Đừng nói suông

Ngày mai là ngày kỷ niệm Thương binh-liệt sĩ 27.7. Ở một nước trong vòng vài chục năm trải qua mấy cuộc chiến tranh thì việc tưởng nhớ, biết ơn những người đã ngã xuống là điều phải đạo. Mỗi hòn đất xứ này đã thấm bao nhiêu máu, và có thể sẽ còn thấm bao nhiêu máu nữa. Đừng tệ bạc với người hy sinh vì đất nước.

Nhiều năm qua, chính quyền và nhân dân đã luôn ghi công các anh hùng, liệt sĩ, thương bệnh binh. Tôi còn nhớ hồi làng tôi còn cái nghĩa trang liệt sĩ nho nhỏ bên chùa Trà Phương, ngay cổng vào có câu đối: Liệt sĩ hy sinh vì chính nghĩa/ Toàn dân ghi tạc nhớ công ơn. Câu đối không được chuẩn về từ ngữ cho lắm nhưng là cái lòng chân thực của người dân quê tôi. Trong nghĩa trang ấy có cả mộ chú ruột tôi, liệt sĩ Nguyễn Văn Liễn hy sinh thời chống Pháp, hài cốt được đưa từ đồn điền của bà Nguyễn Thị Năm trên Thái Nguyên về; có mộ liệt sĩ Trần Phúc Cán, sĩ quan tên lửa trận địa Mả Đò, quê Bình Định, hy sinh trong trận bộ đội tên lửa lần đầu ra quân đánh tàu bay Mỹ... Nay nghĩa trang đã dời đi chỗ khác, nhưng mỗi lần về quê có dịp qua đó tôi vẫn nghe thoang thoảng hương hoa đại ngày xưa.

Nhắc thế để một lần nữa khẳng định rằng "ăn quả nhớ người trồng cây" là đạo lý, tự nguyện, không cần kêu gọi. Và giờ đây, trong khi chúng ta được ăn uống, sinh hoạt, yêu nhau, hít thở không khí hòa bình thì còn rất nhiều người lính đang trần thân giữ biển đảo. Đành rằng họ làm nhiệm vụ của một công dân nhưng so với người khác thì đó là sự hy sinh. Hằng ngày bưng bát cơm ăn mà không nghĩ đến những người vì ta mà đứng nơi sinh tử gánh vác nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền quốc gia, quả là lỗi đạo.


Đọc trên blog và FB của nhà báo Mai Thanh Hải thấy tin vợ và con ông Nguyễn Viết Thuân (bộ đội, chủ tịch huyện đảo Trường Sa) bị bệnh hiểm nghèo (ung thư), chạy chữa rất tốn kém. Ông Thuân đang phải làm nhiệm vụ ngoài đảo, ít có thời gian lo cho vợ, con. Nhiều tờ báo kêu gọi người dân quyên góp giúp đỡ ông Thuân. Điều đó rất đúng. Nhưng đúng hơn là trong khi chúng ta cứ ra rả tuyên truyền cả nước vì biển đảo, hướng về biển đảo, vậy tại sao các bệnh viện điều trị cho vợ con ông Thuân, nhất là bệnh viện nhà nước, lại không thể tuyên bố điều trị miễn phí cho chị Thuân và cháu, mở rộng hơn là cho các đối tượng như vậy. Nhà nước nữa, hãy đền ơn đáp nghĩa bằng việc chi trả tối đa tiền chữa bệnh cho vợ con cán bộ chiến sĩ làm nhiệm vụ ngoài đảo xem nào. Bao nhiêu tỉ đồng lấy lại được từ bọn tham nhũng, đừng để thằng tham nhũng khác bỏ vào túi nó, hãy dành cho việc chăm sóc vợ con chiến sĩ canh giữ đảo xa biển xa xem nào. Tôi cam đoan nhà nước nếu có ưu đãi đối tượng này bao nhiêu, tốn kém bao nhiêu dân cũng không hề ghen tị.

Mà chẳng phải chỉ việc chữa bệnh. Chuyện học của con cái người lính bảo vệ chủ quyền biển đảo, đừng khắt khe với các cháu làm gì. Trong khi mấy ông lãnh đạo bộ giáo dục định ưu tiên điểm cho bà mẹ VN anh hùng và các cụ gần đất xa trời thì tôi chả thấy các vị ấy đề ra chính sách gì cụ thể với đối tượng thanh xuân bị thiệt thòi này. Các cháu không đòi 2 điểm hoặc mấy điểm, nhưng phải ưu tiên cho các cháu chỗ ngồi xứng đáng nhất trong giảng đường. Đó cũng là cách để bố mẹ các cháu chắc tay súng nơi biển xa đảo xa.

Tham nhũng, tham ô, lãng phí, thất thoát, vụ nào cũng hàng trăm hàng ngàn tỉ đồng, rồi cũng bèo dạt mây trôi (ví dụ cái tàu Hoa Sen Vinashin 1.300 tỉ đồng đó, xử lý đến đâu rồi, chả ai nhớ) nhưng bỏ ra vài chục triệu đồng vì đại nghĩa thì lại lăn tăn cân nhắc chờ chính sách. Dân tự nguyện đóng góp là chuyện của dân, còn nhà nước phải có trách nhiệm.

Hãy nhớ ơn liệt sĩ, thương binh, người lính bằng việc làm cụ thể, thiết thực. Chỉ nói mồm thì ai mà không nói được.

26.7.2013
Nguyễn Thông
Share on Google Plus

About Unknown

Bài viết này được chia sẻ bởi Unknown.
    Blogger Comment
    Facebook Comment

0 nhận xét:

Đăng nhận xét