Fb/blog của chính khách: gần và xa

Phải công nhận là fb và blog làm cho chính trị gia và quan chức nói chung gần gũi với dân hơn. Nhưng đó là tình hình ở phương Tây, chứ ở VN thì chính khách vẫn còn rất xa dân. Chỉ cần so sánh những bài viết trên fb/blog của chính trị gia ở VN và đồng nghiệp của họ ở các nước văn minh sẽ thấy điểm đó rất rõ nét.


Giới chính trị gia nước ngoài người ta có fb hay blog là để chia sẻ cảm nhận, quan điểm cá nhân của họ về những vấn đề thời sự. Đọc những cái note ngắn của thủ tướng Singapore về những vấn đề thời sự rất cảm động và cảm thông cho ông. Ngoài ra, họ còn dùng fb/blog như là những thông báo cá nhân. Hôm nay họ được mời đi nói chuyện ở một đại học, hay ngày mai họ được mời đi nói chuyện ở bệnh viện, tất cả đều công bố trên fb/blog để cho phóng viên biết mà dò theo. Do đó, các trang fb/blog của họ là NGUỒN tin tức, là nói theo tiếng Anh "news maker", chứ không phải nơi đăng lại tin tức của báo chí.

Vài vị làm chính trị ở VN cũng bắt chước trào lưu fb/blog của đồng nghiệp nước ngoài, nhưng họ bắt chước … rất buồn cười. Nhìn qua trang fb/blog của họ thấy toàn là tin tức của báo khác, là văn bản hành chính của bộ họ phụ trách, là tài liệu tuyên truyền, thậm chí bài vở mang sắc thái quảng cáo (như ăn chay, ăn thịt trâu, chả giò). Đó là những bài viết tầm đã thấp mà còn thiếu khoa học tính. Những bài đó chẳng có “wisdom”, thiếu thông tin, và do đó không cho công chúng biết họ suy nghĩ gì như là một cá nhân, một con người trong cộng đồng. Tại sao công chúng phải vào trang blog của họ khi những bản tin đó được công bố trên báo? Cái mà công chúng kì vọng và muốn biết là những cảm nhận cá nhân của họ, chứ không phải tuyên truyền núp dưới vai trò quan chức.

Quan chức và chính trị gia nói chung, trong cái nhìn của công chúng, là những cỗ máy trong guồng máy chính trị. Người dân đã nghe những tiếng gầm và đã thấy khói từ những cái cỗ máy đó. Đó là những sản phẩm của cái gọi là mechanism hay cơ chế. Họ phải nói như thế, họ phải hành xử như thế, họ phải đóng kịch như thế, bởi vì guồng máy đã nhào nặn họ như thế.

Nhưng họ còn có trái tim và khối óc. Ví dụ như khi kí quyết định tử hình một tội phạm, thứ nhất và trên hết, họ làm theo bộ máy, làm theo luật pháp, nhưng đằng sau đó là những trăn trở, dằn vặt, đau đớn của một con người khi thấy một người khác phải chết. Đằng sau cái quyết định đó là những suy tư của người cha hay người mẹ có con cháu. Đó là những trăn trở không thể nào phát ra từ cái cỗ máy, vì bản chất của cỗ máy là vô cảm và vô hồn. Bởi thế, công chúng muốn đọc và nghe những trăn trở và tâm tư đó. Nghe và biết để xã hội dễ thông cảm hơn và gần nhau hơn.

Đó chính là lí do tại sao chúng ta thấy các ông bà đại sứ các nước phương Tây ở VN rất gần dân và rất dễ mến. Một buổi đi thực địa ăn bánh xèo họ cũng có thể chia sẻ với công chúng, một cuộc gặp gỡ người bán hàng ở Chợ Bến Thành cũng là đề tài và cơ hội để họ giãi bày tâm sự. Chính khách và quan chức VN chưa làm được việc đó, và đó là lời giải thích tại sao người dân Việt cảm thấy xa lạ với những người đáng lẽ ra là "đại diện" cho mình. Chính trị gia và quan chức VN nói cái gì cũng bị người ta diễu cợt, vì những gì họ nói giống như những cỗ máy; họ làm gì cũng bị người dân xem là đóng kịch lố bịch (như đi cày ruộng, hay cách họ cầm cái xẻn để trồng cây). Một phần là do trình độ học vấn chưa tới, một phần là do họ đã quen với xa dân, quen với thói làm phụ mẫu thiên hạ.

Nói tóm lại, công chúng muốn thấy những khía cạnh nhân văn của các bộ trưởng. Đó có thể là những lời phát ngôn (thậm chí là thủ thỉ) tình cảm được giãi bày qua trang blog. Giãi bày những tình cảm cá nhân như thế cũng là một cách chứng tỏ cho công chúng thấy họ cũng là những con người có trái tim và khối óc, chứ không chỉ là những cơ phận của một guồng máy chính trị quen thói đóng kịch.


Share on Google Plus

About Unknown

Bài viết này được chia sẻ bởi Unknown.
    Blogger Comment
    Facebook Comment

0 nhận xét:

Đăng nhận xét