Có lẽ tôi phải thêm là "phụ nữ trẻ" mới đúng hơn. Chiều nay, trên chuyến xe điện, tôi đọc được một tin vui vui trên Tập san Science. Nói là "vui vui", nhưng ý nghĩa rất quan trọng trong môi trường làm việc hiện đại ở các trung tâm nghiên cứu khoa học. Câu chuyện thế này: nàng là một nghiên cứu sinh hậu tiến sĩ (postdoc) mới đầu quân vào một lab nghiên cứu mà sếp lab là một nhà khoa học tốt và đã có gia đình; "vấn đề", theo như nàng postdoc mô tả, là mỗi lần họp mặt trong office, anh sếp hay nhìn vào ngực của nàng. Nàng viết thư cho một nhà khoa học nữ là Alice Huang (tên thật) để gỡ rối tơ lòng. Theo bạn, Alice sẽ khuyên như thế nào?
Chính xác thì nàng nghiên cứu sinh viết (và tôi tạm dịch) như sau (1):
"Mến chào Alice,
Hỏi: Tôi là một nghiên cứu sinh hậu tiến sĩ, và tôi mới tham gia một lab nghiên cứu. Đó là một lab tốt. Tôi hài lòng với dự án nghiên cứu. Tôi nghĩ dự án có thể đem đến những kết quả tốt. Người hướng dẫn tôi là một nhà khoa học tốt, và anh ấy có vẻ là một gã dễ mến. Nhưng đây mới là vấn đề: Bất cứ lúc nào chúng tôi gặp nhau trong phòng làm việc của anh ấy, tôi để ý thấy anh ấy nhìn vào áo sơ mi của tôi. Không hẳn thành vấn đề, nhưng anh ấy là một người đã có gia đình. Tôi nên làm gì đây?
Người bị làm phiền."
Câu chuyện này, như tôi nói, có lẽ nhiều bạn (nhất là nam giới) đọc xong sẽ cười ngất. Nhìn ngực thì có gì phải phàn nàn như thế? Đẹp thì người ta mới nhìn chứ. Chẳng phải các nàng trang điểm để được nhìn sao? Nhưng trong các đại học và viện nghiên cứu ở Úc, họ không cười, mà xem sự việc rất nghiêm trọng. Ở Úc, bất cứ ai được bổ nhiệm chức danh giáo sư hay làm sếp lab nghiên cứu, đều phải được gửi đi học một lớp về hành xử trong chỗ làm việc. Lớp học nếu tôi nhớ không sai có đến 5 môn học, và thí sinh phải thi đỗ tất cả 5 môn với số điểm 80% mới được cho làm việc. Thi rớt thì phải học lại và thi nữa. Tôi còn nhớ một trong những môn học là "sách nhiễu tình dục", trong đó họ đưa ra nhiều tình huống và hỏi học viên phải xử trí như thế nào. Theo những gì tôi học (và đã đỗ) thì câu chuyện trên đây mà em nghiên cứu sinh phản ảnh (nếu thật) thì anh chàng sếp lab có thể xem là đã phạm tội "sách nhiễu tình dục".
Nhưng phần trả lời của Tiến sĩ Alice Huang làm cho giới khoa học ... dậy sóng. Alice viết (và tôi dịch) như sau:
"Mến chào người bị làm phiền,
Đáp: Thử tưởng tượng trong cuộc sống không có người khác phái! Cuộc sống sẽ như thế nào? Sẽ rất buồn chán, phải không? Đấy, muốn hay không muốn, nơi làm việc là một phần của cuộc sống chúng ta.
Đúng là trên nguyên tắc, chúng ta đáng lẽ không được quan tâm đến dục tính trong khi làm việc. Nhưng hành vi mà bạn đề cập đến khá phổ biến trong môi trường làm việc. Có lần một người bạn cho biết rằng anh ta bị xao lãng bởi sắc đẹp của một nữ giáo sư thỉnh giảng. Anh ấy không thể tập trung vào những bài giảng trong seminar của nàng giáo sư ấy. Người hướng dẫn của bạn có lẽ không biết anh ấy đang làm gì.
Luật bình đẳng trong công việc của Mĩ (EEOC định nghĩa sách nhiễu tình dục bất hợp pháp là những sách nhiễu bằng ngôn từ hay thân thể mang dục tính, những yêu sách để có lợi trong tình dục, và những tán tỉnh không được chào đón. Luật EEOC còn viết rõ rằng sách nhiễu được xem là bất hợp pháp khi những hành vi vừa kể xảy ra thường xuyên, làm cho môi trường làm việc trở nên không thân thiện, hoặc sỉ nhục, hoặc gây ra hệ quả là nạn nhân bị mất việc hay bị giáng chức. Tôi không phải là luật sư, nhưng đối với tôi, hành vi mà bạn mô tả có vẻ không phải là bất hợp lệ theo tiêu chuẩn EEOC.
Một vài định nghĩa về sách nhiễu tình dục có khi kể cả những hành vi như nhìn một cách không thích hợp hay nhìn chằm chằm, đặc biệt là những hành vi đó được lặp lại nhiều lần đến độ môi trường làm việc trở nên độc hại. Trong trường hợp của bạn, tình hình đã đến mức độ đó chưa? Tôi không có ý cho rằng những cái liếc mắt đưa tình là thích hợp trong môi trường làm việc -- không, những hành vi đó không thích hợp. Nhưng là con người, chúng ta đến một mức độ nào đó có thể tha thứ -- tôi nghĩ. Chắc chắn là trong thực tế còn xảy ra những chuyện tồi tệ hơn, kể cả những hành vi như mô tả trong luật EEOC. Không ai được dùng vị trí và quyền thế của mình để trục lợi dục tính từ người khác.
Miễn là người hướng dẫn của bạn không tiến thêm các bước khác, tôi đề nghị bạn nên chịu đựng, và nếu có thể, với một chút hài hước. Chỉ cần đảm bảo rằng anh ta lắng nghe bạn và ý tưởng của bạn, tiếp thu kết quả bạn báo cáo, và quan tâm đến nghiên cứu của bạn một cách nghiêm chỉnh. Việc anh ta chú ý đến bộ ngực của bạn có lẽ là không được hoan nghênh, nhưng bạn cần sự chú ý của anh ta vào khoa học và bạn muốn có những lời khuyên của anh ta.
Alice."
Lời khuyên chịu đựng trên đây của Alice đã làm cho nhiều người, đặc biệt là giới nữ trong khoa học, nổi giận. Một nữ giáo sư lập tức thảo một lá thư phản đối gửi cho Tập san Science. Lá thư thu hút hơn 300 chữ kí. Ban biên tập Science thấy tình hình không ổn nên họ rút lời khuyên xuống khỏi website, nhưng phiên bản cache vẫn còn ở đây (1). Khi bà Marcia McNutt, tổng biên tập của Science, được hỏi về lá thư phản đối, bà nói rằng cột "Science Careers" của Science thỉnh thoảng có vài bài "lệch". Bà và ban biên tập đang tìm cách cải tiến trang Science Careers. Cần nói thêm là bà McNutt sẽ trở thành người phụ nữ đầu tiên trong lịch sử Mĩ làm Chủ tịch Viện hàn lâm Khoa học Hoa Kì.
Nếu chỉ là chuyện xảy ra bên Mĩ và chẳng có liên quan gì đến VN thì tôi không bỏ ra thì giờ để dịch và viết cái note này. Tôi viết cái note vì thấy nó rất liên quan đến môi trường khoa học ở VN. Các đại học VN theo tôi biết chưa có những chính sách và qui định về sách nhiễu tình dục, hoặc quyền lợi và nghĩa vụ của nghiên cứu sinh chưa được định nghĩa rõ ràng. Tôi tự hỏi nếu sự việc mà "người bị làm phiền" mô tả xảy ra ở một đại học bên nhà thì trường hợp này sẽ được xử lí như thế nào. Có lẽ người ta chỉ mỉm cười khuyên cô nghiên cứu sinh là "thôi, cố chịu đựng"? Nhưng đó là một lời khuyên không hợp lí.
Bài học là các bạn nam, dù là nghiên cứu sinh hay giáo sư, rút ra là: cần phải cẩn thận với nữ giới. Đừng nhìn ngực người ta chằm chằm. Đừng có nhìn người ta lâu quá (nhưng nhìn bao nhiêu giây thì tôi không có câu trả lời). Không được khen người ta đẹp (nhưng khen 1 lần chắc ok). Không được nói gì để họ xem là tán tỉnh hay không có hành vi gì để họ diễn giải là liếc mắt đưa tình. Ôi, cuộc đời này sao mà phức tạp thế!
===
0 nhận xét:
Đăng nhận xét