Chocolate, xương, và giải Nobel

http://assets.nydailynews.com/polopoly_fs/1.1180606.1349959237!/img/httpImage/image.jpg_gen/derivatives/landscape_635/chocolate12n-1-web.jpgChocolate. Đại đa số dân thành thị và một số dân nông thôn đều biết, và thích chocolate. Nhưng cũng như bất cứ thực phẩm nào, chocolate cũng có lợi và có hại nếu ăn quá nhiều. Nhiều nghiên cứu y khoa cho thấy chocolate có lợi cho tim mạch, nhưng hình như không có lợi cho xương. Mấy tuần trước đây có một nghiên cứu làm ngỡ ngàng mọi người: chocolate có liên quan đến giải Nobel!


Khoảng 4 năm trước, đồng nghiệp Western Australia của tôi công bố một nghiên cứu cho thấy phụ nữ cao tuổi ăn nhiều chocolate có mật độ xương thấp [1]. Họ tính toán rằng những người ăn chocolate mỗi tuần ít nhất 1 lần có mật độ xương thấp hơn (khoảng 3%) so với những người ăn chocolate dưới 1 lần / tuần. Mật độ xương thấp hơn cũng có nghĩa là có nguy cơ gãy xương cao hơn. Chính vì thế mà nghiên cứu này làm dư luận xôn xao. Vừa xôn xao quan tâm, nhưng cũng vừa cười. Mật độ xương thấp hơn có 3% thì chẳng có ý nghĩa lâm sàng gì. Tôi nghĩ nếu tôi là người ăn chocolate mỗi tuần 1 lần thì tôi thấy vẫn chưa có lí do gì ngưng ăn loại kẹo đầy quyến rũ này.

Nhưng có lẽ ngạc nhiên hơn là mối liên hệ giữa chocolate và giải Nobel! Khó tin, nhưng có thật. Đó là công trình phân tích của bác sĩ Messerli (Đại học Columbia) đăng trên New England Journal of Medicine, một tập san được xem là kinh thánh y khoa [2]. Trong bài này, ông thu thập dữ liệu về lượng chocolate tiêu thụ trong những quốc gia có người đoạt giải Nobel, và số giải Nobel cho từng quốc gia. Vì có sự khác biệt về dân số nên ông phải điều chỉnh cho dân số. Cách điều chỉnh của rất đơn giản:
  • ông tính toán lượng tiêu thụ chocolate trên mỗi người dân mỗi năm (tính bằng kg), gọi chỉ số này là X;
  • sau đó, ông tính số giải Nobel trên 10 triệu dân, gọi chỉ số này là Y;
  • sau cùng, ông tính hệ số tương quan (coefficient of correlation) giữa X và Y.
Biểu đồ sau đây cho thấy một xu hướng chung là những nước nào ăn nhiều (hay chính xác hơn là tiêu thụ nhiều) chocolate là những nước có nhiều giải Nobel. Chẳng hạn như Thuỵ Sĩ, nước tiêu thụ nhiều chocolate (khoảng 13 kg/người/năm) là nước có nhiều giải Nobel trên đầu người. China là nước ít tiêu thụ chocolate cũng là nước có ít giải Nobel nhất (thật ra, China chỉ có 1 giải duy nhất năm nay về văn học, nhưng cũng là giải thưởng mang tính chính trị, không thuyết phục). Hệ số tương quan giữa lượng tiêu thụ chocolate và số giải Nobel là 0.79, với trị số P < 0.0001, tức …. rất có ý nghĩa thống kê!

http://wmbriggs.com/blog/wp-content/uploads/2012/10/chocolate.nejm_.jpg
Biếu đồ mô tả mối liên quan giữa lượng chocolate tiêu thụ trên đầu người (trục hoành) và số giải Nobel tính trên 10 triệu dân (trục tung). Hệ số tương quan là 0.79. 

Tại sao nước ăn nhiều chocolate lại là những nước đoạt nhiều giải Nobel? Bác sĩ Messerli lí giải rằng chocolate (hay những thực phẩm trong nhóm flavanol, có trong coca, trà, rượu đỏ, v.v.) có hiệu quả giảm huyết áp, tăng cường trí lực. Những chứng cứ trên được rút ra từ những nghiên cứu trên chuột. Tác giả đặt giả thuyết rằng ăn chocolate chẳng những tăng cường trí lực cho một cá nhân, mà còn cho cả cộng đồng. Do đó, kết quả phân tích này có vẻ phù hợp với giả thuyết của tác giả.

Thoạt đầu, đọc qua bài này tôi nghĩ tác giả muốn đùa. Đùa một cách … khoa học. Nhưng hình như không phải vậy, vì tác giả tỏ ra rất nghiêm túc trong diễn giải kết quả phân tích. Một giải thích khả dĩ khác có thể là liên quan nghịch đảo (reverse association). Hiện tượng liên quan nghịch đảo có nghĩa là người có trí lực tốt biết được hiệu quả tốt của kẹo chocolate nên họ ăn nhiều chocolate (chứ không phải ăn nhiều chocolate dẫn đến trí lực cao). Cũng có thể mối liên hệ giữa chocolate và giải Nobel là do trình độ phát triển kĩ nghệ và kinh tế, vì những nước phát triển ở phương Tây thường tiêu thụ nhiều chocolate hơn các nước nghèo hơn ở châu Á. Nhưng giả thuyết về trình độ phát triển kĩ nghệ không giải thích tại sao các nước như Mĩ cũng phát triển cao, nhưng giải Nobel trên đầu dân thì thấp hơn các nước như Thuỵ Sĩ, Đan Mạch, Na Uy, Anh, Đức, Thuỵ Điển.

Dù tác giả không đùa, nhưng tôi nghĩ tác giả muốn giễu cợt tập san New England Journal of Medicine. Nếu xem phân tích của tác giả là một “nghiên cứu” thì theo y học thực chứng, nghiên cứu này có giá trị rất thấp. Thấp là vì mối liên hệ giữa chocolate và giải Nobel thuộc loại ecologic association, với đơn vị phân tích là bình quân của một quốc gia, chứ không phải cá nhân. Chỉ khi nào tác giả "chứng minh" được những cá nhân đoạt giải Nobel ăn nhiều chocolate hơn những cá nhân không có giải Nobel thì kết quả mới có giá trị cao hơn.

Khi tính hệ số tương quan từ số quân bình thì lúc nào cũng có kết quả cao (như trường hợp này là 0.79), bởi vì cách tính này không xem xét đến những dao động trong mỗi quốc gia (within-country variation). Cái “nguỵ biện” hay fallacy của tác giả là ở chỗ này. Vì đơn vị là quốc gia, chứ không phải cá nhân, nên rất khó diễn giải kết quả này. Nếu theo cách suy luận của tác giả, tôi nghĩ cũng có thể nói rằng có mối liên quan giữa màu tóc và giải Nobel, giữa ăn thịt đỏ và giải Nobel (vì những nước giàu thường ăn thịt đỏ hơn là ăn rau quả như Á châu). Tác giả xem xét tất cả các yếu tố để giải thích cho mối liên quan, nhưng ông quên một lí do khác: ecologic fallacy! Có lẽ ecologic fallacy có thể dịch là ngụy biện quần thể.

Nếu có một bài mua vui cũng được một vài trống canh thì đây [2] chính là bài đó. Không ngờ kinh thánh y khoa mà cũng có cách mua vui hay như thế.

Tham khảo:

1. Hodgson JM, et al. Chocolate consumption and bone density in older women. Am J Clin Nutr 2008; 87:175-80.
2. Messerli FH. Chocolate consumption, cognitive function, and Nobel laureates. N Engl J Med 2012. Doi: 10.1056/NEJMMon1211064.
Share on Google Plus

About Unknown

Bài viết này được chia sẻ bởi Unknown.
    Blogger Comment
    Facebook Comment

0 nhận xét:

Đăng nhận xét