Thời hoa mộng

(Tặng những ai đã một thời dưới mái trường Quốc Học)

Năm tháng dẫu trôi đi, trong ký ức mỗi người ai chẳng lưu luyến một thời hoa mộng?

18 năm về trước, tôi đón sinh nhật tuổi 15 bằng lễ khai giảng ở một ngôi trường hồng bên dòng sông Hương – ngôi trường mà mãi đến những năm sau này tôi vẫn không thể quên tuổi hoa niên đẹp đẽ dưới tán cây xanh và trên những con đường xao xác lá; ngôi trường rộng và đẹp luôn vương vấn nơi tận cùng nỗi nhớ, làm thức dậy bao kỷ niệm xưa.

Ôi chao là nhớ…


Tôi nhớ những cây cổ thụ rợp mát sân trường buổi chào cờ để đám học trò không bị nắng; nhớ những cây bàng chạy dài trên lối nhỏ với đám quả khô lăn lông lốc và thảm lá đỏ vàng mỗi độ thu sang. Bao quanh bốn phía khu nhà chơi là những tán phượng già với vòm hoa rưng rưng màu lửa cháy; và những vườn xoài, bưởi, mít… râm ran tiếng ve mà từ ngoài đường nhìn vào đã thấy bát ngát một màu xanh.

Tôi nhớ cái sân vận động to và rộng của trường tôi – nơi chúng tôi cổ vũ các nam sinh đá bóng với bao cảm giác hồi hộp và hân hoan, nhưng cũng là nơi lũ học trò đến khốn khổ vì những vòng chạy bền quanh đó vào giờ thể dục. Tôi còn nhớ mảnh vườn sinh vật học với những buổi lao động đầy kỷ niệm, mà cái kỷ niệm vui nhất là đám ma quỷ tinh nghịch chúng tôi đã bảo vệ tư tưởng "nhổ cỏ không nhổ tận gốc" khiến thầy chủ nhiệm cũng phải bật cười.

Tôi nhớ những dãy hành lang dài hun hút, mà ở Huế, có nhiều lối đi nhỏ như thế, dài hun hút như thế "cho mắt em sâu". Những dãy hành lang ấy được bao kín chỉ trừ ra mấy ô cửa sổ, nên dẫu trời có đổ nắng to thì cũng chỉ có vài vạt nắng lung linh ngoài cửa lớp, chưa đủ sức tràn vào căn phòng mát dịu, mà sóng sánh bên cửa kính, đọng lại thành màu "nắng thủy tinh". Phòng học nào ngoài gian chính để học cũng có thêm một gian phụ - nơi chúng tôi vẫn trốn thầy giám thị những hôm không mặc đồng phục, nơi chúng tôi tụ tập nhìn ra mảnh sân sau đầy lá và bàn tán đủ thứ chuyện trên đời, cũng là nơi chúng tôi đã đứng co cụm trong góc lớp, lo lắng nhìn những tấm cửa kính rung bần bật rồi vỡ tan, những cành bằng lăng gãy nát và thảm hoa tím đẫm nước tơi tả đến xót lòng trong cơn lốc kèm mưa đá đầu mùa hạ 1993.

Nhưng nhớ nhất, có lẽ vẫn là những hàng cây điệp anh đào đem đến cho Quốc Học cả một khoảng trời hồng xao xuyến làm bay bổng những ước mơ – màu hoa đã tạo thành bản sắc mà không ngôi trường nào có được, để lại nỗi nhớ đến nao lòng trong tâm hồn người đã đi xa. Mỗi độ tháng 2 về, sân trường lại đầy cánh hoa rơi – những thảm hoa quét rồi lại rụng, vương vấn dưới chân đi khiến những mối tình học trò càng thêm thi vị.

Tôi tin rằng đã là học sinh Quốc Học thì dù theo khối tự nhiên, ít nhiều trong mỗi người đều có chút lãng mạn, mà cái sự lãng mạn ấy cũng đầy chất Huế: sâu sắc, trong trẻo và nhẹ nhàng. Mà không lãng mạn sao được, khi mỗi buổi học nhìn qua khung cửa sổ là bắt gặp cả sắc mây hồng. Những hôm mưa bụi rơi, cánh hoa càng thêm hư ảo, lắng cả trời bâng khuâng.

Cái màu hoa ấy, tôi và bạn đã đứng rất lâu trong thứ nắng ban mai của buổi giao mùa để "lưu khoảnh khắc vào tim". Bây giờ bạn ở trời Tây, có da diết nhớ mặt đất và bầu trời đầy sắc hồng lưu luyến?

Điệp anh đào trong sân trường Quốc Học (ảnh: sưu tầm từ Internet)

Quốc Học - sân trường ngày hoa rơi (ảnh: sưu tầm từ Internet)
Tôi nhớ mãi buổi chia tay ngày ấy, buổi gặp mặt cuối cùng của cả lớp trong tiếng cười vui rồi lặng lẽ ra về dưới ánh hoàng hôn, để lại trên sân trường một chiếc ghế đá có khắc tên lớp và niên khóa làm kỷ niệm. Bức ảnh ấy, tôi không còn giữ, bởi cơn lũ lịch sử 1999 đã cuốn đi rồi; nhưng những lần trở lại trường, tôi vẫn tìm chiếc ghế đá của chúng mình một thuở.

Bạn đi, tôi cũng đã đi, dẫu không đi xa như bạn thì khoảng trời hồng kia cũng chỉ còn trong hoài niệm. Những cánh hoa vương trên tóc, vương trên áo, vương trên những trang giấy trắng học trò, để bây giờ cứ đọng mãi trong tim.

Và tôi vẫn thèm được trở về sân trường Quốc Học một ngày chớm sang xuân, để tìm lại một thời hoa mộng…

5.2008 
Share on Google Plus

About Unknown

Bài viết này được chia sẻ bởi Unknown.
    Blogger Comment
    Facebook Comment

0 nhận xét:

Đăng nhận xét