Tịnh tâm nơi cõi thơ


Tịnh tâm nơi cõi thơ – đó là cảm giác của tôi khi đặt chân đến chùa Huyền Không Sơn Thượng ở Huế. Chất thơ đã vương đầy con đường lên chùa, với những đồng lúa chín vàng trải dài típ tắp bên chân rặng núi trùng trùng điệp điệp quyện đầy mây trắng, với những ruộng bắp thoảng mùi thơm dìu dịu lẫn hoa dại xao xuyến dọc lối đi, với rừng thông Vạn Tùng Sơn xao xác gió, hoa sim bâng khuâng sườn đồi, tiếng ve đầu hè phá vỡ thinh không…

Và cõi thơ cũng hiện rõ mồn một ngay từ lối vào: đôi cánh cổng lắp từ hai thân cây lớn mở ra một chốn thiền tĩnh lặng, đầy những dòng thơ viết bằng chữ thư pháp trên thân cây, vách đá… Bốn chữ “Huyền Không Sơn Thượng” nằm khiêm nhường trên một tảng đá đặt bên lối đi, không xa chiếc hồ hoa súng thẫm màu lam chiều của bóng núi.


Gọi là “Huyền Không Sơn Thượng”, bởi nó là chùa Huyền Không nằm trên núi, phân biệt với một ngôi chùa khác nơi chân núi là “Huyền Không Sơn Hạ”. Vào đây, bạn lạc vào một vùng núi non hoa cảnh, đúng như câu thơ của nhà chùa:

Hữu tình cây lá đong đưa
Huyền Không mây tía xa xưa Phật về
Bốn mùa câu chữ Bồ Đề
Có nghe sương nước bốn bề lặng thinh.


Trên hồ là một cây cầu nhỏ nghiêng mình dưới bóng cây xanh, dẫn ra hòn đảo đầy hoa hồng mai. Từ đây nhìn lên đỉnh núi, thấy cờ Phật bay lồng lộng giữa những tầng mây trắng. Qua khỏi hồ hoa súng là “Không Sơn thiền uyển” – một khu vườn có đủ loại hoa và những bài thơ đề trên vách đá. Bộ bàn trà bày dưới tán bằng lăng, hoa rơi trên bàn đá và nhuộm tím cả sân, ngồi đây mà nghỉ chân thì lòng thư thái lắm, phút chốc bụi trần biến đâu mất cả, chỉ thấy một không gian thanh tịnh vô cùng.


Qua hết “Không Sơn thiền uyển” là một hồ hoa súng nữa với mật độ hoa đậm đặc hơn. Men theo con đường nhỏ, hồ trải rộng với lác đác những bông sen lớn, đôi gian nhà tranh nổi trên mặt nước thật hữu tình.

Nước sông giọt vỡ giọt trôi
Bâng khuâng nhìn lại nỗi đời chảy quanh
Bèo rong hai lớp khôn đành
Hư vô chiếu bóng dòng xanh ngậm ngùi.


Cứ đi một chốc là lại bắt gặp những dòng thư pháp đề thơ trên đá như thế với nét bút tài hoa của nhà sư Minh Đức Triều Tâm Ảnh – bút hiệu của thượng toạ Giới Đức – người đóng góp rất nhiều cho văn học với nhiều tác phẩm đã xuất bản, không chỉ văn thơ trên các báo, tạp chí và sách về đạo Phật mà còn có cả tiểu thuyết, truyện ngắn. Không những thế, thượng tọa còn là một nhà thư pháp lớn của Việt Nam, rất am tường hội họa và trang trí mỹ thuật, nên thơ lưu lại khuôn viên chùa cũng bay bổng trong từng nét bút, vừa đượm cái hồn dân tộc vừa làm thăng hoa vẻ đẹp của thi ca.

Ở Huyền Không Sơn Thượng, những lời đề nghị dành cho khách viếng chùa mới thanh nhã làm sao:

Xin khách để bụi dưới thềm
Cho thơm cửa Phật, cho thiền nở hoa.

Xin người dừng bước nơi đây
Là miền tĩnh lặng, khói mây tọa thiền.


 
 
Ngay cả những tấm biển cấm bằng tiếng Việt lẫn tiếng Anh cũng được viết rất nhã nhặn, đầy tôn trọng: Cảm ơn các bạn đã nói, cười trong tĩnh lặng (Thanks for Talking and Laughing in Mindfulness!); Cảm ơn các bạn đã giữ gìn xanh sạch môi trường (Thanks for Keeping the Environment Clean!”)…

Và đây là bảng nội quy của chùa – một bảng nội quy toàn bằng thơ:


Vào gian chính của chùa là bức tượng Phật lớn, gian nhà thư pháp và rất nhiều hoa trồng xung quanh, dòng nước nhỏ tung tăng cá lội uốn quanh gian chùa. Do núi cao bốn bề bao phủ nên chùa mát lắm, thơ và hoa lá lại hòa mình cùng cảnh mây núi vừa cao, vừa xa, vừa dài, vừa rộng khiến tâm hồn thoáng đãng, ra khỏi cổng chùa vẫn thấy lòng lưu luyến cảm giác tịnh tâm nơi cõi thơ.


8.2009
Share on Google Plus

About Unknown

Bài viết này được chia sẻ bởi Unknown.
    Blogger Comment
    Facebook Comment

0 nhận xét:

Đăng nhận xét