Phiên họp, chất vấn trên nghị trường hôm 13.6 quả thật có nhiều sự vui. Rất nhiều nghị viên cười, người coi tivi cũng cười, cười tủm tỉm, cười thành tiếng. Không khí nghị trường đỡ căng thẳng, nhưng điều đó không có nghĩa là đáng mừng. Đáng lo là khác, bởi người ta không nén được tiếng cười trước những điều buồn cười. Mà sự cười ấy lại xuất phát từ các vị bộ trưởng.
Hai vị bộ trưởng thành tiêu điểm nóng hôm qua là thượng thư Hoàng Tuấn Anh bộ Văn thể du và thượng thư Phạm Vũ Luận bộ Học. Hai vị này mặc dù đã hết sức chân thành trước quốc hội nhưng quả thật cứ phát ngôn lòng và lòng vòng, trữ tình ngoại đề khiến hàng trăm vị dân biểu sốt cả ruột. Ngay đến cả vị cầm trịch, ông chủ tịch Nguyễn Sinh Hùng dù cố giữ không khí ôn hòa mà cũng có lúc không kìm nén được. Ai đời trên diễn đàn cuộc họp quan trọng nhất nước bàn về quốc kế dân sinh, bàn những chủ trương chính sách lớn liên quan đến cả dân tộc, những biện pháp thật dài hơi nhưng cũng thật cụ thể để khắc phục sửa chữa nhiều vấn đề cộm ở tầm quốc gia mà thượng thư Tuấn Anh lại đi kể lể áo dài của tân ủy viên Bộ Chính trị Nguyễn Thị Kim Ngân đẹp như thế nào, thêu hình hoa sen ra sao; ai đời khi du lịch Việt Nam đầy tiềm năng nhưng vẫn đang lẹt đẹt bám đuôi các nước trong khu vực, nạn chặt chém, lừa đảo du khách hoành hành khắp nơi và ngay tại thủ đô khiến nhiều du khách một đi không trở lại, vậy mà ông Tuấn Anh vẫn tươi cười lạc quan mà rằng du lịch Việt Nam vẫn là hình ảnh rất tốt trong mắt du khách, thậm chí còn ngây thơ "tôi vừa tiếp một bộ trưởng Anh, tôi hỏi Hà Nội thế nào, ông ấy bảo Hà Nội đẹp lắm".
Đã đành là tư lệnh ngành, ông Hoàng Tuấn Anh phải nắm hết mọi chuyện trong vòng phủ sóng quản lý của mình, nhưng cũng phải xin thưa với ông rằng diễn đàn quốc hội không phải nơi để ông kể lể, trình bày xử lý mấy chuyện bếp núc, tỉ như hòn đá thề đền Hùng thế nào, thực trạng hòm công đức ở các di tích ra sao, tìm đại sứ du lịch đến đâu rồi, xử phạt mấy cô chân dài bao nhiêu... Không ai bảo đó là chuyện vặt nhưng nó chưa đủ tầm đủ trong lượng để đặt lên bàn đại nghị. Nơi này, với gần 500 vị thay mặt cho dân cả nước, điều các vị ấy cần nghe là những sách lược, những đường hướng lớn, đủ chiều dài chiều rộng quốc gia, vừa lâu bền vừa cụ thể về văn hóa, du lịch, thể thao, trong vòng 5 năm 10 năm, đích gần đích xa sẽ như thế nào... Rất tiếc, bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh không đem tới, không thỏa mãn cho họ.
Mà cũng chả phải chỉ bộ trưởng Văn thể du, các đại biểu quốc hội nhiều vị cũng tỏ sự không hài lòng trước những trả lời chất vấn của thượng thư bộ Học Phạm Vũ Luận. Ông Luận, theo báo chí, từng tỏ ra rất buồn khi "giành được" nhiều phiếu tín nhiệm thấp trong kỳ lấy phiếu diễn ra mấy hôm trước. Đứng đầu ngành giáo dục, một ngành cực kỳ quan trọng gánh cái trọng trách "quốc sách hàng đầu" của đất nước, ông chịu biết bao áp lực, nhất là trong cảnh đã quá nhiều năm giáo dục rơi vào vòng luẩn quẩn, tiêu cực tràn lan, dân tình ta thán nhiều. Dù đã cố xông pha tìm lối ra, đổi mới, siết chặt kỷ cương, tuy nhiên điều ai cũng có thể thấy, qua mỗi mùa thu hoạch, giáo dục nước nhà vẫn chưa đạt bao nhiêu kết quả khả quan, nếu không nói thẳng là dậm chân tại chỗ hoặc thụt lùi. Chưa có ý tưởng đột phá, chưa có quyết sách lớn, vẫn còn lúng túng quẩn quanh, suy nghĩ vụn vặt, kiểu như cho phép đem những thiết bị ghi âm ghi hình vào phòng thi để thí sinh góp phần chống tiêu cực, hoặc ra đề thi gắn với thực tế thời sự hơn so với trước. Chính vì vậy, cái mà ông Luận tưởng sẽ thỏa mãn được đại biểu quốc hội là "bài thi văn của các cháu năm nay chúng tôi thấy có rất nhiều nước mắt của học sinh và cả nước mắt của các thầy cô giáo khi chấm bài" thì lại không được đa số đại biểu đồng cảm, bởi nó chả phải đột biến lớn lao để đổi thay nền giáo dục. Trong khi đó, nghị trường đang muốn nghe ông thượng thư bộ Học cho biết những điều khác, chẳng hạn 2 kỳ thi liên tiếp THPT và ĐH liệu có cần thiết duy trì cả hai hay không, sách giáo khoa sẽ đổi mới cụ thể thế nào, giảm tải chiếc cặp nặng gần chục ký cho các cháu tiểu học đến đâu rồi... Nghị trường đang cần những hiến kế, suy nghĩ tỉnh táo chứ không phải nước mắt.
Người xưa nói "thần thiêng nhờ bộ hạ". Dân chúng luôn mong mỏi có một chính phủ mạnh mẽ, thông minh điều hành đất nước. Dẫu tể tướng có tài cách mấy mà không thu nạp được nơi màn trướng của mình những văn võ bá quan tư lệnh ngành tả phù hữu bật giỏi giang để phù trợ, trực tiếp điều hành đất nước một cách sáng suốt hiệu quả thì nói chi tể tướng, đến hoàng đế cũng phải bó tay thôi. Những gương mặt Tuấn Anh, Vũ Luận, Hải Chuyền, Quang Thanh, Kim Tiến, Seo Phử, Đình Dũng, Bắc Son, La Thăng, Huy Hoàng, tôi thấy chưa có gì để gửi niềm hy vọng.
Vậy thì, chỉ biết động viên một câu: Bộ trưởng ơi, cố lên, cố lên (trước khi hết nhiệm kỳ).
14.6.2013
Nguyễn Thông
- Blogger Comment
- Facebook Comment
Đăng ký:
Đăng Nhận xét
(
Atom
)
0 nhận xét:
Đăng nhận xét