Xin trân trọng giới thiệu thư khố văn học rất quí do tác giả Phùng Nguyễn sưu tập. Xem qua thì thấy tất cả các số của tạp chí Văn Học (từ thập niên 1980 cho đến 2008) đã được digitized. Quả là một kì công! Địa chỉ là:
Tưởng cần nói thêm rằng tạp chí Văn Học là do Nhà văn Nguyễn Mộng Giác chủ trương và điều hành từ những năm giữa thập niên 1980 cho đến 2004. Ông làm cái công việc cao quí đó … part-time, vì ngày thường ông vẫn phải đi "cày" trong các hãng xưởng. Tôi phải nói như thế để các bạn trẻ thấy một bậc tiền bối đã hi sinh nhiều để duy trì một nền "văn học miền Nam nối dài" suốt hơn 20 năm trời. Tôi là một độc giả khá lâu của tạp chí này (và cả tạp chí Hợp Lưu và Văn nữa), nhưng tôi vẫn thích cái phong cách của Văn Học hơn.
Nhà văn Nguyễn Mộng Giác là đồng hương của ba tôi, tức là dân Bình Định. Ông từng làm nghề dạy học, nhưng lại có duyên với văn chương rất sớm. Tôi nghĩ có thể nói rằng tác phẩm để đời của ông là trường thiên tiểu thuyết Mùa Biển Động (MBĐ). Lúc mới xuất bản ở hải ngoại, bộ tiểu thuyết 1900 trang này được xem như là một "hiện tượng văn học", là một trong những bộ tiểu thuyết hoàn chỉnh nhất của VN. MBĐ là một tiểu thuyết sử, lấy bối cảnh của những biến động ở Huế vào thập niên 1960 khi chính quyền Ngô Đình Diệm sụp đổ cho đến thời vượt biên (tức 1980). Ông đi sâu vào phân tích tâm lí và lối sống của người miền Nam trong thời gian 20 năm đó, thời gian mà họ bị lôi cuốn vào những cuộc chiến, bạo động, và thảm trạng của đất nước.
Trước đó thì ông xuất bản trường thiên tiểu thuyết Sông Côn Mùa Lũ viết về thời Tây Sơn, nhưng hình như không thành công bằng MBĐ. Tuy nhiên, theo tôi biết thì Sông Côn Mùa Lũ được in ở trong nước, còn Mùa Biển Động thì chỉ có ở nước ngoài.
Các bạn nào muốn tìm hiểu và nghiên cứu về nền "văn học miền Nam nối dài" sẽ tìm thấy thư khố tapchivanhoc.org là một nguồn tài liệu quí báu. Tôi tin rằng đó là nguồn của nhiều luận án văn học có giá trị, và cũng là một cách để duy trì một nền văn học vừa không được chính quyền công nhận vừa bị bỏ quên.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét