Về chuyện ngôn ngữ và dịch thuật
Tôi có một số suy nghĩ về vấn đề ngôn ngữ nói chung và dịch thuật nói riêng nhu thế này.
- Không nên cứng nhắc, cầu toàn khi nói về ngôn ngữ vì miễn sao có sự giao tiếp giữa hai người trở lên thì ngôn ngữ đã đóng trọn vai trò của nó. Chẳng hạn, ngày xưa, xưa lắm rồi, có người cứ khăng khăng đòi phải dùng từ “chúng cư” thay vì “chung cư”. Nhưng cái thông điệp phát ra từ câu văn có dùng từ “chúng cư” là sự sân si, khoe chữ chứ không giúp gì cho việc giao tiếp cả.
Tương tự, ngày nay đôi lúc tôi rất dị ứng với những ai dùng sai từ “cứu cánh” theo nghĩa “cứu tinh, cứu viện” (Bất động sản là cứu cánh của nền kinh tế; Bệnh tâm thần là cứu cánh cho tội danh hối lộ…) trong khi nghĩa đúng của từ này là “mục đích sau cùng”. Nhưng lại nghĩ nếu đa phần các bạn trẻ dùng sai như thế thì chính các bạn ấy tạo ra một nghĩa mới cho từ này và lâu dần, tự điển phải ghi nhận thêm nghĩa này cho nó thì sao!
Vì thế từ “công sở” (cái này là tranh luận trên một diễn đàn) ngày xưa chỉ dùng cho nơi làm việc của cơ quan công quyền nhưng ngày nay có bạn dùng nó để chỉ nơi làm việc nói chung (không phân biệt công tư) như trong câu “thời trang công sở” thì cũng được, miễn sao mục đích giao tiếp được thỏa mãn.
Nói thế nhưng cũng phải chú ý đến chuẩn mực của ngôn ngữ. Một mặt chấp nhận sự tiến hóa của ngôn ngữ nhưng mặt khác phải duy trì cái chuẩn mực để mọi người hướng đến. Điều đáng tiếc là ngày nay ở Việt Nam rất ít nơi, ít nhân vật tạo ra và duy trì cái chuẩn mực ấy như các nhà văn nhà trí thức nhà báo ở các nước khác. Vai trò của người biên tập, của báo chí là duy trì cái chuẩn mực ấy để sửa sang và điều chỉnh để làm sao ngôn ngữ thỏa mãn vai trò giao tiếp đến với số đông nhất.
- Dịch thuật là một nghệ thuật đòi hỏi những kỹ năng khác hẳn chuyện hiểu, sử dụng thành thạo một ngoại ngữ. Lạ một điều là bất kỳ ai có chút kiến thức về ngoại ngữ cũng có thể tham gia tranh luận vào cách dịch thuật, mà tranh luận rất hăm hở nữa là đằng khác. Theo tôi cái chuẩn mực trong dịch thuật là làm sao để đến khi thuật ngược lại cho tác gia văn bản gốc nghe, họ sẽ bảo, nó không hoàn toàn là những điều tôi viết nhưng ý tôi đúng là như thế đấy – vậy là đạt.
Lấy ví dụ cuốn “Bố già” của Ngọc Thứ Lang dịch từ cuốn “The Godfather” của Mario Puzo. Đây là một dịch phẩm xuất sắc nhưng nếu có ai rảnh đối chiếu bản tiếng Việt và bản tiếng Anh sẽ thấy hàng loạt lỗi dịch sai, dịch sót. Nói vậy chứ bất kỳ ai đã đọc nguyên tác rồi đọc bản dịch của Ngọc Thứ Lang đều phải thừa nhận dịch giả đã chuyển tải được tinh thần, văn phong, bút pháp của Puzo qua bản dịch thần tình này. Vậy là đạt ở mức xuất sắc.
Một ví dụ khác, tờ Slatevừa có bài “Is Sherlock Holmes in the Public Domain?”, nói về chuyện quyền tác giả. Thông thường người ta quy định quyền tác giả sẽ được bảo hộ trong suốt cuộc đời tác giả và sau đó thêm 50 năm nữa. Hết thời hạn này thì tác phẩm sẽ là “của chung” (public domain), ai muốn xài thì cứ thoải mái. Vì thế nhan đề bài báo nên dịch thành “Bản quyền Sherlock Holmes đã hết hạn chưa?” là rất đạt. Nhưng cũng sẽ có người cãi vậy đã dịch được chữ public domain đâu mà bảo là đạt!!!
Ở đây cũng là câu chuyện chuẩn mực. Điều đáng tiếc là người dịch giỏi ngày càng hiếm bởi họ không có động lực để dịch. Lại không có người san định để thống nhất từ ngữ. Ví dụ từ “private equity” đến giờ tranh luận miết vẫn chưa ai đưa ra cách dịch hay và chính xác.
- Trở lại với tựa sách “Nice Girls Don’t Get the Corner Office” của Thái Hà Books là nguyên do cái note này. Tôi ít khi dám chê ai dịch sai bởi lý do như đã nói ở trên. Gần đây nhất là chuyện thấy báo Thanh Niên chơi một lần hai ba bài về chuyện sai tiếng Anh (rất hữu ích) nhưng báo cũng chê quá đà, chê viết ticketing counter là sai, phải viết ticket counter mới đúng. Hai từ này được dùng như nhau thôi, chê sai một cách nặng nề làm gì.
Nhưng khi thấy tựa sách được dịch thành “Phụ nữ thông minh không ở góc văn phòng” in to đùng ngoài bìa thì phải lên tiếng vì dịch như thế chẳng khác nào bảo phụ nữ thông minh phải xông xáo, phải xung phong ra tuyến đầu lửa đạn!!! Nếu người dịch cứ chân phương mà nói “Phụ nữ dễ bảo thì khó tiến thân” thì có ai phê phán gì đâu (bởi câu này rất bình thường không có gì phải tranh luận). Còn dịch cho hay lại là chuyện khác.
Cuối cùng, dịch sai cũng còn châm chước được vì ai cũng có lúc sai sót. Nhưng biết mà cố ý dịch ẩu như vụ các báo dịch lại bài về ba nữdoanh nhân Việt Namtrên tờ Guardian rồi thêm bớt, xào nấu phục vụ cho ý đồ của mình là điều đại kỵ trong nghề báo, nghề dịch, nghề viết lách. Rất đáng lên án.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét