Hồi ức về những người thầy

Trong quãng đời cắp sách ta đã học qua bao nhiêu thầy cô? Bây giờ ngồi điểm lại, tôi vẫn còn nhớ như in tên các thầy cô giáo chủ nhiệm và bộ môn của từng lớp từ mẫu giáo đến khi tốt nghiệp đại học. May mắn làm sao ký ức về những người thầy trong tôi thường là những ký ức đẹp, có lẽ vì tôi đã được học một thế hệ thầy cô tâm huyết với nghề và giàu tình yêu thương. Tôi sẽ kể dần về họ, vừa là để nhớ lại một thuở cắp sách đến trường, vừa để gửi chút tri ân nhân ngày nhà giáo.

NGƯỜI THẦY CỦA 22 NĂM VỀ TRƯỚC

Có lẽ suốt cuộc đời này tôi không thể nào quên được hình ảnh một người thầy của hơn 20 năm về trước: nghiêm khắc, tận tụy và yêu nghề. Ở lứa tuổi lên mười, chúng tôi không chỉ được học thầy rất nhiều kiến thức (cả trong sách vở lẫn giữa đời thường) mà còn được rèn luyện nhiều kĩ năng sống: cách cư xử với mọi người; cách phản ứng trước những tình huống bất ngờ; cách lập kế hoạch học tập, sinh hoạt và vui chơi; cảm nhận riêng của bản thân về thế giới xung quanh; tìm hiểu những mẩu chuyện đông tây kim cổ và cả những kiến thức khoa học thường thức… Mỗi lần nghĩ về tập thể lớp 5/1 ngày ấy, tôi lại thấy mình may mắn vì đã có một năm học đầy kỷ niệm, một tuổi thơ sôi động và vui tươi.

Chúng ta tạo dựng cuộc sống

Thầy vẫn hay nói như vậy, nhấn mạnh tinh thần chủ động và tư duy độc lập. Cũng vì lẽ đó mà thầy rất tích cực tổ chức các chuyến đi chơi để chúng tôi khám phá thế giới xung quanh. Chuyến đi đầu tiên năm tôi học lớp 5 là tham quan đồi thông Thiên An. Đồi thông cách trường học của tôi 6 cây số, và cả lớp… đi bộ đến đó. Đi khoảng một tiếng thì đến nơi, không hề thấy mệt tí nào mà lại rất vui. Vui vì cả lớp vừa đi vừa kể chuyện, vui vì trên đường đi thầy bảo dừng lại một số điểm nghe thầy giải thích: ví dụ đến đàn Nam Giao, thầy sẽ kể lai lịch của nó và cho biết vua quan triều Nguyễn dùng đã đàn Nam Giao để làm gì, hay thầy chỉ cây lá ven đường và nói quả này là quả mâm xôi, cây kia là cây dương xỉ… Đến nơi, cả lớp nghỉ chân bên hồ Thủy Tiên lấp lánh ánh nắng, thầy bảo mỗi người viết lại cảm nghĩ của mình. Sau đó là những trò chơi tập thể hết sức vui nhộn.

Cả lớp tôi rất thích học thầy. Hôm nào thầy không dạy được, người khác dạy thay là buổi học đó buồn hẳn đi. Sau mỗi buổi học thầy hay kể chuyện Bao Công, chuyện Địch Thanh… và rút ra những bài học nho nhỏ trong cuộc sống.

Trong suốt năm học ấy cả lớp tôi còn được đi chơi rất nhiều điểm nữa: lăng tẩm, chùa chiền, các chuyến dã ngoại… Nhớ nhất là chuyến đi Nghĩa trang Liệt sĩ Trường Sơn 2 ngày vào cuối năm học khi đã thi học kỳ xong. Chuyện này tôi cũng đã kể trong một entry khác, nay nhắc lại. 11 tuổi, không phải phụ huynh nào cũng “thả” con đi chơi hơn trăm cây số đến vùng xa xôi hẻo lánh, vậy mà năm ấy lớp chúng tôi đi rất đông, nhiều bạn khác trong trường cũng xin theo. Chuyến đi được thầy thông báo từ đầu năm học. Thầy bảo những ai muốn đi thì tập hợp thành các nhóm, mỗi nhóm 3 người để… nuôi gà. Thật kỳ lạ phải không? Nhưng thầy bảo, những con gà ấy sẽ do chính chúng tôi chăm sóc và dùng làm thực phẩm cho chuyến đi. Ba người trong nhóm sẽ phân công như thế này: một người cung cấp một con gà con, một người góp gạo và một người nuôi. Còn nhớ nhóm của tôi năm đó gồm tôi, Thúy Lam và Hương Giang. Mẹ Thúy Lam cho một chú gà con xinh xắn, tôi góp gạo và để gà nuôi ở nhà Hương Giang. Cuối năm học, tất cả những con gà của các nhóm đã lớn, thầy gửi cho một nhóm làm bếp chế biến sẵn để cả lớp mang theo. Chuyến đi năm ấy thật vui. Tôi hiểu thế nào là gió Lào cháy bỏng của vùng đất Quảng Trị, tôi được lội suối, trèo rừng, tiếp xúc với đồng bào dân tộc thiểu số, xem những em bé ngủ say trên lưng mẹ khi lên nương, tận mắt nhìn thấy đường Trường Sơn lịch sử... Đêm hội trại mọi người đốt lửa, có một chị học sinh cũ của thầy đi theo đoàn biểu diễn đàn tranh, mọi người ca hát, vui chơi và kể chuyện, sau đó chén thịt gà, cảm giác ngon kinh khủng. Nhưng hình ảnh lắng đọng lại nhiều nhất trong trái tim non nớt của tôi lúc ấy có lẽ là những giọt nước mắt của cô hiệu phó và con gái rớt xuống từng tấm bia khi không tìm được mộ người chồng, người cha đã ngã xuống ở chiến trường Bình Trị Thiên năm xưa.

Bài học về sự tự tin

Có một câu chuyện rất nhỏ, lẫn lộn trong những câu chuyện nhỏ hằng ngày mà sao tôi nhớ vô cùng. Có một lần, thầy ra một bài toán với hai đáp án và bảo học sinh chọn đáp án đúng.

Thầy gọi M.H. – một bạn học lực không được khá lắm – và bảo đưa câu trả lời. Khi M.H. trả lời đúng, thầy nghiêm giọng (gần như quát): “Chắc không?”

Cô bạn lúng túng, ngay lập tức sửa lại câu trả lời. Thực ra bài toán không khó, rất nhiều người trả lời được nhưng sau câu nói của thầy thì đâm ra hoang mang. Lúc bấy giờ thầy mới từ tốn nói: “Câu trả lời đầu tiên chính là câu trả lời đúng. Tại sao lại bị lung lạc vì ý kiến chủ quan của người khác? Nếu chúng ta tin chắc rằng mình đúng thì hãy khẳng định chính kiến của mình. Không kiêu căng, không tùy tiện, nhưng phải biết tự tin vào bản thân.”

Có lẽ trên đường đời cũng có lúc thấy lòng dao động, nhưng lời dặn của thầy năm xưa khiến tôi luôn ghi nhớ trong lòng: “Phải tự tin vào bản thân”.

22 năm đã trôi qua với nhiều năm xa nhà, tôi vẫn không quên người thầy già tóc bạc có tấm lòng bao la. Ngày xưa, vào dịp 20/11 và lễ tết, tôi vẫn thấy những người học trò đã lập gia đình, có con lớn gần bằng chúng tôi vẫn đến thăm thầy giáo cũ, chỉ là để hỏi thăm sức khỏe, uống chén trà nóng và ôn kỷ niệm xưa. Tôi hiểu tấm lòng người thầy đã mãi mãi khắc sâu trong tâm trí họ: giản dị mà đầy yêu thương. Bây giờ thầy tôi đã ngoài 70 tuổi rồi. Bạn bè tôi ở Huế thỉnh thoảng vẫn đến thăm thầy, những đứa ở xa như tôi chỉ biết gửi gắm những lời tri ân và tự nhủ lòng: “thầy ơi, chúng con đã thực sự lớn lên từ thuở ấy”.

LẤP LÁNH NHỮNG TRANG VĂN

Văn là sáng tạo

Cô giáo chủ nhiệm tôi năm lớp 6, đồng thời dạy văn lớp tôi năm lớp 6 và lớp 7 cũng để lại trong tôi những kỷ niệm khó quên.

Nhà cô giáo rất nghèo, nghèo đến mức thuở đó tôi chưa từng được chứng kiến ai nghèo như vậy, dù chồng cô là một người có gốc gác hoàng tộc. Nhưng khi cô đứng trên bục giảng, chúng tôi chỉ thấy đó là một phụ nữ hiền dịu và mạnh mẽ, có giọng nói miền Nam ngọt ngào, ấm áp và lối giảng văn rất cuốn hút. Chính cô và cả thầy Duy (thầy chủ nhiệm năm lớp 5 mà tôi đã đề cập ở trên) là người đã thổi vào tâm hồn chúng tôi những trang văn đẹp đẽ, lối suy nghĩ sáng tạo, không sáo mòn và cả những ước mơ bay bổng. Các nhân vật văn học qua ngòi bút của chúng tôi trở nên có sắc màu riêng, và cô đặc biệt đề cao những cảm nhận riêng đó. Cô có một đứa con trai học cùng lớp chúng tôi những năm cấp II. Tôi còn nhớ ngày xưa bạn bè trong lớp vẫn ghép đôi tôi với cậu bạn đó, đơn giản chỉ vì cô hay gọi tôi phát biểu trong giờ học. Cô cũng thường xuyên tổ chức cho cả lớp đi tham quan. Có một lần chúng tôi đi chơi lăng Tự Đức bằng xe đạp, cô bạn chở tôi đã thắng xe quá đột ngột khi xe lao xuống dốc làm cả hai đứa ngã nhào xuống đường, trầy xước hết chân tay mặt mũi. Cô đã đến tận nhà chúng tôi tìm gặp ba mẹ để nói lời xin lỗi, mặc dù lỗi là ở đứa bạn tôi đã không nghe theo lời hướng dẫn của cô.

Cô có một lối dạy học tự nhiên và độc đáo khiến chúng tôi rất thích, có lẽ không bị bó buộc vào một sách hướng dẫn nào cả. Sau mỗi tác phẩm văn học, chúng tôi được đề nghị kể lại câu chuyện theo cách riêng của mình, qua đó thực hành luôn kỹ năng “nói trước công chúng” . Chúng tôi cũng được khuyến khích vẽ lại những bức tranh theo tưởng tượng riêng sau khi học văn – những bức vẽ không nhất thiết phải quá trau chuốt và đẹp đẽ nhưng phải có hồn và có ý để người xem có thể “cảm” và “tưởng”.

Văn là cuộc sống

Nói chuyện văn chương tự nhiên như hơi thở, đó là cô Lan Phương dạy văn tôi năm lớp 9. Thực ra cô chỉ dạy tôi trong một thời gian rất ngắn, vì cô không giảng chính thức ở lớp mà chỉ tham gia giảng cho đội tuyển HSG. Tôi còn nhớ cô có lối giảng Kiều rất lạ với giọng Bắc truyền cảm, thậm chí đem cả tác phẩm sân khấu của nghệ sĩ Bạch Tuyết ra phân tích và tôi thừa nhận cô nói thật hay dù tôi cực ghét xem cải lương. Có lẽ hiếm thầy cô giáo nào lớn tiếng “Kiều là một con điếm” ngay trên bục giảng như cô, vậy mà cô vẫn có cách làm cho nhân vật của mình đẹp đẽ hơn, lung linh hơn. Tác phẩm Truyện Kiều được đem ra mổ xẻ trong nhiều khía cạnh của cuộc sống, từ những hình ảnh rất đời thường được nhân cách hóa để gửi gắm ngụ ý sâu xa. Lên lớp 10, có một lần cùng bạn ra chợ mua thức ăn, đang đứng giữa mấy hàng rau thì ai đó vỗ vai tôi. Tôi quay lại thì thấy cô cũng xách làn đi chợ. Cũng không ngờ là cô còn nhớ rõ tôi như thế. Cô trò chúng tôi kéo nhau vào một góc, cùng nhau bình luận hình ảnh nhân vật chính bấm chuông ở cuối bộ phim “Khát vọng” như muốn mở ra một cánh cửa mới của cuộc đời.

“Văn là cuộc sống”. Tôi cũng nghĩ như cô. Nếu cuộc sống không có văn chương, hẳn là sẽ tẻ nhạt lắm.

Văn là người

Văn là người, vì thế hãy thận trọng với từng nét bút đặt xuống. Tất cả các thầy cô giáo đã từng dạy văn tôi, dù là dạy chính khóa hay dạy đội tuyển, đều gửi gắm đến học trò thông điệp đó. Ngày ấy, cuộc sống khó khăn biết bao nhiêu. Các thầy cô giáo ngoài giờ lên lớp vẫn phải làm đủ thứ việc để kiếm thêm thu nhập, nhưng tôi vẫn bắt gặp đâu đó giữa đời thường những tâm hồn rất lãng mạn. Cô giáo Quỳnh dạy đội tuyển Văn 12 của tôi có cả một bộ sưu tập hoa lá ép khô đầy chất nghệ thuật. Những tác phẩm của cô mang sắc màu cuộc sống vô cùng sinh động, là nơi gửi gắm tâm tình và hồn thơ. Ngày còn học cô, chúng tôi được xem tận mắt những tác phẩm ép công phu và nghe cô giảng về “công nghệ” ép hoa lá, dù không nhớ lắm. Sau này ra trường rồi, đọc những bài báo giới thiệu cô là người làm tranh bằng hoa lá khô đầu tiên ở VN, rồi xem những triển lãm tranh của cô ở mọi miền đất nước, lại thấy nhớ ngày xưa ngồi ở một căn phòng tầng 2 bên dãy phải trường Quốc Học, nghe lời cô giảng trong mê say, quên cả một mảng trời hồng của hoa điệp anh đào mùa xuân ngoài cửa sổ.

“Văn là người”. Không biết cô Thanh Quế - giáo viên văn và chủ nhiệm đội tuyển Văn 12 của tôi nghĩ gì khi đọc những bài viết của tôi mà bảo rằng: “Sau này N. hợp nhất là nghề sư phạm”. Thế nhưng cuối cùng tôi đã không theo nghề sư phạm, một chút lỗi hẹn với cô chăng? Cô từng cầm bàn tay tôi và các bạn để đoán “số phận” từng đứa. Cô nói về tính cách và định hướng của chúng tôi khá chính xác. Cô biết xem bói ư? Không, cô bói từ những trang văn.

“Văn là người”. Thế nên một thuở học trò chúng tôi được tự do sống với những yêu ghét của mình, được phán xét tác phẩm là hay, là dở theo cảm nhận riêng mà không sợ bị điểm thấp. Bây giờ, nghe những câu chuyện về “bài văn mẫu”, về cái sự bon chen thành tích khiến những trang văn của trẻ nhỏ trở nên gò bó, rập khuôn, tôi lại nhớ về những người thầy cô giáo năm xưa. Họ đã dạy tôi rằng văn là người, mà mỗi người mỗi bản sắc, mỗi cá tính, có thế mới tạo ra nét đẹp riêng của bản thân mình.

TOÁN HỌC: SÁNG TẠO HAY TƯ DUY?

Tôi muốn viết về một người thầy đã dạy toán tôi cả ba năm lớp 10, 11 và 12: thầy N.V.D.

Thực ra, trước khi học chúng tôi đã biết tiếng thầy qua… con thầy (không phải là con thầy kể chuyện về thầy, mà lũ học trò vẫn biết đến thầy như người cha của cô con gái học giỏi). Con gái út của thầy học cùng khóa với tôi – một cô bạn chuyên Toán đẹp người, đẹp nết, học giỏi, khi chúng tôi học lớp 9 thì bạn là học sinh danh dự toàn tỉnh. Sau này tôi mới biết là tất cả các con của thầy dù trai hay gái đều học giỏi, đoạt nhiều giải thưởng quốc gia và quốc tế. Thầy cũng là một thầy giáo giỏi chuyên môn và còn viết sách. Điều mà tôi học được nhiều nhất ở thầy, ứng dụng cho đến ngày nay, có lẽ “think outside the box” (suy nghĩ vượt ra ngoài khuôn khổ), mà điều này thể hiện rõ nét nhất ở môn hình học không gian. 


Thầy có lối sống giản dị, thương học trò như con và tâm huyết với nghề. Nhà thầy ở tầng II một khu chung cư cũ gần dốc Phú Cam. Cũng từ dãy nhà này năm xưa, Trịnh Công Sơn hàng ngày vẫn nhìn bóng Diễm thướt tha đi về dưới hàng cây long não mà viết những dòng nhạc đi vào lòng người, và là nơi Hoàng Phủ Ngọc Tường ấp ủ những trang văn. Cho đến những năm đại học, chúng tôi trở về thăm thầy nhân ngày nhà giáo, vẫn thấy vợ chồng thầy sống hạnh phúc ở căn nhà cũ đó, còn những đứa con đã đi làm, đi học tận trời Tây. Những ngày dạy chúng tôi, thầy bị viêm xoang. Mùa đông đến kéo theo mưa dầm và gió buốt là lúc cái “mũi Tây” của thầy bị hành hạ. Anh chàng Bí thư Chi đoàn lớp tôi mê con gái thầy (dù không cùng lớp vì cô kia học chuyên Toán), ngồi trong giờ học cứ vẩn vơ viết ba với con, nhưng hắn luôn là đứa giỏi toán nhất lớp nên vẫn được thầy cưng.

Thầy không có lối giảng hấp dẫn, thậm chí bị đánh giá là khô khan, nhưng lời giảng sâu và đặc biệt luôn thách thức học trò phải suy nghĩ. Lớp tôi thiên về tự nhiên nên nhiều bạn giỏi toán, thầy cũng đòi hỏi cao hơn các lớp khác. Chúng tôi học toán với tinh thần “toán học là tư duy”.

Thầy lại bảo toán học còn là sáng tạo. Tính cách thầy không bay bổng, nhưng thầy lại khuyến khích những lời giải hay và giàu óc tưởng tượng, bởi lẽ toán học không đơn giản chỉ gói gọn trong những con số. Thế hệ chúng tôi học công thức toán qua những câu thơ cho dễ nhớ, và tìm niềm đam mê toán qua âm nhạc. Sau này tôi phát hiện ra những người có tư duy âm nhạc cũng thường có tư duy toán học.

Tôi thừa nhận toán học đòi hỏi cả sáng tạo lẫn tư duy.

Thầy cho điểm khá khắt khe. Lớp chúng tôi thi đại học, không ít bạn đạt điểm 9, điểm 10 môn Toán, nhưng kiếm được điểm 7 của thầy trong bài kiểm tra ở lớp thì thật là “chua”. Có lẽ chịu khổ quen nên đến các cuộc thi học kỳ dùng đề chung toàn trường, lớp chúng tôi làm khá dễ dàng.

Rồi một buổi chiều bắt đầu thoáng chút se lạnh đầu mùa và gió thổi những chiếc lá tung bay trên vỉa hè, ngồi trong văn phòng mát dịu ở lầu 5 nhìn ra trời Sài Gòn trong veo màu nắng, chợt lòng rưng rưng nhớ về một màu nắng rất xưa bên ô cửa phòng 18, hắt cả lên cặp kính trắng và khiến cả nét phấn vẽ hình học không gian trên bảng xanh cũng nhuộm màu vàng mơ. Sao nhớ quá một thời cắp sách, ngồi đố vui qua những ẩn số phương trình.
18.11.2008 
Share on Google Plus

About Unknown

Bài viết này được chia sẻ bởi Unknown.
    Blogger Comment
    Facebook Comment

0 nhận xét:

Đăng nhận xét