Một trong những đặc quyền của đi công tác xa là… làm người du khách. Là du khách, mình có dịp quan sát và so sánh. Quan sát sinh hoạt của cộng đồng chung quanh, và so sánh với quê hương mình. Bởi vậy, tôi thường hay ghi chép những cảm nhận của mình trong những chuyến đi xa. Mấy tuần qua ở Khon Kaen, có dịp đi đây đó, về làng quê, nên tôi cũng cố gắng ghi lại những cảm nhận dưới đây để gọi là nhật kí.
10/5 Gặp "tổ tiên" ở xứ Thái
Trưa 10/5, một nhóm nghiên cứu Thái Lan mời giảng một bài về OA và osteoporosis trong một “expert meeting” nên có dịp đi Bangkok. (Dạo này tôi được mời hoài, nên đi Bangkok cứ như đi chợ!) Nhận phòng khách sạn Conrad Bangkok, loay hoay sắp xếp hành lí thì tôi chú ý đến một vật quen mắt. Đó là cái bàn nhỏ trong phòng, với cấu trúc cổ. Ah, Trống Đồng! Ui chao, tôi tự hỏi sao Trống “đi lạc” đâu đây? Một chút bồi hồi, có phần xúc động. Nhưng cũng lấy làm giần giận, vì thấy cái biểu tượng văn hoá tổ tiên mình lại đem ra làm vật trang trí. Mà, loại trang trí đại trà trong khách sạn. Dù là khách sạn loại sang bậc nhất, nhưng vẫn chỉ là vật trang trí, nên không giận sao được. Tôi tự hỏi chẳng hiểu VN mình có luật gì bảo vệ những di chỉ hay luật về việc dùng di chỉ như là biểu tượng dân tộc không nhỉ?
Cách đây không lâu, trong một chuyến đi tham quan ở một viện bảo tàng Bangkok, tôi cũng gặp một Trống Đồng, mà người chủ quản nói rằng đây là quà của vua chúa VN ngày xưa tặng vua Thái Lan. Nhưng đây là Trống Đồng thật, chứ không phải đồ nhái. Cổ vật được giữ rất trang trọng và khách không được chụp hình, còn chuyện sờ thì "forget it". Tôi xin phép chụp hình nhưng ông không cho. Nhưng khi tôi nói tôi là người Việt thì ông ấy suy nghĩ một lúc rồi nói: chỉ 1 lần thôi.
Có thời bọn China chúng nó tranh giành Trống Đồng với VN; chúng trơ trẽn nói rằng đó là di chỉ, là sản phẩm của tổ tiên chúng! Thật buồn cười! Nhưng nếu (có chứng cứ cho thấy) tổ tiên của chúng là từ Đông Nam Á, thì chúng cũng có lí.
11/5 Một ngày thứ Bảy yên tĩnh ở Khon Kaen (KK)
Bay đi rồi lại bay về. Chiều 11/5 tôi quay về KK. Ngày thứ Bảy ở đây cũng giống như ngày thứ Bảy ở những nơi khác: nhịp điệu cuộc sống giảm hẳn xuống, ngoài đường xe cộ ít hơn, và chậm hơn. Nhưng khuôn viên trường đại học vẫn bận rộn, vì người thì tập thể dục, kẻ đi chợ, ăn uống, v.v. Người Thái có thói quen ăn uống ngoài quán hơn là nấu ăn ở nhà. Có lẽ vì thế mà tỉ lệ béo phì và tiểu đường ở đây khá cao.
Tôi về lại nhà khách. Không gian nhà khách này rất giống với không gian nhà tôi dưới quê Kiên Giang. Tôi ngồi một góc bếp để nhâm nhi cà phê và buổi ăn sáng. Bên cạnh là khu vườn xanh tươi, mát mẻ, thỉnh thoảng có xe hơi của khách đậu. Rất ít ai sử dụng nhà bếp, chỉ có tôi là người sử dụng thường xuyên. Sáng nay trời hơi dịu mát (chỉ “hơi” thôi) nên tôi quyết định thay đổi không khí, xuống nhà bếp vừa ăn sáng vừa làm việc.
Nơi tôi hay ngồi vào buổi sáng và làm việc
Ở đây xoài nhiều lắm, mà xoài ngon nữa chứ. Sáng nào cũng vậy, ngoài món mì và trái cây thông thường, tôi thưởng thức thêm một trái xoài sống. Thêm chút muối ớt nữa là ôi “ngon ơi là ngon”. Sáng nay coi vậy mà làm được vài việc có ích: một bài cho một tờ báo trong nước, và edit xong cái thesis của một nghiên cứu sinh. Ước gì mình có những buổi sáng như thế này hoài, chẳng phải lo âu những phiền toái của cuộc sống.
12/5, 13/5 Lại suy tư và so sánh giữa VN và Thái Lan
Hôm nay là ngày nghỉ lễ của Thái Lan. Đây là ngày “Royal Ploughing Ceremony Day”. Đây là ngày mà vua xuống ruộng động thổ và ban phước lành cho ruộng đồng và nghề nông. Tôi hiểu loáng thoáng như thế, có thể không 100% chính xác. Nhưng nghe anh bạn mô tả thì tôi nghĩ ngày này có ý nghĩa giống như ngày lễ “Tịch điền” bên Việt Nam. Đó là ngày Nhà Vua đích thân xuống ruộng kéo cày vài ba thửa ruộng, xem như là hành động biểu trưng chúc mừng một năm mới canh tác. Tôi chưa xem kĩ sách vở, nhưng có cảm giác rằng các nước trong vùng Đông Nam Á có những tập tục giống nhau. Kể ra thì cũng chẳng có gì ngạc nhiên, vì nếu đi lùi thời gian 10 hay 15 ngàn năm trước thì tất cả chỉ là một lục địa, chứ đâu có phân định Lào, Miên, Việt Nam, Thái Lan, Nam Dương, hay Mã Lai. Do đó, nếu ngày nay những dân tộc này có những truyền thống và tập tục giống nhau thì cũng chẳng có gì đáng ngạc nhiên.
Nhưng chuyện ngày nay thì ngạc nhiên hơn. Cái khổ của người Việt là đi bất cứ nơi nào mình cũng có vài so sánh. So sánh với Việt Nam. Dĩ nhiên là chẳng có cái so sánh nào là khách quan cả, vì bối cảnh khác nhau. Nhưng khổ là vì khi đưa lên bàn cân so sánh thì VN có phần kém. Tôi muốn nói đến chuyến đi tham quan ngày hôm qua, dù chỉ là một ngày ngắn ngủi ra ngoài thành phố Khon Kaen, nhưng cũng để lại trong tôi nhiều suy tư có thể nói là “trăn trở”.
Đường vào thành phố Khon Kaen (8 lằn xe)
Tôi không ngờ đại lộ chính của thành phố rộng như Mĩ! Mười hai lane xe. Mỗi bên có 6 lane xe, kể cả 2 lane xe dành cho xe gắn máy và sinh hoạt phố xá, còn 4 lane kia thì xe chạy với tốc độ cao (đây là đại lộ liên tỉnh). Cách thiết kế này hay, vì không làm ùn tắt giao thông tại những khu phố xá, do ai có nhu cầu đi mua hàng hoá hay ăn uống thì chọn 2 lane dành cho xe chạy chậm hay xe gắn máy (rất ít). Ra thành phố, tất cả những đường ngoại ô đều cực kì tốt. Xe chạy bon bon, giống như xa lộ mới xây từ Sài Gòn về Mỹ Tho, nhưng chỉ khác một điều là ở đây chưa thấy ổ gà trên đường. Điều này chứng tỏ chất lượng đường lộ của họ có phần hơn cái xa lộ mới ở VN. Điều làm tôi ngạc nhiên là ngay cả đường vào làng cũng được trải nhựa rất tốt, y chang như những con lộ ở các nước tiên tiến. Nhìn lại mới thấy ngậm ngùi cho những con lộ dưới quê tôi, nhỏ tí tẹo, nhỏ đến nỗi nếu có 2 chiếc đi ngược chiều, thì một chiếc phải ngừng để nhường đường.
Phố xá ở đây chẳng khác gì bên Mĩ. Trong thành phố thì họ có từng cụm hàng quán tập trung theo ngành nghề. Do đó, hai bên đại lộ là hàng quán tổ chức theo cụm, và mỗi cụm có bãi đậu xe nghiêm chỉnh. Nếu ai đã từng ở Mĩ hay ghé qua Mĩ sẽ thấy các phố xá ở đây y chang như bên Mĩ. Tôi đoán rằng họ đã học cách thiết kế phố của Mĩ. Tôi có thể nói rằng cách thiết kế này hay hơn Úc một trăm năm ánh sáng. Nói đến phố xá Úc thì ai cũng kinh hoàng về chỗ đậu xe! Một xứ sở Úc rộng lớn và ít dân như thế mà họ làm cái gì cũng tủn mủn, tum húm, trông rất buồn cười. Tất cả đều xuất phát từ cái đầu của lãnh đạo. Cái đầu của lãnh đạo Úc chỉ nghĩ đến thu thuế cho nhiều, chứ chắc gì họ nghĩ đến 100 năm sau, thành ra, những cái gọi là “motorway” ở Sydney mới khánh thành chưa đầy 1 năm thì đã bị kẹt xe! Nói ra thì chỉ thấy dễ nổi nóng, vì tôi cũng là người đóng thuế để nuôi cái đám chính trị gia bất tài đó.
Chỉ chưa đầy 10 phút ra ngoại ô Khon Kaen, mới thấy đồng ruộng ở đây y chang như miền Tây Nam Việt Nam. Có vùng họ trồng mía để xuất khẩu, đi cả chục cây số chỉ thấy mía và mía. Một điểm khác nữa là ở đây hai bên đường, dù là xa lộ hay đường lộ chính liên huyện, không có nhà dân. Thành ra, nhìn toàn cảnh chỉ là đồng xanh tươi, rất đẹp mắt. Ở bên VN mình, nhà dân xây trườn ra lộ, nên trông chẳng thứ tự gì cả. Hỏi anh bạn thì tôi mới biết là ở đây họ đã có chương trình thiết kế nông thôn từ thập niên 1960, tức là thời ông Ngô Đình Diệm làm thủ tướng miền Nam VN! Chợt nhớ thời đó ông Diệm cũng có những chương trình nông thôn, có lẽ là có sự hỗ trợ hay cố vấn của các chuyên gia Mĩ. Thật ra, đi Thái Lan, rất dễ nhìn thấy dấu ấn Mĩ vì phong cách phố xá, thiết kế đường lộ, sinh hoạt đại học, v.v.
Đi thăm vài làng quê ở đây, tôi chợt nhận ra một “qui luật”. Tôi nghĩ có thể đoán dân tình ra sao bằng cách nhìn ánh mắt của người dân. Hôm qua, dù chỉ mới ghé thăm 4 nơi (một làng du lịch, một làng quê bình thường trồng dừa, cái đập nước, và công viên nhà nông), tôi thấy người dân ở đây có vẻ “happy”. Ánh mắt của họ biểu hiện sự vui vẻ với cuộc sống. Từ người nghệ nhân biểu diễn với rắn, đến người dân đang chẻ dừa, và những trẻ em chung quanh, ai cũng tỏ ra thân thiện, ai cũng cười. Có lẽ cuộc sống của họ đơn giản và họ hài lòng với hiện tại? Tôi thì thấy cái happiness của họ ngay trong cái chùa. Làng nào cũng có một ngôi chùa. Đó là trung tâm kim chỉ nam đạo đức của làng. Còn ở làng quê tôi (hay nhiều làng quê khác) người dân miệng thì nói happy, nhưng ánh mắt của họ không happy chút nào. Happy sao được khi mà phí chồng chất phí, và cuộc sống quá cơ cực. Tôi nghĩ người dân ở đây cảm thấy thoải mái một phần là thiếu bóng dáng … cảnh sát. Đi trên đường lộ mấy chục cây số mà chẳng thấy bóng dáng cảnh sát đâu cả. Trong thành phố cũng vậy, chẳng thấy mấy anh chàng này đâu. Tôi hỏi anh bạn thì anh ấy nói cảnh sát họ quan tâm đến chuyện lớn hơn, nhưng khi có chuyện thì họ xuất hiện nhanh lắm. Còn ở VN, đi đâu cũng thấy cảnh sát hay những người giống như cảnh sát / công an. Sự đông đúc của họ làm người ta phải nghĩ đó là một police state, và trong một xã hội như thế thì làm sao người dân an tâm và tươi cười nổi.
Đi lạc đường, chỉ cần dừng xe hỏi, họ rất sẵn sàng hướng dẫn một cách nhiệt tình. Hai ba lần lạc đường, lần nào cũng được người dân chỉ dẫn hướng đi rất tường tận. Ấn tượng nhất là trên đường đi thăm cái làng rắn, vì lạc đường cả 2 cây số, nên anh bạn tôi dừng xe và hỏi một người đang đi Honda, người này quay xe lại hướng dẫn đến nơi quẹo vào đường nhỏ rồi mới chịu tiếp tục hành trình của mình. Tôi thật sự cảm động về nghĩa cử của anh chàng này. Trông đen đúa vậy mà tấm lòng của anh sáng ngời. Tôi nghĩ rất khó có một thái độ như thế bên VN, hay có thì người ta cũng đòi tiền. Mới hôm qua đọc báo thấy một nhóm du khách Pháp bị luộc tiền trắng trợn ngay tại phi trường Tân Sơn Nhất mà ngao ngán cho ngành du lịch bên nhà. Trước đó thì vài taxi ngoài Hà Nội chặt chém du khách Tây. Ngay cả tôi là người Việt, cứ mỗi lần ra Hà Nội có khi còn bị chặt chém, thì người nước ngoài trở thành nạn nhân cũng chẳng có gì khó đoán. Tất cả cũng qui về cái nghèo: vì còn nghèo nên nhắm mắt làm bậy. Cũng có thể nền tảng đạo đức VN đang bị suy thoái như nhận định của các nhà xã hội học. Còn bên Thái Lan này người nông dân đủ ăn đủ mặc (lại còn có xe hơi) thì họ không có nhu cầu kiếm chác bất chính. Vả lại, tôi muốn tin rằng với nền tảng đạo đức Phật giáo thì họ cũng chẳng nghĩ đến (don't even think about it) chuyện gây phương hại người khác và ảnh hưởng đến hình ảnh của đất nước họ.
Dưới đây là hình một con đường làng quê, bóng cây đẹp. Hình chụp cổng vào thành phố Khon Kaen.
Một con đường quê rợp bóng cây. Biết bao giờ VN mình có một con đường quê như thế này.
Đường vào làng rất Đông Nam Á, chẳng khác gì các làng bên Việt Nam. Có khác chăng là đường lộ rất tốt và rộng hơn đường vào làng Việt Nam
Làng rắn hổ mang chúa có nhiều gian hàng bán đủ thứ liên quan đến rắn
Màn múa mở màn, có màn … hôn trăn. Người bên trái hình như là nam, nhưng anh ta có biểu hiện y như nữ giới.
Đối diện với rắn hổ mang chúa. Những con rắn này có vẻ chán với người diễn, nên chúng thường bỏ đi. Mà bỏ đi sao được, vì người diễn kéo chúng lại để … đánh lộn chơi cho vui
Thêm một lần diện kiến chúa loài rắn. Những diễn viên rất bình thản, trong khi khán giả thì hú vía. Có những cô la lối om xòm khi con rắn suýt bò ra khỏi sân khấu (chắc là họ cố ý để đùa chơi).
Trẻ em đã được luyện tập chơi với rắn!
0 nhận xét:
Đăng nhận xét