Cơn bão dư luận!

Bài viết về tình trạng các nhóm lợi ích ép giá lúa đến nổi thấp hơn giá ốc bươu vàng đã được rất nhiều bạn đọc quan tâm và bình luận. Trên sgtt.vn (nơi bản gốc xuất hiện) có 11 bình luận. Qua một diễn đàn khác, tôi mới biết VietQ có đăng lại bài viết đó, và Dân Trí đăng lại từ VietQ. Nhưng khi lên Dân Trí thì có đến 105 bình luận! Báo Dân Trí hôm nay có bài bình luận cho rằng bài đó đã “tạo nên cơn bão mới trong dư luận” dù chuyện đó nằm trong nhóm các chuyện “biết rồi, khổ lắm, nói mãi”. 

http://dantri.com.vn/xa-hoi/tro-treu-oc-buou-vang-gia-tri-hon-lua-khi-chinh-sach-van-di-duong-vong-751429.htm

Tôi rất cảm động khi xem qua những bình luận trên sgtt.vn và đặc biệt là Dân Trí. Cảm động không chỉ vì có người đồng cảm và đồng tình, mà vì xã hội vẫn còn những người quan tâm đến nông dân. Trong cái thời mà người mới lên tỉnh, võ vẽ học vài chữ đã vội quên đi hương đồng gió nội và lên lớp dạy đời dân quê, mà vẫn còn có rất nhiều người còn quan tâm đến "chân quê" thì quí hoá. Như vậy là xã hội vẫn không quên bà con nông dân. 

Trong cuộc đời viết báo như là một “hobby” của tôi, có những giây phút làm tôi thấy ngòi bút (bàn phiếm) của mình có ích. Trong một lần nói chuyện về báo chí và khoa học do Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức ngoài Vĩnh Phú (có cả thứ trưởng Nguyễn Quân tham dự) tôi có nói rằng một trong những bài báo tôi tự hào nhất là bài “Bưởi không gây ung thư vú”, vì qua bài đó mà tôi giúp ích rất nhiều nông dân trồng bưởi. Bài đó tôi cũng viết trong bức xúc khi nghe tin giá bưởi giảm từ hơn chục ngàn đồng xuống còn 3-4 ngàn đồng chỉ vì một bản tin trên báo nói rằng bưởi gây ung thư. Tôi về nhà viết bài đó trong vòng 2 giờ đồng hồ, và gửi bài cho Thanh Niên hay Tuổi Trẻ (tôi quên) lúc 11 giờ đêm. Nhưng họ không dám đăng, vì lúc đó báo chí rầm rộ cho rằng bưởi gây ung thư vú. Tuy nhiên, Thời báo Kinh tế Sài Gòn đăng. Sự việc dẫn đến vài tờ báo bị phạt vì đưa tin thất thiệt, hình như Thanh Niên bị phạt nặng nhất. Rất nhiều hội đoàn nông dân gửi thư cho tôi cám ơn bài viết đó. Những lá thư viết rất Nam bộ làm tôi thật sự cảm động. 

Trước hay sau bài “Bưởi không gây ung thư vú”, còn có những bài khác làm tôi “gây thù chuốc oán” với Bộ Y tế. Đặc biệt nhất là loạt bài mắm tôm và dịch tả, trong đó tôi viết rằng mắm tôm không thể nào chưa vi khuẩn tả được vì chứng cứ thí nghiệm cho thấy chẳng có con V. cholerae nào sống nổi trong môi trường 5% muối. Các giới chức y tế không tin tôi, họ đóng cửa các cơ sở mắm tôm, đi lấy hơn 200 mẫu để xét nghiệm. Kết quả cho thấy chẳng có mẫu mắm tốm nào chứa V cholerae. Hoan hô khoa học! Ấy thế mà họ không xin lỗi mắm tôm. 

Một bài khác cũng làm tôi vui là vụ “ngực nở chân dài” mới được lái xe. Lúc đó (cũng 5 năm rồi) Bộ Y tế ra qui định rằng người lái xe phải có chiều dài chân tối thiểu là 75 cm và vòng ngực kha khá. Nhưng qui định này hình như không dựa vào những tham số căn bản về nhân trắc nên rất sai. Tôi viết bài “Tìm đâu ngực nở chân dài” trên Tuổi Trẻ và Tuần Việt Nam. Bằng dữ liệu thực tế của chúng tôi và với giả định rất cô điển (trong sách giáo khoa y khoa) tôi tính ra rằng chỉ có 5% nữ và 50% nam có thể lái xe nếu làm theo qui định của Bộ Y tế. Sau này thì qui định đó bị bác. Một hôm tôi và Nguyên đi giảng ở Viện Nhi Hà Nội, một em bác sĩ lên cám ơn tôi, mà tôi chẳng hiểu cám ơn cái gì, nhưng em ấy nói là “nhờ bài của thầy mà em được lái xe”. Tôi nhìn cô ấy thì quả thật là cô có chiều cao khiêm tốn. Tôi thấy trong lòng vui ghê vì không ngờ bài báo đó cũng gây tác động. 

Bây giờ thì vụ cơn bão giá lúa. Hôm tháng 6 tôi về quê thăm nhà, và mỗi lần về quê là rôm rả chuyện trò đồng áng. Trong những câu chuyện như không bao giờ hết, có chuyện do anh Ba Đen nói một cách mỉa mai: ối, mày ơi, bây giờ ốc bươu vàng còn có giá hơn lúa. Mấy người trong bàn thêm vào những chi tiết về kinh nghiệm bán lúa của họ. Ốc bươu vàng được xem là rác, không thể so sánh với ốc bươu đồng được. Vui nhất là anh Hai, người gốc Khmer, bằng một giọng lơ lớ nói: tao sống đến độ tuổi này mà chưa bao giờ thấy giá lúa thua giá ốc rác. Anh chua chát nói: chắc mai mốt tao đi nuôi ốc bươu vàng. Rồi câu chuyện xoay quanh tình trạng ô nhiễm con sông, tôm cá càng ngày càng hiếm, con trai bỏ làng ra đi lang bạt làm thuê trên thành phố, con gái cũng bỏ đi làm trên thành phố mà ai cũng đoán là làm bia ôm, bệnh tật như đột quị và ung thư càng ngày càng phổ biến, v.v. Ai cũng nghĩ thôn quê mình không còn như ngày xưa nữa. Thì dĩ nhiên phải có đổi thay, nhưng tiếc thay, sự thay đổi làm cho nông thôn tồi tệ hơn. 

Tôi hứa với mấy người anh em và hàng xóm là tôi sẽ cố gắng viết một bài gióng một tiếng nói dùm cho bà con. Thấy sgtt.vn đang quan tâm đến vụ này và chuyện bên Thái Lan (ông bộ trưởng bị cách chức vì trợ giá cho nông dân) nên tôi gửi cho họ. Có bạn đọc trên sgtt.vn phê bình tôi cảm tính. Dĩ nhiên là tôi bày tỏ cảm tình của mình đến bà con chòm xóm tôi, vì tôi thấy bất công và phi lí trước mắt mình. Thấy chuyện bất công mà không lên tiếng là bất nhẫn. Con người mà vô cảm thì quả là quá tệ. 

Tôi nghĩ vấn đề nông thôn, không chỉ ĐBSCL mà toàn quốc, là vấn đề lớn. Có thể nói không ngoa rằng nông thôn VN đang khủng hoảng. Nên nhớ rằng 70% dân ta vẫn là nông dân. Đừng có tưởng chỉ vài khu công nghiệp là ta trở thành nước công nghiệp. Cũng đừng nghĩ sự hiện diện của những cửa hàng xa hoa đắt tiền ở thành phố mà cho rằng VN bây giờ khá quá. Càng sai lầm hơn nếu nghĩ rằng với thu nhập 1100 hay 1300 USD đầu người là VN đã thoát nghèo, vì đó chỉ là cái “flaw of average” mà thôi. Trong thực tế, chỉ cần đi ra ngoài thành phố 20-30 cây số thì sẽ thấy cái nghèo của người dân ra sao. Nghèo xác xơ. Ở quê tôi, chỉ cách Rạch Giá có 20 cây số, mà những đứa trẻ ốm tong teo trong những bộ đồ ngã màu nước phèn phải đi lao động để phụ thu nhập cho nhà. Bất cứ ai có chút tình cảm con người chỉ cần nhìn ánh mắt của chúng sẽ nhói lòng. Đối với những em bé này và ba má chúng thì những lời vàng thước ngọc của Nick Vujicic chẳng có ý nghĩa gì. 

Một điều trớ trêu là những nơi là căn cứ nuôi mấy ông bà cách mạng ngày xưa thì bây giờ là những nơi nghèo nhất. An Biên, Gò Quao, Giồng Riềng, v.v. những nơi từng nuôi cán bộ trong thời chiến, bây giờ là những nơi có lẽ là nghèo nhất nhì của Việt Nam. Nhưng khổ nỗi mấy ông bà ấy bây giờ có mấy ai còn nhớ đến chân quê, đến cái gốc của mình. Do đó, tôi rất tâm đắc với ai đó của Vietnamnet đã có bài với tựa đề “Mới ra tỉnh đã quên mình ‘chân quê’”. Thật ra, chữ chân quê khôg nên viết trong ngoặc kép, vì đáng lí ra họ phải biết tự hào mình là chân quê chứ. Thử hỏi: ai trong chúng ta mà không có cái gốc quê? Không có quê thì làm sao có thành phố? Do đó, tôi nghĩ các quan chức thay vì ngồi trong phòng lạnh mà ra chính sách thì nên vi hành một vài lần về quê nghèo để làm một cái gì đó thiết thực cho nông dân.

Share on Google Plus

About Unknown

Bài viết này được chia sẻ bởi Unknown.
    Blogger Comment
    Facebook Comment

0 nhận xét:

Đăng nhận xét