Hôm qua tôi đã ghi lại một số kỉ niệm với Chú Tư, và hôm nay tôi lục lại một số hình ảnh cũ để chia sẻ cùng các bạn về một người tôi rất quí mến. Đây là những hình ảnh trong Hội nghị Strong Bone Asia (SBA) năm 2008, một trong những hội nghị quan trọng nhất mà Hội Y học TPHCM đã tổ chức. Tôi còn nhiều hình về Chú Tư trong những hội nghị sau này, nhưng vì chuyển máy tính nên bây giờ rất khó tìm lại. Đây là hình chụp do Ts Nguyễn Đình Nguyên ghi lại. Không có Nguyên thì không có những tấm hình đầy ấp kỉ niệm này. Cám ơn Nguyên!
Tôi muốn ghi thêm một điều là có vài bạn sau khi đọc bài viết hôm qua viết email hỏi tôi tại sao cho đến hôm nay mà trang web của Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch và Hội Y học TPHCM vẫn không có tin tức gì về sự kiện Chú Tư qua đời. Tôi thú thật là không biết và không thể trả lời được. Có thể ở Việt Nam người ta có cách làm khác, nên rất khó nói.
Tuy nhiên, tôi chỉ có thể nói rằng ở nước ngoài, khi một người tiền nhiệm quan trọng qua đời, thì trường tổ chức lễ tưởng niệm. Người ta còn lập ra những quĩ học bổng hay lập giải thưởng để vinh danh người quá cố có công với trường. Có khi người ta lấy tên của người quá cố để đặt tên một building hay phòng của đại học. Chẳng hạn như ở Viện Garvan chúng tôi, khi Giáo sư Sambrook và Sutherland qua đời, người ta lập quĩ học bổng lấy tên hai vị ấy để vinh danh họ, và cũng là một cách cảm tạ. Tôi thấy các đại học bên Thái Lan họ cũng làm như bên Úc và Mĩ. Tôi chỉ biết thuật lại cách làm ở ngoài này như là một gợi ý như thế thôi. Tôi nghĩ nếu Đại học Phạm Ngọc Thạch làm được (vinh danh Chú Tư) như đại học bên này thì quá tuyệt.
Đây là hình chụp lúc Chú Tư đọc lời khai mạc Hội nghị Strong Bone Asia II tại Khách sạn Equatorial, Sài Gòn 25/7/2008. Người dịch là Ts Nguyen Dinh Nguyen
Chú Tư và Nguyên.
Tôi làm phiên dịch cho Chú Tư trong buổi Gala Dinner. Thật ra, tôi chỉ dịch ý, chứ bài diễn văn là do Chú ấy viết mà tôi chỉ kịp đọc qua bản tiếng Việt. Do đó, khi xuống podium Chú thắc mắc tại sao tôi có vẻ nói dài trong khi Chú nói ngắn . Ông già này rất tinh tế nhé.
Đây là nụ cười tiêu biểu của Chú Tư. Ổng cười rất tươi.
Hình chụp với Gs Phạm Song, lúc đó là Chủ tịch Hội Y học Việt Nam (và Chú Tư là Phó Chủ tịch). Thấy chúng tôi nói chuyện hào hứng, Chú Tư hỏi bộ hai người quen biết nhau từ trước à, nhưng thật ra chúng tôi chỉ gặp lần đầu. Hôm đó, gặp Gs Phạm Song, tôi cảm nhận được thế nào là một "sĩ phu Bắc Hà", là "Người Tràng An tử tế". Vậy mà vài năm sau thì ông qua đời.
Với Giáo sư John Eisman (Garvan Institute of Medical Research, Australia). Gs Eisman đang say sưa theo dõi màn trình diễn đàn của các nghệ sĩ trong buổi dạ tiệc.
Giờ giải lao (trước hội nghị SBA). Lúc đó, Chú Tư còn khỏe lắm, dù đã 80 rồi. Từ trái qua phải: Chú Tư, Bs Huỳnh Liên Đoàn, Bs Trương Xuân Liễu, anh Nicholas Nguyên, và tôi.
Hình chụp Gs Chatlert Pongchaiyakul đang nói chuyện với Gs John Eisman trong buổi dạ tiệc. Chú Tư đang ngồi bên Gs Phạm Song.
Bs Võ Thành Phụng, một trong những người "chủ đạo" trong Ban tổ chức. Anh ấy bay qua Sydney và tôi bay về Sài Gòn để chuẩn bị cho một hội nghị quan trọng. Người đẹp bên trái rất quen, nhưng tôi không nhớ tên.
Nicholas Nguyên đang nói chuyện với Gs Eisman. Nicholas Nguyen là Giám đốc Bridge Health Care, một nhà tài trợ chính của Hội nghị SBA, và đóng vai trò quan trọng trong việc hình thành Hội Loãng xương TP.
Hình chụp lưu niệm với bạn bè. Từ trái qua phải: Bs Lê Anh Bá (thư kí tạp chí Thời sự Y học - Chú Tư là tổng biên tập); PGs Nguyễn Thị Bay; PGs Lê Chí Dũng; Bs Tuấn; Bs Hồ Phạm Thục Lan (ĐH Phạm Ngọc Thạch); PGs Nguyễn Thy Khuê (ĐH Y Dược); Bs Huỳnh Liên Đoàn (Hội Y học TP); Bs Nguyễn Thị Thanh Hương (ĐH Y Hà Nội); Chú Tư; Bs Nguyễn Đình Nguyên; tôi; Bác sĩ nước ngoài (tôi quên tên); Bs Leonard Koh (Singapore); Gs JK Lee (Malaysia); PGs Lê Anh Thư (Hội Loãng xương TP); Bác sĩ (tôi quên tên); Bs Trương Xuân Liễu (Phó chủ tịch Hội Y học TP); Bs của Hội Y học nhưng tôi quên tên; PGs Võ Thành Phụng (một trong những thành viên chính của Ban tổ chức, làm việc chặt chẽ với tôi); và bác sĩ Phan Thanh Hải.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét