Không thể lãng quên

LÂM HIẾU DŨNG (nhà báo)


Ngày này cách đây 34 năm (17.2.1979), “Tiếng súng đã vang trên bầu trời biên giới. Gọi toàn dân ta vào cuộc chiến đấu mới. Quân xâm lược bành trướng dã man, đã dày xéo mảnh đất tiền phương. Lửa đã cháy và máu đã đổ, trên khắp dải biên cương…” (Phạm Tuyên). Đất nước vừa ra khỏi cuộc chiến tranh hơn 1 thế kỷ, vết thương trên thịt da còn chưa lành, đã phải bước vào cuộc chiến đấu mới, cuộc chiến bảo vệ tổ quốc, mà đau đớn thay, người gây ra nó chính là người “bạn”, người láng giềng lớn – Nước CHND Trung Hoa.
Và từ buổi sáng ấy, những “Đoàn quân vội đi đi về biên giới, cũng từ biên giới về những bầy trẻ nhỏ…” (Trần Tiến).

Ngày ấy, tôi còn rất nhỏ, nhưng đến giờ vẫn còn nhớ cảm giác gai người khi nghe Lệnh tổng động viên phát trên đài phát thanh ngày 5.3.1979. Ngày ấy, anh tôi còn rất trẻ, nhưng đã chuẩn bị tinh thần cho một cuộc lên đường. Ngày ấy, chị tôi học ở rất xa, nhưng những lá thư về luôn đau đáu một nỗi niềm về quê hương, tổ quốc. Ngày ấy, nếp nhăn xuất hiện nhiều hơn trên trán, tóc bạc nhiều hơn trên đầu cha tôi – người thương binh trong cuộc kháng chiến chống Pháp. Ngày ấy, những người anh, người chị của tôi cùng với đồng đội mình vừa buông cây súng đã phải ngược lên biên giới phía bắc. Và đã có bao người không trở về…

Ngày ấy, đã có biết bao người dân vô tội chết dưới lưỡi lê của quân bành trướng, đã có biết bao người lính hi sinh hay mất một phần thân thể để gìn giữ từng tấc đất biên cương. Trong những cuốn sách, trong bao bài hát… hình ảnh họ luôn đậm nét. Những Hoàng Thị Hồng Chiêm, Lê Đình Chinh, Nông Văn Giáp, Đỗ Sĩ Họa… đã không tiếc thân mình cho Tổ quốc.


Suốt thế kỷ 20, đất nước ta đã trải qua bao cuộc chiến tranh với bao kẻ xâm lược. Và giờ đây, khi chúng ta với họ là bạn, là đối tác, đã khép lại quá khứ, hướng tới tương lai, nhưng chúng ta vẫn không quên những gì đã xảy ra. Chúng ta vẫn có những ngày kỷ niệm thật rầm rộ như Toàn quốc kháng chiến, Chiến thắng Điện Biên Phủ, Chiến dịch xuân Mậu Thân, Chiến thắng Điện Biên Phủ trên không, Chiến thắng 30.4… Những ngày đó chúng ta đã tổ chức một cách trang trọng, những nấm mồ của các anh hùng liệt sĩ ấm bởi khói nhang.

Vậy cớ gì chúng ta dường như lãng quên cuộc Chiến tranh biên giới 1979. Chúng ta ít nhắc nhớ đến những người đã tham gia, đã ngã xuống để bảo vệ những thành quả mà trước đó, đã bao người hy sinh vì nền độc lập. Mà những chiến công, những mất mát hy sinh trong cuộc chiến ấy, cũng anh hùng, cũng bi tráng, cũng vang dội như những cuộc chiến trước đó.

Tại sao, hàng năm, chúng ta kính cẩn thả những vòng hoa xuống dòng Thạch Hãn tưởng nhớ những người đã hy sinh bảo vệ thành cổ Quảng Trị, thả những vòng hoa trên sóng biển Đông để vinh danh những chiến sĩ đã bỏ mình vì biển đảo; mà khó thấy một vòng hoa đặt bên đài liệt sĩ tưởng niệm những người đã sống chết cho Tổ quốc trong cuộc Chiến tranh biên giới phía Bắc?!

Lịch sử luôn là lịch sử. Nhắc tới những điều đó không phải chúng ta muốn khơi lại sự thù hận, không phải để khiêu khích… mà để chúng ta tưởng nhớ, để cho những người đã ngã xuống, đã mất mát, cho gia đình họ không cảm thấy sự hy sinh là vô nghĩa. Để cho mỗi người trong chúng ta thêm yêu đất nước hơn. Để cho người bạn hàng xóm của chúng ta hiểu rằng, chúng ta yêu hòa bình, nhưng chúng ta cũng yêu độc lập. Chúng ta muốn làm bạn với tất cả các quốc gia nhưng chúng ta cũng sẵn sàng hy sinh để bảo vệ nền độc lập dân tộc.

Để cho những người đã ngã xuống không bao giờ bị quên lãng.
Lâm Hiếu Dũng
(theo Facebook Lam Hieu Dung)


Share on Google Plus

About Unknown

Bài viết này được chia sẻ bởi Unknown.
    Blogger Comment
    Facebook Comment

0 nhận xét:

Đăng nhận xét