26.6.2013
Ngày 21 tháng 6, chợt nhớ cụ Huỳnh
Theo những gì tôi đã được dạy dỗ hồi đi học, cụ Huỳnh Thúc Kháng là cây đại thụ, một nhân cách lớn, nổi tiếng về tài năng, đức độ và lòng yêu nước trong đời sống xã hội Việt Nam nửa đầu thế kỷ 20. Cụ Huỳnh Thúc Kháng (1876-1947), tự Giới Sanh, hiệu Mính Viên (vườn chè) đôi khi được viết thành Minh Viên, là một chí sĩ yêu nước nổi tiếng. Cụ từng giữ chức Viện trưởng Viện Dân biểu Trung Kỳ thời thuộc Pháp, Bộ trưởng Nội vụ, quyền Chủ tịch Chính phủ Việt Nam dân chủ cộng hòa. Cụ Huỳnh quê làng Thạnh Bình, tổng Tiên Giang Thượng, huyện Tân Phước, phủ Tam Kỳ (nay thuộc xã Tiên Cảnh, huyện Tiên Phước), tỉnh Quảng Nam. Năm 1900, đậu Giải nguyên kỳ thi Hương năm Canh Tý 1900, được xưng tụng là một trong Ngũ Phụng Tề Phi của xứ Quảng xưa. Năm Giáp Thìn 1904, cụ đỗ Hội nguyên Hoàng giáp (tức Tiến sĩ thủ khoa).
Cùng với các cụ Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh, Trần Quý Cáp, cụ Huỳnh tham gia lãnh đạo phong trào Duy Tân; bị thực dân Pháp bắt năm 1908, đày ra Côn Đảo suốt 13 năm, mãi năm 1919 mới được trả tự do. Năm 1926, cụ đắc cử dân biểu rồi được cử làm Viện trưởng Viện Dân biểu Trung Kỳ. Trong 3 năm hoạt động trên cương vị này, cụ cương quyết tranh đấu chốn nghị trường, sau đó nhân việc chống lại Khâm sứ Pháp, cụ từ chức. Năm 1927, cụ Huỳnh sáng lập tờ báo Tiếng Dân - xuất bản tại Huế, bị đình bản năm 1943. Ngày 21.4.1947 cụ bệnh nặng và mất tại H.Nghĩa Hành, tỉnh Quảng Ngãi. Cụ Hồ (chủ tịch nước) có thư chia buồn cảm động, đánh giá rằng “Cụ Huỳnh là người học hành rất rộng, chí khí rất bền, đạo đức rất cao. Vì lòng yêu nước mà cụ trước đây bị bọn thực dân làm tội, đày ra Côn Đảo. Mười mấy năm trường gian nan cực khổ, nhưng lòng son dạ sắt, yêu nước thương nòi của cụ chẳng những không sờn, mà lại thêm cương quyết. Cụ Huỳnh là người giàu sang không làm xiêu lòng, nghèo khó không làm nản chí, oai vũ không làm sờn gan. Cả đời cụ Huỳnh không cần danh vị, không cần lợi lộc, không thèm làm giàu. Cả đời cụ Huỳnh chỉ phấn đầu cho dân được tự do, nước được độc lập”.
Trong lịch sử báo chí xứ ta, cụ Huỳnh Thúc Kháng không phải người mở đường tự do ngôn luận bằng báo chí nhưng chỉ với những bài trên báo Tiếng Dân suốt 16 năm tồn tại, nhà báo Huỳnh Thúc Kháng đã để lại dấu ấn khó phai mờ. Điều dễ nhận ra nhất là ở bản lĩnh của người làm báo trong cụ. Lời mở đầu của Tiếng Dân số 1 được xem như bản tuyên ngôn về tự do ngôn luận, về cái đích vươn tới của người lĩnh trọng trách cầm bút. Cụ viết "nếu không có quyền nói tất cả những điều mình muốn nói, thì ít ra cũng giữ cái quyền không nói những điều người ta ép buộc nói”. Đó là quyền tự do không ai được phép cấm đoán, nhưng không phải người cầm bút nào cũng xác định được như thế. Cũng trên Tiếng Dân ra ngày 1.5.1929, nhà báo Huỳnh Thúc Kháng tiếp tục khẳng định “Tôi là nhà cách mạng công khai, tôi đấu tranh cho quyền lợi của dân tộc Việt Nam một cách công khai. Vì đất nước Việt Nam có biên cương và lãnh thổ công khai trên bản đồ thế giới. Cho nên, tôi cũng công khai nói lên tiếng nói của người Việt Nam yêu chuộng hòa bình, độc lập, tự do và tự chủ. Do đó, tôi thách đố mọi trừng phạt và hiểm nguy đến với cá nhân tôi”.
Đó là khí phách của người làm báo chân chính, nói như cụ Hồ, là của người cầm đuốc soi đường cho quốc dân đi. Khí phách ấy chỉ có ở những bậc trượng phu, dám coi tấm thân ngàn vàng của mình nhẹ như cái lông hồng, xem khinh mọi lợi danh, vượt trên những ràng buộc đời thường, thách đố mọi sự trừng phạt. Tất cả chỉ dồn cho mục đích cao đẹp: nói lên tiếng nói chân thực, vạch trần sự giả dối, tham lam, hủ lậu, hướng tới một cuộc sống tốt đẹp hơn.
Cụ ra đi đã 66 năm. Nhớ đến ký giả Huỳnh Thúc Kháng, càng băn khoăn về đội ngũ những người làm báo đông đảo hiện thời. Đành rằng làm báo giờ đây đã khác trước, đã được xem là một nghề, như một cách mưu sinh (ai chẳng phải lo cơm áo gạo tiền, cho mình và cha mẹ, vợ con), nhưng viết gì, viết sao cho đừng thẹn với đời với người, không phải ai cũng có niềm trăn trở. Than ôi, chỉ cần làm được một phần của cụ Huỳnh Thúc Kháng là đã thỏa mãn lắm rồi.
20.6.2013
Nguyễn Thông
0 nhận xét:
Đăng nhận xét