Ghi chép - 4
Việc hoãn thông qua Luật Đất đai sửa đổi sẽ có nhiều tác động:
- Thứ nhất, nó cho thấy chưa chắc mọi ý kiến sẽ chìu theo dự thảo hiện nay của Hiến pháp liên quan đến đất đai; tức là luồng ý kiến đòi hỏi đa sở hữu đất đai (thay cho đất đai thuộc sở hữu toàn dân) vẫn còn đó. Đặc biệt quy định Nhà nước thu hồi đất cho các dự án kinh tế-xã hội trong dự thảo hiện nay không dễ gì được thông qua. Bởi nếu đã bảo đảm được hai chuyện này rồi thì người ta đã thông qua Luật Đất đai sửa đổi ngay trong kỳ họp này chứ không việc gì phải hoãn đến sau khi thông qua Hiến pháp sửa đổi.
- Một số bạn cho rằng trên thực tế đôi lúc chỉ vì một hai trường hợp người dân không chịu nhận đền bù mà gây khó khăn cho cả một dự án lớn. Nay bỏ quy định thu hồi đất cho các dự án phát triển kinh tế thì càng khó khăn hơn cho doanh nghiệp. Có thể có chuyện đó. Nhưng theo tôi, cân nhắc trao công cụ để người dân tự bảo vệ tài sản của họ, trao cho họ quyền được mặc cả sòng phẳng với doanh nghiệp thì hay hơn là trao công cụ cho phía doanh nghiệp hoặc quan chức giúp lấy đất của dân dễ dàng hơn. Doanh nghiệp có khó thì vẫn còn những chọn lựa khác nhưng người dân thì tay trắng làm gì có leverage để mặc cả.
- Một số chuyên gia địa ốc cho rằng, giả thử sau này Luật Đất đai được thông qua như thế nào đó mà làm cho việc thu hồi đất khó khăn hơn thì có lẽ một hai năm nữa giá đất sẽ phục hồi và tăng trở lại. Nhưng trên thực tế điều này e khó xảy ra. Theo số liệu của Bộ Xây dựng, tính đến hết quý 1-2013, cả nước có 3.742 dự án phát triển nhà ở được triển khai với tổng mức đầu tư ước tính là trên 3,5 triệu tỷ đồng – một con số kinh khủng. Mặc dù đây là con số ảo nhưng nó cho thấy cái khả năng lấy đất của dân làm dự án là khổng lồ, có thể đã lấy rồi, vượt cả nhu cầu tính đến năm 2020 nên khó lòng có chuyện giá đất tăng lên.
- Riêng chuyện hoãn thông qua Luật Đất đai, tờ TBKTSG đã nêu lên ý kiến này từ hồi giữa tháng 3-2013. Bài “Nên hoãn thông qua Luật Đất đai” có đoạn viết: “Một khi vẫn còn ý kiến khác nhau ở các vấn đề nói trên, dự thảo Luật Đất đai sẽ khó lòng đứng độc lập mà phải dựa vào tinh thần của Hiến pháp sửa đổi. Và một khi chúng ta chưa có bản Hiến pháp sửa đổi được chính thức thông qua, rất khó lòng bàn một cách rốt ráo những khái niệm liên quan huống chi thông qua dự thảo sửa đổi Luật Đất đai một cách trọn vẹn, không lấn cấn”. Bài báo kết luận: “Vì những lý do đó, nên chăng hoãn thông qua Luật Đất đai tại kỳ họp Quốc hội vào tháng 5 sắp tới. Việc thông qua Luật Đất đai sửa đổi chỉ nên tiến hành sau khi đã thông qua bản Hiến pháp sửa đổi”.
* * *
Theo thông tin từ Ngân hàng Nhà nước, “từ ngày 28/3/2013 đến nay, NHNN đã tổ chức 33 phiên đấu thầu bán vàng miếng với tổng khối lượng trúng thầu là 839.200 lượng trên tổng số 926.000 lượng chào thầu”.
Giả thử lấy giá bình quân bán vàng là 40 triệu đồng/lượng thì số tiền mà NHNN hút về từ các ngân hàng thương mại bỏ tiền ra mua vàng là trên 33.500 tỷ đồng. So sánh với gói hỗ trợ lãi suất mua nhà xã hội là 30.000 tỷ đồng mà NHNN dự trù sẽ giải ngân trong ba năm (từ đây đến cuối năm cố gắng giải ngân 15.000-20.000 tỷ đồng) mới thấy đây không phải là con số nhỏ.
Vì sao trong khi cố gắng thúc đẩy các ngân hàng cho vay để tăng dư nợ tín dụng lên mà NHNN lại rút tiền về thông qua việc bán vàng? Để làm gì? Có thật là NHNN bán ra gần 1 triệu lượng vàng không?
Ngoài ra, chuyện giá cả lên xuống thì không ai dự đoán chính xác được hết nên không thể sau khi giá hạ rồi để nói lẽ ra…, lẽ ra… Tức là không thể dựa vào giá hiện nay để phê phán chuyện quá khứ. Nhưng một sự thật là NHNN nói có lãi trong việc bán vàng nhưng ai cũng thấy mua khi giá đắt, giờ đây giá giảm thì dù NHNN có lãi, họ cũng đã chuyển cái khoản thua lỗ ấy cho bên mua vàng, tức các ngân hàng thương mại (nơi không thể quyết định được thời điểm mua cho dù họ có dự báo giá vàng giảm). Bởi vàng mua bán trong nước thì bù qua sớt lại không ai lãi lỗ cả nhưng vàng nhập về (lúc giá cao, nay giá giảm) thì rõ ràng chúng ta đã lỗ nặng một khoản tiền lớn và khoản lỗ này các ngân hàng thương mại đang gánh chịu.
* * *
Một bài viết nhân ngày 21-6: “Cuộc chiến bản quyền”.
Mời các bạn đọc ở đây: http://www.thesaigontimes.vn/Home/diendan/sotay/98219/Cuoc-chien-ban-quyen.html
Và bài trả lời phỏng vấn báo Tuổi Trẻ: "Nghề báo đích thực luôn có những nền tảng bất biến".
http://tuoitre.vn/Tuoi-tre-cuoi-tuan/Van-de-Su-kien/555330/nghe-bao-dich-thuc-luon-co-nhung-nen-tang-bat-bien.html#ad-image-0
Và bài trả lời phỏng vấn báo Tuổi Trẻ: "Nghề báo đích thực luôn có những nền tảng bất biến".
http://tuoitre.vn/Tuoi-tre-cuoi-tuan/Van-de-Su-kien/555330/nghe-bao-dich-thuc-luon-co-nhung-nen-tang-bat-bien.html#ad-image-0
0 nhận xét:
Đăng nhận xét