Từ một góc nhìn khác
Vì sao không thể viết “Lực lượng vũ trang nhân dân phải tuyệt đối trung thành với Đảng cộng sản Việt Nam ”?
Ý nghĩa của việc thay đổi từ “theo quy định của pháp luật” thành “theo quy định của luật” là gì?
1. Một trong những góp ý của Chính phủ với bản dự thảo sửa đổi Hiến pháp là bỏ một từ “pháp” trong cụm từ “theo quy định của pháp luật”. Dự thảo sửa đổi Hiến pháp khi đề cập đến các quyền cơ bản quan trọng của công dân như tự do đi lại, cư trú, tự do ngôn luận, tự do báo chí, lập hội, biểu tình đều có ghi thêm câu “theo quy định của pháp luật”. Nay Chính phủ đề nghị chỉ ghi “theo quy định của luật”. Ủy ban sửa đổi Hiến pháp cũng đang tập hợp ý kiến góp ý của người dân vào bản dự thảo mới, trong đó với những quyền cụ thể, cũng thay đuôi “theo quy định của pháp luật” thành “theo luật định”.
Chỉ một từ vì sao lại tạo ra sự khác biệt?
Nếu xem Hiến pháp là một khế ước xã hội nơi người dân trao quyền cho Nhà nước thay mặt họ trong một số trường hợp để quản lý xã hội nhưng cũng khẳng định một số quyền cơ bản không thể tước bỏ của người dân thì viết như kiểu cũ là không đúng với tinh thần Hiến pháp. “Theo quy định của pháp luật” có nghĩa những quyền hiến định sẽ bị các đạo luật dưới Hiến pháp ràng buộc, hạn chế một bước rồi sau đó các văn bản dưới luật như nghị định, thông tư lại ràng buộc, hạn chế thêm nhiều bước khác.
Còn nếu hiểu một cách đúng đắn, luật là công cụ người dân thông qua đại biểu dân cử làm ra để bảo vệ các quyền hiến định của mình thì luật chỉ nhằm mục đích giúp người dân thực hiện quyền của họ một cách hợp lý nhất. Hiến pháp quy định công dân có quyền tự do cư trú thì luật trước tiên phải khẳng định quyền này, phải ràng buộc Nhà nước làm sao để quyền này không bị tước bỏ. Luật chỉ được quyền cụ thể hóa sự tự do cư trú ấy như thế nào mà thôi, bằng không sẽ bị tuyên là vi hiến. Viết như kiểu cũ, quyền tự do cư trú sẽ bị hạn chế bằng các điều kiện mà luật pháp đặt ra như có nhà, có nghề nghiệp...
Góc nhìn cũ là tìm cách quản lý quyền của công dân; góc nhìn mới là bảo vệ quyền của công dân. Vì thế, vẫn có ý kiến, tốt nhất là Hiến pháp bỏ luôn cụm từ “theo quy định...” để không còn cơ hội nào cho sự diễn giải sai, dù vô tình hay cố ý.
* * *
2. Điều 70 (sửa đổi, bổ sung Điều 45) của bản dự thảo sửa đổi Hiến pháp viết: “Lực lượng vũ trang nhân dân phải tuyệt đối trung thành với Đảng cộng sản Việt Nam , Tổ quốc và nhân dân...”.
Sau khi tổng hợp góp ý của đông đảo người dân, Ủy ban sửa đổi Hiến pháp cuối tuần trước cho biết đang có hai luồng ý kiến muốn sửa đổi điều này (và dường như không có luồng nào muốn giữ nguyên văn như trên cả).
Luồng thứ nhất dừng ở mức độ chuyện chữ nghĩa, trật tự của câu văn. Nhiều người lập luận Tổ quốc và nhân dân là đã bao gồm cả Đảng cộng sản Việt Nam . Trong việc bảo vệ đất nước thì Tổ quốc và nhân dân là trên hết, không thể nào xếp Đảng đứng đầu như một ưu tiên phải được bảo vệ đầu tiên.
Ý kiến loại này được ngay cả các vị quan chức đã về hưu như cựu Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Mạnh Cầm nêu lên. Tại hội nghị góp ý kiến cho dự thảo Hiến pháp của Bộ Tư pháp, tất cả ý kiến góp ý đều đề nghị đổi vị trí và cách diễn đạt điều 70 thành: “Lực lượng vũ trang nhân dân phải tuyệt đối trung thành với Tổ quốc, nhân dân và Đảng cộng sản Việt Nam...”.
Thật ra ngay chính Cương lĩnh 2011 của Đảng cũng ghi rõ theo trật tự đó: “Xây dựng Quân đội nhân dân và Công an nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, tuyệt đối trung thành với Tổ quốc, với Đảng, Nhà nước và nhân dân...”.
Luồng ý kiến thứ hai muốn giữ nguyên như Hiến pháp 1992, tức là không quy định “lực lượng vũ trang phải tuyệt đối trung thành với Đảng cộng sản Việt Nam ”.
Mặc dù không có chi tiết thêm về lập luận đằng sau luồng ý kiến thứ hai này, thiết nghĩ Đảng cộng sản Việt Nam hiện nay là lực lượng lãnh đạo nhà nước và xã hội nhưng điều này chưa được luật hóa thành những văn bản luật cụ thể nên sự lãnh đạo thường thông qua các nghị quyết, đường lối, chính sách và nhất là thông qua con người cụ thể được phân công những nhiệm vụ cụ thể trong bộ máy nhà nước.
Vì thế mọi hoạt động liên quan đến lực lượng vũ trang, về mặt chính thức mà nói, đều thông qua bộ máy nhà nước. Việc phong hàm cấp tướng chẳng hạn cho các sĩ quan quân đội hay cảnh sát là do Chủ tịch nước hay Thủ tướng Chính phủ; hay một ví dụ khác, việc điều động quân đội đi chống lũ, cứu dân... là do bên chính quyền điều động. Đó là cơ chế bình thường nay ghi thêm dòng “tuyệt đối trung thành với Đảng”, không lẽ sẽ có những cơ chế khác, một hệ thống chỉ huy khác? Chắc chắn không có chuyện đó - thì ghi như dự thảo vừa thừa vừa gây sự lúng túng không đáng có.
Hơn nữa, dự thảo sửa đổi Hiến pháp còn có điều 93: Chủ tịch nước có những nhiệm vụ và quyền hạn sau đây:... Thống lĩnh các lực lượng vũ trang nhân dân, giữ chức Chủ tịch Hội đồng Quốc phòng và An ninh... Nếu Chủ tịch nước là người thống lĩnh các lực lượng vũ trang, tức các lực lượng vũ trang phải tuyệt đối tuân thủ mệnh lệnh của Chủ tịch nước. Viết như dự thảo sẽ gây ra sự lúng túng, bối rối không phân định rõ của bộ máy chỉ huy quân đội.
Tổ quốc và nhân dân là những khái niệm thiêng liêng - trở về với cách viết như cũ là thể hiện sự tôn trọng với Tổ quốc và nhân dân, nhất là tôn trọng tính trung thành tuyệt đối của Đảng đối với Tổ quốc và nhân dân.
Phần viết thêm:
Ý nghĩa đằng sau những thay đổi mới nhất trong chuyện sửa đổi Hiến pháp là gì? Nên có thái độ như thế nào? Có phải chúng ta đang bị lừa cho những chiêu trò hậu trường chăng? Đây là băn khoăn của nhiều người. Riêng tôi, tôi suy nghĩ đơn giản: Đây là điều tốt về nhiều mặt, cần thúc đẩy.
- Cách đây chỉ mới mấy tuần, hàng loạt bài báo tràn ngập báo Nhân dân, Quân đội Nhân dân và đài truyền hình, lớn tiếng phê phán những ý kiến khác với ý kiến chính thống là phản động, suy thoái, là bị thế lực thù địch nước ngoài giật dây… Nay chính các tờ này phải im tiếng. Và sau này những cây bút từng viết những bài đầy chủ quan và quy chụp như thế ắt phải chùn tay để khỏi bị hố to. Đấy không phải là điều hay hay sao?
- Cũng trong thời gian đó báo chí truyền thống khác phần đông là im tiếng. Chỉ có các diễn đàn trên các mạng xã hội là phân tích nêu lên những điểm nay đã được tích hợp vào bản dự thảo mới. Điều đó cho thấy đặc điểm lan tỏa của ý kiến cá nhân, không phụ thuộc vào phương tiện truyền thông cổ điển nữa. Đó cũng là một điểm đáng khích lệ khác.
- Có người cho rằng sự thay đổi mới xuất hiện chỉ là một cách mua chuộc lòng dân. Thế thì đã sao? Muốn mua thì cũng phải trả giá và đó chính là quá trình thỏa hiệp sao cho lợi ích của đa số được tôn trọng. Muốn mua chuộc có nghĩa lòng dân đã có giá, được chú trọng – và đó chính là khởi điểm của dân chủ, tức tiếng nói của người dân được lắng nghe. Nếu không có những phản ứng của người dân khi bị trục đuổi khỏi mảnh đất của họ thì sẽ không có tranh luận về thu mua hay trưng mua, sẽ không có việc đề nghị bỏ quy định thu hồi đất vì lý do phát triển kinh tế…
- Những ý kiến đại loại đổi tên nước là âm mưu đổi tiền đấy, là ý kiến phá đám, không nên lưu tâm. Riêng đề xuất đổi tên nước, tôi nghĩ đây vừa là chuyện quan trọng nhưng vừa không mang tính thực tiễn cho lắm. Tạm thời không nên tập trung vào đó dễ bị lạc hướng.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét