Đề nghị Bộ LĐ-TB-XH cho về vườn ngay ông quan hủ lậu này

(Bài đang viết dở, sẽ đưa lên trong ngày 19.7, nhưng tức quá phải cho cái tít lên trước, mời các cụ đón đọc)

Tôi phải chỉ ra ngay cái người hủ lậu ấy, đó là ông cán bộ có cỡ của Bộ Lao động-Thương binh-Xã hội, đang đóng chức Trưởng phòng chính sách 1, Cục Người có công. Ông tên Đỗ Đăng Khoa, giả nhời phỏng vấn trên báo Thanh Niên (Thanh Niên ngày 19.7.2013, xem nguyên vẹn ở đây). Tôi chưa gặp ông Khoa bao giờ, tất nhiên không có thành kiến thù hằn gì, nhưng qua những gì ông ấy nói thì thực sự thất vọng về một cán bộ nhà nước cỡ cơ quan bộ ngồi ở ghế lãnh đạo, giữ vai trò cầm cân nảy mực về chính sách, đề ra những chế độ chính sách, những quy định có liên quan đến cuộc sống, số phận hàng chục triệu dân. Không thể hiểu nổi tại sao trong bộ máy nhà nước trung ương lại có thứ người như vậy. Bà Nguyễn Thị Kim Ngân từng là bộ trưởng Lao động-Thương binh-Xã hội, người kế nhiệm là bà Phạm Thị Hải Chuyền, không biết hai bà có biết dưới trướng mình đang tồn tại một bộ máy đầy những người như thế không.

Chả là sau khi dư luận xôn xao một cách rất chính đáng việc lãnh đạo Bộ Giáo dục-Đào tạo ban hành thông tư số 24 tặng điểm ưu tiên cho bà mẹ VN anh hùng nếu các cụ đi thi đại học, bộ này đã biết lắng nghe và sửa sai, cụ thể hủy bỏ ngay điều vô lý, phi thực tế. Vậy mà có người lên tiếng phản bác sự cầu thị, tiếp thu của Bộ GD-ĐT. Người đó là ông Khoa. Tôi lấy làm lạ ở chỗ, nếu như ai đó không thông hiểu chính sách quy định cho lắm lên tiếng kiểu ấy thì còn dễ thông cảm, đằng này từ miệng ông cán bộ sống bằng nghề ban phát chính sách, làm đến chức Trưởng phòng chính sách chứ đâu có xoàng. Nghĩa là thông hiểu đầy mình. Ông ta rằng: "Để công nhận liệt sĩ, không nhất thiết phải trong ngành quân đội, công an, có trường hợp dũng cảm cứu người, cứu tài sản của nhà nước và nhân dân cũng sẽ được phong tặng liệt sĩ. Con độc nhất của một bà mẹ nhảy xuống cứu bạn chết đuối. Đó là hành động dũng cảm hy sinh cứu người, bà mẹ đó có thể được phong tặng Bà mẹ VN anh hùng".


Xin thưa với ông trưởng phòng, đầu óc ông có lú lẫn không đấy. Về vế thứ nhất, công nhận ông nói đúng, nhưng vế sau ông đã nhầm lẫn hoặc cố tình nhầm giữa hai khái niệm "liệt sĩ" và "bà mẹ VN anh hùng". Đành rằng nhà nước muốn xét tặng, truy tặng danh hiệu Bà mẹ VN anh hùng cho bất kỳ bà mẹ nào thì trước hết đó phải là mẹ liệt sĩ, nhưng không phải cứ mẹ liệt sĩ thì được nhận danh hiệu cao quý trên. Xin nhớ, pháp lệnh do Quốc hội thông qua, ban hành năm 1994 đã ghi rõ "Điều 1: Quy định danh hiệu vinh dự nhà nước "Bà mẹ Việt Nam anh hùng" để tặng hoặc truy tặng những bà mẹ có nhiều cống hiến, hy sinh vì sự nghiệp giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc và làm nghĩa vụ quốc tế". Sau này trong Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung số 05/2012/UBTVQH13 ngày 20.10.2012 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng không thay đổi gì điều 1, chỉ thay đổi điều 2 về số lượng liệt sĩ mà thôi. Có nghĩa là danh hiệu bà mẹ VN anh hùng chỉ áp dụng cho những người mẹ có cống hiến, hy sinh vì sự nghiệp giải phóng dân tộc, bảo vệ tổ quốc và làm nghĩa vụ quốc tế. Nói cụ thể hơn, hoặc là người mẹ đó trực tiếp tham gia, hoặc con của mẹ tham gia vào các cuộc chiến tranh giải phóng, bảo vệ tổ quốc. Cũng có thể mở rộng ra ở các lực lượng vũ trang khác trong thời bình, ví dụ công an, biên phòng nhưng dứt khoát phải là hành động vì tổ quốc, dân tộc, quần chúng nhân dân chứ không thể chỉ là "cứu bạn chết đuối" như ông Khoa bao biện.

Giải thích như ông ấy, xuất lộ nhiều vấn đề. Trước hết vị cán bộ chính sách này đã rất tùy tiện thay đổi nội dung pháp lệnh của quốc hội, nếu không nói là coi thường, hoặc không hiểu gì cả. Một chính sách có tầm vĩ mô như thế chỉ quốc hội mới có quyền thay đổi; nhưng không, thực tế cho thấy ông bà cán bộ nào cũng chứng tỏ ta đây có quyền, làm méo mó ra sao cũng được. Tiếp nữa là dốt. Đứa con nhảy xuống nước cứu bạn chết đuối và hy sinh có thể được truy tặng liệt sĩ bởi hành động đó đáng ca ngợi nhưng có liên quan gì đến người mẹ mà phải phong mẹ anh hùng. Tôi hỏi ông Khoa, trên đời này có bà mẹ nào xúi con khuyên con nhảy xuống nước cứu bạn để rồi chết không. Ông không thể đánh đồng với những người mẹ trong chiến tranh, con dứt ruột đẻ ra nhưng vẫn động viên, tiễn con lên đường ra trận. Họ biết con vào nơi sinh tử nhưng thầm nén nỗi đau, nuốt giọt nước mắt vào lòng để con vui vẻ lên đường đánh giặc. Sự hy sinh thầm lặng ấy chả có gì đong đếm được. Tôi cho rằng nhà nước quy định 3 con, 2 con là liệt sĩ mới đủ tiêu chuẩn vẫn còn khắt khe lắm. Một đứa con trong những đứa con mẹ đẻ ra mẹ tự nguyện dâng hiến cho đời, tổ quốc, dân tộc, nhân dân là cũng đủ vinh danh, biết ơn lắm rồi. Nhưng không thể chịu nổi khi cái ông cán bộ kia đánh đồng, cào bằng một cách ngu si sự hy sinh chủ động của bà mẹ anh hùng với những hành vi khác. Cứ theo kiểu đó dần dà chả còn gì thiêng liêng cao quý nữa.

Và chưa dừng ở đó. Đường đường là cán bộ nhà nước, vậy mà ông ấy dám nhố nhăng khuyên bảo dạy đời: "Làm chính sách có thể có những sai sót trong chuyên môn, đó là điều không tránh khỏi, nhưng cũng không vì (dư luận) vừa lên tiếng là sửa ngay".Ông Khoa công khai chê lãnh đạo Bộ GD-ĐT không biết cách cai trị, và khuyên nếu làm sai cũng đừng vội vàng sửa, cứ từ từ, như vậy mới khôn ngoan. Ông hàng xóm nhà tôi đọc đến câu ấy bảo tay này bảo hoàng hơn vua. Tôi thì cho rằng đây là dạng cặn bã mà cái bộ máy tổ chức cán bộ của nhà nước đã sơ sót tuyển dụng, sắp xếp, đề bạt, coi trọng. Hô hào học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh nhưng rất nhiều cán bộ to nhỏ ngang nhiên làm ngược lại điều cụ dạy. Trong tác phẩm "Sửa đổi lối làm việc" cụ nhắc nhở rằng đã là đày tớ của dân thì điều lợi cho dân nhỏ mấy cũng phải làm, điều hại cho dân to mấy cũng phải tránh, sai phải sửa ngay không được vòng vo đùn đẩy, kéo dài. Ông cán bộ chính sách Đỗ Đăng Khoa không chỉ coi thường lời cụ Hồ mà còn trâng tráo khuyên người khác làm những điều bất nghĩa bất nhân. Cái thứ mưu mẹo tiểu nhân ấy ngày xưa thì có thể lừa được dân chứ thời nay chả bịp được ai đâu, ông Khoa ạ.

Nhắc đến ông cán bộ chính sách này, tôi lại nhớ đến một ông cũng ở Bộ LĐ-TB-XH nhưng cấp còn cao hơn, ông Tạ Văn Thiều đóng hàm cục phó Cục người có công. Ông ta cũng ngô nghê trên báo Lao Động (xem ở đây) rằng "liệt sĩ là bất cứ ai, không kể tuổi tác, không kể dân tộc, không kể nghề nghiệp, chỉ cần có hành động dũng cảm cứu người, cứu tài sản mà hy sinh thì có thể được công nhận là liệt sĩ và bà mẹ có 1 con là liệt sĩ thì bà mẹ được tặng danh hiệu ''Bà mẹ VN anh hùng''. Như vậy, trên thực tế, các em bé chưa đến 10 tuổi có hành động dũng cảm cứu người, cứu tài sản mà hy sinh có thể được công nhận làm liệt sĩ. Trong các trường hợp này, nếu người mẹ sinh ra các em bé trên khi mới 18 tuổi thì nay mới chỉ có  28 tuổi cũng có thể được tặng danh hiệu Bà mẹ VN anh hùng. Vậy hoàn toàn có thể xảy ra trường hợp người mẹ chưa đầy 30 tuổi được tặng, phong tặng danh hiệu ''Bà mẹ VN anh hùng''. Nghe ông Thiều phán chắc nịch vậy, tôi chỉ còn nước giơ tay lên và than giời ạ, đến bó tay với các ông.

Con người ta ai chẳng có lúc đúng lúc sai, làm nhiều sai nhiều, vấn đề là sai thì biết sửa. Nhà nước đã tin tưởng giao cho trọng trách thì hãy cố gắng làm hết lòng hết sức, biết cầu thị lắng nghe. Thói cả vú lấp miệng em, qua quít cho xong việc, tùy tiện cá nhân, không thèm quan tâm đến dư luận... rất tiếc đang tồn tại trong hàng ngũ công bộc của dân. Vừa phải thì dân còn chấp nhận, bỏ qua; quá lắm, hủ lậu lắm thì xin các ông về vườn sớm cho dân nhờ.

19.7.2013
Nguyễn Thông
Share on Google Plus

About Unknown

Bài viết này được chia sẻ bởi Unknown.
    Blogger Comment
    Facebook Comment

0 nhận xét:

Đăng nhận xét