Cao Tự Thanh (tức Cao Văn Dũng) cựu sinh viên khóa 17 Ngữ văn, Đại học Tổng hợp Hà Nội là tay nghiên cứu Hán Nôm cự phách nhiều năm nay. Cuộc đời y như kho tư liệu, cảm hứng cho những nhà viết tiểu thuyết nhiều tập khai thác. Y là kẻ kênh kiệu nhưng có đủ sở học để bạn bè đồng môn chấp nhận vui vẻ sự kênh kiệu ấy. Nhớ hồi năm 1973 mình và thằng Trần Quang Tửu từ tầng 3 leo lên tầng 4 nhà C2 chơi với y (do là dân miền Nam nên Dũng được ưu tiên ở một mình trong cái nhà tắm bỏ hoang), y cho xem chiếc đầu lâu trắng hếu khiến mình sợ bủn rủn chân tay. Tửu bảo bọn miền Nam chúng nó kinh lắm, cái gì cũng khác người. Ai thế nào thì mình không biết chứ Cao Tự Thanh quả thế thật.
Bài Mạch đạo dòng đời nó viết đã lâu rồi, dù chỉ loanh quanh nói về lớp Hán Nôm nhưng mình đã xin được "giấy phép xuất bản của nó" đưa lên đây cho bạn bè kể cả bọn Văn và Ngữ cùng đọc mà nhớ những kỷ niệm K17 hồi xửa hồi xưa.
Mạch đạo dòng đời
CAO TỰ THANH
Vào một buổi sáng mùa đông lạnh buốt cuối năm 1972, trong một ngôi đình cũ kỹ ẩm thấp tối tăm tại khu sơ tán ở huyện Yên Phong tỉnh Hà Bắc, mười ba sinh viên đầu tiên của ngành Hán Nôm bậc Đại học hệ chính quy khoa Ngữ văn trường Đại học Tổng hợp Hà Nội bước vào buổi học đầu tiên. Họ ngồi trên những túm rơm rải dưới đất, vở đặt trên đùi, nắn nót viết câu “Nhân chi sơ, tính bản thiện” trong Tam tự kinh dưới sự chỉ dạy của một ông thầy người miền Trung rất hay “quát nạt”. Ông thầy ấy tên Nguyễn Đình Thảng, còn mười ba sinh viên ấy là Trần Kim Anh, Nguyễn Duy Chính, Nguyễn Văn Đường, Nguyễn Thị Lâm, Trần Thị Liên, Nguyễn Thúy Nga, Hoàng Thị Ngọ, Trương Đức Quả, Nguyễn Công Việt, Trần Văn Viết, Võ Văn Sạch, Nguyễn Hữu Tưởng và Cao Văn Dũng tức người viết bài này. Chưa ai quá hai mươi tuổi – các sinh viên lớn tuổi mà phần lớn là bộ đội đi học nghe nói học chữ Hán đều e ngại không dám xung phong.
Có lẽ trước đó khoa Ngữ văn ít có chuyện các thầy đi thuyết phục, gợi ý sinh viên mới nhập học vào học ngành này ngành kia. Nhưng năm chúng tôi nhập học thì khác, ngành học mới nên các thầy cô đều quan tâm. Thầy Lê Văn Quán lúc ấy là một fan Hán Nôm hăng hái nhất trong việc đi chiêu mộ sinh viên Hán Nôm. Còn nhớ dáng vẻ của ông, lưng hơi gù, mắt lim dim, hai tay khoanh trước ngực say sưa nói về ưu thế học vấn và tương lai học nghiệp của ngành Hán Nôm, thỉnh thoảng lại nhấn mạnh bằng cách huých huých khuỷu tay vào sườn (hay vai) người nghe với câu “Cậu (hay cô) đã mường tượng được vấn đề chưa?”. Về sau cứ khi ông nghiêng vai lấy thế chuẩn bị huých thì chúng tôi không dám né tránh nhưng đều nhịn cười đồng thanh kêu lên “Mường tượng được rồi ạ”, để nhân lúc phát thoại nghiêng nửa người trên ra khỏi tầm huých của ông. Hầu chuyện Quán sư phụ thì nói chung phải kín đáo di động liên tục, đó có lẽ là điều tất cả chúng tôi đều “mường tượng” được trước khi chính thức bái sư nhập môn.
Cái thuở nhập môn ấy mới khổ cực làm sao, mới khó quên làm sao.
Mình phải căn mãi, mới tìm được khoảnh khắc y chịu mặc áo (tiếp khách) để lên hình, hi hi.
Sau Hiệp định Paris, các trường đại học ùn ùn trở về Hà Nội, xe tải tắc đường chật cứng trên cầu Long Biên. Về tới Mễ Trì thời gian đầu còn phải ở nhờ Đại học Ngoại ngữ, nước thì thiếu, điện thì chủ nhân cúp cầu dao, ăn thì độn mà tự nhiên là đói, khổ cực trăm bề. Học thì ngày hai buổi để bù lại thời gian sơ tán, chương trình lại rất nặng, lớp thể nghiệm nên thà hữu dư còn hơn bất túc, mỗi tuần học tới bốn buổi (mười sáu tiết) Hán Nôm. Cơn ác mộng ấy kéo dài hết năm thứ nhất. Nhưng chúng tôi cũng đã học qua Tam tự kinh, Sơ học vấn tân, Minh tâm bảo giám. Khải đồng thuyết ước, Luận ngữ chính văn tiểu đối, Ấu học ngũ ngôn thi, mớ chữ Hán ấy cũng đủ làm các anh chị ngành Văn ngành Ngữ những khóa trên e ngại không dám ra mặt đàn anh đàn chị theo luật lệ trên dưới bất thành văn trong các trường Đại học đương thời.
Năm thứ hai chuyên học Tứ thư. Thầy Thảng dạy Đại học và Trung dung, thầy Quán dạy Luận ngữ, thầy Trần Thuyết dạy Mạnh tử. Chữ Nôm do thầy Quán dạy, giáo trình là Đại Nam quốc sử diễn ca. Tới đoạn Bà Triệu “… dài ba thước” thì tất cả bọn con trai đều thông minh đột xuất, vừa nhác thấy chữ nhũ bên phải là đồng thanh la lớn “Vú”, bất chấp bộ phận biểu âm là gì. Chị em đều đỏ mặt, nhưng Quán sư phụ lại khen “Các cậu khá lắm”. Chương trình Hán Nôm nặng nên chúng tôi được bớt không học Văn học phương Tây, còn ngoài ra cũng phải học tất cả các giáo trình khác như Văn học Việt Nam từ dân gian tới hiện đại, Văn học Trung Quốc, Lý luận văn học, Ngôn ngữ học, Triết học, Logic học. Năm thứ ba có thêm giáo trình Văn bản học do thầy Hà Văn Tấn dạy và giáo trình Hán ngữ âm vận học do thầy Nguyễn Tài Cẩn dạy. Năm này Quả bị ốm nặng phải nghỉ, lớp còn mười hai người.
Năm thứ ba vào học Ngũ kinh, cụ Cao Xuân Huy dạy kinh Thư, cụ Đỗ Ngọc Toại dạy kinh Thi và một số tác phẩm Hán văn Việt Nam. Học các cụ rất sợ, các cụ hối nhân bất quyện, không ưa những học trò lười. Có lần tôi trốn học, trời xui đất khiến thế nào hôm ấy Tưởng, Đường, Việt cũng có ý đồ không lên lớp, phía chị em cũng vắng một người. Cụ Toại vào lớp thấy môn sinh thưa hơn cả lá mùa thu liền thịnh nộ, Thảng sư phụ Chủ nhiệm lớp nghe tin cả giận, đích thân xuất mã qua lùa cả bọn trò lười chạy như vịt giữa thanh thiên bạch nhật, dưới nhĩ mục của cả hai khoa Văn Sử quan chiêm. Hôm trước đó tôi cũng trốn học, nên vừa thò mặt vào là bị cụ Toại chỉ đích danh bảo đọc dịch và giải thích ngữ pháp một đoạn trong Quân trung từ mệnh tập. Chuyện vặt, tôi chơi tất. Ông già không biết làm sao để hả giận, bèn đay “Anh thông minh đấy. Nhưng anh cậy thông minh nên trốn học phải không? Tôi thừa biết cái tâm địa của anh rồi”. Thật là phải trơ mặt ra giả nhục mà nhịn cười, chứ của đáng tội, hai chữ “tâm địa” của cụ sao mà nặng nề quá. Thời ấy tôi và Tưởng trốn học như ranh, nổi tiếng trong khoa Văn. Nhưng tôi biết yếu lĩnh, cứ vào giáo trình mới là mò lên phòng Giáo vụ chỗ thầy Đỗ Hồng Chung xem thời lượng, tính toán lịch trốn học sao cho dưới một phần ba (Bộ quy định học không đủ hai phần ba số tiết thì không được thi), nghĩa là vẫn trong khuôn khổ pháp lý. Mà tôi cũng khôn lanh, sắp thi là mượn vở của bạn bè, càng nhiều càng tốt vì mỗi người ghi bài mỗi khác, mang về so sánh với giáo trình để làm dàn bài ôn tập, tổng hợp sự chăm chú của nhiều người mà tạo ra sức mạnh học vấn nên thi là đủ điểm, không bao giờ phải thi lại. Có điều tôi là Học sinh miền Nam, nói chung các thầy cô đều thương nên cũng có phần nuông chiều, không quậy làng phá xóm thì trốn học chút chút cũng không sao, có lúc đến Tết bọn anh em đồng môn không có tiền về quê còn biệt phái tôi qua mượn tiền Thảng sư phụ. Ông già thấy mượn nhiều giật mình, hỏi ra biết tôi lãnh nợ bèn răn đe một lúc nhưng cũng đưa tiền.
Nói là sinh viên chứ thật ra lúc ấy học phổ thông chỉ có mười năm, mười sáu mười bảy tuổi đã có thể vào học Đại học. Lớp tôi lại toàn là bọn thiếu niên mới lớn, những chuyện vụng dại ngốc nghếch thật là kể ra không hết. Nhưng có lẽ cũng chính vì thế mà chúng tôi đã không đi vào lối mòn của sự đúng mực chín chắn tầm thường theo các tín điều công cộng. Cái phong khí ấy sau này ra trường vào đời dĩ nhiên cũng ít nhiều phai nhạt ở từng người từng lúc, nhưng lúc gặp nhau lại tái hiện, nên không ai dám đạo đức giả hay vô trách nhiệm, ích kỷ hay vụ lợi trong quan hệ với bọn “huynh đệ tỷ muội Hán Nôm”.
Trong con người khắc khổ này có 3 bồ kiến thức, càng xài càng dôi dư. Thế mới lạ.
Cuối năm thứ ba, miền Nam giải phóng, tôi từ biệt bạn bè, xin thôi học về Nam, vào làm việc ở báo Giải phóng (nay là Đại Đoàn kết). Nhưng dường như định mệnh đã buộc tôi vào với nghiệp Hán Nôm. Cuối 1976, nhật báo chuyển thành tuần báo, giảm bớt nhân viên, tôi qua Viện Khoa học xã hội thành phố xin việc. Giáo sư Đặng Vũ Khiêu lúc ấy là Viện phó viết thư cho tôi qua gặp Giáo sư Phạm Thiều, Giám đốc Thư viện khoa học xã hội kiêm phụ trách Phân ban Hán Nôm. Ông kiểm tra trình độ chữ Hán xong, khuyên nên ra Bắc học tiếp cho tốt nghiệp Đại học, “Bác dễ nhận mày hơn mà sau này lương hướng của cháu cũng không bị thiệt thòi”. Cuối 1976 tôi lại ra Bắc vào học lớp Hán Nôm 2 với các anh Đỗ Thanh Hồng (đã mất), Trịnh Khắc Mạnh, Trương Đức Nam, Đinh Công Vĩ và nhiều bạn khác. Quả trước đó ốm nghỉ một năm cũng học lớp này. Tôi được thầy Bùi Duy Tân hướng dẫn làm luận văn tốt nghiệp, đề tài là Văn học Chiêu Anh Các, thầy Trần Đình Hượu phản biện.
Thời gian 1976 – 1977 tôi là cán bộ đi học, nhưng hàng tháng cứ phải mang một mớ giấy tờ lên Phòng Lương thực Từ Liêm xin tạm cấp tem gạo. Mạnh lúc ấy là lớp phó phụ trách đời sống cứ lâu lâu lại nhắc “Ông chẳng có tiêu chuẩn thực phẩm gì cả, nhà bếp họ kêu lắm đấy”. Nhưng tôi lấy đâu ra phiếu thịt, phiếu nước mắm và bao nhiêu thứ phiếu khác của cái thời khốn khổ ấy, khi mà lúc tôi trở ra Bắc cuối 1976 Sài Gòn vẫn chưa có hộ khẩu? Lúc ấy chương trình đào tạo Hán Nôm cũng chưa hoàn chỉnh, đùng một cái lúc sắp thi tốt nghiệp lại phải học tiếng Anh, chỉ hai mươi bài thôi, vì chữ Hán không phải là sinh ngữ. Chúng tôi kêu cha kêu mẹ, đánh vật với tiếng Anh. Còn nhớ anh Vĩ vừa vạch phấn xuống nền nhà vừa speak English nghe rất kỳ quái “Chi lờ đờ ren, chi lờ đờ ren”. Ai cũng ngạc nhiên, tới gần nhìn thì té ra đương sự đang học từ “Children” (trẻ em).
Ngoài tôi và Quả học lại, các bạn tôi ra trường trước có Chính được giữ lại trường, Đường, Sạch, Viết về Cục Lưu trữ Nhà nước trong đó Đường và Viết được điều vào Kho Lưu trữ Trung ương 2 ở Thành phố Hồ Chí Minh, Liên về Thanh Hóa, số còn lại đều về làm việc ở Ban Hán Nôm (tiền thân của Viện Nghiên cứu Hán Nôm hiện nay), sau đó Quả cũng về cơ quan này. Thi tốt nghiệp xong, cuối 1977 tôi về Nam, đến 1978 chuyển cơ quan qua Viện khoa học xã hội, làm việc ở Phân ban Hán Nôm do giáo sư Phạm Thiều phụ trách, điều tra kho sách Hán Nôm ở thành phố có qua Kho Lưu trữ Trung ương 2 nên thường gặp Đường và Viết. Hai gã lãng tử này tiền lương ít nên tâm sự nhiều, thêm tôi là ba. Năm 1990 Viết chuyển ra Hà Nội làm việc chỗ Sạch. Sau khi Giáo sư Phạm Thiều về hưu năm 1979, Phân ban Hán Nôm giải thể, tôi được chuyển qua Tổ Văn học Cổ cận đại Ban Văn học thuộc Viện, lúc ấy do anh Trần Nghĩa làm Trưởng ban.
Bảy năm chợ đời gió bụi, Áo cơm lạc lõng khóc cười. Nhưng đến 1985 khi ra Hà Nội chơi, hành trang nghề nghiệp của tôi cũng đã có hai ba quyển sách. Bạn bè ở miền Bắc vất vả hơn tôi. Khổ nhất là Tưởng, lúc ấy vẫn ở Gia Lâm, hàng ngày đạp xe đạp đi về ba mươi cây số, đến mãi 1993 Việt nhường cho căn phòng ở khu tập thể Trung Tự mới dời vợ con vào Hà Nội được. Bao nhiêu thời gian, bao nhiêu tinh lực lẽ ra dành cho việc nghiên cứu đã bị uổng phí trên con đường khứ hồi vô nghĩa ấy? Bao nhiêu nhiệt tình, bao nhiêu ước vọng của tuổi thanh niên đã bị tiêu ma trong cái vòng tròn viên chức phi nhân ấy? Ngọc bất trác bất thành khí, nên không lạ gì mà từ chỗ thụ động trong thời bao cấp y đã chuyển qua chỗ bị động trong thời mở cửa và hội nhập. Dĩ nhiên ngoài y ra thì sẽ chẳng ai phải chịu trách nhiệm cả, nhưng chắc chắn cái vòng kim cô Gia Lâm – Hà Nội của thời bao cấp ấy đã ít nhiều hủy hoại một tài năng.
Các bạn mời cơm, Nga đăng cai. Bà vợ ông Bí thư thứ ba của Đại sứ quán Việt Nam tại Ấn Độ này vẫn tuềnh toàng xởi lởi, người ăn thì ít mà đi chợ thì thừa mứa. Bạn bè đều lười, chỉ có Nga là hay viết thư cho tôi, nên giao tình có phần khác các bạn cùng lớp. Từ 1985 tôi đã mong muốn có một vài công trình chung với bạn bè cùng lớp, tiếc là mãi đến đầu 1993 quyển Quốc triều hương khoa lục của Nga, Lâm và tôi mới thực hiện xong. Hiện Nga là Tiến sĩ chuyên về khoa cử và sách khoa lục Việt Nam, Trưởng phòng Văn bản học Viện Nghiên cứu Hán Nôm. Đang in chuyên khảo Võ cử và các Võ Tiến sĩ ở nước ta, một đề tài sử học vừa phù hợp với sở trường của bạn vừa thể hiện tính chất đặc trưng của Hán Nôm học là có thể chiếm lĩnh nhiều đề tài của các ngành khoa học xã hội và nhân văn khác, những đề tài mà người trong các ngành ấy phải bó tay nếu không biết chữ Hán Nôm.
Kim Anh đi biểu tình phản đối Trung Quốc bắt bớ ngư dân Việt
Bữa cơm thiếu vài người, trong đó có Kim Anh lúc ấy đã chuyển công tác vào Quảng Nam. Cô bạn này trước lúc tôi về Nam năm 1975 ghi lưu bút chép tặng tôi mấy câu thơ về chiếc thuyền của Lermontov “Thuyền cầu gió táp mưa sa, Dường như giông bão chính là bình yên”, không xinh đẹp nhưng có duyên, thuộc loại phụ nữ ba phần nhan sắc mà bảy phần khí chất, lúc buồn rầu hay tức giận thần thái vẫn rất tươi. Sau này Kim Anh lại ra làm việc ở Viện Hán Nôm, năm 1990 tôi ra Hà Nội mới gặp lại. Lúc ấy thiên hạ đã thôi ì xèo chuyện đa nguyên đa đảng, tôi làm thơ kỷ sự có câu “Chính trào tân bạch đảng, Nhân ngộ cố hoàng hoa” (Việc chính sự cười bọn Trắng mới, Người quen gặp lại hoa vàng xưa). Dường như đương sự thú hai chữ hoàng hoa ám hợp với tên mình, nên sau này sách vở trong nhà đều thấy đóng con dấu “Hoàng hoa thư viện”. Vào nhà thì trên tường la liệt thư thiếp chữ Hán, có di phong của các tài nữ Nam triều.
Các bạn đưa tôi tới thăm Ngọ vừa sinh cháu. Trong một gian phòng lạnh lẽo, sàn ximăng ẩm nước mùa gió nồm, hoa khôi của khóa, người đẹp của khoa ngày xưa đang ngồi ôm con nhỏ, đôi mắt đen dưới hàng mi dài hiện rõ nét mỏi mệt ưu tư. Tôi không dám nhìn thẳng vào mặt bạn, chỉ hỏi thăm vài câu, ngồi nán một lúc rồi chào về. Đời sống bao cấp đang đè bẹp sức sống còn nỗi bất hạnh riêng tư đang hủy hoại niềm vui nơi người thiếu phụ đang đạt tới độ chín của sắc đẹp này. Cảm giác nặng nề ấy theo đuổi tôi suốt nhiều năm sau. Năm 1993 anh Nguyễn Quốc Hùng, Hiệu phó Đại học Ngoại ngữ Hà Nội vào Sài Gòn kiểm tra tình hình dạy và học tiếng Anh theo chương trình của Bộ, Ngọ theo anh vào Sài Gòn, tôi tới đưa bạn đi chơi, vào kho của Bảo tàng Lịch sử xem đồ cổ, qua Thảo cầm viên mua mía cho voi và chùm ruột muối cho lạc đà ăn, hẹn trưa hôm sau sẽ gặp lại. Trưa hôm sau tôi tới nhà khách của Bộ, gõ cửa phòng thì anh Hùng mắt nhắm mắt mở ra mở cửa. Tôi hỏi “Ngọ có nhà không?”. Đương sự lại ngạc nhiên “Thế Ngọ không đi với ông à? Tôi vừa làm việc về, nằm nghỉ một lúc, tưởng là Ngọ đi với ông”. Trời ạ, suýt nữa là tôi đã ôm chầm anh rồi. Liền sau đó Ngọ về, thì ra bạn đi dạo xuống phố mua vài thứ lặt vặt. Anh Hùng xin lỗi phải đi ngủ tiếp để chiều có sức làm việc, dặn tôi cứ ngồi chơi hay rảnh thì đưa Ngọ đi chơi giúp. Cảm giác nặng nề trong lòng tôi gần mười năm tan biến không còn chút dấu vết. Năm sau tôi ra Hà Nội, Ngọ mời cơm buổi trưa, tôi không ăn gì mà chỉ uống rượu, say lăn ra ngủ luôn cạnh mâm cơm, bị bọn Paparazzi nghiệp dư đồng môn chụp mấy tấm hình trông rất mất thể diện, lúc dậy nghe nói anh Hùng chỉ cười xòa rồi đi dạy học. Hiện Ngọ đã là Tiến sĩ, Trưởng phòng Đào tạo của Viện Nghiên cứu Hán Nôm, nhưng tôi nghĩ đó chỉ là chuyện thêm hoa trên gấm, vì với người chồng lòng dạ khoáng đạt xử sự đắc thể ấy thì người đẹp hào sảng trong bạn tôi tuy hơi muộn màng nhưng đã được hồi sinh.
Sau 1985 gần như năm nào tôi cũng ra Hà Nội lấy tư liệu, vô hình trung trở thành một cái cớ để bạn bè tụ họp hàn huyên. Mấy lần bàn nhau lên thăm khu sơ tán lúc mới nhập học, nhưng đường xa việc nhiều, người này rảnh thì người kia bận. Lần ấy tôi vào Mễ Trì thăm thầy Tân và thầy Thuyết, nhưng thầy Tân đang dạy học ở Cộng hòa dân chủ Đức, thầy Thuyết ở trong làng, không ai biết nhà. Năm 1986 tôi nhất định bắt bạn bè cùng đi, nhưng tới phút cuối cùng ai cũng bận, sáng chủ nhật ấy chỉ có Nga lấy xe đưa tôi vào trường thăm thầy Thuyết. Khung cảnh thật vừa xót xa vừa cảm động: trong một gian phòng trống huếch hoác chỏng chơ một cái giường, vài cái ghế mà không có bàn, ông thầy nghèo của tôi đang ngồi trên một chiếc chiếu dưới đất, cái bát điếu thuốc lào trước mặt, chung quanh có khoảng mươi người đàn ông già có trẻ có đang lắng nghe ông giảng sách Mạnh tử, vở đặt trên đùi giống hệt chúng tôi lúc mới nhập môn. Các vị đồng môn này có người đã về hưu, có người đang làm việc, có người không trong biên chế nhà nước, thích học chữ Hán nên ông nhận dạy, nhìn qua cũng biết khoản thúc tu không mấy khả quan. Tôi ứa nước mắt, bất giác nhớ lại bài thơ của Tiết Lệnh Chi “Triêu nhật thượng đoàn đoàn, Chiếu kiến tiên sinh bàn. Bàn trung hà sở hữu? Mục túc trường lan can” (Mặt trời lên hàng ngày, Chiếu vào mâm của thầy. Trong mâm có những gì? Rau muống cọng dài dài). Lần ra Bắc năm 1992 tôi còn gặp thầy. Hôm ấy Nga mời cơm cả lớp, nhờ Tưởng rước thầy tới. Ông già mặc chiếc áo veston cũ, sức ăn đã kém, buông đũa trước ngồi nhìn bọn học trò đùa giỡn, vẫn cười hệch hạc. Năm sau, Nga viết thư cho tôi báo tin ông qua đời.
Bước qua thời mở cửa, chúng tôi cũng bước vào một giai đoạn mới trong cuộc sống và nghề nghiệp. Đám em cháu hiện nay ra trường nếu có chí thì tùy ý làm khoa học không ai cản trở, chứ thời chúng tôi mới ra trường hai ba năm mà muốn có một bài Tạp chí đã là khó, còn nói tới làm sách thì càng là nan thượng gia nan. Nhớ lại mà xót xa, năm 1983, 1984 tôi cùng bạn bè làm ba quyển sách về Nguyễn Đình Chiểu, Nguyễn Thông và Nguyễn Thái Bình, ít nhất đến nay cũng chưa thấy ai phê phán gì về cả học thuật lẫn chính trị, thế mà ông Trưởng ban cứ làm ầm lên, nói là “tự ý in sách, phạm quy chế”, hết dọa đưa ra Hội đồng Kỷ luật Viện lại đe đưa ra Hội đồng Khoa học Viện, mà nói trắng ra cái tội duy nhất của tôi chỉ là bất kể các quan chức trong ban trong viện, không chịu nhờ họ viết cho một Lời giới thiệu bảo lãnh với đời, cũng không biết đầu môi chót lưỡi cám ơn tập thể và đặc biệt là ông nọ bà kia đã “động viên và giúp cho nhiều ý kiến quý báu”, đến nỗi sống không được phải chuyển cơ quan mà những người không ưa còn “truy báng” – đuổi theo nói xấu! May là tôi cũng biết thân, lẻ loi vào đời thì phải cẩn thận như đi trên băng mỏng, viết cái gì cũng phải cố nắm vững tư liệu và vấn đề, không được sai, không được ẩu, càng không được trộm cắp xào xáo của người khác, chứ không dám dễ dãi vô tư như một số em cháu hiện nay. Có điều tôi vốn cứng đầu, lại ở trong nam, chứ các bạn tôi ở Hà Nội là cái nôi của cơ chế bao cấp lúc ấy thì còn làm gì được, ngay các anh chị đã có tuổi nghề một đôi mươi năm làm sách theo kế hoạch của cơ quan mà có khi cũng phải chờ hai ba năm mới được in. Nhưng khác với trong kinh tế, đến mười năm cuối của thế kỷ trước việc xóa bỏ cơ chế bao cấp mới bắt đầu tác động tới hoạt động khoa học một cách có hệ thống. Không phải ngẫu nhiên mà sách vở của các bạn tôi ở Viện Nghiên cứu Hán Nôm đều xuất hiện trong thời gian này: Nga có các quyển Thiền uyển tập anh, Các nhà khoa bảng Việt Nam (soạn chung với anh Ngô Đức Thọ), Quốc triều hương khoa lục (dịch chung với Lâm và tôi) năm 1993, Nghiên cứu văn bản học đăng khoa lục Việt Nam năm 1999, Ngọ có Thiên nam minh giám năm 1994, Chữ Nôm và tiếng Việt qua bản giải âm “Phật thuyết đại báo phụ mẫu ân trọng kinh” năm 1999, Kim Anh có Tuyển tập thơ văn Phạm Đình Hổ năm 1998, Lâm có Thiên Nam ngữ lục năm 2000… Từ 1987 tôi chuyển công tác về Long An làm việc ở Sở Văn hóa Thông tin, đến 1990 xin thôi việc nhưng vẫn thường xuyên liên hệ với các bạn bè làm nghề nghiên cứu trong nam ngoài bắc nên vẫn theo kịp được nhịp điệu và cảm nhận được động thái của hoạt động khoa học nói chung và hoạt động Hán Nôm nói riêng, kể ra cũng là rất may.
Mùa hè năm 1996 Chính chết. Tối thứ sáu Việt gọi điện, bảo tôi ra ngay. Tôi thu xếp công việc xong, sáng thứ hai bay ra thì đã chôn cất xong hôm chủ nhật. Tôi tới thắp nhang, nhìn tấm ảnh trên bàn thờ, ngậm ngùi nhớ lại bạn cũ. Chính cao lớn đẹp trai, mặt trắng môi đỏ, hiền hậu chăm chỉ, rất mến Kim Anh. Sau bữa cơm ở nhà Nga lần trước, Chính chở Kim Anh và tôi về, tới đầu dốc chắc được chở người xưa nên vui quá kéo ga, chiếc xe dựng đứng, ba đứa ngã thành hai đống, không có sườn tôi thì chắc Kim Anh đã vỡ gáy. Tết năm ấy Chính gọi điện cho tôi nói muốn chuyển vào nam công tác, nhờ tôi hỏi thăm xem khoa Văn Trường Đại học Tổng hợp thành phố Hồ Chí Minh có nhận được không, nói mình chuyên dạy hư từ trong chữ Hán. Lúc ấy bên khoa thấy tôi nghỉ việc ở Long An cũng có ý gọi về, nên tôi trả lời ngay “Chắc được, Hán Nôm bên đó đang cần người, nhưng mày phải tự lo chỗ ở chứ không có nhà tập thể đâu”. Chính nói để tính lại, tôi nghĩ chắc đầu năm học mới bạn sẽ vào nam. Ngờ đâu vừa đến tuổi bất hoặc… Tôi nhìn người vợ và hai đứa con nhỏ của bạn đầu đội khăn tang, chạnh lòng cho kiếp người phù du.
Tương tự Chính, Quả cũng cao lớn đẹp trai nhưng chơi thể thao nên khỏe mạnh, nghe nói biết đấu vật. Dáng vẻ rất đàn ông nhưng đôi khi có vẻ ngơ ngác vụng về, tính trầm lặng hiền lành, ít khi to tiếng. Lúc đi học bị ốm phải nghỉ một năm, bệnh nặng thành lương y, học được chút ít thuốc nam, biết châm cứu. Hiện là Tiến sĩ, Trưởng phòng Tin học của Viện. Không hút thuốc uống rượu, nói là giữ lời, là một người bạn đáng tin cậy, tiếc là trong đời riêng lại gặp nhiều chuyện không may, năm rồi bệnh cũ lại tái phát.
Thường người ta tính cách thế nào thì phong cách thế ấy, nhưng cũng có những người phong cách lại trái ngược với tính cách. Viết là loại người như thế. Y rất tình cảm, có khi còn dễ thương nữa là khác, nhưng lắm lúc ăn nói cư xử cứ như bị ma ám, hung dữ ương bướng rất đáng ghét. Tôi phát hiện ra con người thật của y sau khi về nam năm 1977. Tối ba mươi Tết năm ấy nghĩ tới Đường và Viết ăn Tết xa nhà giống hệt mình trước 1975, tôi tới chơi với hai người, Đường có hẹn đi uống rượu với anh em trong cơ quan, Viết phải trực kho ở Nguyễn Du. Thấy tôi y vui lắm, tất bật nấu nước pha trà, sau lần đó cũng có nhiều dịp tâm sự với nhau. Sau này y ra làm việc ở Hà Nội, tôi ra mà bạn bè mời cơm thì y lúc tới lúc không, nhưng nếu tôi nói sẽ ghé chơi thì trời sập y cũng tiếp, rượu dở cũng mang ra cùng uống. Y sinh ra dưới một ngôi sao xấu, nhưng ngoài thói xấu mặc cảm không phải chỗ thì là một người bạn chân thành.
Trái với Viết thường đẩy sự việc tới chỗ cực đoan, Việt lại luôn luôn hòa nhã, ăn nói hóm hỉnh, xử sự trung dung. Có tâm cơ nhưng thiện lương, dám lăn lộn với đời nên nhiều kinh nghiệm sống. Còn nhớ Tết năm 1974, tôi hết tiền về nằm trong trường từ mùng một, sĩ diện nên không qua ăn chực ba ông thầy người miền Nam là Thảng sư phụ, anh Trần Vĩnh và thầy Tào Văn Hón, chỉ nhịn đói uống nước máy. Bốn giờ chiều mùng ba Việt từ quê ở Phú Xuyên lên, hăng hái bóc bánh chưng mời, tôi ăn luôn một hơi nửa cái, ăn xong mới nói thật tình trạng của mình. Y nói “Thì tôi cũng hơi lo cho ông nên mới ghé trường xem sao, thôi chuyện qua rồi, đừng buồn, bọn tôi đứa nào chẳng thương ông”, rồi dúi cho nửa gói thuốc Tam Đảo, tất tả đạp xe vào Hà Nội thăm anh chị. Lúc mới vào học Hán Nôm, tất cả chúng tôi đều từng học Trung văn ở phổ thông, chỉ riêng Việt chưa biết gì về chữ Hán nên thường bị chê là viết chữ xấu nhất lớp. Không biết chuyện ấy có khiến người bạn này phấn đấu để “rửa hận” không, nhưng hiện y là Tiến sĩ Hán Nôm, một trong những chuyên gia hàng đầu ở Việt Nam về cái học ấn triện đồ ký, Thư ký khoa học Viện Nghiên cứu Hán Nôm.
Chưa tới hai mươi tuổi mà đuôi mắt đã có nếp nhăn, Sạch là người hóm hỉnh, khôn ngoan nhất trong bọn anh em cùng lớp. Lúc ở Hà Bắc có lần Sạch mượn xe đạp chở tôi lên Cao Thượng thăm một người quen, sắp xuống một cái dốc dài tôi hỏi “Phanh tốt không đấy?”, y đáp “Cái xe này càng bóp phanh càng bon”. Tôi sợ rúm tứ túc, nhưng cười sặc sụa vì lối trả lời “Xe không có phanh” của y. Sau này về Hà Nội, qua năm thứ hai thì y bắt đầu bộc lộ thiên tư về môn Lưu trữ. Cứ đầu năm sinh viên mới nhập học thì y lại cầm sách vở chữ Hán ra lảng vảng ở Phòng thường trực kiểm kê tư liệu, nhất là các tư liệu tóc dài. Cứ chỉ một sinh viên mới mà hỏi “Con bé kia tên gì?”, y sẽ nói vanh vách tên họ, quê quán, tuổi tác không hề sai chạy bất kể “con bé” ấy ở khoa Văn hay khoa Sử.
Cuối 1991 tôi ra Hà Nội, trong bữa cơm Sạch nói sắp vào nam mang Châu bản triều Nguyễn, Địa bạ và sách Hán Nôm tại Kho Lưu trữ Trung ương 2 ra Bắc. Tôi cười nhạt, vì giới Hán Nôm toàn quốc lúc ấy chỉ có vài người trong đó có Đường, Viết và tôi nắm được cơ cấu, quy cách và loại hình văn bản của hệ thống tư liệu này, chứ nhiều nhà nghiên cứu còn chưa phân biệt được chẳng hạn thế nào là Cung lục, thế nào là Phụng lục, mà việc di dời tư liệu trong hoàn cảnh không có thiên tai hay chiến tranh như vậy là rất xa lạ với tập quán lưu trữ quốc tế. Có điều đây là chuyện điều động nghiệp vụ của hệ thống Lưu trữ quốc gia, phải tìm hiểu rõ mới có thể phát ngôn. Sau đó tôi về Sài Gòn, hỏi ra mới biết anh Phan Đình Nham Giám đốc Trung tâm Lưu trữ Quốc gia 2 đang đi Nhật, bác Trần Văn Giàu và chú Trần Bạch Đằng trong Hội đồng khoa học xã hội Thành phố cũng đang ở nước ngoài, còn đang ngần ngừ thì Sạch và Viết điện thoại báo đã vào. Kế Sạch tới chơi, nói là đang kiểm kê Châu bản, Địa bạ và sách Hán Nôm để chở ra Hà Nội. Tôi quên mất thân phận chủ nhà, choang choác chửi ầm lên. Sạch nóng mặt bèn cự “Đây là lệnh cấp trên, tôi chỉ là người thi hành, có phải tôi ra lệnh đâu mà ông chửi tôi?”. Tôi bật cười vì thấy mình vô lý với bạn bè, nhưng vẫn rất giận. Sau đó được biết Châu bản triều Nguyễn được đưa ra Hà Nội suốt nửa năm vẫn chất đống chứ không có giá kệ để sắp xếp, tôi phát hoảng vội gởi thư tới Thủ tướng Võ Văn Kiệt đề nghị ông lưu tâm tới quốc bảo này của Việt Nam. Năm 1992 tôi ra Hà Nội, bác Sáu vừa nghe tôi gọi điện liền gọi trưa hôm sau tới gặp ông ngay. Tôi trình bày với ông về quá trình hình thành Châu bản triều Nguyễn, nội dung và giá trị của hệ thống tài liệu này, ông nghe rất chăm chú, thỉnh thoảng lại ghi vào sổ tay. Trong lúc nói chuyện tôi tỏ ý phàn nàn là giới Hán Nôm ở phía nam vĩ tuyến 17 không được tạo điều kiện như các đồng nghiệp ở miền Bắc, ngay cả tài liệu quốc gia cũng đem đi mà không để lại một bản photocopy nào. Bác Sáu nhắc tôi là không được phân biệt Nam Bắc, tôi nghĩ thấy cũng phải nên sau cùng chỉ đề nghị ông có biện pháp bảo vệ Châu bản triều Nguyễn. Đến khi được tin Chính phủ đã dành cho một khoản kinh phí thích đáng và Cục Lưu trữ Nhà nước đã bắt đầu tiến hành bảo quản, khai thác Châu bản, tôi mới bớt giận. Dĩ nhiên Sạch và Viết biết Hán Nôm thì phải trở thành nòng cốt trong việc này, nhất là Viết đã tiếp xúc với Châu bản lúc còn ở Thành phố Hồ Chí Minh. Dân Lưu trữ mà có tài liệu thì như nghê kình vào biển, thôi cũng mừng cho bạn mình.
Nhưng người nước Sở nhặt được cung thì người nước Sở mất cung, đến cuối 1992 Đường lúc ấy đang là Phó Trưởng kho Tư liệu Lưu trữ thời phong kiến và Pháp thuộc ở Trung tâm Lưu trữ Quốc gia 2 ngán ngẩm xin thôi việc, sau đó làm nhân viên hợp đồng ở Nhà Truyền thống huyện Thủ Đức. Tháng 4. 1997 huyện Thủ Đức được chia tách thành quận Thủ Đức, quận 2 và quận 9, cán bộ văn hóa nói chung rất thiếu, người giỏi chữ Hán lại càng không có, nên Đường lại được tuyển vào biên chế, đến năm 2000 được Sở Văn hóa Thông tin điều động về làm việc ở Ban Quản lý di tích Lịch sử văn hóa và Danh lam thắng cảnh Thành phố Hồ Chí Minh, hiện là Thư ký Hội đồng khoa học của Ban này, cũng phải dùng chữ Hán khi điều tra, nghiên cứu di tích, tóm lại là không thể một dao cắt đứt với nghiệp Hán Nôm. Trong nhiều năm sau mỗi khi gặp nhau cứ tôi nhắc tới Châu bản thì Đường lại gạt phắt đi, nhưng một số bài viết của y trên báo chí vài năm nay lại nhắc tới hệ thống tư liệu hình thành trong thời gian 1802 – 1945 đang được lưu trữ. Dường như người chuyên gia bậc nhất Việt Nam về Châu bản triều Nguyễn này đã không còn uất ức, nhưng rõ ràng trong thâm tâm y vẫn đau đáu không nguôi. Mười mấy năm trời ăn đói chịu khổ, xa nhà xa quê để học hành và phụng sự của y đột nhiên trở thành vô nghĩa. Tôi không sợ gì y, nhưng vẫn chưa bao giờ dám hỏi thẳng, chỉ thỉnh thoảng tự hỏi tại sao cán bộ Hán Nôm cỡ đó, hiểu biết về Châu bản và Địa bạ cỡ đó mà Cục Lưu trữ không điều ra Bắc để bảo lưu một phần kết quả nghiên cứu Châu bản triều Nguyễn suốt mười mấy năm?
Càng nghĩ càng thương Liên, mặc dù cô em út của lớp này là cả một sự nhức đầu. Hồn nhiên, ít nhiều vụng dại, biết yêu sớm, lúc yêu thì nồng nhiệt bất chấp dư luận, bấy nhiêu dấu hiệu như đã báo trước một tương lai không chịu yên phận và một số phận không mấy bình yên. Tốt nghiệp xong về công tác ở Thanh Hóa
, có chút chức vụ nhưng cũng đắc tội với không ít người. Bảo vệ Luận văn Phó Tiến sĩ (nay là Tiến sĩ) xong, không hiểu học ngoại ngữ thế nào lại nhờ người thi hộ, ầm ĩ lên một dạo, kế báo chí đưa tin bị tước bằng. Lúc ấy là cuối 1998, tôi đang trong nam, một phóng viên báo Tuổi trẻ tới chơi vừa chửi vừa kể lại mọi chi tiết, sau cùng kết luận “Em sẽ phang cho con mụ ấy một bài”. Tôi vừa đau vừa giận, sầm mặt buông một câu “Bạn học của tao đấy”, chú nhỏ xin lỗi rối rít, nói “Em không biết, nếu thế thì em không viết nữa”. Tôi điên tiết dằn giọng “Mày viết hay không là quyền của mày, tao không có quyền gì ngăn cản, mày cũng không cần nể mặt tao, có điều đừng hung hăng ngu ngốc như vậy. Con em tao gian dối thì phải chịu tội, nhưng nó là trí thức, bọn mày làm báo, ráng mà nghĩ xem cái cơ chế nào đẩy nhiều trí thức tới chỗ tạm ứng bằng cấp như hiện nay thì chắc là hay hơn ném đá xuống người dưới giếng đấy”. Chú phóng viên có vẻ thấm, từ đó về sau thâm trầm hẳn đi.
Trong các bạn gái Lâm là một type khác, không đằm thắm như Kim Anh, không hào sảng như Ngọ, không xông xáo như Liên, không hoạt bát như Nga, học chung một lớp suốt mấy năm mà tôi gần như vẫn không có ấn tượng gì, mãi đến khi Lâm đã lấy chồng tôi mới phát hiện ra người bạn này là một viên ngọc Biện Hòa. Lâm rụt rè, vụng về, thao tác cá nhân vẫn chưa ăn khớp với quy trình cuộc sống thời kinh tế thị trường, chỉ có sức chịu đựng và lòng nhẫn nại để sống và làm khoa học. Anh Nguyễn Nghĩa Văn vừa nằm xuống cách đây vài hôm, chưa kịp nhìn thấy vợ bảo vệ chính thức Luận văn Tiến sĩ, nhưng chúng tôi tin rằng người chuyên gia Lưu trữ này có thể ngậm cười nơi chín suối. Hai đứa con của anh có một người mẹ xứng đáng, chắc chắn chúng sẽ trở thành tôi trung con hiếu như anh.
Tôi cố ý nói về thầy Thảng sau cùng, vì với cá nhân tôi ông không chỉ là một người thầy, và với chúng tôi thì ông không chỉ là một người thầy học. Ngoài chữ nghĩa chúng tôi còn học được ở ông nhiều điều bất ngôn nhi giáo, trong cách sống và cách làm người. Sau 1977, ông về Nam sống với người vợ mà ông chung thủy suốt hai mươi năm, dạy ở khoa Văn Đại học Tổng hợp Huế. Sinh được một đứa con thì cô mất. “Nam Trung ngã thất ý, Thuận Hóa quân toái cầm”. Năm 1997, trường tổ chức kỷ niệm 25 năm ngày thành lập ngành Hán Nôm tại Văn miếu Hà Nội, ông từ Huế ra dự. Sau phần lễ tới phần hội, bọn đại đệ tử xúm xít chung quanh đưa đại sư phụ tới chỗ viết chữ Hán biểu diễn thư pháp, không ngờ đám đồ tôn xúm lại xin chữ đông nghịt, thiên hạ đã uống bia ầm ầm mà chúng tôi vẫn phải đứng nghĩ chữ hầu thầy viết. Đến khi ông hỏi “Câu gì Dũng?”, tôi chờ lâu quá sốt ruột khích một câu “Câu Xảo giả vi nô chuyết giả nhàn (Khéo làm tôi mọi vụng thì nhàn)”. Quả nhiên ông già lập tức thầy cáu ném ngay bút xuống “Không viết nữa”. Một cô sinh viên òa khóc “Nãy giờ cháu đứng xin chữ cụ mà các anh ấy cứ chen trước”. Đúng là bưng đá đập chân, tôi lại phải lạy lục sư phụ vuốt giận làm lành viết cho mấy chữ, cô nhỏ mới phá lệ khai nhan. Ông được tặng danh hiệu Nhà giáo ưu tú, rất có danh vọng ở Huế. Không phải thầy tôi tôi khen, chứ Thảng sư phụ quả là một bậc trưởng giả chí thành hiếm có. Năm 2000 sau khi miền Trung bị lụt, nhân có chị bạn ra Huế công tác tôi gởi thư thăm ông, trở về chị nói đã gởi lại thư chứ không gặp, vì sau lụt ông đã “về ngay Quảng Ngãi để đắp lại phần mộ tổ tiên”. Cuối 2001 tôi ra Huế chơi thì ông vừa mổ, tôi bỏ bữa rượu đêm Noel đã hẹn trong Sài Gòn, ở lại Huế chơi với ông. Mấy hôm ấy Nga, Tưởng, Việt, Kim Anh được tin liên tục gọi điện vào hỏi thăm. “Bán tự thành sư đệ, thùy tri tây tịch độc quân tôn”.
Cuối năm 2000, tôi ra Hà Nội. Lần này nhất định phải lên Hà Bắc, “Đứa nào không đi thì thôi”. Quả thuê xe, Ngọ mua quà, chúng tôi lên Hà Bắc thăm khu sơ tán cũ. Chính chết, Đường ở Sài Gòn, Liên ở Thanh Hóa, Kim Anh đang ở Trung Quốc, Nga đang ở Ấn Độ, Viết không đi được, chỉ có bảy người. Rời khỏi quốc lộ vào Yên Phong, đường huyện rộng hơn trước, nhưng rẽ vào xã Chính Trung thì đường thôn lại hẹp hơn trước, lầy lội và nồng nặc mùi phân trâu. Một người trung niên bước tới “Ông có phải là ông Dũng không?”. Trời ơi, gần ba mươi năm rồi bà con còn nhớ, mà đến nay chúng tôi mới quay về. Ngọ chia kẹo cho bọn trẻ con, có đứa lảng ra nhưng vẫn ngoái nhìn với vẻ lấm lét ngây thơ. Trẻ con đông quá, trời rét nhưng đều ăn mặc phong phanh. Chị Mến chủ nhà tôi và Sạch ở ngày xưa hơn hai mươi tuổi, cao lớn, khỏe mạnh, xinh đẹp, nay đã thành một bà già già trước tuổi, đám cháu nội ngoại nheo nhóc xúm quanh nhìn khách. Tôi bước tới nghiêng người định kín đáo dúi biếu chị ít tiền, Sạch đã xua xua tay, nói khẽ “Xong rồi”. Tôi nhìn lên, thấy chị đang kéo góc khăn chấm nước mắt. Ôi, những người nông dân từng cưu mang chúng tôi, những chứng nhân im lặng sau ba mươi năm vào đời học đạo của chúng tôi!
***Có ba loại người làm nên đại nghiệp: loại cực kỳ thông minh, loại cực kỳ may mắn và loại cực kỳ kiên nhẫn. Chuyện thông minh thì xin để nhường bậc quân tử, còn chuyện may mắn thì kẻ anh hùng không mong chờ. Trên cương vị học tập của mình, chúng tôi đã kiên nhẫn qua ba mươi năm, có điều sắp tới tuổi tri thiên mệnh rồi, có kiên nhẫn được nữa hay không quả thật không ai dám nói trước. Sau ba mươi năm, lớp có bốn Tiến sĩ, bốn đảng viên, một người chết, một người bị tước bằng Tiến sĩ, bốn người gãy đổ trong hôn nhân, một người chết con, một người chết chồng. Bấy nhiêu số phận thế nhân dồn cả vào một tập thể mười ba người, tính theo tỷ lệ phần trăm quả thật đều thuộc loại “cao nhất nước”. Nhiều khi chúng tôi vẫn nửa đùa nửa thật “Lớp mình đi tiên phong trên mọi lĩnh vực, năng động bám kịp xu thế thời đại như vậy quả không hổ là đại đệ tử ngành Hán Nôm”. Nhưng nói chung ai cũng ít nhiều trưởng thành, nên tuy có người thành đạt, có người thành danh, có người không thành đạt cũng không thành danh song vẫn quan tâm tới nhau, vẫn nhớ ơn các thầy cô trong ngành trong khoa trong trường. Ba mươi năm mạch đạo dòng đời, người xưa đã khác, Mười ba mối ơn thầy nghĩa bạn, lớp cũ còn chung.
Cao Tự Thanh
0 nhận xét:
Đăng nhận xét