Nghịch lí Việt Nam: trí tuệ tụt hạng, xa xỉ lên ngôi

http://www.micahchallenge.org.au/assets/images/promo-pics/rich-poor-gap-504.jpgThật ra, nói “nghịch lí Việt Nam” cũng oan, vì nước nào mà không có nghịch lí. Nhưng đọc tin tức hàng ngày trong tuần qua làm tôi phải ghi lại đây vài dòng gọi là nhật kí. Trong khi các bảng xếp hạng trí tuệ và năng lực cạnh tranh toàn cầu cho thấy VN đang tụt hạng, thì mặt khác một vài nơi người ta tiêu dùng một cách rất xa xỉ. Trong điều kiện thu nhập thấp, sự xa xỉ này càng đáng chú ý.

Trước hết là tình hình tụt hạng về năng lực cạnh tranh toàn cầu. Tháng vừa qua, Diễn đàn Kinh tế Thế giới công bố báo cáo cho biết VN đứng hạng 75 (trên 142 nước) về năng lực cạnh tranh, đứng sau các nước như Brazil (hạng 53), Ấn Độ (56), và Nga (66). Nhưng đáng báo động hơn là so với năm ngoái thứ hạng này tụt đến 10 bậc. 

Kế đến là thứ hạng về sáng tạo còn thấp. Chúng ta còn nhớ bài báo nổi tiếng của Ts Lê Văn Út và Ts Thái Lâm Toàn, “Hơn 9.000 giáo sư sao không có bằng sáng chế?”, cho biết trong 5 năm qua VN chỉ đăng kí được 5 bằng sáng chế. Có năm (2011) không có bằng sáng chế nào. Trong khi đó Phi Luật Tân có 27 bằng sáng chế, Thái Lan có 53, Mã Lai 161, và Singapore 647. Chúng ta chỉ hơn mấy nước như Lào, Campuchea, và Brunei. 

Đại học VN cũng chưa tạo nên tên tuổi trên trường quốc tế. Tuần qua, một bài báo trên Thời báo Kinh tế Sài Gòn phân tích danh sách 400 trường đại học hàng đầu trên thế giới (theo cách xếp hạng của nhóm QS). Trong danh sách đó, các nước trong khối ASEAN có 11 trường. Mười một trường này thuộc 5 nước: Thái Lan (2), Mã Lai (5), Nam Dương (1), Phi Luật Tân (1), và Singapore (2). Việt Nam chúng ta không có trường nào trong danh sách. Hôm qua, báo Tuổi Trẻ có bài “Nghiên cứu KH tại VN: Tiếp tục tụt hạng” có trích dẫn bảng xếp hạng đại học VN dưới đây. Theo Bảng này thì hai đại học hàng đầu của VN đứng hạng rất thấp trong vùng. Nhưng quan trọng hơn nữa, thứ hạng của cả hai đại học hàng đầu lại tụt đến 24 hạng (ĐHQG TPHCM) và 79 hạng (ĐHQG Hà Nội).


NĂM 2011                        

NĂM 2012

KHU VỰC

THẾ GIỚI

KHU VỰC

THẾ GIỚI

Viện Khoa học và công nghệ VN

519

1.967

561

2.058

ÐH Quốc gia TP.HCM

720

2.765

744

2.774

ÐH Quốc gia Hà Nội

775

2.965

854

3.155


Bảng xếp hạng ba trường ĐH, viện của VN theo công bố của SCImago

Tất cả những dữ liệu trên cho thấy trên bình diện quốc gia, Việt Nam đứng rất thấp trên trường quốc tế về mặt năng lực cạnh tranh, năng lực sáng tạo và giáo dục đại học. Nhưng có một “tin vui”: VN là một thị trường tương đối tốt cho những loại hàng hoá xa xỉ. Báo Tuổi Trẻ hôm cuối tuần có bài “Khi Hermes vẫn tươi cười ở Việt Nam” cho biết công ti Hermes mới khai trương một chi nhánh ở Sài Gòn. Bài báo có đoạn viết: 

Cách đây không lâu, một cô người mẫu nổi tiếng của VN kể cho nghe một chuyện như thế này: cửa hàng Hermes ở Hà Nội nhập về mười bộ túi xách thời trang mới nhất. Mỗi bộ gồm bốn chiếc mang bốn màu khác nhau. Giá của một bộ bốn chiếc túi này là 140.000 USD, và người ta chỉ bán bộ chứ không bán lẻ!”
Một bộ 4 cái túi xách mà tốn đến 140 ngàn USD! Không biết những túi xách này làm bằng gì. Chắc chắn là da thú vật, nhưng có gì khác nữa mà đắt như thế? Dù tôi biết rằng Hermes (cùng với Louis Vuitton, Versace, Armani) là những thương hiệu thuộc loại “high-end” của Pháp và Ý, nhưng tôi không ngờ có những món hàng đắt giá như thế. 

Chợt nhớ hôm chuyển tiếp máy bay ở Singapore, tôi lang thang trong các cửa hàng phi trường.  Nhìn thấy giá những chai rượu Pháp (Louis 13 thì phải), giá từ 4000 USD đến 25000 USD một chai.  Kinh ngạc, tôi hỏi người bán hàng chắc chị bán một vài chai mỗi tháng, thì chị ấy trợn mắt nói “Oh, mỗi tuần, chúng tôi bán cả chục chai”. Tôi ngạc nhiên hỏi khách hàng nào mà mua những thứ này, thì chị nói “PRC”.  Tôi không hiểu và hỏi PRC là ai?  Chị cười nói “People’s Republic of China”. Vậy mà chỉ một tuần sau có mặt ở Hà Nội tôi có dịp đi ăn tối với vài bạn, trong đó có bạn làm quản lí một nhà hàng sang trọng ở Hà thành, anh ấy cho biết nhà hàng của anh cũng bán khoảng “dăm chai” mỗi tuần, mỗi chai từ 4000 đến 10000 USD. Việt Nam ta đâu có chịu kém người hàng xóm lạ phía Bắc. 

Nhưng vui nhất và thích nhất vẫn là hôm ở Khách sạn Melia, khi tôi chứng kiến một cảnh rất hay. Khách sạn có cửa hàng bán điện thoại đắt tiền hiệu Vertu, giá cũng từ 5000 đến 1000 USD một cái. Khi tôi đang window shopping thì một cặp tình nhân tay trong tay vào cửa hàng. Người con gái chỉ vào cái điện thoại (tôi không biết bao nhiêu tiền) và nũng nịu nói với chàng trai: em thích cái này cơ. Giọng nói Hà Nội nghe rất dễ thương một cách chết người. Thế là chàng trai rút bóp ra và mua ngay cái điện thoại mà “em thích”. Họ vui vẻ và rất thản nhiên.
Trong xã hội có người nghèo kẻ giàu là chuyện bình thường. Nhưng tôi nghĩ cũng tùy vào thu nhập bình quân. Chẳng hạn như ở Úc này, thu nhập bình quân đầu người chắc khoảng 40000 đôla, nên thấy các đại gia lái xe Ferrari hay gì gì thì cũng chẳng ai quan tâm. Sáng nào đi làm cũng cuốc bộ qua quán cà phê nổi tiếng Coluzzi, nơi mà các đại gia Úc ngồi uống cà phê vỉa hè (có phần ngông nghênh) và đậu những chiếc xe rất đắt tiền, nhưng tôi và đồng nghiệp chẳng hề quan tâm, chẳng cần nhìn đến chúng làm gì. Nhưng ở Việt Nam, nơi mà thu nhập đầu người bình quân chỉ 1100 đôla, phần lớn xe cộ là xe gắn máy, mà có người nghênh ngang trên đường phố với chiếc Lamborghini thì thật là khó coi. Trong khi bên ngoài kia có người ngồi uống li cà phê giá 10 ngàn đồng mà có người diện cái túi xách vài chục ngàn đôla thì li cà phê thật là đắng. Nói như vậy không có nghĩa là trách ai. Người ta có thừa tiền thì người ta cứ chi, nhưng có lẽ thái độ chi và cách chi như thế nào cũng có ý nghĩa. Không biết mấy đại gia giàu có nghĩ gì trong khi đa số người dân vẫn còn nghèo. Tôi thích nhất câu nói của Kennedy: nếu một xã hội tự do không giúp đỡ được đa số người nghèo thì cũng không thể nào cứu thiểu số giàu có. 

Cách đây cũng hơn 10 năm khi Úc đăng cai tổ chức Thế vận hội Olympic, và chiếm được nhiều giải. Lúc đó, hệ thống đại học Úc lâm vào tình trạng khó khăn và khoa học cũng ở vào thế “kẹt” vì thiếu đầu tư. Có nhiều người viết trên báo một cách mỉa mai rằng Úc là nước chỉ thích khoe cơ bắp chứ trí tuệ thì thấp.
VN thì chưa có khả năng thể thao như Úc, nên chưa thể phô trương cơ bắp. Nhưng về mảng phô trương cái giàu và xa hoa thì Việt Nam chắc hơn Úc, hơn một cách tương đối. Khi nói “tương đối”, tôi muốn nói với một thu nhập trung bình thấp mà người mình dám chi lớn thì tỉ số chi tiêu trên thu nhập (tôi gọi đó là “chỉ số xa xỉ”) hơn hẳn các đại gia Úc. Chỉ số xa xỉ 140000/1100 = 127 trong khi ở Úc chỉ 3.5. Nhưng có đáng tự hào cho một chỉ số xa xỉ cao như thế trong khi đất nước đang tụt hạng về năng lực trí tuệ, về khả năng cạnh tranh, về khoa học và giáo dục. 

Nhưng tôi nghĩ đầu tư cho khoa học VN thì có hiệu quả hơn ở Úc. Chỉ cần 140 ngàn USD là đủ cho Việt Nam làm một nghiên cứu qui mô về genes và có thể phát hiện nhiều gene quan trọng liên quan đến bệnh tật. Nhưng ở Úc, 140 ngàn USD thì không đủ để làm những nghiên cứu quan trọng, mà chỉ đủ cho nghiên cứu sinh 2 hay 3 năm. Do đó, ước gì các đại gia Việt Nam đầu tư cho nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ (vì có hiệu quả) hơn là để mua vài cái túi xách. 

Đọc thêm: 


Khi Hermes vẫn tươi cười ở Việt Nam
Share on Google Plus

About Unknown

Bài viết này được chia sẻ bởi Unknown.
    Blogger Comment
    Facebook Comment

0 nhận xét:

Đăng nhận xét