GIỌNG NÓI VỌNG RA TỪ BÊN TRONG BÀI THƠ - Nguyễn Quang Thiều giới thiệu sách Thơ Cần Thiết Cho Ai của Nguyễn Đức Tùng

Bìa sách THƠ CẦN THIẾT CHO AI



Nguyễn Quang Thiều
Giọng Nói Vọng Ra Từ Bên Trong Bài Thơ

Tập sách có tên Thơ Cần Thiết Cho Ai. Đơn giản là thi sỹ Nguyễn Đức Tùng đặt ra một câu hỏi và trả lời câu hỏi đó. Thông thường, tác giả của cuốn sách đặt một câu hỏi như thế thì sẽ dùng rất nhiều lý thuyết để giải quyết câu hỏi này. Trước khi bắt đầu đọc cuốn sách của thi sỹ Nguyễn Đức Tùng, tôi phải thú nhận rằng : tôi đã mang đầy cảm giác ngại ngùng và một sự mệt mỏi mơ hồ bắt đầu len lỏi trong tôi. Tôi không phải là người đọc nhiều lý thuyết về thơ ca hay văn học nói chung với những vấn đề tương tự, nhưng tôi vẫn cảm thấy, với một người sáng tác như tôi có lẽ cũng không cần thiết phải đọc quá nhiều những cuốn sách lý thuyết cho dù nó uyên bác đến đâu khi đề cập đến những vấn đề như sứ mệnh của nhà thơ, thơ ca và chính trị, tính truyền thống và hiện đại hay hậu hiện đại…Nhưng sự thật cuốn sách của thi sỹ Nguyễn Đức Tùng đã thay đổi tôi. Nguyễn Đức Tùng đã trả lời câu hỏi “rất mệt” ấy bằng một cách trả lời thật thông minh, thuyết phục và rất quyến rũ. Sự thông minh, thuyết phục và quyến rũ này đã dẫn dụ tôi và kéo tôi đi hết con đường của ông. Tôi đã đọc hết cuốn sách và tôi thừa biết rằng mình có nhu cầu đọc lại cuốn sách này nhiều lần nữa.
Nguyễn Đức Tùng quả là một “phù thủy”. Ông có khả năng điều kiển cảm xúc của tôi bằng cuốn sách này. Ông dẫn tôi đi (hay trôi đi, hay cuốn tôi đi ) theo dòng chảy của ông và của bài thơ ông nói đến. Nhưng cái hành động dẫn đi hay cuốn đi này không phải để tôi chìm đắm vào đó mà để tôi nhận ra nó đang chuyển động và sẽ dẫn tôi đi tới đâu. Có một cảm giác mà tôi đã thử đi thử lại nhiều lần để tìm ra tính xác thực của cảm giác đó. Đó là tính xác thực của trạng thái tôi vừa mang cảm giác được chìm đắm vừa mang cảm giác nhận biết như tôi là nhân vật chính của bài thơ, là lịch sử của bài thơ và là tất cả những gì bài thơ đã thực hiện hay đã có. Có đôi lúc, tôi tin rằng tôi chính là một trong những gì làm ra bài thơ đó.
Mỗi bài trong cuốn sách này không phải là là một văn bản độc lập về tiểu sử của một nhà thơ mà ông đề cập, không phải một văn bản độc lập về tính biểu tượng hay phép tu từ, không phải một văn bản độc lập ngợi ca tác giả và tác phẩm, không phải một văn bản độc lập về trường phái hay chủ nghĩa…mà chúng là những văn bản tổng hợp. Nói vậy cũng không đầy đủ và chưa thật chính xác. Tôi không tìm được thuật ngữ để bầy tỏ. Tôi xin dùng cách của một nhà thơ để nói về nó cho dù rất mơ hồ: Cách xử lý trong các văn bản đó của Nguyễn Đức Tùng giống như người ta nói về một cánh đồng chứ không phải là đưa ra những mẫu phân tích về thổ nhưỡng hay khí hậu, nói về một cái cây trên đỉnh đồi trong bão gió chứ không phải lý thuyết về các thảm thực vật hay cấu trúc của rừng nhiệt đới, nói về một dòng sông chảy trong hoàng hôn đỏ thẫm chứ không phải nói về mực nước hay những biến động của dòng chảy bị tác động bởi môi trường…Nghĩa là ông dựng lên một đời sống sống động của cá thể bài thơ đó với toàn bộ những gì làm ra nó. Những mối liên hệ từ bài thơ tới tác giả và lịch sử đời sống của nhà thơ cho dù đôi lúc thật ít ỏi, ngắn gọn nhưng đã hiện lên những chỉ dẫn bí mật của những gì tạo lên bài thơ. Và tôi có một chút so sánh dù biết rằng có vẻ hoặc rất thiếu tính khoa học về ông, là : ông là một bác sỹ và ông hiểu toàn bộ hệ thống của những mạch máu và những mô và đặc biệt của AND làm lên một cơ thể sống.
Cho đến lúc này, với một sự suy nghĩ có ý thức và cẩn trọng, tôi muốn nói : thi sỹ Nguyễn Đức Tùng nhiều khi không phải là ông luận bàn hay lý giải bài thơ đó mà thực sự ông đã sáng tạo ra một bài thơ khác. Để thừa nhận nhận định này của tôi, bạn phải đọc những văn bản của thi sỹ Nguyễn Đức Tùng với một cách thức hoàn toàn khác. Bài thơ khác đó của ông không phải là một văn bản tương đồng ở bất cứ một hình thức nào, nó là một cá thể độc lập nhưng lại luôn làm cho chúng ta nhận ra những nơi khuất ẩn của bài thơ kia. Khi còn rất trẻ, tôi đã luôn nghĩ rằng: để đi vào được giấc mơ của kẻ khác thì chúng ta phải có một phương tiện duy nhất đưa chúng ta lọt vào giấc mơ của kẻ đó. Phương tiện đó chỉ có thể là giấc mơ của chính ta. Không ít những nhà phê bình văn học thất bại trong việc tiếp cận những văn bản cụ thể vì họ đã không có cái phương tiện kia. Nguyễn Đức Tùng là một thi sỹ và ông đã được trang bị phương tiện quan trọng nhất. Chính vậy mà nhiều lúc tôi mang cảm giác ông đang ở bên trong bài thơ và nói vọng ra cho chúng ta nghe trong đó có gì và như thế nào.
Thi sỹ Nguyễn Đức Tùng thường hay xử dụng hai cách khi tiếp cận một bài thơ : Toàn thể và chi tiết (cận cảnh). Ông cận cảnh rồi phóng to một từ, một âm tiết, một hình ảnh, một nhịp điệu….của bài thơ khi thì chụp toàn bộ bài thơ và thu nhỏ lại. Phương pháp cận cảnh và phóng đại giống như khi tôi được xem các bức ảnh nghệ thuật người ta chụp những tế bào nhỏ nhất. Chúng thực sự đẹp và đôi lúc làm ta bàng hoàng. Tôi cũng được xem những bức ảnh chụp toàn cảnh trái đất hay các hành tinh nào đó và in ra trong một bức ảnh cỡ 9 x 12cm và tôi cũng lại thấy chúng đẹp mê hồn. Phương pháp cận cảnh của Nguyễn Đức Tùng cho tôi nhận thấy trong một bài thơ có rất nhiều bài thơ. Mỗi bài thơ đó vừa độc lập vừa gắn kết với bài thơ “mẹ” của nó. Nó không phải là một chi tiết hay một hình ảnh của bài thơ “mẹ” mà là những bài thơ độc lập tạo lên một bài thơ có sức chứa rộng hơn về mặt không gian trong nhiều chiều của không gian đó.
Có một vài bài thơ của một vài nhà thơ mà Nguyễn Đức Tùng dịch và nói về nó là những bài thơ mà tôi cũng đã dịch và cảm nhận chúng. Và sự thật là tôi có một cách dịch khác và có một cái nhìn khác về những bài thơ đó. Nhưng tôi lại hoàn toàn thừa nhận một cách thú vị trong tinh thần bị thuyết phục cách dịch và cách cảm nhận bài thơ đó của Nguyễn Đức Tùng. Vì sao vậy ? Vì trước hết mỗi bài thơ là một đơn vị đa văn bản, thứ hai ta nhìn thấy một ô cửa mới mà thi sỹ Nguyễn Đức Tùng mở ra trong những bức tường đôi khi câm lặng của ngôi nhà bài thơ ấy mà ta thường nghĩ trước đó rằng không gian ngôi nhà đã hoàn toàn bị giới hạn hay kết thúc bởi những bức tường. Và điều thứ ba là thi sỹ Nguyễn Đức Tùng đã làm những gì ông làm với bài thơ đó là hợp lý, chính xác, công bằng và quyến rũ. Và điều cuối cùng trong bài viết nhỏ này, tôi muốn tuyên bố : Nguyễn Đức Tùng là một nhà thơ ở bên trong và bên ngoài nhà thơ mà ông đề cập và ông đã viết một bài thơ ở bên trong và ở bên ngoài bài thơ của những nhà thơ đó.
Hà Đông, 20/4/2014
Nguyễn Quang Thiều


Share on Google Plus

About Unknown

Bài viết này được chia sẻ bởi Unknown.
    Blogger Comment
    Facebook Comment

0 nhận xét:

Đăng nhận xét