Cafe và trà

Café ở Huế

Huế là nơi có nhiều quán café đẹp với phong cảnh hữu tình, hương vị café cũng đậm đà rất hợp với khí trời lành lạnh và mưa dầm rả rích mỗi dịp đông về. Những lúc nắng lên, cây lá mướt một màu xanh sà qua mái phố, lẫn với muôn sắc màu của hoa và nước sông thăm thẳm xanh ngắt mây trời khiến lòng thêm thèm những phút giây tĩnh lặng ngồi nghe nhạc và uống nước, thả hồn trong không gian mộng ảo của đất kinh kỳ.

Tôi nhớ những ngày xưa – cái thời đi học vẫn cùng bè bạn ngồi ở café Sông Xanh, Lộng Gió, Cây Si, Cũng Đành, Nhạc Hoa Viên… Cũng Đành là một quán café giữa hồ hoa súng với không gian rất rộng, để đến đó phải đi một quãng đường dài qua cánh đồng xanh rì và ngạt ngào hương lúa lúc vào mùa. Có lẽ vì thế mà quán có tên là Cũng Đành chăng – vì đến đó, hẳn là ai cũng thốt lên hai từ ấy mà thôi? Lộng Gió thì nằm ngay trung tâm, ngồi đây mà không cột tóc thì gió sông Hương thổi lên lồng lộng sẽ làm rối tung đi mất. Giới học sinh – sinh viên hay vào đây có lẽ cũng vì gần trường, bởi trên con đường Lê Lợi có nhiều trường học. Chồng tôi trong một lần cùng tôi về Huế và đi uống café ở chốn này chợt nói rằng thảo nào mà người Huế lãng mạn thế, bởi cảnh sông nước cỏ cây thơ mộng và thi vị vô cùng. Cây Si thì nằm ngay bên hông trường Quốc Học – ngôi trường mà tôi đã học suốt ba năm từ 1991 đến 1994 – nên tôi chẳng thấy xa lạ gì. Ở đây có một cây si cổ thụ rất to, không biết có phải là nơi hẹn hò của các mối tình hoa niên giữa hai ngôi trường nổi tiếng nằm sát bên nhau là Quốc Học và Hai Bà Trưng (trước kia là trường nữ sinh Đồng Khánh)? Sông Xanh là điểm thường xuyên ghé chân của chúng tôi những năm đại học. Nằm giữa vườn cây xanh mát ven sông, nhìn sang bờ bên kia là thôn Vỹ Dạ với “nắng hàng cau nắng mới lên” và cả “vườn ai mướt quá xanh như ngọc – lá trúc che ngang mặt chữ điền” đã đi vào thơ Hàn Mặc Tử. Còn Nhạc Hoa Viên – tôi vừa mới trở lại nhưng dường như không tìm lại được không gian của ngày xưa ấy, có lẽ vì tôi đến vào buổi tối. Ngày xưa, mỗi lần có dịp đi ngang hoàng thành, men theo con đường 23-8 rợp bóng xà cừ và sân cỏ “Cột Cờ” mà nhiều nghệ nhân vẫn đem diều ra thả mỗi buổi chiều trước Đại Nội, tôi cùng bè bạn vẫn ghé vào Nhạc Hoa Viên nghe nhạc Trịnh, uống nước và ngắm tượng nghệ thuật trong một không gian rất “đẹp và thơ”. À, quên nữa, tháng 4 tạt qua công viên Tứ Tượng, ngồi café Sơn mà ngắm hoa ngô đồng thì còn gì bằng.

Một quán café nữa cũng rất đặc sắc là Hoàng Phương ở đường Chi Lăng. Nơi đây mà đến muộn thì thường không có chỗ, nhưng đã đến rồi thì nhớ mãi bởi "ánh trăng đọng trên mặt nước" như câu hát của Nguyễn Duy về sông Danube xanh. Quán nhỏ, nằm ven dòng Hương Giang, có một vị thế mà nhiều họa sĩ khẳng định là nơi ngắm trăng đẹp nhất Việt Nam, và café cũng rất ngon. Còn nữa, đến Thủy Trúc Viên, ngồi trong gian nhà gỗ mà nhìn ra sông Ngự Hà thì cũng thấy lòng xa vắng lắm.

Lần này về Huế, ngay buổi sáng vừa từ sân bay về nhà, tôi cùng cô bé đồng nghiệp đi uống nước ở Vỹ Dạ Xưa. Đây quả là một không gian “rất Huế”, nằm ngay giữa vùng Vỹ Dạ như một nét duyên thầm níu chân khách đường xa, với nhà rường cổ kính, rất nhiều lá hoa và cả liễu rủ bên cầu. Nhân viên phục vụ mặc áo dài đi lại thướt tha, cung cách cũng nhẹ nhàng dịu ngọt.

Chúng tôi còn lên sân thượng khách sạn Emperior ngồi uống nước. Viết về café Huế thì có lẽ không nên đề cập đến chốn này, bởi sự sang trọng và cách phục vụ rất Tây của một khách sạn 5 sao khiến ta có cảm giác đang ở Sài Gòn hơn, nhưng cái hay là từ đây ngắm Huế về đêm rất đẹp. Khi thành phố lên đèn, sông Hương chảy một dòng lấp lánh với ánh sáng những ngọn đèn từ hai bờ và cầu Tràng Tiền rọi xuống trông như những ánh sao.

Đến Huế mà không thưởng thức vài quán café Huế thì chuyến đi sẽ mất bớt một phần hồn. Tin tôi đi, cảnh sắc và vị café Huế sẽ luôn đọng lại nếu một lần đã ghé qua.

Thưởng thức trà đạo

Uống trà cũng là một thú vui tao nhã của người dân đất kinh kỳ. Các trà đình ở Huế thường có không gian hoài cổ, cảnh sắc nên thơ, trà ngon và nghệ thuật pha tra, thưởng thức trà cũng không kém phần thú vị. Trà đạo được xem là một "môn khoa học" giản dị mà tinh tế. Trà cũng có nhiều công dụng tốt cho sức khỏe và sắc đẹp.

Chúng tôi đến với trà đình Vũ Di - một trong những điểm thưởng thức trà nổi tiếng ở đất cố đô - vào một buổi sáng khá oi bức sau khi ghé chơi đồi thông Thiên An thơ mộng. Vào đây chợt thấy tâm hồn thư thái hẳn. Trà đình nằm trong khu vườn cảnh rộng gần 2000m2, ẩn mình dưới rừng thông xanh mướt. Nơi uống trà là những chiếc đình bằng gỗ nâu bóng, bên trong có nhiều bức thư pháp và những chiếc sập gỗ nhỏ để ngồi bệt uống trà như người Nhật Bản. Từ chỗ uống trà nhìn xuống là hồ cá bơi lượn tung tăng và rất nhiều hoa lá.

Vũ Di có nghĩa là mưa bay. Ngồi trong gian nhà gỗ mà ngắm mưa lất phất trên đồi thông thì rất tuyệt. Hôm chúng tôi đến thì trời nắng. Chúng tôi được hướng dẫn cách tráng ấm, pha trà, lọc trà, các loại trà cụ, và đương nhiên là cả cách thưởng thức trà từ khâu ngửi đến uống. Uống trà là phải nhấm nháp để hương vị thấm vào bên trong chứ không phải uống ừng ực như bia. Có rất nhiều loại trà: hồng trà, thanh trà, bạch trà, lục trà, hoa trà... Trà cụ cũng được làm bằng nhiều chất liệu: gốm, sứ, thủy tinh. Dùng kèm với trà có hạt bí tẩm trà xanh, mứt sen và bánh đậu xanh (loại dùng riêng để uống trà chứ không phải thứ bánh đặc sản Hải Dương). Tôi cực kỳ ấn tượng với hạt bí tẩm trà xanh. Hương vị của nó thật đặc biệt, thơm ngon độc đáo vô cùng. Tôi muốn mua thật nhiều để làm quà nhưng tiếc rằng vào dịp lễ, du khách mua quá nhiều nên quán không đủ bán.
  

Dĩ nhiên, ngoài trà là thức uống chính, nơi đây còn có café và các loại nước giải khát khác., mà đặc sắc nhất là café pha sữa dê. Uống trà xong, có thể đi vòng quanh vườn chụp hình kỷ niệm vì cảnh sắc nơi đây khá đẹp, và xem các sản phẩm được trưng bày hoặc mua về làm quà. Trà cụ khá cầu kỳ cả về kiểu dáng và chất liệu với hàng trăm loại khác nhau. Tôi tự hỏi có ai sành điệu tới mức sắm cho đủ bộ sưu tập trà cụ ở đây nhỉ?


Share on Google Plus

About Unknown

Bài viết này được chia sẻ bởi Unknown.
    Blogger Comment
    Facebook Comment

0 nhận xét:

Đăng nhận xét