Không thể chịu nổi

Ông bạn hàng xóm nhà tôi mấy bữa nay có vẻ bức xúc lắm. Là cựu binh hải quân từng tham gia đánh tàu khu trục Maddox của Mỹ trên vịnh Bắc bộ, vào sinh ra tử biết bao lần, chứng kiến biết bao cái chết, vậy mà lần này không giữ được bình tĩnh. Ấy là khi ông nghe tin vị tiến sĩ khảo cổ học người Nhật Nishimura Masanari tử nạn giao thông trên đường số 5, con đường tử thần. Thực ra sự ra đi đau đớn của người bạn Nhật chỉ là giọt nước tràn ly thôi bởi vài ba hôm trước mỗi lần bên bàn trà ông hàng xóm đều than phiền vụ thời sự nóng tai nạn giao thông. Ông bảo chả có nơi đâu như cái xứ này, chẳng phải chiến tranh mà người chết như ngả rạ, mỗi năm mười mấy nghìn mạng chứ ít đâu. Ông kể lể, nói chi xa, dư luận đang còn sửng sốt bàng hoàng trước vụ đâm xe vào vách núi thảm khốc trên đường Khánh Lê nối Nha Trang - Đà Lạt ngày 7.6 cướp đi gần chục người, đa số là giáo viên, thì ngay sau đó ngày 8.6 xe khách Mai Linh lật tại Quảng Nam khiến 3 người chết, hàng chục người bị thương, rồi xe hãng Phương Trang lao xuống mương ở Tiền Giang ngày 9.6 làm 6 người trọng thương. Một ngày sau, 10.6, là bi kịch Nishimura. Không thể chịu nổi, không thể chịu nổi! Người lính hải quân già giơ cả hai tay lên giời và than, có vẻ như chỉ còn biết cậy nhờ vào đấng tối cao huyền diệu để xử lý rốt ráo, chấm dứt sớm nhưng bi thương dồn dập đổ lên đầu dân ta.


Nghe ông ấy nhắc, tôi chợt nhớ đến những trang xám xịt ghi tai nạn giao thông cũng chửa xa xôi gì. Trong hàng vạn người ra đi tức tưởi bởi hầu hết lỗi không phải ở họ, có cả những tên tuổi mà chỉ cần nhắc lại đã nhói đau. Giới khoa học chắc chưa mấy ai quên Giáo sư viện sĩ Nguyễn Văn Đạo tử nạn khi đang đi bộ trên đường phố thủ đô. Mà nước ta đã nhiều nhào gì người có hàm viện sĩ, thế mà thằng tai nạn giao thông nó cũng không tha. Nhà khoa học nước ngoài thành nạn nhân giao thông đầu tiên ở xứ mình thì đâu phải Nishimura, bởi dạo năm xưa Giáo sư tiến sĩ người Mỹ nổi tiếng thế giới Seymour Papert bị mấy đứa xe máy chạy ẩu tông thẳng vào gây chấn thương sọ não, khi cũng đang đi bộ. Và thật oái oăm, ông giáo sư Mỹ ấy sang để giúp ta tìm giải pháp giao thông hữu hiệu trong bối cảnh đường sá Việt Nam. Thủ phạm giao thông nó cứ tỉa thô bạo như thế thì nhân tài chả mấy chốc rơi vào tình cảnh lá mùa thu. Kể chi cho hết bi kịch trên đường, năm nào cũng như năm nào chuông cứ gióng giả cảnh báo, xe cứ đụng, người cứ chết. Trang sử giao thông xứ ta đậm một màu xám xịt, đen tối.

Có vẻ như người mình, từ vị lãnh đạo cấp cao đến người dân thường đang chịu bó tay thúc thủ trước tình trạng này. Nói đầu hàng thì không đúng bởi năm nào cũng có họp hành, bàn cãi, đề ra giải pháp này nọ, tìm hướng tìm biện pháp khắc phục. Những khi tai nạn xảy ra dồn dập thì càng họp khẩn trương, chính phủ vào cuộc, thủ tướng vào cuộc. Thậm chí chính thủ tướng đã từng chỉ đạo nơi nào để xảy ra tai nạn giao thông nghiêm trọng thì những người đứng đầu địa phương (quận huyện, tỉnh thành) phải kiểm kiểm, phải chịu trách nhiệm. Chả có nước nào phải lập ra hẳn Ủy ban An toàn giao thông quốc gia gồm đủ bộ ngành đoàn thể do phó thủ tướng đứng đầu. Tai nạn dồn dập nhưng cho đến giờ vẫn chưa có vị lãnh đạo nào bị kiểm điểm. Tất cả còn trên lý thuyết.

Hạn chế tai nạn giao thông, cách nào? Câu hỏi còn bỏ ngỏ. Muôn vàn thứ lý do nguyên nhân, tại đường sá, xe cộ, người điều khiển, luật lệ và việc thực thi luật lệ… Biết đến bao giờ? Bất chợt tôi hình dung ra hai bàn tay giơ cao lên giời vô vọng của ông hàng xóm.

14.6.2013
Nguyễn Thông
Share on Google Plus

About Unknown

Bài viết này được chia sẻ bởi Unknown.
    Blogger Comment
    Facebook Comment

0 nhận xét:

Đăng nhận xét