Một kiểu miệt thị khó chấp nhận


Thoạt đầu tôi không để ý đến bài báo này (viết về "tại sao gái miền Tây làm nghề nhạy cảm"), nhưng thấy Pv Lê Ngọc Sơn đưa vào fb và thấy các bạn bàn luận tôi mới đọc qua cho biết. Đọc xong tôi thấy đây là một bài báo có rất nhiều điểm đáng bàn. Đáng bàn không phải vì sự thật (đúng ra là tính hư cấu) trong bài báo, mà là khả năng nhận thức của người viết bài báo. Có nhiều câu chữ mang hơi hám khoa học nhưng thật ra là phi khoa học. Đáng lẽ toàn bộ bài viết phải gọi là “ngụy khoa học” thì đúng hơn. Tính nguỵ khoa học (pseudoscience) trong bài này nó bàng bạc trong các thói nguỵ biện phổ biến.


Cái nguỵ biện thứ nhất là nói bâng quơ. Chẳng hạn như câu “con gái miền Tây đi làm những nghề nhạy cảm như massage, tiếp viên… nhiều hơn những con gái miền khác. Thật ra, tôi cũng có thể nói khơi khơi thế này: “con gái miền Tây đi làm công nhân trong mấy hãng xưởng ở Bình Dương và Long An nhiều hơn con gái miền khác”. Tôi nói thế là vì tôi hay đi đến những hãng xưởng đó và có cảm nhận như thế. Còn những người hay đi uống bia ôm và massage thì thấy gặp con gái miền Tây nhiều, nên có cảm nhận như thế. Ở Sydney trong thời gian gần đây, báo chí nêu tình trạng một số người Việt ăn trộm trong các siêu thị sang trọng và mang bạch phiến từ VN sang Úc, mà đa số là người gốc Bắc (1975). Nếu dùng cách nói như tác giả bài này người ta sẽ nói người Bắc hay buôn ma tuý và ăn trộm?! Cách suy luận đó có thể hấp dẫn với những ai có suy nghĩ dễ dãi, chứ khó thuyết phục người suy nghĩ nghiêm chỉnh. Khó thuyết phục vì nó vô lí và xúc phạm. Để thấy sự vô lí, có thể lấy thêm một ví dụ: người ta thấy nhiều người mắc bệnh tả có thói quen ăn thịt chó, thế là người ta nghi rằng thịt chó là nguyên nhân bệnh tả. Nhưng câu hỏi quan trọng hơn là so sánh giữa bao nhiêu người ăn thịt chó mắc bệnh tả, và bao nhiêu người không ăn thịt chó mắc bệnh tả. Bài học thứ nhất ở đây là: nói một chiều và không có nhóm chứng (control) là phạm phải lỗi nguỵ biện. 

Thứ hai là nguỵ biện thống kê. Tiêu biểu cho nguỵ biện này là câu khẳng định “Đó không phải là chuyện ngẫu nhiên”. Đây là một câu phát biểu rất khoa học, vì không phải ngẫu nhiên, tức là có hệ thống. Cái lỗi hệ thống mà tác giả này chứng minh trong mấy đoạn sau là do con gái miền Tây hay đua đòi, thất học, và do đó suy nghĩ đơn giản (dễ bị chiêu dụ). Quan trọng là chữ “ngẫu nhiên”. Nếu tác giả chỉ đọc vài bài báo thấy ai cũng nói con gái miền Tây đua đòi và còn thất học, tác giả đã bị người khác cấy vào não cái ý tưởng rằng con gái miền Tây quả thật hay đua đòi và thất học. Nhưng có thể đó chỉ là ý kiến cá nhân của vài kí giả, chứ chẳng có dữ liệu gì để đi đến một kết luận nghiêm chỉnh. Vài kí giả thì có thể chỉ là ngẫu nhiên (có thể họ hay đi nhật nhẹt trong các quán bia ôm), nên khó mà nói mang tính đại diện được. Do đó, đáng lí ra, để chứng minh không phải là ngẫu nhiên, tác giả phải trình bày vài dữ liệu để thuyết phục độc giả. Hay hơn nữa, tác giả có thể tính toán (như trị số P) để độc giả thấy. Khi các kí giả có trình độ khá đưa tin về vaccine phòng chống HIV bên Thái Lan, người ta trình bày trị số P = 0.04 để cho thấy hiệu quả đó không phải là ngẫu nhiên. Nhưng tôi ngờ rằng tác giả bài này khó mà tính được trị số P, mà có tính được thì chắc gì đã hiểu. Lỗi nguỵ biện thứ hai ở đây là hồ đồ. 

Thứ ba là tác giả đi từ võ đoán này đến võ đoán khác. Sau khi cho rằng “nhiều người” (lại “nhiều”!) miền Tây “cực kì cưng chiều con gái”, tác giả đi đến một phán xét rằng “Thế nên, ngay từ nhỏ, con gái miền Tây đã không phải lao động dãi nắng, dầm mưa, quá lắm chỉ là làm các công việc nội trợ trong gia đình.” Cái này là rõ ràng một sự võ đoán. Là bậc cha mẹ ai không cưng chiều con, đặc biệt là con gái. Đáng lẽ phải thấy đó là một điểm son chứ, để phân biệt với loại người (phải dùng chữ “loại”) trọng nam khinh nữ. Nhưng cưng chiều không có nghĩa là ở nhà suốt ngày lo mài dũa móng tay, bôi son, trét phấn như mấy cô gái thị thành đua đòi. Tôi có thể lấy gia đình tôi ra làm ví dụ. Mấy em gái của tôi vẫn làm ruộng. Thật ra, hầu hết những người gặt lúa, cấy lúa ở miền Tây là phụ nữ. Có lẽ tác giả bài này chưa sống ở miền Tây nên nói quá bậy. (Chữ "bậy" ở đây là còn nhẹ, tôi có thể dùng chữ nặng hơn, nhưng có lẽ không cần thiết). 

Cũng nằm trong cái lỗi võ đoán, tác giả phóng bút viết rằng “Chỉ cần quăng tay lưới hoặc cắm cây xuống lớp đất màu mỡ, họ sớm nhận được thành quả mà ít phải bỏ công sức hơn nơi khác.” Nếu tác giả này được đẻ ra vào thế kỉ 19 hay đầu/giữa thế kỉ 20 thì câu này có thể tạm chấp nhận được, nhưng đây là thế kỉ 21, tình trạng nông thôn đã có nhiều đổi thay (theo chiều hướng xấu đi) nên không có chuyện quang lưới xuống sông là có cá ăn đâu nhé. Có lẽ tác giả hoặc là đang nằm mơ giữa ngày (day dreaming), hoặc là đang “phê” những cuốn sách của bác Sơn Nam nên mới bạo tay gõ bàn phiếm như thế. Viết mà không đi thực tế thì chẳng khác gì – nói theo cách nói của dân miền Tây – nói dóc, tào lao. 

Thứ tư là nguỵ biện theo kiểu lợi dụng trường hợp cá biệt. Đó là câu “Có thể thấy, lối suy nghĩ của nhiều cô gái miền Tây khá đơn giản, mộc mạc. Những phát ngôn “kinh điển” của Ngọc Trinh, người đẹp đến từ Trà Vinh, là ví dụ tiêu biểu nhất.” Phải nói đây là một câu phát biểu ngờ nghệch nhất mà tôi thấy từ một nhà báo! Lấy một trường hợp cá biệt để đi đến kết luận cho một cộng đồng là một sai lầm, một nguỵ biện thấp nhất. Nguỵ biện này chẳng khác gì lấy một cô hoa khôi nào đó ở Hà Nội giết tình nhân, rồi suy luận rằng gái Hà Nội là ác ôn! Dùng cách nói của nhà báo này, con gái miền Tây cũng có thể nói rằng nhà báo Việt Nam rất dốt nhưng ngạo mạn làm bộ như ta đây là những người đạo cao đức trọng - một kiểu đeo mặt nạ đạo đức giả. 

Toàn bộ bài báo toát lên một cái “air” trịch thượng và xúc phạm. Hầu như đoạn văn nào trong bài viết cũng có vấn đề. Hoặc là vấn đề dùng chữ mỉa mai, hoặc là cách nói kẻ cả, hoặc là võ đoán, hoặc là nguỵ biện. Có những câu trong bài hoàn toàn võ đoán như “Hiện tại, ở miền Tây, một chàng trai muốn cưới được vợ phải có ít nhất 60 triệu đồng. Bởi ngoài tiền cưới, chàng trai phải có nhiệm vụ mua lễ vật vòng vàng nhẫn cưới cho vợ và gia đình vợ.” Có phải thật sự là 60 triệu? (Thằng cháu tôi mới lấy vợ và nó chỉ có 10 triệu đồng trong túi). Có phải thật sự đó là đặc điểm ở miền Tây? Một con người chỉ cần cái bộ não bình thường cũng có thể đặt hai câu hỏi đó, và khi biết đặt câu hỏi đó thì tác giả sẽ thấy vô lí và xúc phạm như thế nào. Rất khó biết tác giả có thực sự cố ý xúc phạm phụ nữ miền Tây hay không, nhưng cách dùng chữ và cách vận dụng logic thì rõ ràng là có nỗ lực. Nỗ lực xúc phạm cả một cộng đồng. Đừng nghĩ dùng chữ “một số” hay không dùng chữ đó mà không xúc phạm.   

Có lẽ câu xúc phạm nhất là câu này: “Có thể thấy, lối suy nghĩ của nhiều cô gái miền Tây khá đơn giản, thoáng đãng, bản năng.” Chú ý chữ “bản năng”. Phải là một người có nhiều thành kiến ghê gớm lắm mới dám đặt tay viết hai chữ đó. Tôi nghĩ những cô gái miền Tây cũng có thể mượn cách nói xúc phạm và hồ đồ đó để trả hai chữ đó cho tác giả: bản năng nói xấu.

Hết “bản năng”, tác giả còn phán thêm rằng con gái miền Tây “suy nghĩ đơn giản”. Đó là một cách nói trịch thượng. Chẳng biết tuổi đời của tác giả này bao nhiêu mà khẩu khí có vẻ như là bề trên. Thật ra, ngay cả bề trên cũng không dám nói như thế. Ở một đoạn khác, tác giả tỏ ý chê con gái miền Tây là thật thà và chất phác, nhưng nếu con gái miền Tây ăn diện thì bị cái chê khác: “ăn nói bạt mạng, ăn chơi tung trời và mặc đồ mát mẻ hơn bất cứ cô gái thành thị nào.” Làm như chỉ có con gái thành thị (như tác giả bài báo?) mới có quyền mặc đồ mát mẻ! Nếu ăn nói bạt mạng thì chính tác giả bài báo mới xứng đáng với cái nhãn hiệu đó.

Nên nhớ rằng miền Tây là nơi cả nước dựa vào về mặt lúa gạo và cũng là nơi nuôi Việt Nam. Trong số những người làm ra hạt lúa để nuôi cả nước, có phân nửa là lao động nữ. Ấy thế mà có người vô ơn đến nỗi viết hẳn một bài báo để nói rằng con gái miền Tây lười biếng, thất học, và dễ tin! Nếu tác giả thật sự nghĩ như thế, thì đáng lẽ tác giả nên chịu khó suy nghĩ và đặt câu hỏi “tại sao”. Tại sao người dân miền Tây ít học? Tại sao người dân miền Tây bỏ làng đi làm thuê ở Bình Dương? Tôi nghĩ nếu tác giả tìm được câu trả lời thì có lẽ tác giả sẽ cảm thấy xấu hổ với những nhận định của mình, và nợ người dân miền Tây một lời xin lỗi. Dĩ nhiên, xin lỗi chỉ tồn tại ở những người có nhân cách. 

Người Tây phương có câu “In God we trust, all others must bring data” (có thể hiểu câu đó là: chỉ có Thượng đế là đáng tin, còn tất cả những cái khác phải dựa trên dữ liệu). Hình như là câu nói của Edward Deming, người đem khái niệm quality control đến kĩ nghệ xe hơi của Nhật. Để đi đến kết luận về một cộng đồng, người ta cần chứng cứ. Chứng cứ có thể là định tính, nhưng tốt hơn nữa là định lượng đàng hoàng. Có lần nói chuyện ở Thời báo Kinh tế Sài Gòn (thời ông Võ Văn Kiệt còn sống) tôi có nói về evidence based journalism mà tôi tạm dịch là “Báo chí thực chứng” (giống như y học thực chứng). Theo đó, phóng viên nên dựa vào chứng cứ mà viết thì tốt hơn là dựa vào những cảm nhận cá nhân.

Nói không có chứng cứ là nói dóc. Nói dóc, nói chuyện tào lao là chuyện của dân nhậu nhẹt. Rượu vào lời ra mà. Chẳng ai thèm để ý đến những lời nói dóc của những người say men rượu. Nhưng nhà báo, dù gì cũng mang danh là “có học”, mà nói dóc thì đáng trách, nếu không muốn nói là đáng kinh tởm. Khoảng cách thái độ từ kinh tởm đến khinh bỉ chẳng bao xa. Tác giả bài này cho rằng con gái miền Tây suy nghĩ đơn giản, nhưng những phân tích trên đây cho thấy thấy chính tác giả mới là người suy nghĩ đơn giản. Suy nghĩ đơn giản là biểu hiện của sự yếu kém về trình độ và nhận thức. Suy nghĩ đơn giản còn thể hiện sự lười biếng tư duy. Dù lí do gì đi nữa thì những nhận định trong bài viết của tác giả cũng đáng trách. Bài báo cũng là một trường hợp để phân biệt cách làm báo tử tế và cách làm báo bất lương.


Share on Google Plus

About Unknown

Bài viết này được chia sẻ bởi Unknown.
    Blogger Comment
    Facebook Comment

0 nhận xét:

Đăng nhận xét