Tôi đã sống trải qua những thời giá trị khác nhau của đồng tiền cụ Hồ, thấy đồng tiền mệnh giá càng to thì cuộc sống càng nhiều khốn khó, lo âu. Vẻ hào nhoáng giàu xổi bên ngoài của xã hội không che lấp được sự nghèo đói túng quẫn bên trong. Một nhà giáo về hưu lương hưu mỗi tháng chưa đầy 3 triệu đồng than với tôi "chả dám đi đâu bao giờ, tháng nào mà mắc vài cái đám cưới đám giỗ là lo sốt vó, còn bố mẹ già nhưng nhiều lúc mang cảm giác của đứa con bất hiếu".
Thế gian biến cải. Từ đơn vị tính là "hào" (gạo 3 hào/ký, 5 hào 1 bát phở, tàu điện HN-Hà Đông vé 1 hào) đến "đồng" (lương khởi điểm 48 hoặc 64 đồng, sinh viên được nhà nước cấp tiền ăn 18 đồng/tháng), đến "chục đồng" (tiền 10 đồng màu đỏ gọi là cụ mượt- mệnh giá lớn nhất lúc bấy giờ, 200 đồng 1 chiếc xe đạp Thống Nhất), đến "ngàn đồng" (vàng 50 ngàn đồng/chỉ, tiền công may áo hết 3 ngàn đồng), "trăm ngàn đồng" (mua chiếc vỏ xe máy Casumina 120 ngàn đồng, vé ăn buffet Dìn Ký 100 ngàn/người, mừng đám cưới chí ít phải vài trăm ngàn), "triệu đồng" (thuê nhà chỉ chục mét vuông cũng hơn triệu bạc, học phí đại học vài triệu/năm), vọt lên "tiền tỉ" (căn hộ bình dân chung cư cả tỉ) và khủng nhất là "nghìn tỉ, triệu tỉ" (Vinashin mua tàu Hoa Sen 1.300 tỉ- bây giờ nếu bán giá sắt vụn chắc được vài trăm triệu).
Mệnh giá đồng tiền là một thứ chỉ số để đo chất lượng xã hội. Than ôi. Tôi vẩn vơ chỉ mong có đồng tiền "đại tệ" mệnh giá kiểu Zimbabwe 1 triệu tỉ đô la để thủ tướng nhà ta liều giải quyết phắt một cái hết nợ xấu, hết tồn đọng Vina này nọ. Sau đó xoa tay hết nợ, muốn ra sao thì ra. Đảm bảo tiến vững chắc lên CNXH, bỏ qua thời kỳ quá độ chả biết kéo dài đến bao giờ.
Thì cứ nghĩ bậy vậy thôi. Thời buổi này niềm hy vọng nhiều khi rất vu vơ.
Mùng 5 tết Quý Tỵ, 14.2.2013
Nguyễn Thông
0 nhận xét:
Đăng nhận xét