Mùa lá

Chẳng biết tự bao giờ, tôi yêu cái khoảng thời gian trời bắt đầu đổi gió và những chiếc lá lìa cành vương đầy trên lối đi. Tôi gọi đó là mùa lá.

Mùa lá thấm đẫm trong tâm hồn tôi một cách vô thức, nhưng nó thực sự trỗi dậy mãnh liệt và thiết tha vào tuổi hoa niên. Ở Huế, hầu như con đường nào cũng rợp bóng cây xanh, nên cái thời khắc lá rơi nó mênh mang lắm. Trời thì sóng sánh màu nắng, cũng có khi buồn ủ ê. Lá rơi chẳng vội vàng, hiếm khi gặp những đợt lá trút ào ào rồi theo gió xào xạc cuốn đi, mà nhẹ nhàng rơi xuống trong tĩnh lặng, thảng thốt như một cái vỗ vai bất chợt. Lá cứ nằm yên như thế, chồng lớp bên mỗi gốc cây, hứng lấy giọt mưa chiều và sương mai buổi sớm, trông như những đôi mắt ướt.

Mà những đôi mắt ướt, bao giờ cũng đẹp u hoài, lãng mạn và long lanh.
 
Đi trong mùa lá, lòng không thao thức làm sao được? Cũng chính vì cái mênh mang đó mà tôi kết câu thơ của Huỳnh Văn Dung:

“Giữ chút gì rất Huế đi em
Nét duyên là trời đất giao hòa
Dẫu xa một thời anh gặp lại
Vẫn được nhìn em say lá hoa.”

Mùa lá ở Huế đã bắt đầu từ độ tháng 3. Thật lạ, lá thì phải rơi vào mùa thu chứ? Nhưng nếu không có cái lạ lùng ấy thì làm sao Huế có thể mênh mang từ cuối xuân được? Sự độc đáo ấy bắt nguồn từ một loài cây đặc trưng của Huế: cây ngô đồng.

Ngô đồng rụng lá từ cuối xuân, rồi bắt đầu một mùa hoa lộng lẫy kiêu sa. Những ngày ngô đồng rụng lá và ra hoa đã gợi không biết bao nhiêu cảm hứng của các thi nhân. Lá ngô đồng hình trái tim, to bằng bàn tay. Những ngày hiu hắt gió, sương giăng trên phố phường, giăng lên cả những bức tường rêu phủ, những trái tim vàng bay lả tả, lãng mạn cực kỳ.

Sang hè, Huế lại bắt đầu một mùa lá nữa, lá mỏng mảnh nên mờ cả lối đi: mùa phượng về.

Cũng vì phượng Huế rụng bớt lá trong mùa hè nên hoa càng thêm thắm, cháy rực cả góc trời như những vòm lửa rưng rưng. Nhưng nếu bạn vì yêu hoa phượng mà tìm đến đường Phượng Bay thì sẽ thất vọng tràn trề đấy. Hoa phượng đẹp nhất ở những hàng cây hai bờ Nam Bắc sông Hương, còn đường Phượng Bay thì chỉ đẹp lá mà thôi. Cũng chính vì lá cây mùa hạ mà những con đường Thành Nội như thẳm sâu hơn, lá quấn quýt bước chân nên đi hoài không hết lối.

Tháng 10 sang lại đem đến cho Huế một mùa lá khác.

Thu về nên rất nhiều loài cây rụng lá. Tôi cùng bè bạn đi suốt những con đường mênh mang lá cây: Đội Cung, Lê Lợi, Điện Biên Phủ, Ngô Quyền, Trần Cao Vân… - những con đường đưa chúng tôi đến trường rồi lại tiễn về nhà. Tôi nhớ những buổi chiều tan học, mây nhuốm màu hoàng hôn, mà lá cũng thắm vàng như thế, xao xác trên con đường Ngô Quyền sau lưng trường Quốc Học và Hai Bà Trưng, trước giảng đường Đại học Y khoa. Tôi nhớ những cây sồi già ở đường Lê Lợi, những cây bàng đỏ rực lá thu. Những ngày này đi theo con đường lên lăng, sẽ thấy rừng thông phớt chút ánh vàng. Những sân chùa lá đổ, chú tiểu không kịp quét, nhất là chùa Từ Hiếu lá phủ đầy những sân rêu. Mùa lá đã làm không ít trái tim học trò thao thức.

Những mùa lá ấy đã cùng tôi đi hết thời thơ ấu của mình rồi khựng lại ở tuổi thanh xuân. Những người bạn dần xa, chia tay trong lặng lẽ. Tôi cũng đi rồi, còn đâu những ngày xưa đạp xe trên xác lá mùa thu – cái thời khắc qua nhanh như chớp mắt để còn nhường chỗ cho những ngày bão lũ.

***

Tôi cảm Hà Nội trước Sài Gòn nhưng “nàng thu” Hà Nội lại khiến tôi phải đợi chờ lâu nhất, bởi chỉ mới cách đây 3 năm tôi mới có dịp ra Hà Nội vào đúng mùa thu.

Thu Hà Nội đi vào trái tim tôi từ ngày còn đi học qua những vần thơ, lời nhạc, như người ta chỉ nghe giọng nói ngọt ngào qua điện thoại chứ chưa một lần gặp mặt mà thầm yêu trộm nhớ. Bài thơ đầu tiên làm tôi xao xuyến về một Hà Nội thật đẹp, thật cổ kính, thật nồng nàn và thật sâu lắng là bài Hà Nội Phố của Phan Vũ, dài dằng dặc 25 chương, với những “cánh cửa sắt lâu ngày không mở”, “những nụ hôn xanh ngắt trên cành”, những “cô hàng hoa – gánh mùa thu qua cổng chợ”, “những ngọn đèn mờ - trên nóc phố - mùa trăng không tỏ - tiếng rao đêm - lạc giọng - thờ ơ...”

Và mùa lá đến cũng thật khẽ khàng:

“Ta còn em màu xanh thật đêm
Ngôi sao lẻ
Xào xạc chùm cây gió
Chiếc lá lạc vào căn xép nhỏ
Lá thư quên địa chỉ
Quay về...”

Nhưng rồi một thoáng ngỡ ngàng chợt đến khi mùa thu Hà Nội lại không nhiều lá rơi như những ngày xuân lạnh mà tôi đã chứng kiến hơn 10 năm về trước. Sau này tôi có dịp kiểm chứng một lần nữa và nhận ra rằng: thu Hà Nội làm tôi say bởi hương hoa, hương cốm, bởi thứ gió heo may xuyên suốt lớp nắng dịu dàng, chứ cái độ lá rơi tầng tầng lớp lớp rải thảm trên khắp các con đường Phan Đình Phùng, Hoàng Diệu, Tràng Thi, công viên Bách Thảo, bờ hồ… phải là lúc xuân sang. Chẳng biết tôi nói có đúng không, hay đất trời đỏng đảnh dỗi hờn mà chọc ghẹo tôi đấy thôi?

Tôi phải thừa nhận với một niềm ghen tỵ thầm kín rằng mùa lá Hà Nội đẹp quá, đẹp nhất trong những thành phố Việt mà tôi đã đi qua. Dẫu vậy, nếu cho tôi đổi lại quá khứ thì tôi sẽ không đổi đâu, vì mùa lá mỗi nơi đều để lại trong tôi những ký ức ngọt ngào (tôi chẳng còn nhớ nổi liệu có đắng cay nào không nữa). Mùa lá Hà Nội không kéo dài, chắc chỉ chừng hơn một tháng thôi, mà may thay tôi lại “ăn dầm ở dề” tại Hà Nội suốt cả một tháng ấy 13 năm về trước, rong ruổi phố phường bằng một chiếc xe đạp mượn của đứa cháu dì tôi.

Tôi có những người bạn cũ ở Hà Nội, bạn mới quen, rồi bạn anh trai tôi… Chúng tôi đi qua mùa lá đổ, lòng lắng lại vì những khoảnh khắc đẹp giản dị không nằm trong thi ca: những chiếc lá trút ào ạt sau cơn gió mạnh, mang theo những giọt nước mưa ẩm ướt và thứ khí lạnh khiến người ta khe khẽ rùng mình; những chiếc lá nổi lềnh bềnh trên rãnh nước; những chiếc lá đậu trên quang gánh chị đồng nát đang băng qua đường…, để rồi tiếc nuối nhìn đống lá cuốn theo tiếng chổi sàn sạt dẫu biết rằng rồi sẽ có những cơn mưa lá tiếp theo.

Không hẳn là phải đi trên những con đường lá ấy lòng mới đầy cảm xúc. Có khi vào một đêm trăng lạnh, đứng ngoài ban công nhìn chiếc lá chao xuống mặt đường chênh vênh trên nắp cống, lòng lại dâng lên một nỗi xao xuyến run rẩy rất đỗi mơ hồ.

***

Rồi những mùa lá khác cũng đến – mùa lá Sài Gòn.

Tôi vốn không nghĩ đến việc có một mùa lá trong lòng Sài Gòn phố khi đặt chân đến mảnh đất phương Nam nắng gió này, nên khi mùa lá ập đến, tôi thấy ngỡ ngàng lắm, lạ lẫm lắm. Nhưng lá đã chẳng rơi suốt con đường Trần Quốc Thảo là gì? Tháng 12 năm ấy, trời thật lạnh, lạnh đến mức tôi phải bất ngờ vì đã lỡ hình dung một thành phố “không có mùa đông”. Nhưng rồi cũng chỉ có những thoáng lạnh ấy thôi, chứ tháng 12 vẫn trở về với một Sài Gòn rất đẹp: trời trong xanh, nắng vàng nhạt, gió phiêu diêu trên các nẻo đường cuốn lá bay theo. Mùa lá ở Sài Gòn không mênh mang như Huế, không xao xác như Hà Nội, mà lại rất trẻ trung và tinh nghịch: những chiếc lá còn xanh đua nhau trút xuống, không ngoan ngoãn ngủ yên trên vỉa hè mà đuổi nhau hối hả. Thì đấy, Sài Gòn năng động trong từng chiếc lá, cái kiểu như muốn đánh động để người thờ ơ cũng không được lãng quên.

Tôi quen anh vào mùa lá đầu tiên ở Sài Gòn. Còn nhớ lần đầu tiên hò hẹn, anh hỏi tôi muốn đến nơi nào, tôi trả lời: “một nơi thật xanh”. Ba mùa lá trôi qua đủ để gắn kết hai con người ngang bướng lại với nhau. Chúng tôi chuyển nhà đến gần khu Thảo Cầm Viên. Tôi không còn đi qua con đường Trần Quốc Thảo để đến chỗ làm việc nữa, nhưng cây đường Nguyễn Bỉnh Khiêm đủ để làm tôi yêu quý thêm mùa lá của Sài thành.

Thảo Cầm Viên, Dinh Thống Nhất, công viên Tao Đàn, công viên Gia Định… là những nơi mùa lá khoe mình dưới những gốc cây cổ thụ. Đến những nơi ấy, có thể ngồi ngắm lá trong tĩnh lặng, tách biệt với cái ồn ào của phố xá ngoài kia, nhưng lại thấy tiêng tiếc những chiếc lá me bay xoay giữa trời xao xuyến trên những con đường tấp nập.

Ôi trời, sao lại ngồi viết vu vơ thế này? Tại mùa lá đấy chứ! Không, tự trách mình đi, trách chi mùa lá. Thế mà tôi cũng tặc lưỡi, đổ lỗi cho một ngày giữa hạ bỗng nhiên nhớ về những mùa lá đã qua, nghe như lá đang rơi xào xạc trong một tiếng thở dài.


 7.2009
Share on Google Plus

About Unknown

Bài viết này được chia sẻ bởi Unknown.
    Blogger Comment
    Facebook Comment

0 nhận xét:

Đăng nhận xét