Nhật kí Khon Kaen 2: Một buổi giảng ở Thái Lan

Hôm nay giảng xong 2 bài về cách đặt tựa đề và cách viết abstract một bài báo khoa học. Có thể nói là kết thúc tốt và đúng giờ. Sợ nhất là quá giờ. Hội trường ấm cúng và lịch sự. Phải nói thẳng là tất cả những building, những phòng ốc mà tôi đã đi qua ở đây đều rất professional, chẳng khác một tí nào so với các nước tiên tiến. Thậm chí, có phần hơn Úc một chút về công nghệ. Chẳng hạn như hệ thống video được thiết kế tự động từ khâu phát hình đến thu phim và trình chiếu trên tivi, vì trường có channel riêng. (Tất cả bài giảng của tôi ở đây đều được thu hình để phát cho những người không có dịp tham dự).



Nói đến tựa đề làm tôi nhớ đến bên Việt Nam. Bên nhà, người ta (chẳng biết ai) có những qui định có thể nói là rất lạ lùng, nếu không muốn nói là … quái đản! Chẳng hạn như qui định rằng tựa đề phải có động từ (vd: “nghiên cứu”, “khảo sát”, “tìm hiểu”), phải có nơi nghiên cứu (vd: “xã Thiên Thần, Huyện Âm Phủ, tỉnh Trên Mây”), phải có thời điểm nghiên cứu (vd: “từ tháng 1 năm 2001 đến tháng 12 năm 2111”), phải có đặc tính đối tượng nghiên cứu (“trên phụ nữ tuổi từ 45-50 tiền mãn kinh”), v.v. Những qui định tôi có thể nói rằng chẳng có một sách nào [mà tôi biết được] đề cập đến. Muốn hội nhập, chúng ta cần phải học cách làm của đồng nghiệp quốc tế, chứ cứ tự mình sáng tạo ra những qui định lạ lùng thì chỉ làm khổ, thậm chí làm hư, cả vài thế hệ nghiên cứu sinh.

Tôi nói về những qui tắc đặt tựa đề và những ảnh hưởng của tựa đề. Phần lớn là những thông tin mới (chưa nói trước đây) nhưng cũng có vài kinh nghiệm cá nhân. Những qui tắc này có thể tìm trong cuốn sách “Từ nghiên cứu đến công bố” mới xuất bản, nhưng có thể tóm gọn như sau:

1. Phải ngắn và gọn (dưới 20 từ - tiếng Anh);

2. Phải phản ảnh được kết quả chính (key finding) của nghiên cứu (vd: “Vitamin D with or without calcium supplementation for prevention of cancer and fractures: an updated meta-analysis”);

3. Phải “informative” (có hàm lượng thông tin, vd: “Eldecalcitol: newly developed active vitamin D(3) analog for the treatment of osteoporosis”);

4. Phải hấp dẫn độc giả, bằng cách dùng những từ quan trọng, những từ khoá (vd: “An innovative model for individualized assessment of diabetes risk”, chữ innovative cố tạo ra một “cái mới” để hấp dẫn người đọc).

Những điều nên tránh khi đặt tựa đề:

1. Dùng những jargon, biệt ngữ (chỉ có dân trong ngành mới hiểu);

2. Tránh dùng những chữ viết tắt không phổ biến (vd “BMD” có thể là bone mineral density nhưng cũng có thể là bone mass density, nhưng DNA thì ok);

3. Tránh những từ có nhiều nghĩa (vd: “Postmenopausal osteoporosis: our experience”, phải hỏi “experience” có nghĩa gì ở đây?);

4. Tránh những chi tiết rườm rà (kiểu đặt tựa đề có năm tháng, địa điểm nghiên cứu, đối tượng nghiên cứu, v.v. rất mất thì giờ đọc và nguy hiểm cho số phận bài báo);

5. Tránh tựa đề quá chung chung, vd: sarcopenia and osteoporosis (có trời biết nghiên cứu này phát hiện cái gì).

Phần lớn những người dự workshop là giảng viên của khoa y, nhưng cũng có vài nghiên cứu sinh. Cũng như ở Việt Nam, các em nghiên cứu sinh ít đặt câu hỏi trong sự hiện diện của các thầy cô . Có một giáo sư nói rằng trường đã từng có vài workshop như thế này, nhưng đây là bài giảng hay nhất mà cô ấy được nghe. Chẳng biết có phải ngoại giao hay không (tính tôi hơi ngại mấy cái khen tặng này). Một người khác nói rằng sau khi nghe bài giảng, chị ấy phải sửa lại tựa đề bài báo. Thế là cũng có tác động, và đó là một nét tích cực, xứng đáng với công sức mình bỏ ra soạn bài.

Ghi chú hình:
Một phòng họp hiện đại của khoa y (KKU). Bên cạnh là cafeteria dành cho sinh viên, trông cực kì sạch sẽ và lịch sự. Ngồi đây có máy lạnh trong khi bên ngoài nhiệt độ 35 độ C!




Share on Google Plus

About Unknown

Bài viết này được chia sẻ bởi Unknown.
    Blogger Comment
    Facebook Comment

0 nhận xét:

Đăng nhận xét