Dành cho K17: Người thi cùng phòng ngày ấy

XUÂN BA
Vác cái điếu đến dự cuộc họp lớp nhân 40 năm tựu trường của K.17 Khoa Văn Đại học Tổng hợp (ĐHTH) thì đã thấy các hắn mọi vùng miền đến đủ. Quân xứ Thanh ra có anh Khánh, chị Xuân...

Rượu nhạt lẫn đồ mặn giăng đầy. Cánh ở xa, ban tổ chức chu đáo lo chỗ ngủ. Đã khuya, thấy tôi rinh cái điếu về, chị Xuân bảo mày để điếu lại...

Ôi giời, chị Xuân...

K.17 nhiều vị, nhiều chị, phận đời số má suôn sẻ hanh cùng là thành đạt! Nhưng chị Xuân thì có vẻ không được chuẩn? Chuyện chị thì dài, chỉ xin trích vài khúc thôi. Hồi học cấp 3, chị học giỏi các môn tự nhiên, xã hội. Nhưng thi Đại học Dược lần đầu không đậu. Lần hai đậu vào Đại học Văn hóa nhưng xã giữ lại vì nhà chưa có ai đi bộ đội.

Đi khám tuyển bộ đội thì trúng nhưng khi nhận quân thì người ta cho về vì thấp bé nhẹ cân. Liên tù tì các đợt dân công gần, xa chị Xuân đều có mặt. Lần xa và lâu nhất là đi làm đường Bái Biên (đoạn từ Bái Thượng đến biên giới Việt Lào). Hơn sáu tháng mới được về, người đã gầy lại càng quắt queo.


Về quê, chị Xuân lại tiếp tục cái giấc mơ vào Đại học. Nhưng mấy khi được cầm đến cuốn vở! Ban ngày thì đi thủy lợi. Tối mải miết làm gạo phát xay để kiếm tí trấu với cám. Quá nửa đêm mới được nghỉ. Nhưng có được trọn đêm. Hầu như các đêm liên tục tiếng kẻng tập trung dân quân gióng giả. Năm, sáu phút là phải có mặt. Chậm, muộn bị phạt đào hào. Nhẹ thì chạy vòng quanh sân kho hợp tác vài chục vòng đứt hơi.

Tiếng là huyện khác, nhưng làng chị cách cầu Hàm Rồng gần 10 km, cách biển 2 km. Gần như không có trận bom nào xuống Hàm Rồng là làng chị không bị thương vong vì bom lạc, vì trước khi tháo chạy, máy bay Mỹ trút bom thừa xuống. 22 người bị chết. Hàng trăm người bị thương. Riêng xóm chị có 9 người chết. Đêm nào dân quân xã trong đó có chị phải đi cấp cứu người bị thương, mai táng người chết. Những cỗ hậu sự giành cho các cụ già phải mang dùng cho người trẻ. Rồi san lấp hố bom. Xe tên lửa qua làng, phải lấy tàu dừa quét xóa dấu vết.

Tháng 5-1972, chị phải lên xã Thạch Bình, Thạch Thành cách làng hơn 80 km thi đại học. Mải miết đạp xe từ 3 giờ sáng đêm mới đến nơi. Địa điểm thi là nơi sơ tán của trường cấp 1, 2. Thạch Bình là địa điểm thi khối C của một khu vực gồm nhiều huyện của Thanh Hóa. Thời gian thi từ 4 giờ sáng nên mỗi thí sinh phải mang theo một cái đèn Hoa Kỳ.

Thi xong về Quảng Xương thì lại dự khám tuyển đợt nghĩa vụ quân sự. Tháng 10-1972, chị Xuân được gọi nhập ngũ. Nơi giao quân lại gần địa điểm tuyển sinh của huyện. Trong khi chờ phát đủ quân trang, một bữa, mấy chị em tân binh ghé vào ban tuyển sinh khi đó đang sơ tán trong nhà dân chơi. May mắn chị Xuân được người ta cho coi qua danh sách các thí sinh trúng tuyển. Chị có tên!

Mắt chị Xuân hoa lên. Chị vùng chạy ra ngoài ngồi ôm mặt khóc tức tưởi. Đi bộ đội, vào chiến trường, chị không ngán ngại. Nhưng bây giờ, cơ sự đã như thế này thì ước mơ cháy bỏng là vào đại học đã không được thực hiện. Chị tủi thân nên khóc...

Chị Xuân đang thụp ven bờ rào nức nở thì có một tiếng quát rất đanh Đồng chí kia đứng dậy, làm sao mà khóc? Chị vùng đứng lên không nhận ra đó là ông Sanh, huyện đội trưởng. Ông theo chị Xuân về nơi đóng quân ở nhà dân. Tiếng khóc tức tưởi của cô tân binh như là triệu chứng của một sự dao động? Gặng mãi, ông cũng biết được cơ sự. Ông ngồi yên ắng một lúc...

Một đằng đi đại học một đằng vô bộ đội, o chọn đằng mô? Chị Xuân nín khóc trả lời luôn đi bộ đội là nhiệm vụ của thanh niên. Nhưng vào đại học là ước mơ của em từ hồi cấp 2 tê. Nhà em nghèo lắm nhưng bố mẹ cố cho em ăn học nên em cố học thật giỏi. Mấy lần em có giấy gọi trung cấp nhưng em có đi mô!

Vị huyện đội trưởng không nói gì quày quả bước đi vùn vụt.

Mấy o bạn lo lắng. Mi chết, ai lại nói rứa với cấp chỉ huy. Chị Xuân cũng ngại. Chiều hôm sau phát quân trang, chị Xuân không có tên trong danh sách. Mấy chị em càng lo tợn. Rồi chị Xuân được kêu lên nhà ban chỉ huy. Bốn anh bộ đội đứng tuổi đang ngồi. Một anh nói luôn Chỉ huy đơn vị đã bàn bạc nhất trí cho o viền để đi đại học!

Ngay đêm đó, chị Xuân cuốc bộ một mạch từ nơi đóng quân 12 cây số về nhà. Bố mẹ thấy chị đêm hôm hớt hải chạy về, thì bật khóc. Thôi con ơi đừng dại như rứa mà khổ bố khổ mẹ, mằn khổ các em. Con đào ngũ như ri thì bố mẹ còn dám nhìn mặt ai nữa... Rồi cả nhà cũng hiểu ra. Ai cũng mừng.

Nhưng khuya khoắt là thế mà đồng chí bí thư xã đoàn và xã đội trưởng cũng đã kịp thời có mặt Rứa giấy đồng ý của huyện đội và đơn vị mô? Chị Xuân ngớ ra... Trong lúc vội vàng chị đã quên khuấy mất. Các anh đều nhẹ nhàng động viên rằng thôi có trót đào ngũ thì mai các anh ấy trực tiếp đưa vô đơn vị!

Sáng mai, chị Xuân lên huyện cùng các đồng chí xã nhà. Chị Xuân khỏi mắc tiếng oan sau khi được xác minh kỹ càng.

Sau này vào học Khoa Văn ĐHTH, khi đó đương sơ tán ở thôn Sát Thượng, huyện Yên Phong, Hà Bắc chị Xuân mới biết có 4 người thi cùng phòng ngày ấy, trong đó có anh Đỗ Xuân Thanh (người Nga Sơn) và Nguyễn Thị Bé (Việt kiều Thái Lan về nước ở Ngọc Lặc) cũng vào khoa văn với mình. Trong đó có tác giả bài viết này!

Chị Xuân tính vui vẻ, hài hước. Thi thoảng chị góp vui bằng cách phát âm tiếng Pháp đặc giọng xứ Thanh làm ai cũng cười. Ra trường, chị lấy anh Vũ Duy Trịnh (anh Trịnh bị thương ở Cai Lậy, Tiền Giang) học khoa sử rồi cả hai về Thanh Hóa công tác. Chị Xuân công tác Tuyên giáo ở Hội Phụ nữ tỉnh. Chị nhắn với các bạn trong lớp K.17 nếu rẽ vào thăm thì hỏi Xuân hố xí hai ngăn hoặc Xuân mại dâm ma túy thì ai cũng biết (suốt 30 năm chị làm công việc tuyên truyền cho chị em phụ nữ về phong trào văn hóa mới, vệ sinh môi trường và cả về lĩnh vực phòng chống mại dâm ma túy). Chị nói rằng đó là thương hiệu mà chị rất tự hào!

Con trai thứ 2 của chị mới sinh bụ bẫm, trắng trẻo nhưng càng lớn lên thì càng đờ đẫn có dấu hiệu thần kinh. Chạy chữa khắp nơi rất tốn kém nhưng vô phương. Cháu bị nhiễm chất độc da cam từ bố. Gần 30 năm qua, anh chị đã, đang và chắc sẽ còn gánh chịu nỗi đau da cam ngay chính tại nhà mình. Lần vào thăm chị Xuân, ai cũng ngậm ngùi ngó cháu Vũ Thanh Tùng ngây ngô, tay chân sứt sẹo vì quậy phá. Ngủ cùng con, đêm nào chị Xuân cũng phải nằm vỗ về bóp tay chân cho cháu. Chị bảo đêm chỉ được ngủ khoảng 2, 3 tiếng đồng hồ. Vất vả là thế nhưng mỗi lần gặp đều thấy chị vui vẻ. Dường như tố chất hài hước là thứ tài sản quý giá để giúp chị khỏa khuây bao thứ?

Bữa chị bảo để lại cái điếu, tôi hiểu ngay. Không phải chị nghiện thuốc lào (phụ nữ Quảng Xương có nhiều người biết hút) mà chỉ biên biết sơ qua. Nhớ con và từ lâu đã quen với thói ít ngủ. Giờ ra Hà Nội họp lớp, chị bảo có cái điếu cho đỡ buồn. Cho mau hết đêm...

Trên đây, tôi có nhắc đến anh Đỗ Xuân Thanh thi cùng phòng với chị Xuân. Anh Thanh người Nga Sơn đẹp trai. Tốt nghiệp Khoa Văn ĐHTH, anh Thanh về làm ở Nhà Xuất bản Thanh Hóa. Những năm bao cấp khốn khó, mỗi khi ghé qua anh Thanh, chúng tôi thì hoàn cảnh mức sống cũng rưa rứa nhưng thấy anh Thanh vẻ như cơ cực hơn. Vợ anh ở quê Nga Sơn một mình nuôi 4 con nhỏ. Chị Lan, vợ anh dệt chiếu. Đồng lương của một cán bộ xuất bản chắp nối hai đầu tháng của một gia đình 6 người quả là gian nan. Nhưng cấm thấy anh kêu ca phàn nàn. Mỗi lần gặp lại say mê chuyện thơ. Hồi ở khoa văn, có thấy anh ỏ ê chi chuyện thơ phú? Nhưng về Thanh càng tất tả, anh như càng phát về thơ. Những tập thơ in ở Nhà Xuất bản Kim Đồng và Thanh Hóa của tác giả Đỗ Xuân Thanh cứ lần lượt nối nhau trình làng trong thời khốn khó ấy. Lần ghé Hà Nội lĩnh giải thơ của một tờ báo, anh Thanh bế thằng cu nhớn nhà tôi khi đó đang bi bô. Thấy ánh chớp vì trời sắp mưa, thằng cu ngọng nghẹo bật kêu ông trời bật lửa (chả là hắn thấy tôi hay bật lửa hút thuốc lào). Về Thanh, anh viết một chùm thơ trong đó có bài Ông trời bật lửa đọc rất được! Nhớ nhiều không phải là tài thơ mà cái tình người của anh Thanh...

Đột nhiên anh ốm nặng rồi đột ngột mất vì bệnh gan ở tuổi 49!

Gần 5 năm đại học, quỹ thời gian ấy chả là cái chi với một đời người? Nhưng nó đằm và hằn sâu hơn vì là những kỷ niệm với những con người cụ thể khi mắt còn sáng lòng còn rất trong (vậy nên không ngạc nhiên thời ấy chúng tôi có thể thuộc cả một bài xã luận!). Mỗi đận qua Thanh lại đậm hơn cái nhớ về những anh Phạm Văn Sĩ, Lê Xuân Sang (hai anh đã mất). Rồi các anh Lê Quốc Lập (dạy ở Đại học Hồng Đức), anh Đặng Quốc Khánh (Đài Phát thanh Hoằng Hóa) và chị Xuân quý mến tất tả của lớp văn chúng tôi thuở ấy...    

Cuối năm lạnh
Xuân Ba 
(theo báo Thanh Hóa)


Share on Google Plus

About Unknown

Bài viết này được chia sẻ bởi Unknown.
    Blogger Comment
    Facebook Comment

0 nhận xét:

Đăng nhận xét