Gặp gỡ cuối tuần: Truy tìm gen loãng xương thất lạc


Xin hân hạnh giới thiệu một cuộc trò chuyện với phóng viên báo Lao Động về phát hiện gen liên quan đến loãng xương hồi tuần qua. Có một thông tin tôi muốn nhấn mạnh là các cơ quan tài trợ cho nghiên cứu khoa học nên nghĩ xa và lớn hơn, chọn những dự án có ý nghĩa khoa học nhưng phải khả thi để đầu tư, chứ không nên chi tiền cho những dự án tủn mủn rồi cũng sẽ chẳng dẫn đến đâu.

Hiện nay, có nhiều người (nhất là cánh nhà báo) nhao nhao đòi những ai nhận tài trợ của Nhà nước và cả cơ quan tài phải công bố kết quả nghiên cứu. Tôi nghĩ đòi hỏi này hoàn toàn chính đáng. Nhưng đối với người có tự trọng và làm khoa học nghiêm chỉnh thì đòi hỏi công bố là thừa, bởi vì họ biết rất rõ đó là nghĩa vụ của họ.


====


SP7, MBL2, và ZBTB40 - ba gen đều được xem là rất mới trong thế giới loãng xương, có liên quan đến mật độ xương của người Việt vừa được Nhóm nghiên cứu cơ xương - ĐH Tôn Đức Thắng phát hiện. Công trình nghiên cứu này đã được công bố trên Bone - tạp chí hàng đầu thế giới về loãng xương. Chúng tôi có cuộc phỏng vấn GS. Nguyễn Văn Tuấn, Trưởng nhóm Nhóm nghiên cứu xương và cơ - ĐH Tôn Đức Thắng.


Phóng viên: Chúng tôi được biết, loãng xương là một vấn đề y tế lớn ở Việt Nam hiện nay: Gần 1/3 phụ nữ mãn kinh và 1/10 nam giới trên 60 tuổi bị loãng xương. Mỗi năm có hơn 10.000 người bị gãy cổ xương đùi, trong số này có 20% tử vong sau 12 tháng bị gãy xương. Xin GS cho biết phát hiện về gen loãng xương ở người Việt?

- Loãng xương và gãy xương là một trong những vấn đề y tế lớn ở VN, vì nhiều người mắc bệnh và vì bệnh nhân bị gãy xương có nguy cơ tử vong cao. Mối liên hệ giữa gãy xương và tử vong là rất nghiêm trọng nhưng rất ít người nhận thức được. Đã từ lâu, qua các nghiên cứu ở người da trắng chúng tôi biết rằng, loãng xương chịu sự ảnh hưởng của các yếu tố di truyền, nhưng tìm gen liên quan trong hàng vạn gen là một việc rất khó khăn, có thể ví như việc "mò kim đáy biển" vậy. Với sự phát triển của công nghệ di truyền, ngày nay chúng ta có thể phân tích hàng triệu biến thể gen, và chúng tôi đã có kinh nghiệm phân tích như thế ở nước ngoài. Nhưng ở Việt Nam chưa có cơ quan nào tài trợ cho chúng tôi làm nghiên cứu lớn về gen, nên chúng tôi phải tìm cách làm… rẻ tiền hơn. Chúng tôi dựa vào kết quả của chúng tôi ở nước ngoài về những gen được khám phá có liên quan đến loãng xương ở người da trắng, sau đó chúng tôi tập trung phân tích những gen có triển vọng nhất ở người Việt. Qua phân tích này, chúng tôi phát hiện 3 gen có liên quan đến mật độ xương ở người Việt. Cần nói thêm rằng, mật độ xương là một thước đo về sức mạnh của xương, và trong thực tế lâm sàng chúng tôi dùng mật độ xương để chẩn đoán loãng xương.

Phóng viên: Đây là nghiên cứu tìm gen loãng xương đầu tiên ở Việt Nam. Vậy các chuyên gia ở các nước khác ở Châu Á có tìm gen như nhóm của giáo sư không?

- Ở Đông Nam Á thì có lẽ chúng tôi là nhóm đầu tiên nghiên cứu về gen loãng xương, nhưng ở các nước phát triển hơn như Hàn Quốc và Trung Quốc thì họ đã được Nhà nước tài trợ khá dồi dào, nên họ đã từng thực hiện các công trình nghiên cứu quy mô lớn về di truyền trong loãng xương trước chúng tôi. Đáng lý ra chúng tôi có thể thực hiện những nghiên cứu quy mô như các đồng nghiệp Hàn Quốc đã làm vì chính họ đã từng nhờ chúng tôi tư vấn, nhưng rất tiếc là ở VN chưa có cơ quan nào có tầm nhìn để tài trợ cho các công trình nghiên cứu lớn. Điều thú vị là 3 gen chúng tôi phát hiện thì gần như cùng một lúc các đồng nghiệp Hàn Quốc cũng phát hiện 3 gen này có liên quan đến mật độ xương ở người Hàn!

Phóng viên: Những gen này có đặc điểm gì thưa ông?

- Ba gen mà chúng tôi phát hiện là SP7, MBL2, và ZBTB40. Cả ba gen này đều được xem là rất mới trong thế giới loãng xương, nên chúng tôi chưa hiểu biết nhiều về chúng. Gen SP7 nằm ở nhiễm sắc thể 12, và có cỡ 19000 bases. Trước đây gen SP7 đã được phát hiện có liên quan đến hội chứng "xương thuỷ tinh" (osteogenesis imperfecta). Gen MBL2 cũng là gen mới trong loãng xương, nằm ở nhiễm sắc thể 10, nhỏ hơn gen SP7 vì kích thước chỉ 6300 bases. Trước đây gen này chưa từng được phát hiện có liên quan đến xương, nhưng có liên quan đến bệnh truyền nhiễm. Gen thứ ba là ZBTB40, nằm ở nhiễm sắc thể 1 và khá lớn (79300 bases), trước đây đã được phát hiện có liên quan đến mật độ xương ở người Âu Mỹ nhưng cho đến nay chúng tôi vẫn chưa biết cơ chế sinh học của gen này. Nói chung, đây là những gen rất mới trong thế giới loãng xương, nên chúng tôi cần thêm thời gian để có kinh nghiệm và kiến thức với các hướng ảnh hưởng của chúng.

Phóng viên: Được biết, hiện, công nghệ gen đã cho phép phân tích toàn bộ hệ gen. Tại sao nhóm nghiên cứu của GS chỉ tập trung vào 30 gen mà không phân tích tất cả 20 ngàn gen?

- Đúng là hiện nay công nghệ di truyền đã giúp chúng ta có thể phân tích hàng vạn gen cùng một lúc. Ngoài ra, công nghệ giải trình tự gen (còn gọi là whole genome sequencing hay WGS) mà lab của chúng tôi ở Viện Garvan (Úc) có hẳn một máy để phân tích có thể giải mã hàng triệu biến thể cùng một lúc. Nhưng hàng rào cản trở duy nhất đối với chúng tôi hiện nay là tài trợ; chúng tôi chưa có tài trợ để làm phân tích WGS. Chúng tôi không hề thiếu ý tưởng, chẳng thiếu kiến thức về loãng xương, cũng không thiếu chuyên môn phân tích dữ liệu, chúng tôi chỉ thiếu tiền. Để phân tích toàn bộ hệ gen hiện nay, mỗi bệnh nhân tốn khoảng 1.500 đô la Úc, nếu chúng tôi thực hiện trên 1.000 người thì chi phí này đã lên đến 1,5 triệu đô la. Do đó, chúng tôi phải suy nghĩ đến một mô hình nghiên cứu sáng tạo hơn nhưng tiết kiệm tiền rất nhiều. Tuy nhiên, dù với mô hình này, cái giá tối thiểu để phân tích gen cũng phải 300 đến 500 ngàn đô la. Ở nước ngoài như Hàn Quốc, Trung Quốc chẳng hạn thì đó không phải là số tiền lớn, nhưng ở VN, đó có thể là số tiền lớn, và chưa có cơ quan nào ở VN tài trợ để làm nghiên cứu quy mô như thế!

Phóng viên: Xin ông cho biết ý nghĩa của việc tìm gen loãng xương?

- Cách đây gần 20 năm tôi có viết một bài xã luận trên một tập san y khoa ở Mỹ, trong đó tôi viết rằng, nghiên cứu về gen có 3 mục tiêu: Tiên lượng bệnh tật, hiểu về cơ chế bệnh tật, và qua đó phát triển thuốc mới. Trong chuyên ngành loãng xương của chúng tôi, trong thời gian qua chúng ta cũng đã có chút thành công trong việc dùng gen để tiên lượng gãy xương tốt hơn. Tôi cũng biết các chuyên ngành khác như tim mạch, tiểu đường, ung thư... cũng có "chiến dịch" tìm gen và họ cũng đạt được thành công trong việc tiên lượng bệnh, nhất là ngành ung thư học.

Gen còn giúp chúng ta hiểu nhiều hơn về bệnh và giúp chúng ta khám phá những điều bất ngờ. Chẳng hạn như khám phá gen LRP5 (qua một ca tai nạn giao thông) giúp cho giới khoa học biết hơn về cơ chế tác động của các tế bào tạo xương và huỷ xương như thế nào, và qua đó, một thuốc mới được phát triển để kích hoạt hoặc điều tiết các tế bào đó.

Một mục tiêu khác rất quan trọng trong việc tìm gen còn có thể giúp các bác sĩ xác định thuốc thích hợp cho mỗi cá nhân. Hiện nay, chúng ta biết rằng, hầu như bất cứ thuốc nào cũng chỉ có hiệu quả cho một số bệnh nhân, còn nhiều bệnh nhân khác thì không có hiệu quả, thậm chí còn bị biến chứng. Phát hiện gen có thể giúp nhận dạng bệnh nhân nào đáp ứng thuốc và bệnh nhân nào không nên dùng thuốc.

Viễn cảnh tương lai là mỗi cá nhân, dĩ nhiên kể cả anh và tôi, sẽ có một thẻ căn cước sinh học, và trong thẻ đó có thông tin về gen của chúng ta. Khi đến phòng mạch bác sĩ hay bệnh viện, chỉ cần cà cái thẻ căn cước sinh học vào máy tính, và bác sĩ có thể tiên lượng nguy cơ mắc bệnh, xác định thuốc điều trị thích hợp, và đưa ra khuyến cáo phòng ngừa bệnh. Đó là một tương lai, nó chưa đến, những tôi muốn tin rằng nó sẽ đến.

Phóng viên: Ông nói các gen này chỉ giải thích 3% mật độ xương, vậy phần còn lại là do yếu tố nào khác?

- Đây là một câu hỏi thời sự. Không chỉ trong ngành loãng xương, ngay cả ngành béo phì, nhiều gen chỉ giải thích rất ít những khác biệt giữa các cá nhân về béo phì. Trong giới di truyền học, chúng tôi gọi đây là hiện tượng "missing heritability", tạm dịch là "những gen thất lạc". Như chúng tôi có đề cập trong bài viết, 3 gen chúng tôi phát hiện chỉ giải thích khoảng 3% khác biệt về mật độ xương giữa các cá nhân, tức mức độ ảnh hưởng khá "ít ỏi", và chúng tôi cũng có vấn đề gen thất lạc.

Nhưng tôi chưa nói rằng, những gen mà chúng tôi phát hiện là những gen phổ biến, tức xuất hiện trong quần thể trên 5%. Còn rất nhiều gen không phổ biến như thế, mà tần số xuất hiện có thể chỉ 1%, thậm chí dưới 1%. Tôi nghĩ rằng, những gen này là những gen có ảnh hưởng lớn, và chúng có thể giải thích nhiều phần trăm về khác biệt giữa các cá nhân trong quần thể.

Phóng viên: Vậy ông và cộng sự có dự tính gì trong tương lai để tìm các gen còn lại?
- Nhóm chúng tôi đang có một dự án tìm những "gen thất lạc" đó. Có thể ví von rằng những gì hiếm thì thường có tác động lớn, và những gì hiếm thì thường… khó tìm. Tương tự, những gen hiếm trong quần thể cũng rất khó phát hiện. Nhưng may mắn là, với công nghệ mới, chúng tôi có thể tìm những gen đó không khó. Nhưng thay vì làm theo cách mà nhiều nhóm trên thế giới đang làm, chúng tôi sẽ sử dụng kiến thức chuyên ngành xương của mình để tìm một cách làm khác, ít tốn kém hơn, khó hơn, nhưng hiệu quả cao hơn.

Phóng viên: Xin cảm ơn ông!


Share on Google Plus

About Unknown

Bài viết này được chia sẻ bởi Unknown.
    Blogger Comment
    Facebook Comment

0 nhận xét:

Đăng nhận xét