Nợ chưa xấu mới đáng lo

Nợ chưa xấu mới đáng lo
Ngân hàng X cho doanh nghiệp Y vay 100 tỷ đồng, nhận thế chấp bằng một công trình bất động sản trị giá 140 tỷ đồng. Quá hạn trả nợ đã hơn một năm nay nhưng doanh nghiệp Y làm ăn thua lỗ, không trả được cho ngân hàng X đồng nào, cả lãi lẫn vốn. Theo quy định, X phải xếp khoản nợ này vào nhóm 5 và phải trích lập dự phòng rủi ro 100%, tức trích lập 30 tỷ đồng (100 tỷ trừ cho 50% của 140 tỷ; 50% là tỷ lệ áp dụng cho tài sản thế chấp là bất động sản).
Theo quy định kế toán 30 tỷ đồng này là con số âm, đã khấu trừ vào lãi của ngân hàng X hay không còn lãi thì trừ vào vốn chủ sở hữu. Điều này có nghĩa nếu đã phân loại một khoản nợ là nợ xấu nhóm 5 thì ngân hàng coi như đã chấp nhận một khoản thiệt hại rồi. Chính vì vậy cụm từ “dự phòng rủi ro” không chính xác bằng cụm từ tiếng Anh tương ứng là “loan loss provision”, tức dành ra một khoản để bù vào tiền cho vay có khả năng bị mất.
Có hăm hở bán nợ xấu?
Nay xuất hiện Công ty Quản lý tài sản (VAMC) sẽ mua khoản nợ này từ ngân hàng X. Chuyện gì sẽ xảy ra? VAMC sẽ mua theo giá sổ sách trừ đi khoản trích lập dự phòng, nghĩa là mua nợ với giá 70 tỷ đồng và trao cho ngân hàng X 70 tỷ đồng trái phiếu. Ngân hàng X sau này có thể đem 70 tỷ đồng trái phiếu này lên Ngân hàng Nhà nước để được vay tái cấp vốn, tức chuyển trái phiếu thành tiền thật để kinh doanh. Nhưng đồng thời mỗi năm Ngân hàng X phải trích lập dự phòng rủi ro 20% (14 tỷ đồng) sao cho sau năm năm họ có 70 tỷ đồng để khi lấy khoản nợ xấu kia về thì có sẵn tiền để xử lý. (VAMC còn có thể mua nợ theo giá thị trường nhưng sẽ rất ít có trường hợp này)
Hãy xem Ngân hàng X có động cơ mạnh mẽ nào để bán nợ xấu cho VAMC hay không (ngoài chuyện bắt buộc phải bán)? Động cơ đầu tiên là được nhận tái cấp vốn từ NHNN, có tiền để kinh doanh (tỷ lệ được cấp chưa quy định rõ). Nhưng tình hình hiện nay, các ngân hàng đang ngồi trên đống tiền mà không cho vay được, họ phải đem tiền đi mua trái phiếu chính phủ, động lực nhận tái cấp vốn từ NHNN là không cao đối với nhiều ngân hàng.
Thế mà khi đồng ý tham gia cuộc chơi, trong chi phí hoạt động mỗi năm phải gánh thêm 20% khoản trích lập dự phòng cho trái phiếu nhận từ VAMC, hay nói cách khác họ phải bắt tay vào quá trình xử lý hẳn khoản nợ xấu, dù được kéo dài thành 5 năm, nhưng cũng là gánh nặng kinh doanh.
Hiện nay nhiều người thắc mắc vì sao ngân hàng không xử lý hẳn nợ xấu, nhất là nợ nhóm 5 đã trích lập 100% vì đâu mất thêm tiền? Theo quy định, ngân hàng có quyền bán tài sản đảm bảo một khi khách hàng không trả được nợ nhưng với tài sản đảm bảo là bất động sản thì phải bán cho được trong vòng 2 năm. Nếu sau 2 năm mà không bán được xem như giá trị tài sản đảm bảo bằng 0 và lúc đó ngân hàng phải trích lập dự phòng đầy đủ (trong trường hợp trên là trích thêm 70 tỷ đồng nữa). Bán với giá cao thì không nói làm gì nhưng giả thử chỉ bán được 50 tỷ đồng thì ngân hàng phải bù thêm 20 tỷ đồng nữa. Với tình hình thị trường địa ốc trầm lắng như hiện nay không ai dám liều lĩnh cả nên ngân hàng mới phải thỏa thuận với con nợ để liên tục đảo nợ, giữ nguyên hiện trạng thì có lợi cho cả đôi bên!
Dĩ nhiên với những món nợ xấu nhóm 3 và nhóm 4 thì tình hình có khác. Bởi tỷ lệ trích lập thấp hơn (20% và 50%) nên động lực bán nợ có thể cao hơn. Trong tình hình bất động sản rất khó bán như hiện nay, giá trị giảm mạnh, việc trích lập càng không đầy đủ - cũng là những yếu tố thúc đẩy việc bán nợ cho VAMC, nhất là những ngân hàng đang thiếu thanh khoản. Nhưng bản chất việc bán nợ như thế cũng chỉ là tạm thời đưa nợ xấu ra khỏi ngân hàng, cho vào “kho hàng VAMC” và ngân hàng phải dần dần trong 5 năm xử lý cho hết đống nợ này chứ thật sự không bán cho ai cả. Nhìn theo góc độ đó, mô hình VAMC còn tốt hơn là ngân hàng không làm gì, nợ xấu đè nặng bản cân đối kế toán làm tê liệt hoạt động của ngân hàng.
Không biết từ đâu có ý nghĩ cho rằng không thể dùng tiền ngân sách để xử lý nợ xấu và ý nghĩ này được chia sẻ rộng rãi (ai sai nấy chịu không thể bắt dân chịu thông qua tiền thuế). Vì thế mô hình VAMC không thể đặt nặng chuyện mua đứt bán đoạn nợ xấu theo giá thị trường – mà chỉ có cách này mới thật sự giải quyết vấn đề nợ xấu một cách dứt khoát.  
Thế còn nợ chưa xấu?
VAMC sẽ chỉ đụng đến nợ xấu, tức nợ thuộc nhóm 3, 4 và 5, là nợ quá hạn từ 90 ngày đến trên 360 ngày. Điều đó có nghĩa một khối lượng nợ xấu thật sự nhưng chưa được xếp vào các nhóm này nên trên danh nghĩa vẫn chưa là nợ xấu, không được giải quyết lần này. Đó là loại nợ gì?
Đầu tiên là những khoản nợ của các tập đoàn kinh tế nhà nước như Vinashin bởi nợ loại này được tạm thời khoanh lại, chưa phân loại, chưa trích lập dự phòng. Con số cụ thể rõ ràng là không dễ có nhưng chắc chắn là rất lớn, từ vài chục ngàn đến cả trăm ngàn tỷ đồng.
Thứ hai, lớn hơn nhiều lần là các khoản lẽ ra là nợ xấu nhưng nhờ “cơ cấu lại” nên biến thành chưa xấu. Theo báo cáo của NHNN tại kỳ họp Quốc hội vừa qua, tính đến cuối tháng 4-2013, có đến 284,4 nghìn tỷ đồng được cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm theo Quyết định số 780/QĐ-NHNN. Nói cách khác, nếu không áp dụng Quyết định 780 thì cho đến nay có lẽ đã có thêm gần 300.000 tỷ đồng nợ xấu! Nhưng một điều chắc chắn trước sau gì con số khổng lồ này cũng trở thành nợ xấu một cách chính thức, vấn đề là trì hoãn thừa nhận chúng đến bao giờ mà thôi. Cũng theo NHNN, nhờ “cơ cấu lại” như thế mà tỷ lệ nợ xấu chính thức đến cuối tháng 4-2013 là 4,67% (con số tuyệt đối là 137,1 nghìn tỷ đồng). Còn nếu không, tỷ lệ nợ xấu đã lên 11,5% (con số tuyệt đối là 362,8 nghìn tỷ đồng).
Chính NHNN trong báo cáo nói trên phải đưa ra nhận định: “Nếu các biện pháp tự xử lý nợ xấu của TCTD và cơ cấu lại nợ theo Quyết định 780/QĐ-NHNN không được hỗ trợ tích cực bởi sự phục hồi kinh tế, thực thi có hiệu quả các giải pháp điều hành kinh tế vĩ mô, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thị trường bất động sản và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế thì nợ xấu tiềm ẩn rất lớn, xử lý khó khăn hơn và có nguy cơ tăng mạnh”.
Các khoản nợ “chưa xấu” này mới thật sự đáng lo vì chưa được trích lập dự phòng rủi ro đầy đủ nên một khi bộc lộ ra thì ngân hàng phải chịu ghi nhận thiệt hại rất lớn. Với quy mô như nói trên thì khả năng nhiều ngân hàng mất hết vốn chủ sở hữu cũng chưa đủ để xử lý nợ “chưa xấu” này. Chính vì thế, việc các ngân hàng ngại ngần cho vay hiện nay không hẳn là do nợ xấu (đã trích lập đầy đủ) mà do nợ “chưa xấu” (chưa trích lập nên còn khả năng gây mất mát).


Share on Google Plus

About Unknown

Bài viết này được chia sẻ bởi Unknown.
    Blogger Comment
    Facebook Comment

0 nhận xét:

Đăng nhận xét