Chuyện nhỏ chuyện lớn

Mấy ngày qua, trên những trang kinh tế của báo chí khá dày thông tin về việc Ngân hàng Nhà nước tổ chức các phiên "đấu thầu vàng miếng". Tính đến thời điểm này họ đã thực hiện được 3 phiên, nhận được nhiều dư luận khác nhau. Khen chê đều có, xoay quanh cách tổ chức, kết quả, giá trị của việc làm này. Tôi chỉ góp ý ngắn gọn ở khía cạnh khác.

Kể từ khi Ngân hàng Nhà nước thông báo vụ việc đến khi diễn biến hết 3 phiên, trong các văn bản lẫn các bài viết của báo chí đều dùng cụm từ "đấu thầu vàng". Theo tôi, hoàn toàn sai bởi chữ nghĩa mang nội dung khác hẳn thực chất. Không thể là "đấu thầu" mà phải "đấu giá". Giở các cuốn từ điển tiếng Việt hoặc Hán Việt ra thì rõ ngay. Đại loại "đấu thầu" có nghĩa đưa ra công khai cho những ai, đơn vị nào đáp ứng điều kiện tốt nhất thì sẽ được làm việc gì đó, cung cấp cái gì đó; còn "đấu giá" là đưa món hàng ra, ai trả giá cao nhất sẽ mua được. Từ điển Hán Việt của cụ Đào Duy Anh nói rất rõ "đấu giá tức là so sánh xem ai trả giá cao nhất thì bán cho người ấy, tức là phách mãi (vente aux enchères)". Trên thực tế ở xứ ta cũng như thế giới, bao lâu nay đấu giá hoặc đấu thầu đều có nội dung riêng, không thể lẫn lộn. Để xây tòa nhà quốc hội, người ta tổ chức mời thầu, đấu thầu; anh này thỏa điều kiện đặt ra tốt nhất thì được xây dựng, anh kia tốt nhất thì được cung cấp nguyên vật liệu. Không có chuyện bán mua. Còn để phát mãi một tòa nhà hoặc khu đất, lô hàng, bức tranh... nào đó, người ta tổ chức đấu giá, cứ ai trả cao thì bán. Rất dễ hiểu.

Vậy mà một cơ quan cấp bộ như Ngân hàng Nhà nước đến cái chữ đơn giản còn dùng sai thì trông mong gì vào việc nó điều hành nền kinh tế. Đóng vai trò cầm trịch, hướng dẫn, chỉ đạo nền kinh tế quốc gia mà ú ớ, ngọng nghịu. Một ông bạn tôi văng tục "đéo biết thầu hay giá mà cũng đòi làm thống đốc", ý ông ấy ám chỉ anh tiến sĩ tiền tệ Nguyễn Văn Bình. Mà đâu chỉ có ông Bình, còn cả một lô một lốc bộ sậu quan này chức nọ cấp dưới nữa, rồi còn cả đám cao hơn ông ta nữa. Thế nhưng họ cứ làm ào, bất chấp tất. Điều nguy hiểm là cái sai diễn đi diễn lại mãi sẽ mặc nhiên được coi là đúng. Ở xứ ta, sai chữ nghĩa như thế chỉ là chuyện vặt, còn đầy những cái sai khủng hơn nhiều. Họ biết sai nhưng vì lý do nào đấy cứ nhắm mắt nhắm mũi theo, không chịu sửa, bắt cả dân tộc phải chịu hệ lụy.

Mà cũng có thể ngân hàng có lý, bởi thời buổi này cứ phải thầu mới kèm phết phảy, hoa hồng, miếng ăn chia chác; chứ đấu giá thì thẳng băng ruột ngựa, ăn vào đâu. Cứ phải thầu, thầu.

Tôi có trao đổi với thư ký tòa soạn một tờ báo, rằng biết chữ đó là sai, sao không sửa. Người ấy cho biết văn bản cũng như số đông gọi như thế rồi, sửa khó lắm. Tôi ngẫm ra, thì báo chí xứ mình nó vậy, chả dám làm ngược cái gì, dù rằng làm đúng.

Đừng cho là tôi tủn mủn, chấp nhặt, bới bèo ra bọ. Một xã hội dân chủ, chuyện lớn cũng như chuyện nhỏ đều phải được công khai, đúng thì làm, sai thì sửa. Tôi nhớ hồi mấy năm trước, khi Trung ương Đoàn dự định sẽ trao giải thưởng hằng năm cho những thanh niên nông thôn làm ăn giỏi nhất, đặt tên là giải Lương Đình Của, tôi gửi thư cho Ban tổ chức, đề nghị phải đổi là Lương Định Của mới đúng với tên nhà bác học. Họ bảo đường phố tên Lương Đình Của kia mà, tôi không cãi, chỉ đề nghị đến ngay gia đình, thân nhân bác Của mà hỏi. Sau đó đích thân trưởng ban Thanh niên nông thôn T.Ư Đoàn (lúc ấy) gọi điện cám ơn tôi, cho biết đã sửa lại Đình thành Định. Nhân tiện tôi đề nghị tên giải thưởng Sao Tháng Giêng cũng chưa đúng, bởi giải thưởng cho sinh viên học sinh được đặt ra nhân kỷ niệm ngày SV-HS 7.1 thì ngày đó là lịch tây, dương lịch, không thể tháng Giêng. Anh ấy hứa sẽ trao đổi với người có trách nhiệm nhưng từ bấy đến nay cái tên giải thưởng vẫn cứ sai như thế.

Hóa ra, sửa một cái sai, nhỏ thôi, cũng chẳng dễ dàng gì.

Nhưng nhất định phải sửa, nhất là khi nó liên quan đến hàng triệu người.

6.4.2013
Nguyễn Thông



Share on Google Plus

About Unknown

Bài viết này được chia sẻ bởi Unknown.
    Blogger Comment
    Facebook Comment

0 nhận xét:

Đăng nhận xét