Bao nhiêu tai nạn giao thông là do rượu bia?

Ở VN, tai nạn giao thông là "killer" số 1 hiện nay. Mỗi năm có trên 32000 người bị thương vì tai nạn giao thông, và trong số này có đến 9800 người chết (số liệu 2013) (1) – một con số kinh khủng. Hôm nọ đọc báo thấy bài " Uống rượu bia không lái xe sẽ giảm 15% tai nạn " (2) làm tôi tò mò chẳng biết có bằng chứng nào cho con số đó. Tôi thử tranh thủ vài phút tìm trên Pubmed (thư viện y khoa toàn cầu) thì chẳng thấy có chứng cứ nào về con số 15% đó cả.


Thật ra, con số đó xuất phát từ "khảo sát" của Bệnh viện Việt – Đức. Và, tôi nghĩ đó là một kết luận sai. Theo như bài báo thì cứ 100 vụ tai nạn giao thông, có 15 vụ liên quan đến người sử dụng rượu bia. Từ đó, họ kết luận là không uống rượu bia trong khi lái xe sẽ giảm 15% tai nạn.

Cái sai lầm của kết luận trên là lí luận kiểu 1 yếu tố, 1 chiều. Kết luận đó dựa vào giả định rằng (i) 100% tài xế uống rượu bia đều dính dáng vào tai nạn giao thông, và (ii) uống rượu bia là yếu tố duy nhất gây ra tai nạn giao thông. Cả hai giả định đều sai. Trong thực tế, tai nạn giao thông xảy ra là do nhiều yếu tố. Từ những yếu tố "xa" như độ tuổi, giới tính, thời gian kinh nghiệm lái xe, đến những yếu tố "gần" như điều kiện đường xá, nhiệt độ và thời tiết, tốc độ lái xe, sử dụng alcohol, sử dụng điện thoại di động, v.v. Ngay cả yếu tố sử dụng alcohol (tức tính cả rượu bia) cũng phải phân biệt lượng alcohol uống. Người chỉ uống 1 li bia thì nguy cơ tai nạn giao thông chắc chẳng khác gì so với những người không uống rượu bia. Do đó, kết luận chắc nịch rằng không uống rượu bia sẽ giảm 15% ca tai nạn giao thông thì tôi e rằng quá đơn giản, nếu không muốn nói là quá sai.

Thật ra, đứng về mặt khoa học thì cách tính toán đó (x% tai nạn có liên quan đến A, nên xoá bỏ A sẽ giảm x% tai nạn) là hoàn toàn sai. Để tính tỉ lệ giảm tai nạn giao thông do sử dụng rượu bia (tiếng Anh gọi là population attributable risk fraction) chúng ta cần phải có 2 tham số: 

(a) tỉ lệ uống bia rượu trong cộng đồng; và 
(b) mối tương quan giữa uống bia rượu và nguy cơ tai nạn giao thông. 

Điều đáng buồn là dù VN bị rất nhiều tai nạn giao thông và hàng vạn người chết hàng năm, nhưng các cơ quan chức trách chưa có 2 tham số đó. Do đó, tôi phải tìm 2 tham số đó từ nước ngoài.

Có bao nhiêu người uống rượu bia quá mức độ an toàn? Nghiên cứu ở Úc cho thấy khoảng 26% người Úc uống rượu bia trên mức độ an toàn (3). Ở Việt Nam, tuy chưa có con số cho toàn quốc, nhưng nghiên cứu trên những người liên quan đến tai nạn giao thông thì con số lên đến 86% (4)! Một nghiên cứu khác trên hơn 630 người bị tai nạn thì có khoảng 60% người lái xe trong tình trạng có uống rượu bia trước đó. Chúng ta không biết con số trong cộng đồng là bao nhiêu, nhưng có thể giả định là khoảng 20% (vì phụ nữ Việt Nam không uống bia rượu như phụ nữ Tây).

Tham số thứ 2 là mối liên quan giữa uống rượu bia và nguy cơ bị tai nạn giao thông. Tham số này rất khó để có, nhưng trong quá khứ đã có nhiều nghiên cứu ở các nước phương Tây. Một phân tích tổng hợp từ 5 nghiên cứu gốc cho thấy tỉ số odds (OR – odds ratio) tai nạn giao thông ở những người lái xe mà uống rượu bia trên mức độ an toàn là 13 (5), tức rất cao. Nhưng đây là tai nạn giao thông liên quan đến xe auto, chứ không phải xe gắn máy như ở VN. Tôi không biết con số OR cho tai nạn giao thông xe gắn máy là bao nhiêu, nhưng có thể đoán là thấp hơn, ví dụ như OR = 5 chẳng hạn.

Giả dụ như 20% người Việt uống rượu bia ở mức độ thiếu an toàn, và giả dụ rằng những người này nếu lái xe gắn máy thì nguy cơ tai nạn giao thông tăng gấp 5 lần so với người không có alcohol trong người. Dựa vào 2 giả định đó, có thể ước tính rằng khoảng 44% tai nạn giao thông liên quan đến xe gắn máy là do uống rượu quá nồng độ an toàn. Ở New Zealand tỉ lệ này là khoảng 35%. Nhưng ngay cả con số 44% cũng … không đúng. Không đúng là vì chưa tính đến các yếu tố khác mà tôi nhắc đến trong phần đầu. Nhưng nó đủ để nói rằng phát biểu "Uống rượu bia không lái xe sẽ giảm 15% tai nạn" (1) là sai. Ảnh hưởng của bia rượu đến tai nạn giao thông ở VN cao hơn con số 15% nhiều lần.

Tôi nghĩ cần phải có một nghiên cứu nghiêm túc về các yếu tố liên quan đến tai nạn giao thông ở VN. Các trường đại học có thể làm nghiên cứu này khá dễ dàng. Ở VN có vài trường đại học giao thông, chẳng hiểu sao họ không để tâm nghiên cứu về vấn đề này. Có lẽ do vấn đề phương pháp. Sẵn đây, xin quảng cáo trước là tháng 5 này sẽ có một lớp 6 ngày về phương pháp nghiên cứu khoa học xã hội ở Sài Gòn. Lớp này chúng ta sẽ bàn về cách tiếp cận và phương pháp nghiên cứu các chủ đề như tai nạn giao thông, giáo dục, kinh tế, v.v. Chi tiết khoá học đã được thông báo.

====

(1) Ngay cả con số này cũng khó tin, bởi vì theo Bộ GTVT thì năm 2010 số tử vong là 11000, nhưng cùng năm Bộ Y tế căn cứ vào số tử vong ở bệnh viện cho biết con số tử vong là 15464 người (nguồn: http://thediplomat.com/2012/08/traffic-vietnams-silent-killer/)







Share on Google Plus

About Unknown

Bài viết này được chia sẻ bởi Unknown.
    Blogger Comment
    Facebook Comment

0 nhận xét:

Đăng nhận xét