Nhà sử học Dương Trung Quốc nói về bài viết "Dương Trung Quốc - Bốn điều sai năm cũ":
Đây là cái gì chứ không phải phản biện !
16/02/2013 2:33Dư luận hiện đang quan tâm đến bài viết nói về "tứ đại ngu" của nhà sử học, đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Dương Trung Quốc. PV Thanh Niên đã gặp ông Dương Trung Quốc để tìm hiểu quan điểm của ông về bài viết này.
Thưa ông, ông đã đọc trọn vẹn bài viết Dương Trung Quốc - Bốn điều sai năm cũ của người ký tên là Hoàng Hữu Phước chưa? Cảm xúc khi đọc bài viết đó của ông như thế nào?Đây là một bài lấy từ blog cá nhân nên thực lòng tôi cũng không muốn bình luận làm gì. Tuy nhiên giữa ngày tết vui như thế này đọc thấy mất vui đi một tí.
Tinh thần là không có gì đáng để bình luận. Đây là vì Báo Thanh Niên hỏi nên tôi trả lời thôi.
Trước đây, ông và ĐBQH Hoàng Hữu Phước đã bao giờ trao đổi trực tiếp về những quan điểm khác nhau mà ông Phước nêu trong bài chưa?
Cũng chỉ có một lần trao đổi liên quan đến thảo luận về luật Biểu tình thôi. Còn những việc anh ấy nêu lên, kể ra, đưa ra QH thảo luận thì cũng hay. Nhưng cũng chưa lần nào thấy anh Phước nêu ra cả.
Góc nhìn lịch sử là cách chủ đạo ông dùng để tiếp cận các vấn đề. Từ góc nhìn này, ông đánh giá ra sao về bài viết của ông Hoàng Hữu Phước? Kiến thức lịch sử liệu đã chuẩn xác. Cách đặt vấn đề liệu đã khách quan, khoa học.
Tôi cũng không đánh giá làm gì cả. Tôi thấy không cần thiết phải đánh giá làm gì cả. Vì ngôn ngữ hình như khác nhau nên không thể trao đổi được.
Bài viết Dương Trung Quốc - Bốn điều sai năm cũ đăng trên blog được cho là của ĐBQH Hoàng Hữu Phước |
Hồi kỳ họp thứ 2, QH khóa 13, tháng 10.2011, ĐB Hoàng Hữu Phước từng khiến dư luận "nổi sóng" vì quan điểm về luật Biểu tình (không nên bàn luật Biểu tình trong chương trình nghị sự), nay trong bài viết bàn về "tứ đại ngu" của ông, ĐB Phước lại một lần nữa nhắc lại chuyện này. Thực chất việc này là thế nào?
Quy định về biểu tình đã có sắc lệnh của Chủ tịch Hồ Chí Minh cuối năm 1945 rồi. Nó đã được thể hiện trong Hiến pháp đầu tiên rồi trong khái niệm tự do hội họp. Đặc biệt, Hiến pháp năm 1959 có hẳn một điều luật về biểu tình rồi. Và như chúng ta đã biết, ngay tại cuối kỳ họp năm 2011 đó thì Thủ tướng cũng tán thành nên có luật Biểu tình. Nên tôi thấy chẳng có gì phải bình luận về cách đặt vấn đề của ĐB Phước.
Ở một diễn đàn bình đẳng như QH thì việc các ĐB có quan điểm, chính kiến khác nhau phải được xem là rất bình thường. Ông nhận xét gì về cách "phản biện" như của ĐB Phước?
Tôi nghĩ đây chẳng thể gọi là phản biện. Đây là cái gì chứ không phải phản biện. Dẫu sao thì anh Phước cũng đang là ĐBQH của TP.HCM, một thành phố có nhiều trí thức lớn. Nên tôi thấy chuyện này để bà con cử tri phát biểu ý kiến bình luận thì hay hơn. Cứ để đồng bào TP.HCM suy nghĩ về người ĐB của mình thôi.
Trinh Nguyễn (thực hiện)
(theo báo Thanh Niên ngày 16.2.2013)
0 nhận xét:
Đăng nhận xét