Báo chí vừa đưa tin tỉnh Ninh Thuận đã công bố dịch cúm H5N1 trên đàn yến nuôi của tỉnh này (cần lưu ý: chẳng có loài yến nào gọi là “yến nuôi” cả, chúng là động vật hoang dã bị con người dẫn dụ về làm tổ mà thôi), đồng thời quyết định “tiêu hủy đàn chim yến lớn nhất Đông Nam Á” tại cơ sở nuôi yến thuộc Công ty cổ phần Yến Việt. Số lượng chim yến sinh sống tại đây có tới hơn 100 ngàn con.
Ngay sau khi quyết định này được ban hành, các cán bộ thú y đã hòa 4 loại chất độc (Benkocid, Virkon, Formon, Cresy) phun phủ toàn bộ nhà yến để tiêu diệt toàn bộ chim yến sống ở đây, con nào đang ở nhà thì chết ngay, con nào đi ăn xa thì khi về sẽ phải chết, nếu con nào chưa chết thì sẽ phun thuốc độc tiếp cho chết hết.
Đây là một hành động diệt chủng man rợ đối với một loài động vật hoang dã.
Quyết định diệt chủng này được đưa ra dựa trên cơ sở xét nghiệm : những mẫu chim chết cho kết quả dương tính với cúm A/H5N1 (tức là có bệnh), còn những mẫu chim sống cũng như tổ, phân chim đều cho kết quả âm tính (tức là hoàn toàn không có virus cúm).
Quy trình xét nghiệm, từ việc lấy mẫu cho đến việc phân tích và đưa ra kết quả, liệu có đáng tin? Cứ cho quy trình xét nghiệm là đáng tin đi, thì toàn bộ chim yến đang sống không bị bệnh, tại sao lại hủy diệt chúng? Đằng sau cái quyết định man rợ này là cái gì? Việc phun một lượng những chất độc vào một không gian rộng lớn sẽ gây tác hại gì cho người và môi trường xung quanh?
Chim yến không biết nói, chúng không cãi được những người tàn sát chúng, mà dù có biết nói thì chúng cũng không có cơ hội để cãi.
Ngay cả con người biết nói, đối với ngành thú y, nói rộng ra là đối với ngành y tế, nói rộng ra nữa là đối với Tổ chức Y tế thế giới, cũng bị cấm cãi.
H5N1 là cái gì, H7N9 là cái gì, nhân loại chỉ biết mang máng, dù ai có biết rõ cũng không được cãi, vì những thứ đó được Tổ chức Y tế thế giới đưa ra. Bất cứ thứ gì Tổ chức Y tế thế giới đưa ra đúng hay sai đều là chân lý, đều cấm cãi. Tổ chức này nói “Dịch” nó là “Dịch”, dù chỉ có vài ba người chết. Tổ chức này chưa nói “Dịch” nó là không “Dịch”, dù bao nhiêu người chết mặc kệ. Tổ chức này từng bảo dùng DDT để diệt muỗi, DDT được các chính phủ cho phun khắp các hang cùng ngõ hẽm trên thế giới; khi tổ chức này bảo DDT gây ung thư, DDT liền bị cấm. Đối với những người đồng tính luyến ái, khi Tổ chức Y tế thế giới ghi trong danh mục bệnh thì thế giới gọi là bệnh, khi Tổ chức Y tế thế giới loại khỏi danh mục bệnh, cả thế giới phải gọi là không bệnh. Cũng đã có những nhà khoa học công bố các công trình nghiên cứu cho rằng bệnh HIV/AIDS là không có thật, đó chỉ là mưu đồ của các hãng dược lũng đoạn Tổ chức Y tế thế giới nhằm kiếm siêu lợi nhuận từ các loại thuốc trị bệnh này, ai đúng ai sai chưa biết được, nhưng họ làm gì có được cơ hội cãi với Tổ chức Y tế thế giới!
Cần nói thêm :
Mọi tổ chức đều hàm chứa trong bản thân nó nguy cơ biến thành quan liêu, bởi vậy mà các tổ chức lành mạnh hoặc muốn lành mạnh đều phải thiết lập cơ chế giám sát và tự giám sát. Thông thường, các tổ chức quốc gia ít quan liêu hơn các tổ chức quốc tế, vì trong phạm vi quốc gia dễ thiết lập cơ chế giám sát hữu hiệu. Đối với các tổ chức quốc tế, loại phi chính phủ ít có nguy cơ quan liêu hơn các tổ chức liên chính phủ, trong đó các tổ chức của Liên Hiệp Quốc có nguy cơ quan liêu cao nhất, vì trên nó không có ai giám sát, không có một cơ chế giám sát nào có hiệu lực đối với nó cả (Liên Hiệp Quốc thực ra là một tổ chức phi dân chủ nhất trong lịch sử loài người, vì nó bị 5 nước lớn khống chế, nó chỉ là “trò chơi” của 5 nước lớn). Trong các tổ chức có nguy cơ quan liêu cao nhất của Liên Hiệp Quốc thì tổ chức vừa mang yếu tố khoa học vừa có quyền lực vô hạn độ như Tổ chức Y tế thế giới là nguy hiểm nhất, nếu nó rơi vào quan liêu, nếu nó bị các “nhóm lợi ích” chi phối.
Hoàng Hải Vân
Ghi chú của chủ trang:
Tác giả Hoàng Hải Vân, tức nhà báo Huỳnh Kim Sánh, từng là Tổng thư ký tòa soan báo Thanh Niên, người vừa được Hội đồng xét duyệt giải Cống hiến bảo vệ động vật hoang dã trao giải Nhà báo xuất sắc bởi nhưng đóng góp đặc biệt của ông đối với việc bảo vệ động vật hoang dã ở Việt Nam. Giải này do Đại sứ quán Mỹ tại VN cùng các tổ chức bảo tồn trong nước và quốc tế, gồm: Freeland Foundation, Trung tâm Con người và thiên nhiên (PanNature), Hiệp hội Bảo vệ động vật hoang dã (WCS), TRAFFIC Đông Nam Á, Chương trình Tiểu vùng Mê Kông mở rộng, IUCN Việt Nam phối hợp tổ chức. Giải được trao vào ngày mai 22.4. Xin chúc mừng nhà báo Hoàng Hải Vân.
Nguyễn Thông
0 nhận xét:
Đăng nhận xét