Thấy người ta ăn khoai, mình cũng vác mai đi đào

Suốt tuần rồi, nhất là hai ngày qua, dòng người ùn ùn đổ về những tiệm vàng. Đọc mấy cái tít trên vài tờ báo lớn “Chen nhau vét mua vàng”, “Giá vàng lên, chen nhau mua”… cũng đủ hình dung ra cảnh thị trường vàng tấp nập, sôi động, giá vàng nhảy múa ra sao. Có khi chỉ mua vài phân vài chỉ cũng tham gia cuộc đua tranh. Dường như có cả phong trào “người người sắm vàng, nhà nhà mua vàng” trên một đất nước vẫn còn nhiều khó khăn về kinh tế, nhất là thiếu vốn để thúc đẩy sản xuất. Có chi bất thường trong động thái đậm màu kinh tế-xã hội này?

Theo các chuyên gia, giá vàng thế giới đang xuống đến mức thấp nhất trong vòng hơn 3 năm qua, và đưa ra cảnh báo nếu ai có nhu cầu mua vàng thực sự cũng cần phải cân nhắc, thậm chí còn khuyên không nên mua vàng vào thời điểm này. Điều dễ hiểu là mua vàng khi giá vàng lao dốc sẽ chịu thiệt hại bởi mất lãi suất tiền gửi, giá trị vàng giảm dần, đó là chưa kể giá vàng trong nước đang có khoảng cách rất lớn so với giá thế giới, mà khoảng cách này chắc chắn sẽ được Ngân hàng nhà nước rút ngắn lại; sau thời điểm các ngân hàng thương mại tất toán xong trạng thái vàng (ngày 30.6) giá vàng trong nước có thể còn biến động mạnh nếu vàng thế giới tiếp tục giảm. Và điều quan trọng là hiện tại Nhà nước không khuyến khích việc kinh doanh, lưu trữ vàng miếng vì vàng dạng đó sẽ trở thành vốn chết, không tạo ra giá trị gia tăng của cải vật chất cho xã hội, mà ngược lại còn tác động tiêu cực đến nền kinh tế, lãng phí một nguồn vốn to lớn đối với sự nghiệp phát triển đất nước…

Dù sự phân tích ấy đã được báo chí truyền thông nêu rất nhiều lần nhưng một bộ phận không ít dân chúng, thậm chí cả những người thu nhập thấp, xưa nay chả mấy quan tâm đến vàng vẫn hăng hái, nhắm mắt nhắm mũi vung tiền ra mua vàng. Cũng có thể do họ thiếu lòng tin vào sự phục hồi, phát triển nền kinh tế, cũng có thể ai đó có nhu cầu thực sự nhưng dư luận cho rằng phần lớn người kéo nhau đi mua sắm vàng là bởi “thấy người ta mua thì mình cũng phải mua” kẻo lỡ ít bữa nữa giá lên thì sao. Nếu không thế, tại sao lại đông người mua đến vậy. Theo họ, cái gì đã thành phong trào thì ít khi sai lắm.

Cảnh chen lấn mua vàng theo phong trào ăn xổi ở thì, bất chấp lợi hại có lẽ khiến chúng ta liên tưởng đến khá nhiều phong trào từng diễn ra trên đất nước này, mà cái kết cục thường là thua thiệt cho người tham gia, gây tổn hại cho nền kinh tế. Mặc dù điều đơn giản nhất là muốn làm điều gì phải có hiểu biết, trình độ, kinh nghiệm về điều ấy nhưng trên thực tế người ta vẫn bất chấp. Chắc nhiều người còn nhớ những phong trào nuôi cá trê phi, nuôi chó cảnh hồi thập niên 80-90 thế kỷ trước. Rồi phong trào chơi chứng khoán, ồ ạt trồng tiêu trồng điều, phá rừng làm thủy điện nhỏ, nơi nơi xây nhà máy đường, nhà máy xi măng lò đứng công nghệ cũ, bỏ lúa trồng khoai lang… từng khiến bao doanh nghiệp, bao người điêu đứng, trắng tay. Có thể do không gặp thời vận, do rủi ro khách quan, tuy nhiên không thể không nhắc tới yếu tố quan trọng: “làm theo phong trào” bất cần biết lợi hại thế nào. Dân gian gọi kiểu ấy là “thấy người ta ăn khoai, mình cũng vác mai đi đào”. Cứ chạy theo phong trào xổi, lúc rút được bài học kinh nghiệm thì cái giá đắt đã phải trả trước rồi.

29.6.2013
Nguyễn Thông
Share on Google Plus

About Unknown

Bài viết này được chia sẻ bởi Unknown.
    Blogger Comment
    Facebook Comment

0 nhận xét:

Đăng nhận xét