NGUYỄN QUANG A
Trên Thanh Niên chủ nhật ngày 24-3-2013 nhà báo Nguyễn Thông bàn về chuyện suy thoái, về những chuyện đau lòng trong gia đình, giữa những người thân và dóng tiếng chuông báo động “không thể không lo”. Tôi bổ sung thêm còn nhiều chuyện đáng lo nữa mà dưới đây chỉ điểm qua vài chuyện.
Người ta đang muốn cho công an được nổ súng vào những kẻ chống người thi hành công vụ. Quy định như thế rất dễ dẫn đến lạm quyền mà chúng ta đã chứng kiến không ít trong thời gian qua. Sự lạm dụng vũ khí, quyền lực là hết sức nguy hiểm, có thể gây ra bạo loạn xã hội và cần phải ngăn chặn ngay. Vài sự lạm dụng chỉ trong vòng chưa đầy 10 ngày qua mà báo chí đã lên án gay gắt.
Chỉ vì lỗi không đội mũ bảo hiểm khi đi xe máy mà 2 nhân viên của công ty Cường Thịnh Phát (Pleiku, Gia Lai) bị rượt đuổi đến nhà máy giữa đêm khuya. Lực lượng chức năng đã đập phá, hành hung người gây thương tích nghiêm trọng, thậm chí đã nổ súng. Cũng do lỗi không đội mũ bảo hiểm mà một người đã chết tại một đồn công an ở Bắc Giang và dẫn đến bạo loạn tại thành phố Bắc Giang. Còn bao nhiêu chuyện đau lòng, đáng lo như thế.
Đấy là mới chỉ nói đến vi phạm luật giao thông. Còn bao nhiêu luật khác nữa và không thể lấy bạo lực làm công cụ thực thi pháp luật. Tiếng chuông cảnh báo hình như còn chưa đủ lớn và đã không đến được tai của những người không điếc, nhưng thực sự điếc. Cần phải dóng những hồi chuông lớn hơn, mạnh hơn.
Đã có bao nhiêu người chết, bị hành hạ, bị oan ức do sự lạm dụng quyền lực gây ra. Những kẻ lạm dụng vũ khí, gây thương tích, thậm chí gây chết người chính là những kẻ đã hủy hoại uy tín của lực lượng vũ trang và làm mất uy tín của nhà nước. Chúng vi phạm luật rành rành và phải bị truy tố, xử lý nghiêm để lấy lại uy tín cho lực lượng công an vốn là lực lượng tối cần thiết để duy trì trật tự. Những người có liên quan thường phân bua về “chuyện chống người thi hành công vụ” và có thể muốn hợp pháp hóa việc nổ súng trong các trường hợp như vậy. Phải chặn đứng việc này.
Rồi đến chuyện tàu Trung quốc bắn cháy tàu đánh cá Việt Nam từ 20-3-2013. Sau 4 ngày Tiền Phong đưa tin và ảnh nhưng rồi “chẳng biết vì sao” (nhưng thực ra ai cũng biết vì sao) lại phải rút bài xuống. Đến hôm sau chắc “được bật đèn xanh” nên các báo đồng loạt đưa tin một cách rầm rộ. Cách hành xử như vậy trở nên quá quen thuộc và làm bộc lộ cái ung nhọt rất không đáng có của báo chí Việt Nam. Đấy cũng là một chuyện đáng lo nữa, một sự biểu hiện của lạm quyền, vi phạm nghiêm trọng luật báo chí.
Mấy ngày qua lang thang ở Đắk Lắk xem kết quả dự án “Tăng cường thực thi các quy định pháp luật bảo vệ tác nghiệp báo chí”. Chính quyền tỉnh này làm rất tốt việc bảo vệ báo chí tác nghiệp theo Luật Báo chí và Nghị định 02/2011/NĐ-CP. Gặp ông Trưởng phòng Văn hóa Thông tin huyện Buôn Đôn, ông bảo giá mà luật nào, nghị định nào cũng có dự án như dự án trên để các bên liên quan hiểu đúng quyền và nghĩa vụ của mình, thì việc thực thi pháp luật ở Việt Nam tốt hơn nhiều. Rất đúng và chí lý. Kinh nghiệm của Đắk Lắk không chỉ nên được nhân rộng ra các địa phương khác đối với lĩnh vực báo chí mà cả đối với việc thực thi các luật khác nữa. Không chỉ ra các địa phương khác, mà lên cả bản thân Chính phủ và Quốc hội nữa.
Cả hai sự việc đáng lo trên đều liên quan đến việc thực thi luật không nghiêm. Người dân, doanh nghiệp và các tổ chức phi nhà nước phải tuân thủ luật đã đành, nhưng những người có chức có quyền, các lực lượng thực thi luật, các cơ quan nhà nước cũng phải tuân thủ pháp luật. Khía cạnh thứ hai chưa được nhấn mạnh đủ. Các lãnh đạo, các cơ quan nhà nước, lực lượng chức năng, các quan chức nhà nước càng phải gương mẫu chấp hành luật. Không có gì hủy hoại tính nghiêm minh của pháp luật, hủy hoại lòng tin của người dân vào nhà nước bằng sự vi phạm luật của các lãnh đạo, các cơ quan, lực lượng chức năng. Phải nâng cao nhận thức cho chính họ và nghiêm trị họ khi vi phạm. Đáng tiếc, thường người dân cảm thấy họ không bị nghiêm trị mà thường được xử nương nhẹ. Cách làm như thế càng hủy hoại lòng tin. Mà tạo dựng, củng cố, tăng cường lòng tin là việc quan trọng nhất mà bất cứ nhà nước nào cũng phải làm vì nó hết sức cần thiết cho sự phát triển mọi mặt của đất nước.
Chính vì thế các đại biểu quốc hội, các quan nhà nước, các quan chức nhà nước ở mọi cấp càng nên gương mẫu tuân thủ luật. Chưa có một nghiên cứu thấu đáo nào về những ai thường vi phạm luật nhất, có lẽ chính họ chứ không phải người dân. Có thể đưa ra nhiều bằng chứng về chuyện này dù chưa có những nghiên cứu thấu đáo. Và đấy có lẽ là điều đáng lo nhất.
Có nhiều việc đáng lo, không chỉ trong gia đình, trường học mà ngay ở các công sở và các lực lượng chức năng nữa.
28.3.2013
Nguyễn Quang A
(theo FB Nguyễn Quang A)
0 nhận xét:
Đăng nhận xét