Con cái được cha mẹ sinh ra luôn nhớ ơn công lao sinh dưỡng của cha mẹ, chỉ mong bậc sinh thành sống mãi để mình được yêu thương, đền đáp. Điều đó quá đúng. Nếu ai cũng vậy thì xã hội loài người đẹp biết chừng nào.
Cuộc sống có quy luật tự nhiên, bàn tay và ý chí con người dù có cố mấy cũng không thể can thiệp bắt nó đổi thay hoàn toàn được. Cái này sinh ra thì cái kia mất đi, mới thay cho cũ, có sinh có diệt, có thịnh có suy, có nương dâu bãi bể... Làm gì có thứ vật chất (và cả tinh thần nữa) tồn tại vững bền, mãi mãi. Đến ông mặt trời kia, có tự bao giờ không ai biết, cứ tưởng tồn tại vĩnh hằng nhưng liệu sau bao nhiêu triệu năm, mỗi ngày tự đốt cháy, hao hụt cả tỉ tấn vật chất, liệu có tồn tại mãi không? Mong muốn, khát vọng là một chuyện, còn sự vận động của cuộc sống theo quy luật lại là chuyện khác. Đừng hàm hồ, duy ý chí, cố tình, ngu dốt bắt cuộc sống phải tuân theo ý mình. Mớ ngôn từ “đời đời bền vững, muôn năm, sống mãi, bất diệt” chỉ nhằm tự ru ngủ, đánh lừa mình và người khác thôi.
Hồi những năm 80, mỗi lần ra Bắc vào Nam bằng xe lửa, khi qua vùng Bỉm Sơn xứ Thanh, nhìn qua ô cửa sổ nhợt nhạt của toa tàu cũ nát, tôi lại thấy dòng chữ bê tông đồ sộ, có lẽ cao đến hơn một mét trên nóc nhà máy xi măng Bỉm Sơn: “Tình hữu nghị Việt Xô đời đời bền vững”. Lúc ấy bộ máy tuyên truyền của nhà nước chả cần phải rêu rao như bây giờ, bởi ai cũng tin như vậy. Năm 1991, Liên Xô tan rã, dù muốn dù không cũng làm câu khẩu hiệu hoành tráng kia mất đi một vế, sự bền vững chỉ còn một phần hai, và “đời đời” tất nhiên là không thể. Cũng những năm đó trở về trước, đi đâu người ta cũng thấy, nhất là trong những hội trường trụ sở cơ quan, trong những dịp lễ lạt kỷ niệm cái câu lộng ngữ như một thứ tuyên cáo chắc nịch: “Chủ nghĩa Mác - Lênin bách chiến bách thắng vô địch muôn năm”. Quả thật, đứa nào nghĩ ra câu này, mà lại phổ cập được nó ra toàn xã hội, là đứa ghê gớm. Đã bách chiến bách thắng, lại còn vô địch, lại còn muôn năm, đến núi Thái Sơn cũng phải thua về sự bền vững, thách thức thời gian. Đá có thể mòn, chứ chủ nghĩa Mác - Lênin mà họ tôn thờ thì không bao giờ suy suyển mảy may được. Chỉ có điều, đùng một cái, thiên hạ vứt nó vào sọt rác không thương tiếc, giờ may ra nó chỉ còn hấp hối mỏng manh ở vài nơi, trong đó có xứ này.
Người cộng sản lúc nào cũng tự nhận là duy vật, họ tôn thờ vật chất nhưng chính họ lại là những kẻ duy tâm nhất. Cũng chả khác gì mấy anh vô thần nhưng cả đời bị ám ảnh bởi ma quỷ. Có thể họ không có chút lòng tin nào nhưng cứ phải gào lên “muôn năm”, “sống mãi trong sự nghiệp của chúng ta”, ít nhất cũng đánh lừa được những kẻ dại khờ hoặc bọn cơ hội.
Tôi nhớ lâu rồi có đọc cuốn truyện của nhà văn Lê Văn Trương. Về nhà văn này, xin nói thêm, ông là một cây bút nổi tiếng giai đoạn trước năm 1945, viết cực khỏe. Các thầy giáo dạy tôi từng bảo rằng trong số nhà văn trước 45, không ai sung lực bằng Lê Văn Trương, đầu sách ông viết cao hơn cả đầu người. Chỉ tiếc rằng, chả hiểu do mối thâm thù nào, chế độ miền Bắc suốt từ 1954 đến 1975 và cả sau này nữa đã loại Lê Văn Trương khỏi nền văn học nước nhà, không nhắc đến, không giới thiệu tác phẩm của ông, họ chỉ lôi ông ra khi cần phê phán, đấu tố, họ bảo văn chương của ông rẻ tiền, chuộng xây dựng nhân vật người hùng cá nhân. Chủ nghĩa anh hùng cách mạng của họ không ưa thứ người hùng kiểu đó. Sách giáo khoa, từ lớp 1 đến lớp 10 chưa bao giờ trích dẫn tác phẩm của Lê Văn Trương. Ông có người con trai là Mạc Lân (Lê Văn Lân), một chiến sĩ quyết tử quân thành Hà Nội, từng là phóng viên báo Tiền Phong, năm 1968 bị chính quyền cộng sản bắt đi tù cùng với nhiều người khác như Bùi Ngọc Tấn, Tuân Nguyễn, Trần Châu... bởi bị vu cho là xét lại chống đảng.
Quay trở lại câu văn của Lê Văn Trương. Ông viết: “Thì chúng ta sống đây ai không chết dần. Chỉ có bọn ngu si chúng mới tưởng cuộc đời là vĩnh viễn, chỉ tham lam tàng trữ, cơ hồ như giữ mãi mãi được những thứ mà chúng bóc lột của người khác và truyền vạn đại cho con cháu”.
Tôi đọc câu này mà khiếp, bởi cứ nghĩ Lê Văn Trương không phải nói về thời ông ấy mà về thời chính tôi đã và đang sống.
22.7.2015
Nguyễn Thông
0 nhận xét:
Đăng nhận xét