Có những ai đó, ta cứ ngỡ họ quan tâm đến mọi thứ trên đời, trừ làm thơ bởi lấy đâu ra thời gian mà thi với phú, thì bất chợt xuất hiện cùng nguyên tập thơ dày dặn, mỗi bài như một dấu mốc cuộc đời mình. Lần đầu tiên tôi biết một người thơ như thế khi anh Nguyễn Khắc Nhượng, tài hoa và nắn nót ký tặng tôi tập Mưa chiêm bao.
Sau khá nhiều lùm xùm về thơ thời gian qua, nhất là thơ của những nhà thơ không chuyên, bạn đọc có vẻ kém mặn mà với các thi phẩm. Kể ra, thơ không có lỗi, chỉ tại con người khiến nó hàm oan. Sẽ ra sao nhỉ nếu cuộc sống thiếu thơ?
Nguyễn Khắc Nhượng làm thơ từ sớm, ngay hồi còn đi học đã có thơ đăng trên các tạp chí văn chương tên tuổi ở Sài Gòn trước 1975 như Bách Khoa, Văn, Tuổi Ngọc, Thời Tập… Hơn hai chục năm trở lại đây anh chuyên chú làm báo, tưởng dứt tình với thơ ca, nhưng không, anh vẫn lặng lẽ viết. Viết như để cất giấu, lưu giữ lòng mình sau muôn vàn thế sự. Nói như nhà thơ Du Tử Lê, thơ với anh “là sự cứu rỗi”, còn anh thì thổ lộ:
Mai kia tóc bạc lưng chừng núi
Còn biết phương nào để gọi nhau
(Thơ gửi tình nhân)
Hay:
Ta giữ trong lòng sương khói ấy
Những bóng hình đã quá xa xôi
(Hương cũ)
Những ngày cùng làm việc với tác giả, chỉ cần đôi lần, tôi hiểu sức thơ trong anh dồi dào bền chặt lắm, chẳng qua cuộc mưu sinh tốn quá nhiều sức lực, thời gian mà phải nén phải ép lại thôi. Nhớ cái đận năm 1998 anh dựng xong căn nhà mới ở tuốt quận 4, lúc bên đó còn mênh mông đất ruộng, cỏ dại um tùm, dịp giáp tết anh mời mấy bạn bè đồng nghiệp về để khoe cái cơ ngơi của chồng công vợ. Hết rượu, bạn bè vẫn chưa muốn về, anh đọc thơ. Say sưa như nhập đồng, không cần sách vở chi hết, anh đọc trọn bài Bên kia sông Đuống dài dằng dặc của lão thi sĩ Hoàng Cầm, lên bổng xuống trầm, dường như không sai không thiếu dòng nào. Rồi đọc thơ anh viết thời đi học. Nhà văn Thế Vũ ngồi cạnh thì thào đấy mới chính thực Nguyễn Khắc Nhượng. Tôi tin nhời bác Thế Vũ vì hai bậc đàn anh ấy họ có thể cự cãi nhau trong công việc nhưng rất hiểu con người văn chương trong nhau. Nay Thế Vũ đã rời cõi tạm ra người thiên cổ, còn “nhà thơ” Nguyễn Khắc Nhượng cũng vượt vòng tròn lục thập hoa giáp được mấy năm, bận bịu với bệnh tật tuổi chớm già, nhưng cái không khí văn chương hiếm hoi ấn tượng ấy tôi chả bao giờ quên được.
Đọc thơ Nguyễn Khắc Nhượng, cứ mang mang cảm giác hồi những năm nửa đầu thập niên 70 tôi được vào phòng tư liệu khoa Văn ở Hà Nội ngốn tại chỗ thơ của các nhà thơ Sài Gòn, gợi chút hơi hướng từ Lam Vị Thủy, Nguyên Sa, Du Tử Lê… Tôi nhớ mãi câu thơ của Lam Vị Thủy "Sao em không về làm chim thành phố/ Lệ nhỏ hai hàng thắp đỉnh ngọn cây". Những tâm sự rất riêng tư, nhưng không chỉ cho một người, mà cả thế hệ. Nguyễn Khắc Nhượng cũng thế:
Chúng ta còn những vướng víu chân tay
Đêm úp mặt khóc trên nền gối trắng
Ngày không cùng chân bước co ro
Ngửa hai bàn tay vô cùng im lặng
Kiếm không ra mộng tưởng bao giờ
(Trên sông mê)
Đọc Mưa chiêm bao, chắc sẽ có ai đó thắc mắc sao chả thấy bài nào ghi ngày ghi tháng. Tuyệt nhiên bỏ trống. Riêng tôi lẩn thẩn đồ rằng tác giả muốn hàm ý thông báo thơ đã rút tỉa từ tâm hồn thì cần chi dấu khắc thời gian. Thời nào mà chẳng những vui buồn đau đớn khát vọng… khi hãm nén không được sẽ bật thành thơ.
Tiếc mình không phải nhạc sĩ, bởi trong cơn Mưa chiêm bao của Nguyễn Khắc Nhượng quá nhiều bài có thể thành lời cho những ca khúc đắm say lòng người.
10.2012
Nguyễn Thông
*Mưa chiêm bao, thơ của Nguyễn Khắc Nhượng, Nxb Phương Đông, 9.2012
0 nhận xét:
Đăng nhận xét