Hiểu như thế nào con số 226 người chết trong trại tạm giam?

Đó là thông tin từ Bộ Công an cho biết tính từ năm 2011 đến 2014 có 226 người bị chết trong các trại tam giam do công an quản lí (1). Điều thú vị là ngay sau đó, họ nói những cái chết đó là "chủ yếu do tự sát và bệnh lí". Đúng là cách nói "nhét chữ vào miệng người đọc". Ấy thế mà báo chí VN gần như im lặng sau thông tin đó. Nghĩ lại, tôi suy đoán rằng có lẽ giới báo chí cũng chẳng biết bình luận như thế nào về con số đó. Do đó, tôi thử đặt con số đó trong bối cảnh để hiểu thêm một chút và hi vọng sẽ giúp chính quyền có hành độc thực tế.


Con số 226 người chết trong các trại tạm giam phải hiểu như thế nào? Con số đó tự nó chẳng có ý nghĩa gì nếu chúng ta không đặt trong bối cảnh. Bối cảnh quan trọng là số người bị tạm giam trong các đồn công an hàng năm hay hàng tháng và thời gian tạm giam là bao nhiêu, nhưng chúng ta không biết con số này. (Dữ liệu này sẽ rất thú vị cho "survival analysis"!) Bối cảnh cũng là phân bố 226 trường hợp tử vong qua các năm ra sao để còn biết xu hướng tăng hay giảm. Nguyên nhân tử vong là gì, và AI là người xác nhận nguyên nhân tử vong. Bối cảnh cũng có thể là so sánh với các nước văn minh khác (vì theo định nghĩa, Việt Nam cũng là một nước văn minh).

Ở Úc này, mỗi cái chết trong các trại tạm giam của cảnh sát là một sự kiện quan trọng. Báo chí sẽ rất ồn ào. Chính trị gia sẽ lên tiếng đòi câu trả lời. Họ còn đòi phải điều tra đến nơi đến chốn. Khoảng giữa thập niên 1980, ở Úc có một người thổ dân thắt cổ tự tử trong đồn cảnh sát, và thế là giới truyền thông và chính trị làm ồn ào suốt cả tháng trời, với kết quả là một Uỷ ban Hoàng gia (Royal Commission) được thành lập để điều tra sự kiện. Uỷ ban Hoàng gia này tốn rất nhiều tiền để điều tra và bản báo cáo đưa ra hơn 300 khuyến nghị mà cảnh sát và Chính phủ phải thực hiện để đảm bảo quyền của người bị tam giam giữ.

Tôi phải nhắc lại là chỉ 1 trường hợp tử vong, mà chính quyền Úc phải làm qui mô như thế. Trong khi đó, ở VN nơi mà có lãnh đạo đánh giá là dân chủ gấp vạn lần so với các nước như Úc, lại dửng dưng trước 226 cái chết trong trại tạm giam!

226 cái chết trong vòng 3 năm (2011-2014), nếu tính toán một cách ngu ngơ nhất, là trung bình mỗi năm có ~75 người chết trong các trại tạm giam. Tôi thử tìm con số này ở Úc thì thấy một báo cáo chính thức của Chính phủ Úc về tử vong trong khi bị cảnh sát tạm giữ trong suốt 20 năm qua (2), và một phân tích chi tiết một số trương hợp (3). Theo báo cáo này (2) thì trong thời gian 3 năm (từ 2008 đến 2011), có 87 người chết trong các đồn cảnh sát tạm giam. Con số này chỉ bằng 38% so với con số của Việt Nam. Một cách khác dễ hiểu hơn là: số người bị chết trong trại tạm gian ở VN cao gấp gần 3 lần so với các trại tạm gian ở Úc. Gấp 3 lần!

So sánh như thế là hơi thô, nhưng nó cũng đủ để công chúng phải quan tâm về qui mô chết trong đồn công an. Nó cũng cho thấy đồn tạm gian do công an quản lí ở VN là môi trường có nguy cơ tử vong cao, chắc cao hơn cả bệnh viện! Tôi nghĩ chính quyền VN nên tỏ ra văn minh bằng cách có những việc làm cụ thể để giảm thiểu tình trạng quá nghiêm trọng này. Có lẽ việc làm trước mắt là thành lập một uỷ ban cấp quốc gia nhưng phải độc lập để điều tra MỖI cái chết trong thời gian qua. Dù biết rằng ở VN người ta có thói quen bưng bít thông tin, nhưng một uỷ ban như thế sẽ nên có thẩm quyền độc lập.

Việc thứ hai có thể làm ngay là thiết lập hệ thống báo cáo về những ca chết trong đồn công an như chính phủ Mĩ (4) và Úc (2) từng làm. Chết trong đồn công an được Liên hiệp quốc xem là một chỉ số về nhân quyền, nhưng đối với thế giới văn minh thì nó còn là một chỉ số phản ảnh mức độ văn minh và nhân đạo của một quốc gia. Nhìn thế nào đi nữa thì con số 226 người chết trong trại tạm giam làm cho bộ mặt VN trở nên xấu xí hơn trong cái nhìn của cộng đồng quốc tế. Do đó, chính quyền VN nên có những hành động và chính sách thực tế hơn để chứng tỏ rằng họ cũng quan tâm đến mạng sống của công dân mình.

====






Share on Google Plus

About Unknown

Bài viết này được chia sẻ bởi Unknown.
    Blogger Comment
    Facebook Comment

0 nhận xét:

Đăng nhận xét