Cảm nghĩ đọc sách cũ

Chiều nay, nhân dịp dọn dẹp tủ sách, tôi bắt gặp hai cuốn sách cũ nằm meo mốc. Cuốn thứ nhất là "Miền Nam Việt Nam từ sau Điện Biên Phủ" của Nguyễn Khắc Viện, và cuốn thứ hai là "Đọc hồi ký của các tướng tá Sài Gòn xuất bản ở nước ngoài" của Mai Nguyễn. Tôi mở ra đọc vài hàng và những chỗ tôi đánh dấu mực đỏ trước đây, tôi mỉm cười … một mình. Mỉm cười vì lâu lâu đọc lại thấy mấy quyển sách này cũng vui vui, do nó đem lại cho tôi vài giây phút sảng khoái.


Một trong những người cộng sản tôi thích và kính trọng là cụ Nguyễn Khắc Viện. Kính trọng vì kiến thức uyên bác, kiến văn cực kì tốt, và nghị lực phi thường. Cụ còn có một biệt tài (và tôi nói với tất cả thành thật) là cụ chửi Pháp – Mĩ - Nguỵ rất hay, rất bài bản, chứ không phải những bài chửi của giới tuyên giáo vốn rất thấp và thô. Những bài cụ chửi Pháp – Mĩ - Nguỵ của cụ NKV có thể nói là rất đanh thép, văn chương cực kì rõ ràng, chứ không lòng vòng và không khẩu hiệu. Nhưng không phải chỉ chửi suông, mà chửi một cách khá bài bản và khoa học. Mỗi câu cụ chửi đều kèm theo dữ liệu và số liệu cụ thể. Chẳng hạn như để chứng minh rằng nền kinh tế miền Nam là lệ thuộc, cụ trình bày những bảng thống kê rất cụ thể, như số vải vóc sản xuất năm 1954 là 3775 tấn, năm 1959 là 9500 tấn; túi xách 700 ngàn chiếc năm 1954, và 3 triệu năm 1960; vân vân. Cụ thậm chí còn vận dụng các thủ thuật thống kê (như tính con số phần trăm của phần trăm) để phóng đại một vấn đề! Nhưng nói cho ngay, cái khoản này (vận dụng thống kê) thì cụ làm không tốt mấy vì chưa đủ trình độ. Nói tóm lại, cụ là một người chửi mà người được chửi có thể học hỏi, và nói chuyện đàng hoàng và tranh luận sòng phẳng, rất khác với những cây bút chửi đổng và thiếu suy nghĩ. Tôi phục cụ NKV ở chỗ đó: chửi có chứng cứ và biết vận dụng khoa học.

Một người khác thì không chửi trực tiếp, nhưng giả bộ đọc hồi kí của các tướng tá cũ để … chửi. Người đó là Mai Nguyễn (chắc là bút danh), tác giả cuốn " Đọc hồi ký của các tướng tá Sài Gòn xuất bản ở nước ngoài ". Cuốn này tôi tò mò mua về đọc cũng lâu rồi, và nó đem lại cho tôi nhiều mỉm cười nhất. Mỉm cười vì cái kĩ năng mà tiếng Anh gọi là "selective quotation", tức trích dẫn có chọn lọc, để dĩ nhiên phục vụ cho mục tiêu của mình là khinh thường các tướng tá VNCH. Thật vậy, đọc cuốn này, bạn đọc sẽ có cảm giác rằng các tướng tá VNCH là một đám người lưu manh, hay những con rối trên sân khấu chính trị phường tuồng, những kẻ chỉ suốt ngày ăn chơi trác táng, gái gú, nhảy đầm, chứ chẳng biết gì đến an sinh quốc kế. Dĩ nhiên, kiểu selective quotation như thế thì phục vụ tốt cho mục tiêu tuyên truyền, nhưng về mặt tri thức thì được xem là intellectual dishonesty – thiếu thành thật tri thức. Thiếu thành thật tri thức là một trọng tội trong khoa học. Nhưng dĩ nhiên, đây không phải là sách khoa học, nên chắc chẳng ai chú ý. Thành ra, nếu so sánh hai người, Nguyễn Khắc Viện và Mai Nguyễn, tôi nghĩ cụ NKV hơn hẳn về kĩ năng và trình độ.

Nên nhớ rằng tác giả MN "đọc" hồi kí của các tướng tá xuất bản ở nước ngoài, cụ thể là Mĩ. Đó là những cuốn như "Một trời tâm sự" (của Đại tá Nguyễn Chánh Thi), "Hồi kí Đỗ Mậu" (của tướng Đỗ Mậu), "Buddha's Child" tức "Đứa con cầu tự" (của tướng Nguyễn Cao Kỳ), v.v. Như tôi nói trên, vì những trích dẫn có khi không nằm trong văn cảnh nên rất dễ làm cho độc giả hiểu sai và không có một bức tranh chung của câu chuyện. Thêm vào đó là những câu văn thêm mắm muối như "Nguyễn Văn Thiệu lâng lâng nghe Đỗ Mậu giải đoán về 'lá số tử vi đại quý'", và cộng với lối văn xách mé như "Kỳ kể về lần đầu gặp Mai như vậy," làm cho độc giả cảm thấy tác giả đang làm công việc của một tuyên giáo viên chứ không phải đọc sách và cung cấp thông tin khách quan cho người đọc.

Thật ra, tôi nghĩ có một cách cung cấp thông tin cho người đọc hay nhất là tái xuất bản những cuốn hồi kì đó ở VN để công chúng đọc. Thay vì trích dẫn những câu văn không nằm trong văn cảnh để bị hiểu là xuyên tạc người ta, thì tại sao không in nguyên sách để công chúng đọc và đánh giá, khỏi cần phải tốn công "đọc sách" làm gì cho tốn thì giờ và năng lượng. Tại sao dịch và in cuốn của ông Thomas Bass mà không dịch và in cuốn của ông Nguyễn Cao Kỳ. In sách của các tướng tá VNCH cũng là một cách thể hiện sức mạnh của chính nghĩa của chính quyền hiện tại, vì chính quyền mạnh và có chính nghĩa thì đâu ngại những câu chữ chống cộng của họ - chuyện nhỏ. In sách của họ ở VN cũng là một cách để độc giả có thể kiểm tra xem tác giả Nguyễn Mai đọc sách có đúng và chính xác hay không. Đó cũng là một cách đối thoại sòng phẳng.

Riêng tôi thì đã đọc hầu hết hồi kí của các tướng lãnh VNCH xuất bản ở Mĩ. Cảm nhận của tôi là họ viết khá thật, câu chuyện của họ rất hấp dẫn, gây cấn. Dĩ nhiên, họ cũng biện minh cho những sai lầm của họ trong quá khứ. Có khi họ dùng hồi kí để trả đũa những ân oán trong quá khứ. Họ dùng loại văn chương rất "thật thà", chứ không trau chuốc, và không có cái văn phong cứng nhắc như chúng ta hay thấy trong các hồi kí của các tướng lãnh ngoài Bắc XHCN. Họ cũng rất thành thật kể lại những thất bại của họ, chứ không phải lúc nào cũng gân cổ ta đây thắng lợi hoàn toàn. Họ không có giáo điều, không quá cuồng tín tin vào một học thuyết nào, họ rất thực tế. Đọc hồi kí của các tướng lãnh VNCH chúng ta thấy họ rất gần với người thường (như chúng ta), tức cũng có những lúc nóng nảy, những lúc buồn rầu, và có khi bay bướm, có khi tìm đến rượu bia để giải sầu. Họ lo cho  gia đình rất tốt (chứ không bỏ con bỏ vợ theo đuổi lí tưởng nào đó). Họ còn toát lên cái air của kẻ sĩ, "người hùng", chứ không hèn với đám cố vấn Mĩ. Chẳng hạn như ông Nguyễn Cao Kỳ sửa lưng ông tướng cố vấn Mĩ và bắt buộc ông cố vấn phải đứng nghiêm chào ông (vì ông là thủ tướng) (1), hay như một ông trung tá dám bắn tên cố vấn Mĩ vì hắn xúc phạm lính Việt Nam. Nó khác hẳn những hồi kí của các tướng lãnh và lãnh đạo XHCN toát lên cái air thần thánh, thiên tài, và không phải người bình thường.

Tuy nhiên, mấy năm gần đây thì chúng ta mới biết các tướng lãnh XHCN cũng không phải là thần thánh gì cả. Những cuốn sách của bác Bùi Tín, Vũ Thư Hiên, Trần Đức Thảo, Trần Đĩnh, và cách đây không lâu là của Huy Đức đã cung cấp cho chúng ta những thông tin hết sức sinh động về các vị lãnh đạo XHCN. Qua những cuốn sách này, chúng ta thấy họ cũng rất "trần ai", cũng có thất bại, cũng tranh giành quyền lực như phường tuồng, cũng bị lệ thuộc và chi phối bởi các cố vấn Tàu (nhưng không dám bắn Tàu như sĩ quan VNCH bắn Mĩ), cũng ham mê sắc dục, v.v. như mọi người. Có những chuyện làm tôi sững sờ về trình độ quá kém của họ (như rau muống luộc và rau muống xào), hay sự tuỳ tiện trong suy nghĩ (như in tiền, XHCN không có lạm phát), hay những hành xử rất "tay chân" như xiết cổ ông Trần Đức Thảo. Nhưng có một điều chắc chắn là sau khi đọc và so sánh, chúng ta có thể nói rằng các tướng lãnh và lãnh đạo VNCH có trình độ văn hoá cao hơn, phong cách lịch lãm hơn, có tình cảm gia đình hơn, và suy nghĩ "worldly" hơn hẳn các vị đồng nghiệp phe XHCN. Điều này chắc cũng dễ hiểu vì hai phe xuất thân từ hai thành phần xã hội rất khác nhau.

Chính những cuốn sách của Bùi Tín, Vũ Thư Hiên, Trần Đĩnh, Huy Đức, Trần Đức Thảo, Nguyên Vũ, v.v. đã làm cho những lời chửi Pháp – Mĩ – Nguỵ của cụ Nguyễn Khắc Viên và cuốn sách "Đọc hồi ký của các tướng tá Sài Gòn xuất bản ở nước ngoài" như là những lời nhạo báng dành cho chính "phe ta." Nhưng có thể đó cũng là ý đồ gián tiếp của tác giả?

===

(1) Câu chuyện về ông Nguyễn Cao Kỳ được kể ở đây: http://tuanvannguyen.blogspot.com.au/…/ve-tuong-nguyen-cao-…

Share on Google Plus

About Unknown

Bài viết này được chia sẻ bởi Unknown.
    Blogger Comment
    Facebook Comment

0 nhận xét:

Đăng nhận xét