Chuyện giáo dục - 1
Bạn có thể tin được là câu sau được trích nguyên văn từ sách giáo khoa bộ môn “Giáo dục Công dân” lớp 10 không? - “Phủ định siêu hình là sự phủ định được diễn ra do sự can thiệp, sự tác động từ phía bên ngoài, cản trở hoặc xóa bỏ sự tồn tại và phát triển tự nhiên của sự vật đó”.
Thêm một câu nữa cho mọi người dễ hình dung: “Phủ định biện chứng là sự phủ định được diễn ra do sự phát triển của bản thân sự vật và hiện tượng, có kế thừa những yếu tố tích cực của sự vật và hiện tượng cũ để phát triển sự vật và hiện tượng mới”.
Tôi nghĩ không chỉ học sinh, ngay cả thầy cô khi phải dạy những điều này trên lớp ắt cũng ngao ngán không biết mình đang làm gì, có ích lợi gì cho việc hình thành nhân cách của học sinh qua một bộ môn lẽ ra rất thiết thực là “Giáo dục Công dân”.
Lẽ ra học sinh phải được học những điều căn bản về quyền công dân để không có học sinh nào vì sợ không có tiền nộp phạt vi phạm giao thông mà đành phải tự tử; các em phải được học thế nào là phẩm giá đích thực để không bị trào lưu khoe thân thể lôi kéo, tự quay video hạ nhục chính mình hay ngược lại tự tử vì hình ảnh bị bêu xấu trên mạng xã hội.
Nhưng không, học sinh sẽ được học những chương như “Thế giới quan duy vật và phương pháp luận biện chứng”, “Thế giới vật chất tồn tại khách quan”, “Tồn tại xã hội và ý thức xã hội”… Xin nhớ đây là sách giáo khoa dành cho học sinh lớp 10 (tôi không có điều kiện đọc sách giáo khoa dành cho các lớp còn lại nên nhận xét có thể chủ quan).
Thậm chí những người biên soạn sách này, người thiết kế chương trình và lãnh đạo ngành giáo dục, thôi thì nói thật tâm với nhau đi, là họ có nghĩ những nội dung ấy là thiết thực, là bổ ích, là cần thiết cho một công dân ứng xử với xã hội hiện đại hay không?
Vấn đề là vì sao không ai lên tiếng, không ai đòi hỏi phải cải tổ chương trình, viết lại sách giáo khoa, thay đổi cách dạy?
Vì thế tôi nghĩ giáo dục là vấn đề lớn nhất hiện nay của chúng ta, không giải quyết sự yếu kém của giáo dục thì không giải quyết được chuyện gì khác. Nhưng vấn đề lớn nhất trong giáo dục là sự thiếu vắng một áp lực cải cách từ dưới dội lên trên bởi không thể trông chờ sự chuyển biến trong nhận thức từ trên xuống dưới. Sự thiếu vắng đó là do tinh thần dân chủ trong giáo dục hoàn toàn không tồn tại, mong muốn lên tiếng vì cái đúng cũng mai một vì ngại ngùng hay sợ bị chụp mũ; ai cũng im lặng chấp nhận sự phi lý, lâu ngày thành quen. Kết cục là nhiều thế hệ học sinh bị lạc lõng, bơi trong một bể kiến thức vô hồn trong khi cuộc sống ngày càng phức tạp, đòi hỏi những kỹ năng sống mới nếu muốn tiến thân.
* * *
Nói đến chuyện giáo dục, một người bạn tỏ vẻ lo lắng khi thấy hết địa phương này đến địa phương khác cứ tuyên bố rót hàng chục, hàng trăm tỷ đồng để triển khai chương trình dạy ngoại ngữ tạo thành một làn sóng tốn kém, cả tiền bạc và công sức mà chưa biết hiệu quả có hay không.
Tôi thì nghĩ có tiền để triển khai nâng cấp chuyện dạy tiếng Anh cũng tốt. Nhưng tốt hơn hết là dồn nỗ lực để cải tiến việc học và dạy tiếng Việt. Học sinh nếu chưa thành thạo tiếng Việt, chưa sử dụng được tiếng mẹ đẻ trong việc diễn đạt ý tưởng của mình một cách rõ ràng, súc tích thì chưa nên học ngoại ngữ làm gì.
Quan sát tiếng Việt được dùng trên các diễn đàn, mạng xã hội, bài viết… tôi thấy khả năng sử dụng ngôn ngữ của giới trẻ đang yếu đi trông thấy. Bỏ ra một bên các biểu hiện hình thức như chính tả, cách đánh vần, cách viết tắt… người sử dụng tiếng Việt thiếu hẳn sự làm chủ ngôn ngữ, bắt nó phục vụ mình, nói lên cho mình điều muốn nói. Trong bối cảnh đó, học thêm tiếng Anh liệu có ích gì?
Ước gì học sinh ngày nay được học tiếng Việt như đang học tiếng Anh, tức có người sửa lỗi ngữ pháp, diễn đạt, triển khai ý cho các em. Ước gì bài tập các em phải viết là những bài văn hết sức đơn giản, những lập luận thông thường, cách tường thuật sự việc sao cho khách quan… Thay vào đó, các em bị ép đi theo con đường học vẹt, viết theo khuôn sáo, viết một cách vô cảm. Không có gì bất hạnh hơn là viết mà không tin vào điều của chính mình viết ra.
Một giáo sư dạy môn Văn (tức tiếng Anh) ở các đại học danh tiếng như Harvard, Yale tỏ vẻ lo ngại rằng không biết dạy gì cho sinh viên vì chắc họ đã biết viết nhưng hóa ra không phải. Phân biệt loại văn cầu kỳ, kêu rổn rảng và loại văn mà tác giả cho là hay, bà viết: “They can assemble strings of jargon and generate clots of ventriloquistic syntax. They can meta-metastasize any thematic or ideological notion they happen upon. And they get good grades for doing just that. But as for writing clearly, simply, with attention and openness to their own thoughts and emotions and the world around them — no.”
Văn hay hay đúng ra “biết viết” là phải như thế: viết rõ ràng, đơn giản và có tính nhân văn.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét