặp – trùng lắp, hằng ngày – hàng ngày, thập niên – thập kỷ… Chúng tôi nhận thấy hầu hết những trường hợp sai do phóng viên không chịu hiểu kỹ nghĩa của thành tố ghép (đẳng lập hoặc chính phụ) hoặc không nắm được nghĩa của từ Hán Việt, khiến từ vô nghĩa hoặc sai trầm trọng.

3. Người viết không nắm được kết cấu chủ vị trong câu nên thường sai trong các trường hợp đặt câu có vị ngữ là những động từ cho biết, khẳng định, nói, nói rằng khi đặt dấu phảy ngay sau những từ đó. Theo chúng tôi, để bảo đảm chuẩn tiếng Việt phải viết liền thành phần bổ ngữ ngay sau đó; hoặc nếu nội dung có tính liệt kê thì dùng dấu hai chấm (:).

4. Những từ nước ngoài về đo lường viết tắt như: km (ki lô mét), kg (ki lô gam), ha (héc ta)… bị nhiều phóng viên và tờ báo dùng không chuẩn mực. Cần lưu ý rằng những từ đó khi đi liền với con số cụ thể thì có thể viết tắt (ví dụ 200ha, 15km) nhưng khi đi với chữ thì phải viết đầy đủ (ví dụ 200 ngàn héc ta, 1 vạn ki lô mét). Điều rất đáng lưu ý là trong tiếng Việt đã có những từ thay thế rất gọn nhưng ít được dùng, ví dụ: cây số (ki lô mét), ký (ki lô gam).
Ngoài ra, cần quy định rõ những chữ viết tắt chỉ đơn vị tiền tệ, thời gian, đo lường… (như đồng-đ, mét-m, giờ-g, ki lô wat/giờ-kwh…) cần viết sát ngay sau các con số bởi khi nó nằm ở cuối dòng dễ bị đẩy xuống dòng dưới đứng một mình, trái với quy chuẩn tiếng Việt.

 5. Dùng dấu phảy (,) tràn lan. Không chỉ trên mặt báo mà ngay cả những văn bản quan trọng của nhà nước bây giờ cũng nhan nhản sự lạm dụng dấu phảy. Họ lý giải rằng tách ra bằng dấu phảy để nhấn mạnh, làm rõ từng thành phần, từng yếu tố được nói đến nhưng thực ra không cần thiết bởi không dùng dấu phảy thì người đọc vẫn hiểu nội dung văn bản đang thể hiện cái gì. Rất nhiều từ ghép, thành ngữ cần phải viết liền thì bị tách ra bằng dấu phảy khiến văn bản trở nên rối, vô duyên, ví dụ: phòng, chống tham nhũng (trong khi đó lại viết liền phòng chống lụt bão); tắm, giặt; cơm, áo, gạo, tiền; rút dây, động rừng; trọng nam, khinh nữ; mưa to, gió lớn; dạy thêm, học thêm; nhà cao, cửa rộng; giận cá, chém thớt…

6. Sai về từ Hán Việt rất phổ biến, nhất là khi dùng những từ: yếu điểm (điểm yếu), vấn nạn (vấn đề tệ nạn), sáp nhập (sát nhập), tự (khi viết về ai đó kèm theo một cái tên phụ, ví dụ: Hải, tự Hải bánh; đúng ra phải viết tức Hải bánh; tên tự là tên chữ của những bậc hiền tài, không thể dùng cho kẻ xấu). Vừa qua trên một tờ báo còn đặt cái tít rõ to “Trúng khẩu đồng từ” mà đúng thì phải là “Chúng khẩu đồng từ”, không phải do lỗi kỹ thuật hay do viết ngọng mà do không hiểu nghĩa Hán Việt, cứ dùng bừa (lặp lại 2 lần).

7. Không hiểu do đâu, từ bao giờ, trên cả báo in lẫn phát thanh, truyền hình các phóng viên, phát thanh viên hay dùng cụm từ “bên cạnh đó”. Trong rất nhiều trường hợp, đúng ra phải dùng từ “ngoài ra” bởi không thể “bên cạnh đó” với những điều được nhắc đến ở dạng vô hình, không cụ thể. Ví dụ: công ty A đã tổng kết cuối năm, bên cạnh đó còn chuẩn bị kế hoạch năm mới.

8. Tốt nhất là tiến tới bỏ dần các chữ số La mã trên mặt báo vì khó đọc, khó nhớ. Ví dụ: thế kỷ XIX, thế kỷ XXI vừa rườm rà, vừa khó suy; trong khi viết đơn giản 19, 21 thì ai cũng biết.

Với bản liệt kê này của chúng tôi chỉ mong sao sớm có chuẩn mực tiếng Việt cho báo chí-truyền thông và nhà trường. Hy vọng sau cuộc hội thảo, các cơ quan có trách nhiệm sớm xem xét, nghiên cứu, đưa ra bộ quy chuẩn để hướng dẫn thực hiện thống nhất, khắc phục những sai sót, làm cho tiếng Việt ngày càng phong phú và trong sáng.
Nguyễn Thông
----- 
Nhận xét tổng kết của nhà nghiên cứu ngôn ngữ Trần Chút:
Trên đời, cái việc dại nhất vô duyên nhất là đứng ra tổng kết hội thảo. Tôi chả muốn dại nhưng cả trăm người vất vả từ sáng đến giờ, chả nhẽ không làm.
Từ hội thảo này, chúng ta sẽ có văn bản trình lên các cấp có trách nhiệm đề nghị xây dựng chuẩn mực chính tả tiếng Việt, trước hết cần tập trung vào 4 vấn đề: Cách viết hoa; Cách đối xử với tên riêng tiếng nước ngoài; cách dùng i và y; Cách viết tắt. Cứ làm tốt 4 thứ đó đã, còn cái khác tính sau.
Ngôn ngữ chính là linh hồn của dân tộc. Chính tả là bộ mặt của quốc gia. Sự thống nhất về chính tả là thống nhất bộ mặt quốc gia. Nhà nước phải có cơ quan chuyên trách xây dựng chuẩn chính tả và giám sát việc thực hiện. Và khẩn trương xây dựng, ban hành luật Ngôn ngữ. Chúng ta đã xem thường, đã quá chậm trễ đối với công việc cực kỳ quan trọng này.
(Nguyễn Thông ghi)
Share on Google Plus

About Unknown

Bài viết này được chia sẻ bởi Unknown.
    Blogger Comment
    Facebook Comment

0 nhận xét:

Đăng nhận xét