Văn hóa meeting


Mấy tuần trước trên chuyến bay về VN tôi có dịp đọc một bài viết thú vị về những "thói hư" trong hội họp. Tác giả cho rằng những thói hư đó phản ảnh một sự thấp kém về văn hóa meeting. Có lẽ chữ văn hoá ở đây nên hiểu là etiquette, chứ không hẳn là culture. Tôi thì thấy những thói quen không đẹp mắt gieo một ấn tượng tiêu cực trong người nước ngoài về con người và văn hóa Việt Nam, nhất là trong khoa học.


Quả thật, kinh nghiệm cá nhân của tôi trong các hội nghị khoa học ở Việt Nam cho thấy nhiều nhà khoa học hình như chưa quen với những qui ước trong meeting nên không ít người rất vô tư nói chuyện ồn ào, mở điện thoại di động nói chuyện như ở văn phòng mình (có người thậm chí còn la hét nhân viên trong điện thoại!), không để ý theo dõi diễn giả hay bài thuyết trình, ăn mặc xốc xếch, v.v. làm cho nhiều khách nước ngoài nhìn vào thấy ngao ngán. Ngoài những thói xấu trên, tôi còn ghi nhận một số thói quen khác cũng có thể liệt vào loại “thói xấu” của “phe ta”.

Thứ nhất là nói quá giờ. Trong các hội nghị khoa học, tôi thấy các diễn giả Việt Nam thường không để ý đến thời lượng cho phép, nên họ nói quá giờ, và đó là một sự mất lịch sự cho diễn giả kế tiếp. Có lần một hội nghị ở Hà Nội, có một vị “cây đa cây đề” nói quá giờ gần 10 phút mà vẫn chưa chịu ngừng, một người trong ban tổ chức nhăn nhó mặt mũi nhưng không dám ngưng ông cụ, nên chị nhắn tin điện thoại cho tôi (và tôi vẫn còn giữ làm kỉ niệm): “Không thể kiểm soát được phần phát biểu của mấy giáo sư, anh nhỉ? Rất xin lỗi anh!” Còn khách dự người ngoại quốc thì lơ đảng nhìn ra ánh nắng chói chang ở ngoài, chẳng thèm để ý đến ông cụ nói cái gì!

Thứ hai là thói xấu của các vị “cây đa cây đề” Việt Nam hay tỏ ra lên lớp diễn giả. Thông thường khi một bài thuyết trình hay bài nói chuyện xong, là đến phần câu hỏi và thảo luận với diễn giả, và theo qui ước chung là người hỏi và trả lời phải giới hạn trong nội dung bài nói chuyện và giới hạn trong vòng 1 hay 2 phút. Thế nhưng rất nhiều lần tôi thấy các vị "cây đa cây đề" không đặt câu hỏi, mà lại đứng lên lớp diễn giả, hay phát biểu quan điểm cá nhân của họ, tức chẳng ăn nhập gì với bài nói chuyện! Lại có người rất thích tấn công diễn giả bằng những bắt bẻ chi tiết chẳng quan trọng, làm mất thì giờ buổi hội thảo. Tôi có cảm giác một số người muốn sử dụng buổi họp hội như là một cơ hội để khoa trương sự cao niên của mình, hay trả đũa những xung độ cá nhân trước đó, chứ không phải là cơ hội để bàn thảo một cách khoa học.

Ở nước ngoài, tôi từng chứng kiến những “cây đa cây đề” trên 80 tuổi lắng nghe diễn giả thuộc hàng học trò, thậm chí con cháu của họ, bằng một thái độ hết sức nghiêm chỉnh. Ngay cả khi đứng dậy hỏi, các vị này vẫn phải xếp hàng chờ đến lượt mình, và lúc nào cũng lịch sự với đồng nghiệp trẻ tuổi. Có khi hai bên thầy trò bất đồng ý kiến, người ta chỉ nói nhẹ nhàng và hóm hỉnh rằng: “Chúng ta đồng ý rằng chúng ta không đồng ý với nhau” (We agree to disagree)! Đó là văn hóa meeting mà theo đó dù mình không đồng ý với diễn giả, mình vẫn cho diễn giả một cơ hội phát biểu quan điểm của họ.

Thứ ba là bỏ về nửa chừng khi hội thảo chưa xong. Một thói quen xấu trong các hội nghị ở Việt Nam mà tôi hay thấy là buổi sáng hội nghị được khai mạc hoành tráng, với hành loạt diễn văn của các quan chức, người dự đông đủ, nhưng sau lần giải lao đầu tiên, các quan chức đọc diễn đi mất hết, và số người dự giảm thấy rõ. Đến buổi chiều thì có khi chỉ còn 1/3 người dự. Lại có người đến dự hội nghị hình như không phải để học hỏi hay trao dồi kiến thức, mà chỉ để thu lấy quà cáp, ăn sáng và ăn trưa miễn phí, rồi sau đó là thản nhiên ra về! Điều này rất ngược lại so với nước ngoài, mà trong các hội nghị khoa học, người tham dự theo dõi một cách nghiêm túc những bài nói chuyện từ đầu đến cuối.

Thứ tư là thủ tục khá rườm rà. Tôi thấy nhiều hội nghị khoa học ở Việt Nam chẳng giống ai ở điểm có quá nhiều diễn văn trước khi khai mạc hội nghị. Chẳng hạn như một hội nghị tầm quốc gia thì thế nào cũng có bộ trưởng (hay người đứng đầu ngành) phát biểu vài ba câu, rồi đến chủ tịch hội, rồi chủ tịch hay đại diện địa phương, rồi ban tổ chức, rồi nhà tài trợ, v.v. làm mất một giờ đồng hồ. Có lần tôi dự một hội nghị và ngồi bên cạnh một đồng nghiệp Singapore, anh ta cứ nhấp nhỏm hỏi tôi: còn ai đọc diễn văn nữa không, sao chưa thấy vào hội nghị? Tôi thông cảm cho anh đồng nghiệp vì ở nước ngoài các hội nghi thu hút cả 5 ngàn đến 40 ngàn đại biểu, mà chỉ có một bài diễn văn khai mạc duy nhất và bài diễn văn chỉ kéo dài không đầy 5 phút, không có đại diện chính quyền, và chắc chắn chẳng có bộ trưởng nào rảnh việc để đi nói chuyện trong các hội nghị chuyên ngành như thế.

Tuy nhiên, tôi phải nói ngay rằng những thói xấu này không phải “chỉ có ở Việt Nam”, mà còn xuất hiện ở một số hội nghị ở vùng Đông Nam Á và Tàu mà tôi từng có kinh nghiệm. Tuy nhiên, vẫn theo kinh nghiệm cá nhân, tần số xảy ra ở Việt Nam có vẻ cao hơn các nước trong vùng. Ngay cả ở cộng đồng người Việt ở nước ngoài, những người đã có ít nhiều tiếp xúc với Tây phương, những thói xấu đó vẫn còn tồn tại. Văn hóa thì mang tính “truyền nhiễm” hay có thể nói là “di truyền” từ đời này sang đời khác. Có lẽ một số quan chức mang trong người cái văn hóa quan liêu từ thời bao cấp, hay văn hóa làng xã từ thời xưa nên mới có những hành xử có thể nói là thiếu tính văn hóa trong thời nay. Chắc cần phải một hay hai thế hệ nữa thì cái gen văn hóa này mới chịu đột biến và lúc đó chúng ta không còn cụm từ “chỉ có ở Việt Nam”.

Share on Google Plus

About Unknown

Bài viết này được chia sẻ bởi Unknown.
    Blogger Comment
    Facebook Comment

0 nhận xét:

Đăng nhận xét